1. Hãy kể lại một cách ngắn gọn truyện “Vợ Chồng A Phủ” từ đầu cho đến khi Mị và A Phủ chạy thoát khỏi Hồng Ngài. 2. Hãy phân tích một chi tiết mà em thích nhất trong đoạn văn ấy.

1. Kể:

Ai ở xa về, có việc qua nhà thống lí Pá Tra, thường thấy có một cô gái lúc nào cũng cúi xuống, gương mặt buồn rười rượi ngồi quay sợi gai bên tảng đá cạnh tàu ngựa trước cửa. Người ta bảo Pá Tra làm thống lí ăn của dân nhiều, lại nhận muối đồn Tây về bán, nhà giàu nhất trong làng, vậy thì con gái nó có bao giờ biết cái khổ, cái buồn... hỏi ra mới rõ: cô gái ấy không phải con gái thống lí. Cô ấy là Mị, vợ A Sử, con trai thống lí.

Mị về làm dâu nhà Pá Tra từ bao giờ, cô không nhớ, và cũng chẳng ai nhớ cả. Nhưng ngày xưa bố mẹ Mị cưới nhau phải đến vay tiền nhà thống lí. Mỗi năm phải trả cho chủ nợ một nương ngô tiền lãi. Cứ như thế, khi bố mẹ Mị đã già, và đến lúc mẹ Mị chết đi, nợ vẫn chưa trả được.

Những năm sau đó Mị sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa

Mị lớn lên như bông hoa nở giữa rừng. Thống lí đến nhà Mị, bảo bố Mị cho Mị về nhà thống lí làm dâu thì sẽ trừ được nợ. Giữa lúc bố Mị nửa thương tiếc nương ngô mỗi năm phải trả, nửa thương con gái hầu hạ nhà giàu, chưa biết tính sao, Mị đã ngỏ ý xin bố cho mình được ở nhà để làm ngô trả nợ. Tết năm ấy, trai gái đi chơi, thổi sáo gọi người yêu khắp núi này núi nọ. Thừa dịp đó, người nhà thống lí Pá Tra giả làm người yêu đến gọi Mị, bắt cóc Mị về trình ma nhà thống lí. Trở thành con dâu gạt nợ khổ nhục mọi bề, Mị trốn về lạy chào cha định ăn lá ngón tự tử, nhưng rồi nghĩ mình chết đi không ai trả nợ thì cha mình lại càng khổ sở, Mị cắn răng quay trở lại nhà thống lí. Những năm sau đó Mị sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau. Bây giờ Mị tưởng mình là con trâu, con ngựa, chỉ biết ăn cỏ đi làm mà thôi. Cũng không còn nghĩ đến tự tử nữa, bởi đã khổ quá nhiều rồi, đã ở quá lâu trong cái khổ rồi, chẳng còn biết thế nào là khổ nữa. Đời Mị cứ thế trôi đi trong cái buồng có một lỗ cửa bằng bàn tay, ngày nào cũng như ngày nào...

Cho đến cái Tết năm ấy... Thấy người ta uống rượu, thổi sáo, đi chơi, Mị cũng muốn đi chơi, uống rượu. A Sử đi suốt đêm. Về nhà thấy Mị định đi chơi bèn trói vợ vào cột nhà, rồi lại đi chơi suốt đêm. Trong bóng tối, Mị nửa mê nửa tỉnh, chỉ biết mình bị trói khi thấy dây thít lại đau buốt khắp người. Cũng trong đêm ấy, A Sử bị A Phủ, một chàng trai làng khác, đánh cho tơi tả. A Phủ bị phạt vạ, phải đi ở trừ nợ cho nhà quan thống lí. Vốn là một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cần cù, nên được mọi người yêu thương, A Phủ về nhà Pá Tra gánh hết mọi việc nặng nhọc, làm gì cũng phăng phăng. Lần ấy, vì đề hổ ăn mất bò, A Phủ cũng lại bị trói đứng bên cột nhà như Mị. Ngày ngày, những người đàn bà trong nhà đi ngang qua đều cúi mặt, không ai dám hỏi, dám nhìn. Mị cũng vậy, thản nhiên, vì thấy người bị trói như thế đã nhiều quá rồi. Đêm nay, nếu Mị ra sưởi lửa, hơ tay, thấy mắt A Phủ trừng trừng mới biết người còn sống. Nhưng giá A Phủ có là cái xác đứng đây thì cũng thế thôi... Một đêm, trở dậy thổi lửa, nhìn sang thấy A Phủ cũng vừa mở mắt, một dòng nước mắt ứa chảy xuống đôi hõm má đã đen xám lại, Mị chợt nghĩ đến những lần mình cũng bị trói như thế. Nghĩ miên man, tuy sợ hãi, nhưng bỗng dưng Mị cởi trói cho A Phủ chạy thoát. Rồi Mị cũng vụt chạy theo sau. Hai người đỡ nhau vượt núi, băng sống, hơn một tháng sau đến được Phiềng Sa. Mị và A Phủ trở thành vợ chồng từ đấy, bắt đầu bước vào một cuộc sống mới.

Đó là phần đầu câu chuyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.

2. Phân tích.

Phần này có rất nhiều chi tiết hay và cảm động. Nhưng theo em, chi tiết có ý nghĩa nhất là chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ.

Theo dõi từ đầu cầu chuyện, đến chi tiết này, người đọc cũng cảm thấy như chính mình vừa được cởi trói. Trước đoạn đời đau khổ câm lặng của Mị, trước cảnh Mị và A Phủ bị trói đứng đớn đau tủi nhục... ta cảm thấy xót thương, thống cảm, căm phẫn bao nhiêu, thì trước sự giải thoát của cả hai người vào lúc ấy ta lại cảm thấy sảng khoái, thanh thản, thỏa mãn bấy nhiêu. Vì chỉ bằng một hành động cởi trói ấy, cô Mị lầm lũi ủ rũ kia đã thực sự cởi trói cho cuộc đời xiềng xích, đày đoạ của mình. Hai tâm hồn khổ đau, hai cuộc đời nô lệ gặp nhau bỗng chuyến hóa thành sức mạnh. Phía trước gian nan thử thách còn nhiều tình yêu, hạnh phúc sẽ đến. Họ đã bỏ lại phía sau cả quá khứ ê chề của kiếp đời trâu ngựa.

Mị cởi trói cho A Phủ

Đây là chi tiết có ý nghĩa nhất phản ánh sự chuyển biến tính cách và những diễn biến tâm lí của nhân vật một cách tinh tế. Đối với A Phủ kể từ sau khi cắn đứt vòng dây trói, rồi bị trói chặt lại không còn có thể lúc lắc được nữa, anh mất hết cảm giác và ý thức. Phản ánh duy nhất ở anh trong suốt quá trình câm lặng chịu trói là những dòng nước mắt chảy ra một cách vô thức khi biết mình sắp chết.Mị quá trình diễn biến tâm lí phức tạp hơn nhiều. Liền mấy hôm, A Phủ bị trói ở góc nhà. Mị vẫn thản nhiên: chuyện đó đã quá thường ở nhà thống lí Pá Tra. Nhưng đêm nay, vẫn như mọi đêm, Mị ra thổi bếp lửa để sưởi, trông thấy dòng nước mất A Phủ “bò xuống hai hôm má đã đen lại”, Mị chợt nhớ đến cảnh bị trói của mình ngày xưa. Giọt nước mắt nỗi đau khổ của A Phủ thức tỉnh nỗi đau khổ đã lắng chìm bao năm nay của Mị. Đắm vào những suy nghĩ, cảm thông, căm thù, lo sợ, Mị đi đến hành động táo bạo: cởi trói cho A Phủ. Về mặt ý thức, Mị không có chủ định cởi trói, cũng không lí giải được vì sao Mị làm như vậy. Hành động ấy là kết quả bộc phát của một quá trình suy nghĩ quá lâu, quá dồn dập. Hành động ấy hoàn toàn tự phát, vô ý thức, nhưng xuất phát ở sự cảm thống bắt đầu từ chỗ dửng dưng đưa đến những suy nghĩ căm thù mỗi lúc một sâu sắc, là kết quả nỗi đau khổ dồn nén, chồng chất, của lòng trắc ẩn tiềm tàng...

Hành động ấy có phù hợp tính cách nhân vật không? Thật ra không phải bất cứ ai ở vào hoàn cảnh Mị cũng hành động như thế! Và một con người bị đày đoạ đến gần như mất hết cảm giác, ý thức về cuộc sống, tại sao bỗng dưng lại có hành động táo bạo như vậy? Tuy thế, hành động của Mị vẫn hết sức hợp lí, phù hợp với tính cách, quy luật phát triển tất yếu của cuộc sống. Điều đó thể hiện rất rõ ở những nét bản chất của nhân vật. Khi miêu tả Mị là cô gái đẹp, tràn trề sức sống, khao khát hạnh phúc, nhà văn đã gửi vào đấy cả một mạch sống trữ tình dạt dào, mãnh liệt của Tây Bắc. Vì thế mà Mị, ngay cả khi đã chôn vùi cuộc sống, tuổi xuân ở nhà Pá Tra, đã mất hết cảm giác sự sống... chỉ cần nghe tiếng sáo gọi bạn thiết tha đêm xuân, cũng đã đủ gọi dậy cả một mầm sống tiềm tàng, cả quá khứ tươi đẹp, mà quên đi hiện tại... “Mị lòng phơi phới trở lại”, khát vọng hạnh phúc lại bừng cháy, Mị bồn chồn, trong đầu chỉ “rập rờn tiếng sáo”, chuẩn bị đi chơi... Trong phút chốc, cả quãng đời đau khổ, cả thân phận nô lệ đều bị xóa nhoà trong tâm trí Mị. Điều đó cho thấy ở Mị tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, âm ỉ. Cha con thống lí dù có tàn bạo hơn nữa cũng không thể dập tắt nổi, nó luôn chập chờn trong Mị cũng như hình ảnh “đám than đã vạc hẳn lửa”, nhưng thật sâu bên trong vẫn còn âm ỉ nóng, chỉ cần một ngọn gió là có thể bùng cháy mãnh liệt. Ngọn gió ấy chính là cảnh A Phủ bị trói, hình ảnh lửa, mầm sống trong Mị, đủ đem lại cho Mị những cảm giác của một con người. Đó là điều hoàn toàn phù hợp tính cách nhân vật Mị.

Hơn nữa, Mị cởi trói cho A Phủ không chỉ vì xót thương, thông cảm, mà trong sâu xa tính cách Mị, ý thức hoặc vô ý thức, còn vì chính sự giải thoát tâm hồn Mị. Mị cởi trói cho A Phủ chính là sự cởi luôn dây trói thít chặt cuộc đời mình, theo tiếng gọi của cuộc sống luôn ẩn sâu trong lòng Mị. Chính vì vậy mà sau khi cởi trói cho A Phủ, Mị bàng hoàng chợt tỉnh, lúc ấy mới kịp ý thức hành động của mình và hốt hoảng chạy theo. Tất cả là bản năng tự phát vô thức; nhưng khi chạy theo A Phủ, ngoài sự sợ hãi, lo lắng, Mị đã chạy theo tiếng gọi mãnh liệt, thiết tha của cuộc sống, ẩn chứa tiềm tàng đã từ lâu trong Mị. Hai con người ấy, với cùng một cảnh ngộ, đã gặp nhau và nâng nhau dậy, A Phủ được Mị cởi trói, và nhờ có A Phủ, Mị có điều kiện tự cởi trói cho chính mình. Hành động cởi trói của Mị tuy diễn ra ngẫu nhiên, đột ngột, nhưng phù hợp với sự phát triển tính cách nhân vật, đồng thời phù hợp với quy luật phát triển của cuộc sống: có áp bức, có đấu tranh. Đó chính là sự chuyển biến lớn nhất, tạo ra bước ngoặt đổi đời đầy ý nghĩa, có sức khái quát về tinh thần phản kháng của người dân bị áp bức.

Đó cũng là chi tiết bản lề, tạo cho sản phẩm có một kết cấu vừa cân đối hợp lí tự nhiên, vừa hấp dẫn độc đáo. Nhờ chi tiết ấy tính cách của nhân vật Mị (và cả A Phủ) được cá thể hóa và khái quát hóa một cách rõ nét, gây ấn tượng mạnh mẽ, không thể quên trong lòng người đọc.

Leave a Reply