Anh (chị) có nhận xét gì về nỗi nhớ trong hai câu đầu và cảnh hành quân sau đó? Riêng về cảnh hành quân được phác họa vừa là ngoại cảnh vừa là tâm cảnh như thế nào? Nó có giá trị gì về tạo hình và nhạc điệu?

Cảnh hành quân là cảnh thứ nhất của bức tranh. Nó hiện ra từ nỗi nhớ. Nói cho thật đúng thì hai câu đầu bài thơ nói lên nỗi nhớ không chỉ dành cho cảnh thứ nhất. Nó là nền cảm hứng của toàn bài. Nó làm hiện lên một khoảng cách thời gian và không gian trong tâm tưởng:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Nỗi nhớ ấy hướng về một đối tượng đơn giản là một vùng đất (sông Mã), một đoàn quân (Tây Tiến). Nhưng chỉ cần chạm vào cái địa chỉ ấy là tâm thức dội lên bao nhiêu khắc khoải. Chỉ hai chữ "xa rồi" đã là bao nhiêu tiếc nuối. Chỉ một chữ "ơi" mà man mác bâng khuâng. Người ta nghĩ đến cái im lặng giữa các dòng thơ. Ấy là chưa nói những hợp ầm giữa các chữ: ơi, chơi vơi tạo sự ngân vang trong kí ức. Còn "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi" với hai chữ "nhớ" điệp từ, hai nhịp thơ cồn cào quặn thắt. Hai câu thơ hướng nội với độ kìm nén này đủ sức mạnh tạo nên một sức bật cho cảm hứng thơ đi suốt cả bài.

Sông Mã

Tuy nhiên cảnh hành quân vẫn là cảnh thứ nhất. Đây là một đại cảnh bao gồm thiên nhiên rừng núi hùng vĩ, hoang vu, thơ mộng và đoàn quân trèo đèo vượt dốc đường xa. Ở đây, thiên nhiên dường như là chủ thể. Đại ngàn thật heo hút khói sương. Một hệ thống những địa danh nghe sao xa lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch...

Hai câu thơ bí ẩn như một câu chuyện đường rừng. Nhưng đó mới chỉ là cái ở bên ngoài. Còn những gì cốt lõi bên trong lại gắn liền với cái nhọc nhằn của cuộc hành quân bất tận. Chỉ cần bỏ một từ như từ "mỏi" ở câu ba thì thơ bảy chữ thành thơ sáu chữ. Và cái nhịp điệu của câu sáu chữ ấy trở nên rất khoan hoà. Nó đi theo một khuynh hướng hoàn toàn khác: khuynh hướng thi vị hoá. Bởi vậy, dù miêu tả thiên nhiên, nhà thơ muốn hiện thực hoá cái mệt mỏi, nhọc nhằn có thật. Có thật trong ý thức tạo hình "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống", "Chiều chiều oai linh thác gầm thét"... Mỗi câu thơ là một thử thách, những thử thách đa chiều đối mặt với những chàng trai "đá mềm chân cứng". Nhưng vì sao, nếu theo dõi cả mạch thơ ta thấy có hiện tượng sóng đôi giữa cái trắc trở với cái nhẹ nhàng. Phải chăng cảm hứng lãng mạn đã làm cho câu thơ bay bổng. Điển hình nhất là cặp câu:

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Pha Luông

Nếu không có những câu toàn âm phù bình thanh (thanh bằng) thì câu thơ nặng nhọc đến quá sức chịu đựng của con người. Nhưng hiện tượng sóng đôi ấy không đồng đều. Có một lúc nào đó như đoạn thơ từ câu "Anh bạn dãi dầu không bước nữa" đến câu "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", cảm hứng hiện thực dường như lấn át bởi có đến bốn câu nói về những gian khổ, hi sinh mà chỉ có hai câu nhẹ nhàng như chiếc đòn gánh trên vai nghiêng hẳn về một phía. Thì ra những gian lao ở đây là có thật. Có thật trong hai cảm hứng đan xen (lãng mạn và hiện thực), có thật trong hơi thở gấp gáp của con người trèo dốc, có thật cả trong những mất mát hi sinh từ những chiến binh nằm lại ("Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời"). Nếu không nhận thức được cảm quan hiện thực này sẽ không thấm thìa được cái giá mà người lính phải trả, nhất là phải trả một cách lặng thầm bằng cái chết vô danh.

Leave a Reply