Bi kịch của Trương Ba trong đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

I. KIẾN THỨC CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất của nước ta từ sau 1975. Kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn không chỉ bằng xung đột xã hội gay gắt mang tính thời sự mà chủ yếu đặt ra nhiều vấn đề có tính phổ quát lâu dài, nổi bật là quan niệm và khát vọng sống hoàn thiện cho xã hội và con người.

2. Tác phẩm

Trong số hơn 50 kịch bản được dựng, cùng với kịch bản Tôi và chúng ta, vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, sáng tác năm 1984, được đọc, được diễn rộng rãi hơn hai mươi năm ở trong nước và ngoài nước, đến ngày nay vẫn luôn hấp dẫn, lôi cuốn độc giả và khán giả.

Đoạn VII của vở kịch - với cảnh nhà Trương Ba - tập trung những giá trị lớn nhất của vở kịch.

Tôi và chúng ta

II. PHÂN TÍCH

Ông Trương Ba và cuộc đấu tranh để giải quyết những xung đột của một số phận bi kịch

a. Bi kịch thứ nhất: cuộc đấu tranh giữa "hồn Trương Ba" và "xác hàng thịt"

Lúc đầu hồn Trương Ba tỏ vẻ coi khinh xác hàng thịt: "mày không có tiếng nói, mà chỉ là cái xác thịt âm u đui mù". Nhưng xác hàng thịt đã bác lại hồn Trương Ba, khẳng định sức mạnh của mình: "lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy". Tiếp đó, cái xác nêu cụ thể những nhu cầu tự nhiên, mang tính bản năng của con người: "ông ở bên cạnh nhà tôi, tay chân run rẩy... Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao?... Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối". Hồn Trương Ba cố chống lại, tỏ ý coi thường xác hàng thịt. Nhưng mỗi lúc, hồn bị dồn vào thế yếu, xác lấn tới giễu cợt hồn khiến hồn Trương Ba đau đớn tưởng như tuyệt vọng.

Xác hàng thịt ẩn dụ cho thể xác con người. Hồn Trương Ba ẩn dụ cho linh hồn, tâm hồn con người. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt chính là cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác con người, từ đó khẳng định một triết lí sâu sắc: Thể xác và linh hồn con người là hai thực thể có quan hệ hữu cơ, không thể vênh lệch, tách rời. Xác có sự sống, nhu cầu mang tính bản năng, hồn mang bản chất thanh khiết, cao cả góp phần điều chỉnh để xác hoà hợp, vươn tới sự hoàn thiện nhân cách con người. Trong cuộc đấu tranh này, hồn đã thất bại, đẩy ông Trương Ba vào bi kịch thứ nhất.

b. Bi kịch thứ hai: ông Trương Ba đôi mặt với sự ghẻ lạnh, giận hờn của những người thân trong gia đình

- Nợ Trương Ba hờn dỗi vì "ông đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa".

- Cái Gái, đứa cháu nội, thấy xác hàng thịt lấn át hồn Trương Ba đã tức giận hét to lên: "Tôi không phải là cháu của ông... ông nội tôi chết rồi... Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non... Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy!... ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi. Lão đồ tể...".

- Chị con dâu, mặc dù rất thương ông Trương Ba, nhưng thực thể linh hồn ông cứ mờ dần để xác hàng thịt hiển hiện trước mắt, khiến chị đau lòng phải thú nhận: "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể... nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác...".

Tất cả mọi người thân yêu đã xa dần ông Trương Ba vì hồn ông bị mờ khuất, chỉ có cái xác hàng thịt thô lỗ hiện hữu trong nhà, gây biết bao phiền toái chướng tai gai mắt. Trương Ba bị đẩy vào bi kịch đau đớn thứ hai khiến ông thốt lên: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ". Con người vôn nhân hậu, tài ba, dịu hiền, yêu vợ, quý con cháu bị đẩy vào một cảnh ngộ cô đơn tưởng chừng như tuyệt vọng. Xung đột đến cao trào, đòi giải quyết.

c. Trương Ba tranh luận với tiên Đế Thích cũng là tự đấu tranh bản thân để thoát khỏi bỉ kịch, vươn tới sự hoàn thiện.

- Ông giễu cợt cái thân xác, tự nhủ: "không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!" rồi thắp nén hương mời Đế Thích xuống.

- Một cuộc đấu tranh mới diễn ra giữa hai người:

+ Trương Ba đòi trả lại xác anh hàng thịt vì cứ phải sống nhờ như thế này, không thể sống được.

+ Đế Thích định giúp Trương Ba nhập hồn vào xác thằng cu Tị - đứa trẻ 10 tuổi bên hàng xóm vừa chết. Trương Ba cảm thấy bất ngờ, rồi lắc đầu không chấp nhận vì sợ chỉ càng oái oăm hơn và xin cho cu Tị được sống lại.

Trương Ba và Đế Thích

- Đế Thích phân vân, lúng túng giữa ba hướng: cho cụ Tị sống lại thì hồn Trương Ba không có nơi trú ngụ; cho xác Trương Ba sống lại thì không được vì xác đã tiêu tan; nếu để Trương Ba chết thì mình không có ai chơi cờ... Trương Ba đã từng bước giải thích, đấu tranh với Đế Thích. Lí lẽ duy nhất của ông là: "Không thể sống với bất cứ giá nào được... sông thế này, còn khổ hơn cái chết".

- Cuối cùng Đế Thích đành chấp nhận lời đề nghị của Trương Ba. Cuộc thảo luận giữa hồn Trương Ba với Đế Thích và yêu cầu được chết của Trương Ba thể hiện quan niệm sống đúng đắn và nhân cách cao thượng của ông. Đoạn kịch đẩy xung đột lên đỉnh điểm rồi "cởi nút" một cách hợp lí vừa giàu tính nhân văn vừa có ý nghĩa triết lí sâu sắc. Hình tượng nhân vật Trương Ba có ý nghĩa tư tưởng, có tác dụng giáo dục vô cùng sâu sắc, thiết thực.

Leave a Reply