Bàn về một đức tính tốt đẹp mà em đã và đang rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi: Quan tâm, giúp đỡ mọi người

Không thể sống biệt lập, tự khép kín giữa cộng đồng. Con người Việt Nam chúng ta, ai cũng vậy, ngoài tình gia đình, nội tộc còn có tình láng giềng, tình làng xã, tình đồng bào, tình dân tộc. Ai cũng cảm thấy, cảm biết sự quan tâm tới mọi người, sự giúp đỡ mọi người là nghĩa vụ, là niềm vui hạnh phúc. Quan tâm, giúp đỡ mọi người để xây dựng và phát triển thành tình làng, nghĩa xóm và vô cùng tha thiết, mãnh liệt là nghĩa vụ.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe

Dân ta có nền nông nghiệp lâu đời. Mỗi làng xã đều có hương ước. Gặp năm lũ lụt hạn hán, cả làng kéo nhau đi đào kênh, tát nước, be bờ chống hạn chống lũ. Hổ báo từ rừng sâu mà ra bắt trâu, bắt người, thì cả làng nổi lửa gõ trống gõ chiêng, cầm giáo mác cung tên đi vây hổ, bắt hổ. Ông già, trai tráng, cha con, anh em, gia đình nào cũng có mặt để vây bắt Ông-ba-mươi. Nguy hiểm cũng không từ nan! Một số làng, một số gia tộc ở miền tây tỉnh Quảng Bình hiện nay còn lưu giữ một sớ da hổ da báo đã mấy trăm năm để con cháu tự hào về tổ tiên để nêu cao sức mạnh của gia tộc, của cộng đồng.

Giặc cướp kéo đến, cổng làng đóng chặt lại, tiếng mõ nổi lên, cả làng xông ra tử chiến. Bởi vậy mới có câu tục ngữ: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!".

Mất mùa, tháng ba ngày tám, cả làng cùng lo. Được mùa bội thu, cả làng cùng vui mừng. Ngày Tết cơm mới là một lễ hội dân gian của làng xóm với niềm vui dào dạt; vui không chỉ có bát cơm đầy dẻo thơm, vì có hương cốm mới mà còn vui vì tình làng nghĩa xóm, sự cô kết thân ái của chốn hương thôn.

Dân tộc Việt Nam giàu lòng yêu nước, cần cù lao động sản xuất, tương thân tương ái,... Những tình cảm cao quý đó đã phát triển qua hàng nghìn năm, tạo thành nền văn hiến Đại Việt, tạo thành sức mạnh Việt Nam.

Con người Việt Nam chúng ta có biết bao phẩm chất tốt đẹp, cao quý trong đó có tình cộng đồng thắm thiết thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ mọi người.

Tuổi thơ biết yêu thương giúp đỡ bạn bè trong học tập, cùng vươn lên học giỏi trong tình thân ái. Già yêu trẻ, trẻ kính già. Làng xóm, láng giềng "tắt lửa tối đèn có nhau". Trong gia đình thì "chị ngã em nâng", coi "anh em như thể chân tay". Ai cũng cảm thấy sống hạnh phúc là biết "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ,...

Những kẻ ích kỉ, vị kỉ đều bị cộng đồng coi thường, coi khinh. Ai cũng cảm thấy xấu hổ trước các hiện tượng vô cảm của những kẻ lạc loài, chỉ biết sống cho riêng mình: "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại", "Thân vạc, vạc lo; phận cò, cò liệu", "Đèn nhà ai, rạng nhà ấy", hoặc "Trời lụt thì lút cả làng / Đâu lút nhà chàng mà thiếp phải lo", v.v...

Sự quan tâm, giúp đỡ mọi người là nguồn gốc tạo nên truyền thống nhân ái Việt Nam. Tang ma, cưới hỏi, ngày mừng thọ, ngày sinh nhật,... đến với nhau đâu chỉ vì cỗ bàn, chén rượu, món quà mà sâu xa là tình nghĩa, vui buồn có nhau, quan tâm đến nhau, san sẻ giúp đỡ nhau.

Giúp đỡ các hộ khó khăn

Biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau là biết sống hạnh phúc. Các phong trào cứu giúp đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ các nạn nhân chất độc da cam, những trẻ em mồ côi,... đã thể hiện một cách cảm động truyền thống nhân ái cao quý của nhân dân ta. Một quyển vở, một bộ quần áo, một đôi dép, vài ba nghìn đồng,... của học sinh các trường giúp đỡ bạn học nghèo khó, hoạn nạn, đẹp hơn mọi bài ca vì tuổi thơ đã nêu cao tình thương, biết quan tâm, giúp đỡ bạn bè.

Nói đến sự quan tâm, giúp đỡ mọi người, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại, nhắc đến câu ca tiếng hát của dân gian, động viên nhau nêu cao tình nhân ái:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giôhg nhưng chung một giàn.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Leave a Reply