Bàn luận về ý kiến sau đây: "Lạc quan là nguồn gốc của sức mạnh"

Phải sống thế nào? Phải nhìn đời, nhìn cuộc sống như thế nào? Có ý kiến cho rằng: "Lạc quan là nguồn gốc của sức mạnh".

1. Vậy, lạc quan là gì?

- Lạc quan là cách nhìn, là cách sống, là thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp. Trái với lạc quan là bi quan. Bi quan là cách sống, là cách nhìn nặng nề về mặt tiêu cực, không tin ở tương lai, lúc nào cũng cảm thấy thất bại chủ nghĩa đè nặng lên tâm hồn mình.

Lạc quan

2. Tại sao, lạc quan là nguồn gốc của sức mạnh?

a. Lạc quan là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Lạc quan cho ta niềm tin tưởng sáng ngời. Dù đang trải qua muôn vàn khó khăn trở ngại, với tinh thần lạc quan ta vẫn tin tưởng vào ngày mai, một ngày mai tươi sáng sẽ mở ra, sẽ đón đợi ở phía trước: "Hết mưa là nắng hửng lên thôi... Hết khổ là vui vốn lẽ đời" (Trời hửng - Hồ Chí Minh). Trong gian khổ, thiếu thốn, đói rét, gặp lúc hạn hán, bão tố, lũ lụt cơ hàn, "tháng tám chưa qua, tháng ba đã tới", nhưng bà con dân cày vẫn cần cù siêng năng, cuốc bẫm cày sâu, hy vọng vào mùa gặt sắp tới, lúa tốt bời, để có bát cơm đầy dẻo thơm:

"Bao giờ cho đến tháng mười,

Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn"

Những năm kháng chiến chống Mĩ vô cùng ác liệt, bom đạn mù mịt, nhưng quân và dân ta vẫn tin tưởng vào một ngày mai chiến thắng, đất nước sẽ được tái thiết trong hòa bình, huy hoàng hơn, tráng lệ hơn:

"Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".

(Di chúc - Hồ Chí Minh)

Vì tin tưởng và hy vọng, nên trong cuộc sống, nhân dân ta thường hay nghĩ đến "ngày mai"; thơ văn cũng hay nói đến "ngày mai":

- "Ngày mai sẽ là một ngày sum họp..."

(Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mĩ)

"Ngày mai rộn rã sơn khê,

Ngày xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.

Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng,

Phố phường như nấm như măng giữa trời..."

(Việt Bắc - Tố Hữu)

b. Lạc quan là sức mạnh để vượt qua muôn ngàn thử thách trên đường đời. Đó là sức mạnh của lòng kiên nhẫn, của dũng khí, sẩn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh. Trong lao động sản xuất: "Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi, thánh thót như mưa ruộng cày" (Ca dao). Trong chiến đấu: "Dù bom đạn xương tan thịt nát / không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh" (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu). Trên đường chiến lược Trường Sơn thời kháng chiến chống Mĩ:

"Xe không kính không phải vì xe không kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng..."

Phạm Tiến Duật

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính)

Sức mạnh của tinh thần lạc quan tạo nên bản lĩnh của con người Việt Nam trong sản xuất và chiến đấu để lập nên bao thành tích tốt đẹp, bao chiến công oai hùng sáng ngời sử sách.

Yêu đời

c. Lạc quan khơi dậy lòng yêu đời, khát vọng sống trong mỗi chúng ta. Có lạc quan mới có nụ cười, mới có tiếng hát. Trên con đường chiến lược Trường Sơn, các chiến sĩ thanh niên xung phong đã cất cao "tiếng hát át tiếng bom" để lập nên kì công: "Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng" trong thời đại Hồ Chí Minh. Lứa tuổi hai mươi thuở ấy sao đẹp thế!

"Chúng mình ngày ấy hai mươi

Làm đường xe chạy, bom vùi chẳng lo.

Hương Đô ngọt những tiếng hò

Xen câu ví dặm, ai chờ ai đây?

Qua đêm mong, lại đến ngày

Con sông Ngàn Phố đong đầy tình xa..."

(Gặp lại tuổi hai mươi - Đào Thiện Sính)

Tóm lại, trên đường đời đi tới ngày mai, không thể sống bi quan vì bi quan là tự đào hố diệt vong. Trái lại, phải sống lạc quan. Có lạc quan mới yêu đời, mới tìm thấy vẻ đẹp và giá trị của cuộc sống. Lạc quan cho ta sức mạnh để vươn tới tương lai đẹp và hạnh phúc.

Leave a Reply