Anh (chị) hãy cho biết thực trạng và giải pháp cho những trẻ em mồ côi, lang thang không nơi nương tựa

Tình trạng trẻ em lang thang, không gia đình là vấn đề bức xúc của xã hội. Vì những cảnh ngộ khác nhau, các em phải tự vào đời kiếm sống. Trong khi đó, những cám dỗ xấu, nhiều kẻ xấu luôn lợi dụng các em để làm những việc bất chính.

Thực trạng và giải pháp cho những trẻ em mồ côi, lang thang không nơi nương tựa

Nhiều lần báo chí đưa tin những kẻ xấu tự nhận là cha mẹ những trẻ em này và bắt chúng suốt ngày đi ăn xin hay làm những việc khổ ải khác cốt để kiếm tiền mang về cho chúng. Nhiều em khi không kiếm được tiền liền bị đối xử tàn nhẫn, các em bị đánh dập, bị chửi mắng và thậm chí là bắt nhịn đói suốt đêm.

Vốn yếu ớt và chưa trưởng thành nên các em không thể nào chống lại được những kẻ bất long đó. Như thế cuộc sống của các em là một chuỗi những ngày khốn khổ. Các em không chỉ chịu bạo hành về thể xác mà còn bị xúc phạm cả về tinh thần. Cuộc sống của các em đó đầy bóng tối, sống mà không có chút hi vọng gì cho ngày mai.

Trẻ em lang thang cơ nhỡ là những mảnh đời khốn khó, tội nghiệp. Bản thân các em đâu có muốn một cuộc sống như thế, nhưng các em không có sự lựa chọn nào khác và cha mẹ các em vì những cảnh ngộ nào đó cũng đâu có muốn để con mình rơi vào thảm cảnh đó nhưng lại hoàn toàn bất lực.

Các em có thể làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như đi bán báo, bán vé số, đánh xi giày... Trong những tình cảnh khốn cùng nhất, các em phải ăn xin, thậm chí là trộm cắp để kiếm miếng ăn... Để có chỗ ngủ, các em phải tìm đến với đủ loại xó xỉn để tìm được nơi giữ được chút hơi ấm qua đêm dài giá rét. Cạnh tranh để sinh tồn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các em.

Sự thiếu thốn, đói khổ sẽ khiến nhân cách các em lệch lạc. Sống lâu với cái ác con người ta rồi cũng bị thoái hóa. Nếu không được uốn nén kịp thời, khi trưởng thành, các em dễ trở thành tội phạm, người xấu, người ác... Một khi trở thành người xấu, thì những tác hại mà xã hội phải gánh chịu thật là khủng khiếp.

Trẻ em lang thang cơ nhỡ là những mảnh đời khốn khó, tội nghiệp

Do vậy, giải pháp thu nhận và giáo dưỡng những trẻ em này là việc làm thiết thực của bất kì một quốc gia tiên tiến và nhân đạo nào.

Trước hết, chúng ta cần xóa sổ những kẻ xấu mạo danh người tốt để trục lợi trên xương máu trên những trẻ em vô tội. Nhà nước cần thẳng tay trừng trị bọn chúng. Bắt giữ và đưa chúng ra xét xử công khai để làm gương cho những kẻ rắp tâm làm điều ác, phải lấy đó làm nỗi khiếp sợ, không dám làm điều xằng bậy.

Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

Mối quan tâm của xã hội và những người hảo tâm đối với các em là vô cùng cần thiết. Ở đây không phải vấn đề về từ thiện, là vấn đề nhân đạo tức thời mà là hành động có ý nghĩa vĩnh viễn, một chiến lược nhân đạo về con người. Khiến mọi người trở thành công dân tốt là khiến cho xã hội ấy tốt đẹp hơn mấy phần.

Những mái ấm tình thương cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc. Quan trọng hơn là ở những nơi đó các em được học hành. Những kiến thức nhà trường đặt nền móng thiết thực để các em hội nhập cộng đồng. Nếu có khả năng học tập, các em có thể đạt đến những bằng cấp cao như cử nhân, thạc sĩ... Nếu không tiếp tục học lên cao, các em có thể chọn một trường chuyên nghiệp nào đó, để tìm cho mình một nghề thích hợp. Khi ra đời, với nghề nghiệp ổn định, các em có thể trở thành những công dân tốt, đóng góp được công sức mình cho đất nước.

Sự quan tâm đến số phận cá nhân là sản phẩm của một xã hội văn minh, nhân đạo. Trong những ngôi nhà tình thương ấy, trẻ em lang thang có được lương thực để ăn, có đủ áo ấm để mặc, có đủ sách vở để học hành, có đủ tình thương, tình đồng loại để sống như một con người đúng nghĩa, được yêu thương và yêu thương mọi người.

Yêu thương và hành động vì những mảnh đời cơ nhỡ là việc làm thiết thực và cần thiết. Nếu chỉ có yêu thương không thôi thì chưa đủ. Một tình yêu thương đích thực là tình yêu thương trong hành động. Nói cách khác, tình yêu thương đó phải biến thành hành động cụ thể thì mới có thể mang lại sự đổi đời cho những thân phận cơ hàn.

Trẻ em lang thang, đói rách không có tội mà tội lỗi lớn nhất là hành vi ngoảnh mặt, không cho đúng một cơ hội để làm người.

Leave a Reply