Anh chị hãy phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tác phẩm cùng tên tác giả Nguyễn Tuân

Hình tượng ông Đò là nhân vật chính trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân. Nếu như đoạn đầu tác giả đã miêu tả khá kĩ chân dung ngoại hình của ông Đò thì ở đoạn trích này tác giả đặt nhân vật vào một thế trận không cân sức. Đó là cuộc chiến giữa ông đò với con sông Đà hung bạo. Từ cuộc chiến đó, phẩm chất của ông đò đã tỏa sáng trên mặt trận sông nước. Đó không chỉ là sự dũng cảm, bình tĩnh, sự thông minh, từng trải mà đó còn là tài nghệ tuyệt vời của một con người đã quen với sóng nước sông Đà.

Con sông Đà với mưu ma chước quỷ cuả kẻ thù số một của con người đã bày ra ba vòng vây vi thạch trận để thử thách người cầm lái. Một kho từ vựng vô cùng phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được Nguyễn Tuân huy động để tái hiện trận thế trên sông Đà.

hình tượng người lái đò sông Đà

Vượt qua vòng vây lần thứ nhất mặc cho sóng, thác liên tục đánh hồi lùng, đánh đòn trả, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Mặc cho mặt méo bạch đi vì đau đớn nhưng ông đò vẫn giữ chặt tay lái. Trong tiếng hỗn chiến của sóng nước sông Đà, người ta vẫn nghe tiếng chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái. Ở đoạn này nhân vật ông đò hiện lên dưới nét bút tài hoa của Nguyễn Tuân chẳng khác nào một chiến tướng tài ba trên mặt trận sông Đà. Vị chiến tướng ấy đã bộc lộ rõ bản lĩnh kiên cường, sự bình tĩnh, dũng cảm của mình.

Khi vượt qua vòng vây lần thứ hai, mặc cho sông Đà đã thay đổi chiến thuật, đã bố trí cửa sinh lệch về bờ hữu ngạn, ông đò vẫn thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, bởi vậy cái nắm chặt cái bờm sóng đứng luồng rồi. Ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh. Những động tác của ông rất thuần thục, chính xác, có chỗ thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, có chỗ thì ông đè sấn lên chặt đôi ra để mở đường tiến... Từng hành động của ông gợi ta liên tưởng đến hình ảnh của một kị sĩ tài ba đang điều khiển con tuấn mã bất kham đó là dòng sông Đà.

Vượt vòng vây lần thứ ba, với ông đò thực sự là một trận quyết đấu bởi lúc này bên phải, bên trái của ông đều là luồng chết cả. Cái luồng sống duy nhất lại nằm ngay sau lưng bọn đá hậu vệ. Ở đoạn này, chỉ cần sơ suất hay chủ quan một tí thôi là con thuyền có thể tan xác. Tuy nhiên, với một người đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá như ông đò thì không có một thử thách nào có thể ngăn cản được đường tiến của ông. Lúc này, với sự điều khiển khéo léo của ông đò, con thuyền như đã được tự động hóa “vút, vút cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượm được”. Chỉ miêu tả tốc độ của con thuyền vượt thác, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật tài nghệ xuất chúng của một “tay lái ra hoa”. Ở đoạn văn này, ông đò đã hiện lên như một nghệ sĩ trong bộ môn chèo thuyền vượt thác.

Như vậy, bằng sự dũng cảm, bình tĩnh, sự thông minh, từng trải, sự tài hoa, khéo léo của mình cuối cùng ông đò đã giành được chiến thắng trước con sông Tây Bắc hung bạo. Chiến thắng này của ông đò là một lời khẳng định chiến thắng tất yếu của con người trước thiên nhiên mặc dù ai cũng biết đường đến vinh quang, với chiến thắng không bao giờ là con đường bằng phẳng.

Hình tượng ông đò có ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp phẩm chất của nhân dân lao động Tây Bắc – một thứ vàng mười đã qua thử lửa. Qua nhân vật này, tác giả một mặt vừa thể hiện lòng ngưỡng mộ, tự hào của mình về nhân dân lao động Việt Nam mặt khác tác giả đã khẳng định vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạnh Việt Nam trên mặt trận lao động sản xuất.

Leave a Reply