Anh (chị) hãy bình luận câu nói sau: Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất. (Trích Lời cỏ cây, Bàn về thân phận... trong cuộc đời, Ma - rai Sa - đo)

BÀI LÀM 1

Ai trong cuộc đời cũng từng ít nhất một lần thất bại. Không ai có thể vươn đến thành công mà không phải nếm trải cảm giác thất bại. Sau mỗi thất bại lại là một lần ta có thêm được những kinh nghiệm trong cuộc sống và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, có một sự thất bại không thể tha thứ được vì nó đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn: mềm yếu với chính bản thân mình. Chính vì vậy trong cuốn Lời cỏ cây: Bàn về thân phận con người trong cuộc đời, tác giả Ma-rai Sa-đo người Hung-ga-ry đã từng nói: Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đây là sự thất bại thảm hại nhất.

bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đây là sự thất bại thảm hại nhất

Thất bại là một từ không có gì lạ lẫm trong cuộc đời mỗi con người. Nhiều người giải thích thất bại là sự thua cuộc. Đúng nhưng chưa đủ, chưa bao quát toàn bộ vấn đề. Thất bại còn là việc không thể đạt được, không thể vươn tới một cái đích nào đó mà bản thân đã đặt ra từ trước: quyền lực, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp,... thua trong một trận đấu, một cuộc thi hay đơn giản chỉ là kết quả không tốt của một bài kiểm tra. Thất bại với từng người cũng khác nhau. Với một vận động viên thể thao, sẽ là thất bại nếu người ấy không thể chiến thắng đối thủ; với người kĩ sư xây dựng, sẽ là thất bại nếu như những công trình của anh không đạt được sự vững chắc, an toàn và độ thẩm mĩ cần thiết; với người học sinh, thất bại là việc không thể vượt quan một kì thi hết sức quan trọng nào đó hoặc chỉ đơn giản là ganh đua hết sức mình cho vị trí hạng nhất để rồi cuối cùng cũng phải ngậm ngùi về nhì. Thất bại là hết sức cần thiết cho con người vì sau mỗi lần thất bại ta sẽ phải biết đứng dậy để làm lại từ đầu, để cố gắng nhiều hơn nữa sao cho tương lai không còn phải nhận trái đắng. Quan trọng hơn cả là sau mỗi lần thất bại, ta lại có thêm kinh nghiệm để không mắc sai lầm lần nữa.

Tuy nhiên, mềm yếu với bản thân lại là một thất bại hoàn toàn khác. Đó có thể là sự đầu hàng với những ham muốn, cám dỗ của bản thân hoặc sau mỗi lần thất bại thì trỏ' nên sụp đổ, yếu đuối đến mức không thể đứng dậy được nữa. Con người luôn luôn bị những cám dỗ, ám ảnh về những giá trị vật chất, sự giàu sang hay thành công chỉ trong tích tắc cuôh hút khiến cho họ có thể đánh mất bản chất tốt đẹp của mình nếu không có được tâm lí và bản lĩnh vững vàng. Trong mọi việc, ta phải luôn chế ngự bản thân, không được phép để cho mình trở nên mềm yếu vì khi ấy bản lĩnh của ta sẽ được thử thách. Lằn ranh mong manh giữa tốt và xấu có thể biến mất bất cứ lúc nào nếu không biết làm chủ bản thân.

Vào một ngày nắng đẹp, khi ra đường, bạn nhặt được một cái ví với nhiều tiền bên trong. Trong bạn, phần ác đang cười bảo: “Cứ lấy đi, có ai biết đâu! Lấy đi để còn mua sách vở, đồ chơi, quần áo”. Thế nhưng, phần thiện ra sức khuyên bạn không nên làm như vậy. Bạn sẽ nghe theo ai? Nếu như bạn để cho những ham muốn vật chất lấn át chế ngự lí trí, bạn sẽ nghe theo phần ác. Đó chính là sự mềm yếu với bản thân. Trong giờ kiểm tra, gặp một câu hỏi khó, trong lòng bạn tự đặt ra câu hỏi: “Có nên mở tài liệu ra xem không?”. Đây là lúc tính trung thực của người học sinh được thử thách. Bạn không thể cho cái đích điểm số biến bạn trở thành một học sinh vô kỉ luật được. Bạn không được coi tài liệu vì như vậy bạn đã để cho bản thân chiến thắng một “bạn” quá mềm yếu. Kiểm tra lần này không tốt là do không ôn bài kĩ thì lần sau còn có thể gõ lại được, còn danh dự và đạo đức của một con người học sinh khi đã bị vấy bẩn bởi cái ham muốn tầm thường vì điểm số thì rất khó có thể rửa sạch. Phải chiến thắng chính mình, sau đó mới chiến thắng đối thủ trong các cuộc thi, đó là nguyên tắc. Không được phép trở nên mềm yếu với bản thân. Giả sử bạn tham dự một cuộc thi đấu thể thao. Vinh quang và danh vọng cùng phần thưởng có giá trị liệu có thể biến bạn thành một kẻ thủ đoạn, bất chấp tất cả để giành chiến thắng? Vận động viên khi bước ra sân thi đấu luôn phải mang trong mình tinh thần chơi đẹp, đúng tinh thần thể thao, dẫu có thua cũng không dùng đến thủ đoạn. Nếu bạn là một vận động viên chân chính, chắc chắn bạn sẽ thi đấu bằng tất cả khả năng và nỗ lực của mình, không bao giờ dùng đến thủ đoạn để giành thắng lợi. Đó là lúc bạn không thất bại dẫu có thua đi chăng nữa vì bạn đã chiến thắng bản thân, không trở nên mềm yếu trước những cám dỗ.

mềm yếu với bản thân lại là một thất bại hoàn toàn khác

Mềm yếu với bản thân còn là không thể đứng dậy được sau những thất bại. Thất bại là điều không thể tránh khỏi trên con đường vươn tới thành công. Nếu như sau một lần thất bại bạn trở nên mềm yếu, sụp đổ hoàn toàn, cảm giác như cả thế giới tràn ngập bóng tối và không thể đứng dậy được nữa, đó là lúc bạn thất bại thảm hại nhất; thất bại với chính mình, với những người yêu mến và hi vọng vào mình. Đứa trẻ ba tuổi lần đầu tập đi chắc chắn phải ngã, vậy mà nó vẫn kiên trì tập tiếp cho đến ngày có thể đi bằng hai chân chứ không còn phải bò nữa. Bác Nguyễn Ngọc Ký lần đầu tập viết bằng chân đâu có thể trơn tru ngay được, vậy mà bây giờ bác viết bằng chân đẹp không thua gì chúng ta viết bằng tay. Những ví dụ trên cho thấy không thể đứng dậy sau thất bại cũng là một sự mềm yếu với bản thân.

Những ai đã vượt qua cái mềm yếu ấy chính là vượt lên được sự thất bại thảm hại nhất, để có cơ sở thành công trong mỗi việc mình làm.

Chế ngự được bản thân không bao giờ là một điều đơn giản. Bất cứ một con người nào đôi lúc cũng vì những ham muôn, cám dỗ tầm thường khiến cho mình trở nên phân vân như đứng trước ngã ba đường. Chính vì vậy, để không phải nhận cái thất bại thảm hại nhất là mềm yếu với bản thân, ta phải thật sự hiểu được chính mình, phải biết kiềm chế những ham muốn đó lại, phải luyện rèn bản lĩnh của mình qua năm tháng để trở nên cứng cáp hơn trong cuộc sống, có thể đối đầu được với những thử thách khó khăn ấy một cách đường hoàng, tự tin. Không ít người đã vướng vào tội lỗi, đã không thể chiến thắng những ham muốn ích kỉ và hẹp hòi của bản thân chỉ vì họ quá thiếu bản lĩnh. Chúng ta phải luôn cố gắng hết sức mình trong mọi việc để dù cho có thành công hay thất bại, ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản vì đã làm bằng tất cả khả năng của mình. Đồng thời, điều này cũng giúp ta tránh được những ám ảnh day dứt về việc sử dụng những cách không tốt để giành thắng lợi. Ngoài rằ, sau mỗi lần vấp ngã, ta phải biết tự đứng dậy, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai.

Câu nói của Ma-rai Sa-đo rất sâu sắc và ý nghĩa! Câu nói nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn biết thể hiện bản lĩnh cá nhân trong những hoàn cảnh thử thách khó khăn nhất của cuộc sống, nhất là trong bối cảnh cuộc sống ngày càng trở nên phức tạp hơn, những cám dỗ, ham muốn ngày càng nguy hiểm và khó lường. Phải giữ gìn nhân cách thật tốt và không ngừng cố gắng, phấn đấu trong mọi việc để vươn tới thành công một cách xứng đáng, đó là điều mà tôi rút ra được từ câu nói của Sa-đo. Chúng ta phải biết làm chủ bản thân mình! Không được đầu hàng hay mềm yếu với bản thân! Giả sử sau này tôi và bạn có đối đầu nhau trong một cuộc thi, hãy cùng chiến thắng bản thân chúng ta trước đã bạn nhé!

BÀI LÀM 2

Như một bản đàn với nhiều tiết tấu, một bức tranh với sự kết hợp của những mảng màu khác nhau, cuộc sống cũng có lúc thăng trầm, lúc tràn ngập niềm vui, khi đong đầy nước mắt, lúc hạnh phúc tột đỉnh, khi lại khổ đau đến tột cùng, lúc rạng rỡ với những thành công và cũng không ít lần cay đắng bởi những thất bại. Bởi thế, trong mắt người khác, bạn có thể thất bại vài ba lần nhưng với bản thân, bạn không được phép yếu mềm, vì đó là thất bại thảm hại nhất.

Thất bại là một từ không có gì lạ lẫm trong cuộc đời mỗi con người

Trên hành trình khám phá cuộc sống, con người luôn luôn mong muốn vươn tới những điều tốt đẹp, và gặt hái được những thành công. Thế nhưng con đường ấy không hề bằng phẳng mà còn nhiều chỗ khúc khuỷu, gập ghềnh và cũng chính những đoạn không hề dễ đi ấy có thể làm ta vấp ngã và có thể phải chấp nhận một sự thất bại. Thất bại có thể là không đạt dược mục đích mà mình đề ra; cũng có khi là sự bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho những khó khăn. Thế nhưng có lẽ sự thất bại lớn nhất chính là khi bạn nản lòng, không còn muốn cố gắng để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.

Cuộc sống vô cùng đa dạng, thiên biến vạn hoá và trong cái thế giới bao la muôn hình vạn trạng ấy mỗi con người chỉ là một phần rất nhỏ bé. Hơn nữa, “Nhân vô thập toàn”, con người không có ai là hoàn hảo cả. Vì thế, sự vấp ngã trước những khó khăn là một điều hết sức bình thường. Thế nhưng, nếu trước những thất bại ấy mà ta nản lòng, không còn động lực để cố gắng nữa thì ta sẽ chẳng bao giờ đến được với thành công. Người khôn ngoan trong cuộc sống phải luôn ghi nhớ rằng: không thành công hay thất bại nào là cuối cùng cả. Vì vậy, nếu ta yếu lòng trước một thất bại cũng có nghĩa là ta sẽ đầu hàng và đồng nghĩa với việc sẽ chẳng bao giờ ta có cơ hội để thành công. Còn thất bại nào thảm hại hơn thế? “Thất bại không phải là vấp ngã mà là cứ nằm lì sau vấp ngã” (M.A. Ca-re-ra).

Thất bại là điều không ai mong muốn, thế nhưng, trong cuộc sống sự thất bại sẽ cho ta thấy mình thực sự ở đâu, thật sự cần gì, đang thiếu những gì. Ai cũng biết là không nên mềm yếu trước thất bại nhưng để thực hiện được nó thì không hề đơn giản. Sự yếu lòng trước những lần vấp ngã chủ yếu là do chủ quan, do cá nhân không tự trang bị cho mình một bản lĩnh vững vàng để đốì mặt với khó khăn. “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. (Nguyễn Bá Học).

Và trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương đã đứng dậy sau vấp ngã. Để có thể tiếp tục sống và trở thành người có ích, những con người tàn tật đã phải vượt qua biết bao đau đớn, mặc cảm sau khi dường như đã mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống. Có những danh nhân thành đạt lập nghiệp từ hai bàn tay trắng hay gây dựng lai cơ nghiệp sau khi bị phá sản. Phải qua bao thử nghiệm thất bại mới có được một phát minh khoa học có giá trị,... Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, không ít những người trẻ, những thanh niên dường như đã gục ngã sau mỗi thất bại, thậm chí đã có người tìm đến cái chết khiến xã hội phải rung lên hồi chuông báo động về bản lĩnh của thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi người hãy tự học cách chấp nhận thất bại đúng đắn nhất. Hãy rèn luyện cho mình sự kiên nhẫn, niềm tin, sự vững vàng để cố gắng đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Tuy nhiên, hành trang quan trọng để chúng ta đứng dậy sau mỗi lần thất bại là phải rút ra được những kinh nghiệm để không bao giờ thất bại nữa. Tuổi trẻ với nhiều ước mơ, hoài bão đồng nghĩa với việc sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng mỗi chúng ta đừng tự cho phép mình thất bại. Thất bại chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta không thể thay đổi tình thế dù đã cố gắng hết sức. Riêng với bản thân mình, tôi rất thích câu nói của Mô-ra-vi-a: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến”. Trong cuộc hành trình đó, bản lĩnh, niềm tin, sự vững vàng và tri thức, kinh nghiệm sẽ là những phương tiện hữu ích nhất.

Cách ứng phó trước những thất bại trong cuộc sống cũng là một trong những cách để người khác đánh giá về con người bạn. Bởi thế, có lẽ không phải vô cớ khi A. Lin-côn lại nói: “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào?”.

Leave a Reply