Cái hay của bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

Đến nay, Xuân Quỳnh vẫn được coi là nhà thơ nữ xuất sắc nhất của thơ hiện đại Việt Nam. Viết về nhiều đề tài nhưng Xuân Quỳnh vẫn chủ yếu nổi tiếng nhờ những bài thơ tình. Thơ tình của Xuân Quỳnh nhẹ mà sâu, say đắm, mãnh liệt nhưng vẫn có được cái dịu dàng, tinh tế rất đặc biệt của người phụ nữ Việt Nam.
"Sóng" là bài thơ tiêu biểu cho những tính chất đó của thơ Xuân Quỳnh và cũng là bài thơ được người đọc biết đến nhiều nhất:

Dữ dội và dịu êm

Để ngàn năm còn vỗ.

Thật ra, lấy sóng để nói tình yêu, so sánh sóng với tình yêu không phải là điều mới lạ trong văn chương. Trước Xuân Quỳnh không lâu, Xuân Diệu cũng đã lấy sóng để nói lên tình yêu của mình:

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em...

nhưng với Xuân Quỳnh "sóng" vẫn gợi lên trong ta nhiều điều thú vị.

Sóng và em

Sóng vốn mang tính chất động, tính chất này thích hợp để biểu tượng cho những trạng thái tình cảm mãnh liệt, thiết tha, day dứt, khôn nguôi... Không giấu giếm, Xuân Quỳnh đã lấy sóng để tư bạch tình yêu của mình với cuộc đời. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của nó, điều này quả là táo bạo, mới mẻ nhưng nó lại rất mực chân thành. Chính cái chân thành này đã tạo nên sức hút, tạo nên giá trị vững bền của thơ Xuân Quỳnh.

Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đưa ta đối diện với biển, một biển sóng vừa thân quen vừa kì lạ, vừa dễ hiểu vừa khó hiểu vì đầy mâu thuẫn:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.

Có khác gì với sóng đâu, tình yêu con người cũng thế, cũng đa dạng, phong phú những trạng thái tình cảm khác nhau! Đặc biệt còn điều này nữa:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế.

Nỗi khát vọng tình yêu.

Bồi hồi trong ngực trẻ.

Thế là từ sóng, Xuân Quỳnh đã bắt qua tình yêu trong mối liên tưởng tương tự, đồng nhất. Nghĩa là giữa hình ảnh thực của sóng biển khi thì dữ dội khi thì dịu êm với con sóng lòng trong ngực trẻ có một sự trùng hợp, giống nhau: Sóng bao giờ cũng vỗ, trái tim tuổi trẻ bao giờ cũng bồi hồi, khao khát tình yêu. Sự liên tưởng rất thực mà cũng rất thơ.

Nói về sóng là để nói về tình yêu nhưng trong tình yêu Xuân Quỳnh không hề giản đơn. Yêu thương cháy bỏng, nồng say nhưng không vì thế mà hời hợt. Xuân Quỳnh viết:

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Điệp ngữ "Em nghĩ về" càng làm rõ hơn nỗi trăn trở nghĩ suy của tác giả. Và trong nỗi trăn trở đó, tác giả tự hỏi: "Từ nơi nào sóng lên?" và rồi tự giải đáp:

"Sóng bắt đầu từ gió". Nhưng, giống như mọi đứa trẻ đứng trước những điều kì lạ, đã thắc mắc là phải hỏi cho đến nơi. Vậy thì: "Gió bắt đầu từ đâu". Đến đây, đứa trẻ trong tâm hồn nhà thơ đành chịu và thổ lộ:

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau.

Câu thơ cuối khổ là một câu thơ rất hay, nó như một cái bản lề mở cánh cửa thơ ra hai phía: không hiểu nổi sóng biển và cũng không hiểu nổi tình yêu của mình. Tuy nhiên, nếu Xuân Quỳnh nói "Em cũng không biết nữa" thì đó chỉ là một cách nói; có một điều mà cô gái trong bài thơ biết rất rõ: độ sâu sắc, thắm thiết trong tình yêu của cô. Độ sâu ấy trước hết là sự mãnh liệt thiết tha của nó:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước.

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

"Con sóng dưới", "con sóng trên", tất cả đều vỗ vào bờ không ngừng. Nhưng vì sao mà sóng phải vỗ mãi vào bờ? Xuân Quỳnh phát hiện ra mà thương cho con sóng quá:

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

và cũng thương cho mình quá bởi giữa mình và sóng gió có gì khác đâu:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Sóng thì "ngày đêm không ngủ được", em thì "Cả trong mơ còn thức"; hai cách nói khác nhau nhưng nội dung ý nghĩa thì không khác. Trong nỗi nhớ, sóng và em đều mãnh liệt, da diết như nhau.

Dẫu xuôi về phương Bắc

Độ sâu trong tình yêu ở Xuân Quỳnh còn là ở sức bền của nó. Tình yêu, cũng như sóng biển, dù bất kì ở đâu, chỉ có một định hướng duy nhất là bờ, là anh:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương.

Xuân Quỳnh đã cho người đọc một từ "phương" thật lạ. Nhưng đây không phải là chuyện chọn từ. Đây là sự chiêm nghiệm của trái tim, trái tim chung thủy, son sắt.

Nhưng để yêu cho trọn vẹn tình yêu, mỗi trái tim phải vượt qua bao nhiêu thử thách của cuộc sống. Trong khổ thơ sau, Xuân Quỳnh hoàn toàn nói bằng ẩn dụ. Nhưng sự ẩn dụ ở đây lại rất rõ bởi giữa sóng biển và tình yêu là hoàn toàn trùng hợp:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở.

"Muôn vời", một từ rất đắt, rất gợi tả và gợi cảm. Nó gợi người ta nghĩ đến muôn vạn gian nan, cách trở xa vời mà sóng phải vượt qua để đến được với bờ. Từ đó gợi lên biết bao sắt son chung thủy trong tình yêu của sóng cũng như tình yêu của em.

Cuối cùng, Xuân Quỳnh kết thúc bài thơ bằng hai khổ thơ:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Trước hết, đó là sự tự ý thức về sự hữu hạn của cuộc đời, của đời người và của tuổi thanh niên. Đời người tuy dài nhưng thời gian vẫn gặm hết, biển dẫu bao la nhưng không vô tận. Cái hữu hạn ấy là một tất yếu. Tuy vậy có một điều có thể vô hạn, vĩnh hằng: tình yêu. Xuân Quỳnh chỉ ước ao điều đó. Nói sóng để nghĩ về tình yêu, cuối cùng Xuân Quỳnh chỉ nhằm đi đến khát vọng đó. Khát vọng đẹp đẽ và cảm động biết bao!

Năm tháng vẫn qua đi

Tóm lại, từ sóng, từ bờ, từ biển để nói đến tình yêu, bài thơ của Xuân Quỳnh là một trường ẩn dụ. Bài thơ dẫn dắt người ta đi qua nhiều nỗi cách trở, mất còn, nhớ thương, chờ đợi, dài như tháng năm, rộng như biển lớn, cuối cùng quy gom về một mối, như sóng đập vào bờ bãi, tình yêu mãnh liệt, khoáng đạt, sâu đậm, thủy chung" (Phạm Đình Ân). Bài thơ giúp ta hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của tình yêu trong cuộc đời. Bài thơ cũng giúp ta hiểu hồn thơ, giọng thơ, phong cách thơ của Xuân Quỳnh, một nhà thơ nữ đầy tài năng và triển vọng. Đáng tiếc, một tai nạn giao thông đã cướp đi cây bút đầy tài năng ấy. Song dù không còn nữa nhưng thơ Xuân Quỳnh vẫn sẽ còn in đậm trong tâm trí nhiều người đọc hôm nay và ngày mai.

Leave a Reply