Cảm nhận bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường

I. GIỚI THIỆU

1. Huế và bề dày văn hoá

- Không phải ngẫu nhiên nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ đường cho chúa Nguyễn Hoàng ra đi lập nghiệp ở Phú Xuân. Mảnh đất Huế đã là điểm hẹn của lịch sử. Từng là kinh thành của một triều đại phong kiến hùng mạnh và lâu dài, Huế chứa trong mình những chiều sâu văn hoá, những bề dày lịch sử, những vẻ đẹp của tình người. Huế đã trở thành một xứ sở "chứa khao khát của mọi miền", Huế trở nên "xứ mơ màng", "xứ thơ".

- Khi không còn là kinh thành của triều đại, thì Huế vẫn là điểm đến của du khách khắp mọi vùng miền trên thế giới. Đến với Huế, ta bắt gặp hết thảy một quá khứ chưa xa lắm của đất nước. Những cung điện nguy nga, những lăng tẩm tráng lệ, những địa danh trầm tư cổ kính. Mỗi địa danh, mỗi di tích trên xứ sử này mách với ta cả một chiều sâu, đưa ta đến với một trầm tích văn hoá. Miền đất ấy có sự giao thoa ân tình giữa miền Nam với miền Bắc, giữa miền Đông với miền Tây, giữa cái cổ kính ngàn đời với một tương lai trước mắt. Huế là nơi cho con người "tĩnh yên và hiểu biết".

Huế

2. Đề tài những dòng sông

Người ta tính, dọc theo chiều dài của nước Việt, cứ 10 cây số có một con sông nhỏ, 20 cây số có một con sông vừa và 40 cây số lại có một con sông lớn. Đất nước dài mà hẹp, lưng tựa Trường Sơn, mặt nhìn ra biển Đông, Việt Nam ở một độ nghiêng đẹp lí tưởng của thơ ca. Đất nước ấy có sông ngòi dày đặc để tạo nên những miền châu thổ, những vựa phù sa và lúa... Những con sông nước Việt đều chứa những chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hoá dân tộc Việt. Những dòng sông Việt luôn bồi đắp cho đất nước chúng ta những lớp phù sa văn hoá nhiều tầng. Vì vậy, những dòng sông từ bao đời, đã là đề tài không bao giờ cạn của thi - ca - nhạc - hoạ.

3. Sông Hương - biểu trưng của xứ Huế

Nói tới Huế, ai cũng đã mặc nhiên nhớ tới Hương Giang - hai tiếng Hương Giang mềm và duyên như cái giọng Huế ngọt dịu.

Hương Giang có từ thượng cổ, Huế mới có sau này. Nhưng Hương Giang với Huế là tao ngộ vững bền, sánh duyên muôn thuở. Hai điều ấy có trong nhau, làm nên nhau một cách hồn nhiên và kín đáo. Bởi vì, sông Hương nằm trọn trong lòng Huế, mang nước mát chảy khắp kinh thành, sông Hương làm nên cái dáng Huế mềm mại, e dè, kín đáo; Huế cho sông Hương hết thảy những tinh hoa của mình: ánh sáng, màu sắc, hương thơm và tình người. Huế làm cho sông Hương trở thành nỗi nhớ của hết thảy những ai một lần đến Huế. Huế và sông Hương như hai nửa cuộc đời của nhau.

Cũng bởi thế mà các nghệ sĩ muôn đời nay viết về sông Hương ắt có Huế và ngược lại. Huế và sông Hương hiện diện trong thơ ca, nhạc hoạ như một cặp phạm trù.

4. Hoàng Phủ Ngọc Tường

- Quê Quảng Trị nhưng sinh ra và trưởng thành ở Huế, ông trở thành người con yêu của đất cố đô. Huế, sông Hương trở thành một phần đời máu thịt trong ông.

- Xuất thân là dân văn khoa, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một vôh tri thức về văn hoá của con người Việt Nam nói chung và con người xứ Huế nói riêng. Ông đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Huế, cho dân tộc và cụ thế là cho cách mạng. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành nhà thơ, nhà văn, một nhà văn hoá Huế.

II. CẢM NHẬN

1. Cảm nhận chung về văn bản

- Văn bản thuộc loại tuỳ bút, có ba phần dài, phần trích ở SGK chỉ là đoạn đầu của phần 1.

- Dù thế, đoạn trích cũng đã cho ta thấy được một phần nào đó của chân dung con sông đẹp, thơ mộng và chứa nhiều trầm tích văn hoá nhất miền Trung.

- Văn bản viết theo thể bút kí nên cảm hứng rất dồi dào ở cái tôi trữ tình tài hoa và phóng túng, thể hiện một nhân cách văn hoá của nhà văn: lòng yêu thiên nhiên, yêu Huế, yêu những nền tảng văn hoá Việt và đó thực chất là lòng yêu giang sơn đất nước.

2. Hình ảnh con sông Hương

а. Sông Hương ở thượng nguồn

- Đó là một con sông như bất kì một con sông nào chảy từ lòng Trường Sơn ra đồng bằng tới biển. Như bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc và những đáy vực bí ẩn... cũng có lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa đỗ quyên... Sông Hương như một cô gái di gan phóng khoáng và man dại.

- Nhưng chính đại ngàn đã cho sông Hương một nửa thứ hai của cuộc đời để làm nên nó; để khi ra khỏi rừng già, sông Hương mang một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của vùng văn hoá xứ sở. Sông Hương đã giấu kín nỗi niềm sâu thẳm của mình, đã đóng kín lòng mình với quá khứ, ném trả chìa khoá xuống chân núi Kim Phụng để về với Hóa Châu trở thành một con sông khác. Nó bắt gặp và trở thành "người tình mong đợi" đến để "đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại".

Như vậy, ngay từ thượng nguồn, con sông Hương vừa như bao nhiêu con sông khác: hoang dã, hung dữ và thơ mộng nhưng lại là con sông của nỗi niềm bí ẩn, con sông của sâu thẳm tâm hồn, con sông mang những sắc thái của tình yêu.

Dòng sông mộng mơ

b. Sông Hương trở thành con sông đặc thù xứ sở

- Dù vẫn chảy trong "dư vang Trường Sơn" nhưng sông Hương đã trở thành con sông của xứ sở, của những tên đất, tên người chứa những trầm tích văn hoá dày sâu: Nó đổi dòng liên tục bởi cái xứ sở chập chùng những địa danh vừa lạ lùng vừa như hư ảo: ngã ba Tuần - Hòn Chén - Ngọc Trản - Nguyệt Biểu - Lương Quán - Thiên Mụ - Vọng Cảnh - Tam Thai - Lựu Bảo.

- Về không gian, đi vào Châu Hoá, sông Hương đi giữa đám quần sơn xô bồ nhưng ở đó là giấc ngủ ngàn thu của những đấng vua chúa giàu mình trong những rừng thông u tịch và những lăng tẩm đồ sộ kiêu hãnh âm u. Sông Hương mang "vẻ đẹp trầm mặc" như triết lí, như cổ thi...

- Về thời gian, sông Hương là một bề dày lịch sử. Sông Hương soi bóng kinh thành Phú Xuân với bao buồn vui của lịch sử: những thế kỉ XVII, XVIII và XIX với máu và gươm của các cuộc khởi nghĩa nông dân; sông Hương soi bóng chiến bào người anh hùng Nguyễn Huệ; sông Hương với nhà Nguyễn từng kiêu hùng rồi bạc nhược; sông Hương bắt gặp cách mạng mùa thu; sông Hương với các chiến công đánh Pháp đuổi Mĩ...

c. Sông Hương tình yêu với Huế

- Giông con sông Sen của Pa-ri, con sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố của mình - thành phố Huế. Huế trải dọc cân bằng hai bờ sông Hương. Sông Hương cho Huế nước và cuộc sống, Huế cho sông sắc màu huyền ảo: màu xanh của cây cối, màu tím của áo dài, màu vàng của sự cổ kính. Sông cho Huế thơ mộng và Huế cho sông tình người. Không có sông Huế trở nên khô cằn, không có Huế sông không hết phần hoang dã.

- Về với Huế, sông Hương và Huế thành hai nửa của một cuộc đời, của tình yêu của thơ ca nhạc hoạ. Sông Hương của mái nhì mái đẩy, của tứ đại cảnh, sông Hương với Tản Đà là "dòng sông trắng", với Cao Bá Quát trở thành "kiếm dựng trời xanh", với tác giả Từ. ấy, sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều.

d. Sông Hương với tên gọi: Sông Hương

- Đây chính là điều kí thác lớn nhất của tác giả về con sông yêu quý, về Huế yêu quý, về tình yêu giữa con người với con sông. Với truyền thuyết về người làng Thành Châu đổ nước của trăm loài hoa xuống lòng sông ngày lễ hội cho sông thơm tho mãi, sông Hương mang tên mình từ đó. Cái tên ấy chính là tình yêu, tình người, là văn hoá, phong tục thẩm mĩ.

Từ Linh Giang đến Hương Giang, con sông đã đi qua những hành trình không gian địa lí và thời gian của lịch sử. Nhưng hơn thế, sông Hương chảy giữa lòng người muôn thời đại để nó trở thành con sông của tình yêu, con sông của nghệ thuật. Và chỉ có như thế, sông Hương mới có cái tên thơ mộng của mình.

3. Nhận xét chung

Tuỳ bút Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện một trái tim, một khối óc nặng lòng với quê hương, xứ sở. Thiên tuỳ bút là chân dung một dòng sông, một nghệ sĩ hoà hợp trong nhau để cho người đời nhận thức, chiêm ngưỡng một vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên và cuộc sống.

Thiên tuỳ bút thể hiện một vẻ đẹp trên nhiều mặt: vẻ đẹp về văn hoá bản địa, vẻ đẹp một cách viết tài hoa uyên bác mà vẫn đôn hậu hiền hoà. Đặc biệt thiên tuỳ bút thể hiện một chất thơ dồi dào từ mạch cảm xúc đến ngôn ngữ, từ hình ảnh đến những sự rung động bất ngờ. Tất cả những vẻ đẹp đó làm nên một vẻ đẹp Hoàng Phủ Ngọc Tường: một nhà văn hoá nặng nghĩa với quê hương, một nhà thơ nhà văn cách mạng, một con người rất Huế.

Leave a Reply