“Bạn có yêu đời không? Vậy đừng phung phí thời gian vì chất liệu cuộc sống làm bằng thời gian” (Phrăng-klanh). Có đúng như vậy không?

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Trọng tâm của đề giải thích: Vì sao phải biết quý thời gian, lí lẽ chính phải làm rõ đã được gợi ra trong đề, đó là thời gian làm nên chất liệu cuộc sống. Câu hỏi “Bạn có yêu đời không” chỉ là câu đưa đẩy, để dẫn đến tam đoạn luận “Cuộc sống là quý giá, mà cuộc sống làm bằng thời gian, vậy phải quý thời gian. Vậy vấn đề cần làm rõ ở đây là thời gian làm nên chất liệu cuộc sống sau đó mới bàn luận biết quý thời gian là thế nào (cách sử dụng thời gian sao cho có ích nhất)”.

BÀI LÀM

“Cái quý nhất là cuộc sống, người ta chỉ sống có một lần thôi”. Câu hỏi bạn có yêu đời không tưởng không trả lời thì ai cũng biết. Nhưng quý cuộc sống thì phải thế nào? Theo Fran-klin thì yêu đời phải “đừng phung phí thời gian vì chất liệu cuộc sống làm bằng thời gian”.

Đừng phung phí thời gian

Chất liệu cuộc sống làm bằng thời gian. Đúng vậy, trong cuộc sống, không có cái gì tự sinh ra mà không có thời gian thai nghén, không có cái gì tự lớn lên mà không có thời gian nuôi dưỡng, tự hình thành mà không có thời gian tạo dựng. Không phải công trình nào của cuộc sống được làm bằng nhiều thời gian cũng đều tốt, đều lớn, nhưng tất cả những công trình tốt, lớn đều đòi hỏi nhiều thời gian xây đắp, hoàn thiện: một ngôi nhà đẹp, một trình độ văn hóa cao, đều được làm bằng sự tích tụ công sức trong thời gian dài, từng ngày một, từng phút một, không thể đốt cháy giai đoạn, đốt cháy thời gian. Kiến tha lâu mới đầy tổ. Thạch nhũ dẹp, phải hàng triệu năm, những giọt nước mang CO3Ca rỏ xuống mới làm nên. Những sự thăng hoa trong phút chốc của nghệ thuật, của khoa học thực ra đã dược chuẩn bị từ lâu qua trải nghiệm, nghĩ suy khi gặp sự sống thích hợp mới lóe lên như mặt trời đột ngột lên sau một đêm thao thức ở bên kia chân trời (ý Chế Lan Viên).

Thời gian trôi nhanh, một đi không trở lại, như ngựa câu vút qua cửa sổ, như dòng nước không bao giờ trở lại bến cũ, như mũi tên bay không lấy lại được, như kim đồng hồ chạy không bao giờ giữ lại được, như con người lớn lên không trở lại được tuổi thơ, người già đi không trở lại được tuổi trẻ mà quỹ thời gian thì ngày càng co lại, cuối cùng phía trước chỉ còn sự già yếu và cái chết.

Phải nâng niu thời gian, tiết kiệm thời gian, tranh thủ thời gian. Thời gian là vàng, đừng để nó trôi qua kẽ tay. Phải biến nó thành có ích, từng phút một. Phải làm cho nó thành có hiệu quả cao nhất. Năng suất là phân số mà tử số là chất lượng cộng số lượng còn mẫu số là một số đơn vị thời gian. Hãy làm cho tử số thật to mà mẫu số thật bé. Đó là cách quý thời gian.

Chất liệu cuộc sống làm bằng thời gian

Thời gian quý như vậy, làm nên chất liệu cuộc sống, như vậy nên phải tận dụng thời gian, không được phung phí thời gian. Vậy chẳng lẽ không còn chút thời gian cho nghỉ ngơi thư giãn, thế thì cuộc sống còn gì thú vị.

Trước nhất, thú vị của cuộc sống không chỉ ở thư giãn, giải trí mà còn ở chính lao động sáng tạo, ở thành quả của công việc. Thời gian thư giãn, giải trí là cần vì đó không những là niềm vui sống mà còn là sức khỏe để tái tạo sức lao động. Phải biết dành thời gian cho nghỉ ngơi, thư giãn. Biết nghỉ ngơi cũng là biết lao động. Miễn là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn phải hợp lí (có nghĩa là phải vừa đủ về số lượng và có chất lượng tốt). Làm được như thế cũng là biết quý thời gian, biết yêu cuộc sống.

Biết quý thời gian không phung phí thời gian, biết tận dụng thời gian là tốt nhưng sử dụng thời gian như thế nào cho có hiệu quả nhất lại là một việc phải bàn. Trước khi làm một việc gì phải có thời gian chuẩn bị tốt cho công việc, không dành thời gian cho chuẩn bị sẽ mất nhiều thời gian hơn cho thực thi như khi nấu cơm không dành thời gian làm khô củi mà cứ đun củi tươi, củi ướt. Làm việc phải có kế hoạch, có thời gian biểu, phân lượng thời gian, sắp xếp thời gian hợp lí. Sử dụng thời gian tốt cũng là biểu hiện của sự quý thời gian.

Cuộc sống ơi ta mến yêu người, nhưng ta không thế sống bằng mọi giả nghĩa là sống thế nào cũng được. Ta muốn có một cuộc sống có chất lượng, một cuộc sống có hiệu năng lớn nhất trong sức ta, trong quỹ thời gian của ta.

Bởi vậy ta quyết làm theo lời khuyên của Franklin “Đừng phung phí thời gian và chất liệu cuộc sống làm bằng thời gian”. Làm theo Franklin, ta sẽ làm chủ thời gian, thời gian sẽ ủng hộ ta, cuộc sống chúng ta sẽ là phần thưởng mà thời gian ban tặng cho ta và như thế chúng ta không chỉ sống có một cuộc đời mà như hơn một cuộc đời.

Leave a Reply