Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo)

1. Thanh Thảo là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ. Xuất hiện ở những năm cuối cuộc kháng chiến, thơ Thanh Thảo là tiếng nói trung thực, đầy ý thức trách nhiệm và giàu suy tư của thế hệ trẻ trước Tổ quốc và nhân dân, trong cuộc chiến đấu quyết liệt của dân tộc vì độc lập và thống nhất Tổ quốc. Sau năm 1975, Thanh Thảo tiếp tục có nhiều thành tựu sáng tác ở cả thơ trữ tình và trường ca. Với những tìm tòi, cách tân nghệ thuật đáng chú ý. Tác phẩm của Thanh Thảo mạnh ở sức suy nghĩ, khả năng liên tưởng, cảm hứng triết luận cùng với những tìm tòi sáng tạo trong cấu trúc, hình ảnh thơ giàu tính biểu tượng.

2. Coi trọng xứ mệnh của thơ và nhà thơ, trong sáng tác của mình, Thanh Thảo từng ngợi ca những nhà thơ lớn, giàu nghĩa khí và tài năng sáng tạo. Ông đã tái hiện hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát trong các trường ca Những nghĩa sĩ cần Giuộc, Đêm trên cát. Đàn ghi ta của Lor-ca được Thanh Thảo sáng tác năm 1979 (in trong tập Khối vuông ru-bích - 1985) là sự suy tưởng của Thanh Thảo về con người, nghệ thuật, cái chết và sự bất tử cửa Phê- đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca - nhà thơ lớn của Tây Ban Nha thế kỉ XX, nghệ sĩ và nhà cách tân thi ca, bị bọn phát xít Phrăng-cô sát hại năm 1936.

Đàn Guitar Của Lorca

3. Trong phần đầu bài thơ, một không gian Tây Ban Nha đặc thù, nhất là không gian miền quê An-đa-lu-xi-a yêu dấu của Lor-ca đã được gợi lên, giữa không gian ấy là hình tượng người nghệ sĩ lãng du Lor-ca với tâm hồn phóng khoáng, tha thiết yêu người, yêu đời. Đất nước Tây Ban Nha được gợi ra qua hai biểu tượng: tiếng đàn ghi ta và áo choàng đỏ. Tiếng đàn bập bùng được chuyển thành hình ảnh thị giác: tiếng đàn bọt nước, còn áo choàng đỏ là hình ảnh những đấu sĩ trong các cuộc đấu bò tót - một nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá của Tây Ban Nha. Chọn hai biểu tượng ấy, Thanh Thảo muốn gợi ra hai nét nổi bật về con người và đất nước Tây Ban Nha: Tâm hồn phóng khoáng sôi nổi, giàu chất trữ tình và lòng quả cảm, chất mạo hiểm, phiêu lưu của các hiệp sĩ. Trên cái nền không gian Tây Ban Nha đặc trưng ấy hiện ra hình ảnh của người nghệ sĩ lãng du Lor-ca: Đi lang thang về miền đơn độc - với vầng trăng chếnh choáng - trên yên ngựa mỏi mòn. Nhiều chi tiết, hình ảnh trong phần đầu bài thơ được Thanh Thảo rút ra từ những ý thơ, câu thơ của chính Lor-ca. Nhưng đây không phải sự tiếp nhận đơn giản mà là sáng tạo lại để tạo ra một Lor-ca của riêng Thanh Thảo. Những chữ: đi lang thang, vầng trăng chếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn tạo ra hình ảnh người nghệ sĩ hát rong, nó cũng gợi lên chất dân gian trong thi ca và nghệ thuật của Lor-ca - một nghệ sĩ cách tân nhưng dựa trên sự khai thác rất sâu truyền thông dân gian. Nhưng tại sao lại đi lang thang về miền đơn độc? Ở đây tác giả đã cảm nhận về một quy luật của sáng tạo nghệ thuật: những người nghệ sĩ lớn, đặc biệt là những nhà cách tân, những người đi tiên phong bao giờ cũng là người cô độc. Họ độc bộ trên hành tình tìm kiếm của mình; hơn nữa nhìn rộng ra sự sáng tạo đích thực nào mà chẳng trong trạng thái cô đơn. Đoạn tiếp theo là nói về cái chết của Lor-ca bởi bọn phát xít phrăng-cô. Hình ảnh áo choàng bê bết đỏ gợi lên không khí kinh hoàng, sự khủng bố tàn bạo của bọn phát xít. Màu đỏ của áo choàng ở đoạn này là màu đỏ của máu. Bài thơ không trực tiếp miêu tả cái chết của Lor-ca mà lại thể hiện bằng tiếng đàn:

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

Cái chết đến với Lor-ca thật đột ngột:

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du,

sự đột ngột ấy cũng được thể hiện trong cấu trúc khổ thơ, với sự chuyển mạch đột ngột của hình ảnh. Ở ba dòng thơ đầu (Tiếng ghi ta nâu... lá xanh biết mấy), tiếng đàn ghi ta mở ra những vẻ đẹp đến say đắm của con người và thiên nhiên, đất nước Tây Ban Nha, thì ngay lập tức chuyển thành biểu tượng của cái chết, của nỗi đau xót với hình ảnh: Bọt nước vỡ tan, ròng ròng máu chảy. Những âm điệu khác nhau của tiếng đàn đã được chuyển hoá thành những màu sắc, hình khối khiến cho nó hiện ra như một sự sống, một sinh thể mà người ta có thể cảm nhận bằng nhiều giác quan. Đây là sự vận dụng thủ pháp "tương giao" chuyển đổi cảm giác mà các nhà thơ tượng trưng, đặc biệt là Bau-de-lai-re ưa thích sử dụng. Mỗi màu sắc mà tiếng ghi ta gợi ra lại diễn tả một khía cạnh nào đó về cuộc sống đất nước Tây Ban Nha, về Lor-ca: tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh gợi ra hình ảnh bầu trời, thiên nhiên và con người - các cô gái của đất nước Tây Ban Nha (có người cho rằng "cô gái ấy" là chỉ An-na Ma-ri-a, người yêu của Lor-ca). Còn tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy là hình ảnh biểu tượng về cái chết của Lor-ca.

Biểu tượng đàn ghi ta trong phần đầu bài thơ không chỉ được thể hiện bằng những hình ảnh như vừa phân tích ở trên mà còn bằng chuỗi âm thanh tiếng đàn được gợi ra qua hàng loạt câu thơ với nhiều biến thái âm sắc, nhịp điệu khác nhau tạo thành một dòng âm thanh khi thì bập bùng, mềm mại khi lại dồn dập, xối xả, tuôn trào, vỡ tung (ở những câu diễn tả cái chết của Lor-ca).

Đoạn tiếp theo của bài thơ là suy tưởng cùng nỗi đau xót của tác giả về cái chết của Lor-ca:

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

hai câu thơ này có nhiều cách cảm nhận. Nếu liên hệ với câu thơ đề từ - cũng chính là một câu thơ của Lor-ca: Khi tối chết hãy chôn tôi với cây đàn. Có thể hiểu tiếng đàn cũng chính là tâm hồn tài năng của Lor-ca vẫn tồn tại vĩnh viễn, không ai chôn cất mà cũng không thể chôn cất được tiếng đàn.

Nỗi đau xót, tiếc thương của tác giả trước cái chết của Lor-ca được biểu hiện bằng hình ảnh ẩn dụ: giọt nước mắt vầng trăng - long lanh trong đáy giếng. Đây cũng là những hình ảnh được tạo lập theo cách xếp chồng, đồng hiện, làm nhoè mờ các đường viền để tạo những liên tưởng nhiều chiều. Hai câu thơ gợi ra hình ảnh vầng trăng trong đáy giếng long lanh như giọt nước mắt lớn cửa cả trời đất, của đất nước Tây Ban Nha, của mọi người bày tỏ nỗi tiếc thương, đau xót trước cái chết của nhà nghệ sĩ Lor-ca.

Phần cuối bài thơ gồm hai khổ là suy tưởng, triết luận của Thanh Thảo về sự giải thoát của Lor-ca, về cái chết và sự trường cửu của người nghệ sĩ, cũng là về số phận của thi ca, nghệ thuật. Đường chỉ tay đã đứt là dấu hiệu của sự kết thúc một cuộc đời, là số phận mà mỗi người không thể tránh khỏi. Còn dòng sông rộng vô cùng là dòng sông của cuộc đời, hay là dòng sông ranh giới giữa cõi thực và cõi vĩnh hằng? Nhà nghệ sĩ Lor-ca không thể vượt qua được số mệnh của mình, nhưng ông lại có thể vượt qua dòng sông ngăn cách, để đến được bờ bên kia của sự trường cửu, vĩnh hằng. Nhà nghệ sĩ ấy đã vượt sang bờ bên kia trên chính con thuyền nghệ thuật của mình, được hình tượng hoá bằng chiếc ghi ta màu bạc - cái màu nửa thực nửa hư, lấp lánh ánh sáng trắng để dẫn vào cõi khác với cõi thực. Nếu ở phần trên Lor-ca bị bất ngờ đưa đến bãi bắn, chàng đi như người mộng du, nghĩa là dường như không biết gì, không quan tâm đến cái chết đang đón đợi mình ở phía trước, thì đến đây, Lor-ca đã chủ động đón nhận số mệnh của mình: không lá bùa hộ mệnh nào có thể cứu được chàng khỏi cái chết, Lor-ca đã ném lá bùa vào xoáy nước, để cho số phận của mình cuốn theo dòng xoáy của cuộc đời, ném trái tim mình vào khoảng lặng yên bất chợt của dòng xoáy dữ dội, cuộn trào ấy. Bài thơ kết thúc bằng sự lập lại dòng thơ li-la li- la li-la đã một lần vang lên ở ngay phần đầu.

Từ ý nghĩa tưởng mộ về Lor-ca, bài thơ của Thanh Thảo còn vươn tới những suy tưởng, triết lí về số' phận người nghệ sĩ trong thời đại của mình về vận mệnh của thi ca, nghệ thuật. Đây cũng là ý tưởng được tác giả đặt ra trong nhiều bài thơ, trường ca về các nhà thơ, nhà văn Việt Nam và thế giới, như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, L. A-ra-gông, B. Ba-stơ-nắc.

Barcelona

4. Trong Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thảo đã vận dụng một số thủ pháp của chủ nghĩa tượng trưng. Vì thế, để cảm nhận được bài thơ cần biết vài nét cơ bản về chủ nghĩa tượng trưng trong thơ.

Nhà thơ Pháp J. Mo-ri-át - người đã nêu thuật ngữ "chủ nghĩa tượng trưng" (1866), khẳng định rằng thi ca tượng trưng biểu hiện trước hết "những tư tưởng nguyên thuỷ", nó là kẻ thù của "sự mô tả khách quan". Hình tượng là đa nghĩa, bất định, nó ghi nhận sự tồn tại của "khu vực bí ẩn", của "những cái vô hình và những thế lực định mệnh".

(Theo Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học)

Chủ nghĩa tượng trưng là một trào lưu nghệ thuật muốn vượt qua chủ nghĩa lãng mạn, nó không dừng lại ở việc diễn tả trực tiếp tình cảm, cảm xúc của chủ thể, cũng như hình ảnh trực tiếp của thế giới xung quanh qua sự cảm nhận, tri giác và gửi gắm của chủ thể. Thơ lãng mạn là sự thổ lộ của trái tim, của khát vọng khẳng định cá tính, đô'i lập thực tại với lí tưởng. Còn thơ tượng trưng là khát vọng tìm kiếm cái bí ẩn sâu kín đằng sau các sự vật, hiện tượng, cảm giác, nó hướng tới các ý niệm siêu cảm giác, tới cái vô thức. Thơ tượng trưng nói bằng biểu tượng đa nghĩa, nó giấu đi cái được biểu đạt ở đằng sau cái biểu đạt, tức là cách gợi bằng những ám thị. Các nhà thơ tượng trưng đặc biệt coi trọng sức mạnh, sức gợi của nhạc tính, của âm thanh. Va-le-ri nói: "Thơ là sự ngập ngừng vĩnh viễn giữa âm thanh và ý nghĩa", về cấu trúc, thơ tượng trưng không dựa trên nguyên tắc đối ngẫu hay song song của thơ cổ điển, cũng không theo trật tự tuyến tính trong thơ lãng mạn, mà tạo dựng một cấu trúc thơ phi tuyến tính, gián cách, đồng hiện, nhoè mờ về không gian và thời gian. Thơ tượng trưng là một bước tiến trong tư duy nghệ thuật trên hành trình thơ của nhân loại mặc dù cũng có những trường hợp cực đoan, đưa thơ tới chỗ hình thức chủ nghĩa phi giao tiếp với độc giả.

Sự vận dụng thi pháp tượng trưng trong bài thơ của Thanh Thảo, tập trung ở hai biểu hiện chính: sáng tạo những biểu tượng và nhạc tính. Trong Đàn ghi ta của Lor-ca có nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng biểu tượng trung tâm của bài thơ, thu hút vào nó mọi hình ảnh khác, là đàn ghi ta - hay chính xác hơn là tiếng đàn ghi ta. Ở đây, đàn ghi ta không còn là một hình ảnh cây đàn cụ thể nào dù là cây đàn của Lor-ca, mà là một biểu tượng nghệ thuật mang nhiều nghĩa. Đàn ghi ta gợi ra hình ảnh đất nước Tây Ban Nha (người ta cũng gọi cây đàn này là Tây Ban cầm), văn hoá dân gian, đặc biệt là vùng An-đa-lu xi-a tươi đẹp và thân thuộc của Lor-ca, với truyền thông dân ca phong phú. Đàn ghi ta cũng là biểu tượng của chính Lor-ca, với tâm hồn phóng khoáng, tình yêu say đắm với đất nước và con người, cả sự sông và cái chết bất ngờ, sự bất tử của một tài năng lớn, đầy sức sáng tạo. Đàn ghi ta cũng là biểu tượng của thi ca, nghệ thuật, nảy sinh và gắn bó với cuộc sống con người, đất nước, cũng chịu một số' phận đau đớn, nhưng cũng sẽ trường cửu, không thế lực đen tối nào có thể huỷ diệt được. Gắn liền với biểu tượng trung tâm ấy là một loạt những hình ảnh biểu tượng khác: áo choàng đỏ, giọt nước mắt - vầng trăng, lá bùa, đường chỉ tay, dòng sông.

Nhạc tính cũng là một yếu tố, tạo nên sức cuốn hút và ám ảnh của bài thơ, tính nhạc không chỉ ở hai câu thơ diễn tả âm thanh của tiếng đàn: li-la li-la li- la ở phần đầu và câu kết của bài thơ mà còn ở âm hưởng của toàn bài, gợi âm hưởng của tiếng đàn khi thì say sưa, sôi nổi, khi thì đau đớn quặn thắt. Bài thơ kết thúc bằng câu thơ li-la li-la li-la vang lên như một dòng âm thanh bất tận, còn ngân mãi của tiếng đàn Lor-ca. Không chỉ ở câu thơ này mà trong toàn bài, sức mạnh ám gợi của âm nhạc đã được phát huy cao độ (cố nhiên đây là âm nhạc của ngôn ngữ thơ), và đó cũng là một biểu hiện đặc trưng của thi pháp thơ tượng trưng.

Leave a Reply