Anh/ chị hãy nêu cảm nghĩ của mình về cái chết của lão Hạc trong tác phầm cùng tên của Nam Cao

Sau khi đọc xong những tác phẩm của Nam Cao, người đọc dường như vẫn cảm thấy xót xa và day dứt khôn nguôi trước số phận của những con người khốn khổ như bà cái Tý trong Một bữa no, anh Đĩ Chuột trong Nghèo, anh Phúc trong Điếu văn...Song có lẽ ám ảnh hơn cả là cái chết dữ dội của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

cái chết của lão Hạc trong tác phầm cùng tên của Nam Cao

Mặc dù gần 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng cái chết ấy vẫn đủ sức làm quặn thắt bao tấm lòng người đọc. Vì sao vậy? Phải chăng vì Nam Cao tuy chưa dắt Lão Hạc vượt qua thảm cảnh bi đát của đời mình nhưng ông đã để ở đấy trọn vẹn một tấm lòng. Chính vì vậy mà ông để cho nhân vật của mình chọn một cái chết khác thường khi xét cả ba phương diện: nguyên nhân sâu xa của cái chết, phương cách chết và ý nghĩa của cái chết.

Thứ nhất là nguyên nhân cái chết.

Một câu chuyện cười kể rằng: Có lão phu nọ vào rừng kiếm củi, trời nắng to, lão mệt mỏi và kiệt sức chẳng đủ sức để đỡ bó củi lên vai lão, lão buồn bã nói

- Khổ thế này thì thà chết còn hơn.

Vừa dứt lời thì thần chết hiện lên hỏi:

- Ông lão! Ông vừa nói gì?

Ông lão hốt hoảng và ấp úng trả lời:

- Không! tôi chẳng nói gì cả. Tôi chỉ nói: giá như có ai đỡ bó củi lên vai thì hay biết mấy.

Câu chuyện thật đơn giản, ngắn ngủi và kết thúc bằng một tiếng cười bật lên từ phía người đọc. Nhưng có lẽ cái thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc thì chẳng giản đơn chút nào, đó là vấn đề tình yêu cuộc sống. Con người dường như càng già thì càng quý sự sống, hay nói cách khác là khi cận kề bên cái chết thì bản năng sinh tồn của con người sẽ trỗi dậy mãnh liệt và yêu sự sống hơn bao giờ hết.

Vậy thì tại sao lão Hạc lại tìm đến cái chết?

“Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vè sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão, hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tý gì để bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày 3 hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt...”

Lão quyết định bán “Cậu Vàng”. Bán đi người bạn thân thiết nhất, bán đi kỷ vật cuối cùng của con trai lão- lão đau đớn, dằn vặt và lương tâm lão dày vò khôn nguôi.

Rồi lão mang 25 đồng bạc lão dành dụm được cộng với 5 đồng bán chó, với mảnh vườn 3 sào sang gửi ông giáo. Thế rồi từ hôm đó: “Tôi thấy lão Hạc chỉ toàn ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì ăn món nấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì lão ăn rau má với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi.

- Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ, lão làm lão khổ, chứ ai làm lão khổ”.

Vâng! Có lẽ lão làm lão khổ thật. Bởi vì nếu lão là người cha tầm thường, à không! phải nói là người cha bình thường chứ, thì lão sẽ chưa chết, thậm chí sẽ còn sống lâu hơn nữa là đằng khác. 30 đồng bạc cộng với mảnh vườn 3 sào, sẽ là một khoản kha khá lão có thể sống được. Nhưng lão đã không làm như thế. Mảnh vườn là tài sản duy nhất vợ lão hồi còn sống phải thắt lưng buộc bụng mới tậu được. Nó là tài sản duy nhất vợ chồng lão dành cho con. Bởi vậy mảnh vườn ấy gắn với danh dự, bổn phận của kẻ làm chồng, làm cha. Còn món tiền 30 đồng bạc ấy sẽ được dùng phòng khi lão chết có tiền ma chay. Lòng tự trọng không cho phép lão làm phiền đến mọi người. Cho nên món tiền ấy mang ý nghĩa danh dự của kẻ làm người, lão không thể tiêu vào đó. Cuối cùng lão chọn cái chết để tự giải thoát.

Vậy, từ diễn biến trên ta thấy nguyên nhân cái chết của lão Hạc là do tình cảnh đói khổ, túng quẫn đã đẩy lão đến bước đường cùng: Lão phải chết, đó cũng là số phận cơ cực đáng thương của những người nông dân nghèo sống trong thời kỳ đen tối trước cách mạng tháng Tám.

Song nguyên nhân sâu xa của cái chết, không chỉ là do tình cảnh đói khổ, túng quẫn mà là do xuất phát từ lòng thương con âm thầm, sâu nặng xuất phát từ đức hy sinh cao cả của người cha. Một người cha dám đánh đổi cả sự sống của mình để dành dụm số tiền ít ỏi cho tương lai của con.

Thì ra, ẩn đằng sau vẻ già nua, khắc khổ tội nghiệp ấy là cả một trái tim lớn lao nồng hậu, âm thầm nhưng tha thiết, bền bỉ luôn cháy lên ngọn lửa của tình phụ tử thiêng liêng. Thì ra đức hy sinh không chỉ là “độc quyền” của người phụ nữ mà nhiều khi, sự hy sinh ấy ở nam giới, sâu sắc to lớn hơn nhiều.

Thì ra, đôi khi ở những con người bình thường lại chứa đựng những phẩm chất phi thường. Chao ôi! Nếu có “Hậu lão Hạc” thì anh con trai lão sẽ trở về, sẽ lấy vợ, sinh con, lão sẽ được sống những ngày cuối đời thật thanh thản hạnh phúc. Lão sẽ được phụng dưỡng chăm sóc, lòng hiếu thảo của con cháu sẽ sưởi ấm đời lão, sẽ xoá nhoà tất cả những vết thương đau.

lão Hạc

Nhưng! Ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Hễ ai đọc Lão Hạc thì chẳng dễ gì quên được cái chết kinh hoàng của Lão: “Lão vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến 2 tiếng đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi và Binh Tư hiểu”.

Không! Không chỉ có ông giáo và Binh Tư hiểu mà tất cả mọi người đều hiểu, đều đau đớn trước cái chết kinh hoàng ấy. Phương cách chết của lão là chết bằng bả chó, chết do trúng độc bả chó.

Chúng ta vẫn tự hỏi ngàn lần rằng vì sao lão Hạc không chọn một cái chết êm dịu hơn, nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn.

Lý giải điều này, sách giáo viên Ngữ văn 8(Tập 1- trang 39, xuất bản tháng 5/2004) viết rằng:

“Ông lão nhân hậu, trung thực này chưa từng lừa một ai, lần đầu tiên trong đời lão phải lừa là lừa “cậu vàng” “người bạn thân thiết của mình. Lão đã lừa để “cậu vàng” phải chết thì giờ đây lão cũng phải chết theo kiểu một con chó bị lừa”.

Nếu hiểu như vậy, thì chỉ là lớp nghĩa đầu. Bởi vì lão chết bằng bả chó là xuất phát từ dụng ý nghệ thuật của tác giả, khẳng định một điều rằng: Ông không muốn trốn tránh sự thật của cuộc sống, cũng không muốn tìm lối giải thoát có tính chất chủ quan, dễ dãi.

Thời bấy giờ nhà văn Nguyễn Công Hoan nói rằng: “Tự lực văn đoàn nhìn khói mái nhà của người nông dân, còn tôi, tôi nhìn vào dạ dày của họ”. Vũ Trọng Phụng thì gọi việc lảng tránh những vấn đề cuộc sống là chạy xa sự thực bằng những từ điêu trá của văn chương “... như vậy là giả dối là tự lừa mình và di họa cho đời”.

Còn Nam Cao lặng lẽ khẳng định “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối nghệ thuật là những tiếng đau khổ toát ra từ những kiếp lầm than”. Và bằng cái chết của lão Hạc, ta thấy Nam Cao đã chứng minh được điều đó.

Nam Cao để cho lão Hạc chết bằng bả chó tức là ông đã tôn trọng cái logic của sự thật cuộc đời. Vì chỉ có cái chết dữ dội ấy mới đủ sức tố cáo xã hội đương thời lúc ấy đã đẩy con người bất hạnh đến cùng đường tuyệt lộ, khiến họ phải chết một cách thê thảm đớn đau.

Ngoài ra Nam Cao muốn đề cập vấn đề nhân phẩm: dù phải trả giá đắt đến mấy, con người cũng phải giữ cho được phẩm chất của mình. Và lão Hạc đã làm được điều đó. Dù túng quẫn nhưng lão không theo gót Binh Tư... Nhân tính đã chiến thắng bản năng, lòng tự trọng vẫn đủ sức giữ chân con người trước bờ vực của sự tha hoá. Lão thà chết chứ không làm điều xằng bậy. Đó là nét đẹp trong quan điểm đạo đức của nhân dân ta “chết vinh còn hơn sống nhục”.

Lão quằn qoại nằm xuống nhưng nhân cách của lão còn mãi trong lòng độc giả. Đó cũng chính là ý nghĩa của cái chết Lão Hạc.

Cái chết ấy khép lại câu chuyện và có rất nhiều người cho rằng, cái chết này ẩn chứa đâu đó hình bóng bi kịch: Đó là bi kịch của sự đói nghèo, bi kịch của tình phụ tử, bi kịch của phẩm giá làm người.

Chính cái chết này góp phần làm rõ hơn quan điểm có phần cực đoan của Nam Cao: “Hạnh phúc là một tấm chăn hẹp người này kéo thì người kia hở”.

Nhưng xét một cách toàn diện thì cái chết ấy chưa hẳn là bi quan vì nó nói lên được niềm tin sâu sắc vào phẩm chất tốt đẹp ở người nông dân của tác giả. “Không! cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn. Mà nếu đáng buồn thì đáng buồn theo một nghĩa khác”. Lão Hạc là một người nông dân chân lấm tay bùn chưa từng đọc sách thánh hiền, chưa từng được tham dự một lớp học nào về cách làm người, về tình phụ tử song cả cuộc đời lam lũ, lương thiện và trong sáng thanh cao của lão, cả cái chết kinh hoàng của lão- là minh chứng đầy đủ cảm động về nhân cách làm người, về tình cha con thiêng liêng sâu nặng.

Leave a Reply