Bình luận về tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo Anh (Chị), làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

Học tập là quá trình lĩnh hội kiến thức và thi cử sẽ đánh giá kết quả học tập. Nhiều người khác nhau có nhiều cách đón nhận những kì thi đầy cam go ấy khác nhau. Có người tự tin, chắc chắn cũng lắm kẻ hoang mang, lo sợ. Có người vượt qua mọi trở ngại để vươn lên trong học tập nhờ sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân mình. Nhưng bên cạnh những tấm gương sáng ấy, lại nổi cộm lên những chấm đen của những hành vi gian lận, thiếu trung thực trong thi cử. Vậy nên hiểu về những “chấm đen” ấy với thái độ ra sao? “Liều thuốc” nào là hữu hiệu nhất cho “căn bệnh” học đường này?

Bình luận về tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử

Trước hết, cần khẳng định: Học tập không phải là một việc nhẹ, ngược lại học tập vô cùng khó khăn nhưng là một vinh dự, một quyền lợi lớn. Và những ai trong thời đại hôm nay được học là một hạnh phúc. Nhờ có học, chúng ta có tri thức, có hiểu biết, có văn hoá và quan trọng nhất, chúng ta có thể xây dựng cho mình một nhân cách tốt để là một công dân có ích cho cộng đồng, đó chính là giá trị, đích đến cuối cùng của học tập.

Cả một quá trình dài thu nhặt, tích luỹ kiến thức, mỗi người đã bỏ không ít mồ hôi, công sức. Ai ai cũng mong kết quả của mình sẽ thật sự tốt đẹp, nhất là trong thi cử. Thực tế thì sao? Ai cũng hi vọng mình sẽ đậu, mình sẽ được điểm cao, sẽ có bằng cấp tốt nhưng kiến thức của một số người vẫn chưa đủ dể đạt được những điều ấy, tất nhiên, gian lận trong thi cử sẽ xảy ra.

Trung thực - một phạm trù đạo đức cơ bản, một trong những thước đo đánh giá đạo đức của con người. Trung thực hay rộng hơn là lòng tự trọng của mỗi người. Vậy nếu như ai đó có những hành động không trung thực trong thi cử, thì không ai khác mà chính họ đang băng hoại nhân cách của chính bản thân mình. Không trung thực trong thi cử tồn tại mọi lúc, mọi nơi, một căn bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt. Những con vi rút “gian lận” ấy luôn rình rập bất cứ ai trong chúng ta và cũng dễ dàng tấn công chúng ta dù chỉ một lần lơ là, chểnh mảng việc học. Đừng tự hứa với lòng mình rằng: “Chỉ một lần này thôi”. Một lần nhen nhóm là mầm bệnh trong cơ thể bạn tất yếu sẽ phát triển khôn lường, và chắc chắn sẽ có những lần “gian lận” sau.

Kết quả thi cử phải phản ánh chính xác tình hình học tập của mỗi học sinh. Một khi gian lận, kết quả ấy sẽ bị lệch lạc, không xác thực. Những điểm số dù cao vẫn không bù lại lỗ hổng kiến thức của mỗi người nếu điểm dó không đúng với năng lực học tập của mình. Gian lận trong thi cử sẽ tốt hơn chăng nếu người học sinh chỉ biết dựa vào điểm số sai lệch đó mà tự hài lòng với chính mình? Ai cũng muốn điểm cao. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng kết quả cần trung thực, khách quan. Thành công, điểm cao hơn cả mong đợi nhờ gian lận rồi ru mình trong chiếc nôi êm ái đó. Họ biết mình điểm cao hơn người khác nhưng lại không nhận ra mình đang mất đi cái đáng giá hơn. Một phút mù quáng che lấp lí trí, không còn nhận thức đúng đắn về mục đích cao cả của việc học. Cứ thế lần này qua lần khác, lơ đãng ngày càng lơ đãng, lỗ hồng kiến thức ngày càng trầm trọng không sao bù đắp nổi. Có khi nào bạn tự hỏi: “Liệu mình có gian lận được tất cả các kì thi trong cuộc đời? Hãy ngẫm nghĩ, đừng để khi ngoảnh đầu lại bạn phải than vãn hối hận: “Giá như...”. Một người học sinh khó có thể chấp nhận thất bại trong thi cử nhưng không phải vì thế mà ta bất chấp mọi thủ đoạn, hành vi không trung thực. Nhân cách của người học sinh sẽ ngày một mất đi từ những lần ấy, tất yếu đến một lúc nào đó, chúng ta học chỉ để “gian lận”, như vậy thà bỏ học còn hơn.

Gian lận trong thi cử

Một học sinh học hết khả năng của mình chắc chắn sẽ đạt điểm cao mà không nhờ những chiếc phao gian lận. Dẫu rớt trong thi cử, họ vẫn chấp nhận vì đó chính là thực lực của mình. Học chưa vững, điểm thấp, họ rút kinh nghiệm từ sau những lần thất bại ấy mà bồi đắp. Đó mới là người học sinh trung thực, có vậy ta mới tiến bộ hơn còn nếu không thì đâu vẫn hoàn đấy, sự học không tiến ắt sẽ phải lùi. Đừng bao giờ làm nô lệ cho sự giả dối thì dù có thất bại đi chăng nữa đó vẫn là của mình, là công sức mình bỏ ra và những gì mình đáng được hưởng. Thi cử hiện nay vẫn còn nhiều những bất cập, đó không chỉ làm tăng nhanh “những chấm đen” trên tấm gương sáng học tập mà còn là mầm mống, là nguy cơ cực kì nguy hiểm đối với một nền giáo dục trong tương lai.

Xã hội nói chung và ngành Giáo dục nói riêng, đã và đang vào cuộc một cách tích cực trong phong trào loại bỏ những căn bệnh “nóng” của học đường - trong đó có “gian lận trong thi cử”. “Kiên quyết chống tiêu cực trong nhà trường” là khẩu hiệu ta bắt gặp nhiều nhất trong thời gian gần đây. Phong trào này trong sinh viên, học sinh cũng phát triền mạnh mẽ. Đó là những cuộc vận động, tuyên truyền nhằm tạo ý thức sâu sắc của mỗi người học sinh về tác hại khôn lường của hành vi gian lận. Đó là những buổi ngoại khoá giáo dục trong nhà trường về tính trung thực. Rèn luyện cho học sinh tự khẳng định được ý chí, nghị lực của bản thân vượt qua ham muốn tức thời, đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài.

Mỗi người học sinh sẽ còn trải qua rất nhiều lần thi cử, cần có một thái độ nghiêm túc, đúng đắn trong học tập. Phải biết đấu tranh để chống lại thói hư tật xấu, có thế thì mỗi con người mới không đánh mất những đức tính thuộc về nhân bản của con người - tính trung thực.

Tuổi trẻ thế hệ hôm nay cần hình thành cho mình một nghị lực đủ mạnh mẽ vượt qua những cám dỗ trong cuộc đời, mà trước hết đó là những kì thi trong nhà trường.

Hãy có những nhận thức đúng đắn, hãy biết loại bỏ những quan niệm sai lầm, vượt lên những rào cản, khó khăn đế khẳng định vị trí của bản thân trong quá trình học tập. Tôi tin tưởng rằng mình sẽ chiến thắng dựa vào chính sức lực của mình thì đó là một thành công lớn trong sự học.

Leave a Reply