Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

CÁC Ý CHÍNH

Thanh Thảo thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mĩ có thành tựu, có tiếng nói thơ riêng được công chúng chú ý, kế cả thơ viết về chiến tranh và thời hậu chiến. Thanh Thảo làm thơ, viết báo, viết tiểu luận phê bình và nhiều thể loại văn học khác, nhưng thành công hơn cả trong sự nghiệp cầm bút của ông là thơ ca. Là nhà thơ có nhiều nỗ lực cách tân, Thanh Thảo muốn cuộc sống phải được cảm nhận ở chiều sâu nên luôn khước từ lối diễn đạt dễ dãi, khuôn sáo trong thơ. Thơ Thanh Thảo mang đậm chất suy tư của một trí thức có trách nhiệm với thời cuộc với đất nước. Thơ ông là sự lên tiếng của người trí thức nhiều trăn trở về các vấn đề của xã hội và thời đại.

Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Bài thơ có thể chia làm bốn đoạn:

Đoạn 1 (6 câu đầu): Lor-ca - con người của tự do.

Đoạn 2 (12 câu tiếp): Lor-ca - con người bị sát hại, tiếng ghi ta chảy máu.

Đoạn 3 (4 câu tiếp): Lor-ca - con người của sự tiếc nuối, tiếng đàn không ai chôn.

Đoạn 4 (9 câu tiếp): Lor-ca - con người của sự vĩnh hằng, li-la li-la li-la.

- Ngợi ca nghệ sĩ thiên tài Lor-ca.

- Khẳng định cường quyền có thể giết chết nghệ sĩ nhưng hình ảnh họ và nghệ thuật chân chính sẽ không bao giờ chết.

- Nghệ sĩ và khát vọng của nghệ sĩ thì luôn mong manh trước cuộc đời, trước các thế lực tàn bạo.

- Đóng góp lớn nhất của một nghệ sĩ thiên tài là biết để lớp nghệ sĩ trẻ vượt qua mình. Nghệ sĩ lớn là người biết tuẫn tiết vì nghệ thuật theo cả hai nghĩa: Bảo vệ nó trước cường quyền và chôn vùi nó (không biến nó thành tượng đài bất diệt) để nghệ thuật được tái sinh mạnh mẽ, tốt đẹp hơn trong tương lai.

- Như nhan đề gợi mở, tiếng đàn ghi ta của Lor-ca trở thành hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ.

- Hình tượng tiếng đàn được Thanh Thảo xây dựng rất độc đáo, công phu và sáng tạo, tuy ít nhiều có nhuốm màu sắc tượng trưng và siêu thực.

- Bài thơ được cấu trúc theo nhịp ngân dài của tiếng đàn, cũng là của cuộc đời nhà thơ lớn Tây Ban Nha. Tiếng đàn không dừng, cuộc đời dừng, đã có sự đối lập. Đó chính là nỗi khao khát được vĩnh hằng cuộc sống trong tiếng đàn. Đời người hữu hạn, những giai điệu cung đàn sẽ còn ngân xa mãi.

- Lor-ca là một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn của Tây Ban Nha. Đàn ghi-ta là nhạc cụ biểu trưng của nền văn hoá Tây Ban Nha. Do vậy, gắn hình tượng biểu trung cho người nghệ sĩ ấy không gì đúng hơn là chính tiếng đàn Ghi-ta, tiếng đàn truyền thống của dân tộc Tây Ban Nha.

- Tiếng đàn Ghi-ta là gương mặt, là cuộc đời, là tài năng và phẩm chất nghệ sĩ của Lor-ca. Tiếng dàn in đậm dấu ấn riêng của người nghệ sĩ tài hoa khí phách, nhưng cũng phảng phất hồn dân tộc Tây BanNha, tâm hồn những hiệp sĩ hào hoa mang đầy tinh thần nhân văn cao cả.

a. Lor-ca — con người tự do.

- Hình ảnh Lor-ca hiện lên bằng những nét chấm phá của bút pháp ấn tượng - bút pháp thiên về màu sắc, đó là: “những tiếng đàn... áo choàng đỏ gắt”, “đi lang thang về miền đơn độc”, “vầng trăng chếch choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”.

- Những hình ảnh tương phản vừa giúp ta hình dung về Lor-ca, vừa gợi lên liên tưởng của một đấu trường. Lại cũng là nét văn hoá đặc dị của Tây Ban Nha. Ở đó, đấu sĩ thể hiện tài năng của mình bên lề tử sinh. Nói cách khác tài năng của đấu sĩ được khắc tạc trên lãnh địa tử thần. Áo choàng đỏ gợi về anh dũng, kiêu hùng trên đấu trường.

- Nhưng ở đây là đấu trường giữa một bên là khát vọng tự do, dân chủ, bình đẳng của Lor-ca, bên kia là nền chính trị độc tài phát xít (Phran-cô), một bên là khát vọng cách tân nghệ thuật, bên kia là sự bảo thủ nghệ thuật, già nua. Trong cuộc đấu này, hình ảnh Lor-ca hiện lên đơn độc, cô lẻ: “trên yên ngựa mỏi mòn”, hình ảnh gợi cái chết.

b. Lor-ca con người bị sát hại, tiếng Ghi-ta chảy máu.

Lor-ca con người bị sát hại, tiếng Ghi-ta chảy máu

- Cái chết đến với Lor-ca rất đột ngột. Đang hát nghêu ngao: “bỗng kinh hoàng / áo choàng bê bết đỏ”. Sự đột ngột này diễn tả nỗi đau đớn vô bờ. Cái chết của Lor-ca đồng nghĩa với cái chết của một giá trị nhân văn cao cả của Tây Ban Nha.

- Hình ảnh thực “áo choàng bê bết đỏ” gợi lên nỗi căm phẫn trước thế lực bạo tàn đã kết liễu một con người mà suốt đời yêu thương Tổ quốc của mình.

- Miêu tả dáng đi của Lor-ca, như người mộng du, Thanh Thảo vừa bộc lộ niềm ngưỡng mộ, cảm thông, xót thương đồng thời cũng ngợi ca con người chiến sĩ không biết cúi đầu này.

- Ám ảnh hơn là lối diễn đạt biểu trưng với những chi tiết rất đắt, đó là: “tiếng ghi-ta nâu”, “tiếng ghi-ta lá xanh”, “tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan” thành màu sắc, thành hình khối, thành dòng máu chảy. Sự ra đi của Lor-ca là một nỗi đau không diễn tả được thành lời.

- Tiếng ghi-ta không còn vẹn nguyên. Tác giả không nói thân xác Lor-ca chảy máu mà nói tiếng ghi-ta chảy máu. Có sự tương giao giữa vật chất và tinh thần. Nỗi đau vật chất được hiện hình qua nỗi đau tinh thần. Nỗi đau thân xác là của riêng Lor-ca, nỗi đau tinh thần là của chung dân tộc Tây Ban Nha và của cả nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Hình tượng tiếng đàn đã mang lại giá trị khái quát cao, mở rộng bến bờ suy tưởng cho văn bản.

- Một trong những biểu hiện của tâm hồn nghệ sĩ lớn là dự cảm về cái chết. Lor-ca luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Câu thơ Thanh Thảo chọn làm đề từ là minh chứng: khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn Ghi-ta.

c. Lor-ca con người của sự nuối tiếc, tiếng đàn không ai chôn:

không ai chôn cất tiêng đàn / tiếng đàn như cỏ mọc hoang / giọt nước mắt vầng trăng / long lanh trong đáy giếng.

- Nhà cách tân nghệ thuật đã chết, nghệ thuật không còn người dẫn đường (“cỏ mọc hoang”). Hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng là một hình tượng thơ siêu thực, mang giá trị đa nghĩa được viết theo lối phối kết liền kề, dựa trên nguyên lí ngẫu hứng, gián đoạn. Nhờ thế đã tạo nên một hệ trùng phức, giao thoa, ánh xạ... những hình ảnh, những suy ngẫm đa chiều. Ta có thể hiểu đó là giọt nước mắt mang hình mặt trăng và mặt trăng mang hình giọt nước mắt; giọt nước mắt sáng như vầng trăng hay vầng trăng rọi sáng giọt nước mắt; hay giọt nước mắt sáng trong như mặt trăng... đều được. Giá trị siêu việt của thơ siêu thực lớn gấp bội phần thơ tả thực là ở đặc điểm câu trúc này.

- Bài thơ có sự kết hợp độc đáo giữa màu sắc, hình khối và âm thanh. Đấy là nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc và dĩ nhiên là cả văn học. Nhà thơ “nói” mọi thứ bằng chất liệu ngôn từ trên nền kĩ thuật đặc trưng của các loại hình nghệ thuật. Vậy nên, khi tiếp xúc với bài thơ, người đọc cần huy động tối đa các giác quan để cảm nhận.

- Bởi mỗi câu thơ là một gián đoạn: tiếng ghi-ta xanh (màu sắc), tiếng ghi-ta tròn (hình khối), tiếng ghi-ta chảy máu (kết hợp màu sắc và sự chuyển động). Đây là những kết hợp đầy sáng tạo, người đọc khó có thể hình dung được những biểu hiện ấy của ghi-ta khi chưa đọc bài thơ.

- Bút pháp siêu thực còn có sự kết hợp giữa những yếu tố hiện thực với các yếu tố tưởng tượng huyền ảo, hoang đường và cả những yếu tố tôn giáo (thông thường là những yếu tố lấy từ giác mơ): đường chỉ tay, lá bùa, dòng sông (gợi triết lí siêu thoát của nhà Phật). Trong trường hợp này, kĩ thuật siêu thực chính là sự tổng hợp nhiều mô thức văn hoá của nhân loại.

- Tất cả những dụng công nghệ thuật trên nhằm để bày tỏ nỗi xót xa trước cái chết của Lor-ca. Khẳng định tầm vóc thiên tài và sự bất tử cùa nghệ sĩ, khẳng định sứ mạng nghệ thuật, và đặc biệt là đề cao khả năng nhận thức và tái tạo vô hạn của nghệ sĩ, của ngôn từ trên cuộc đời.

Leave a Reply