Cảm nhận đoạn thơ về khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu

HƯỚNG DẪN

Trước hết, Tố Hữu phác họa bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận chiến đấu với khí thế hào hùng, sôi sục, khẩn trương:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Hai câu thơ gợi được không gian rộng lớn (Những đường Việt Bắc) và thời gian đằng đẵng (Đêm đêm) của cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kì. Khí thế xung trận được cảm nhận bằng âm thanh rầm rập - từ láy tượng thanh này không chỉ diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân mà còn giúp người đọc hình dung được nhịp độ khẩn trương, gấp gáp của một số lượng người đông đảo cùng hành quân về một hướng, tất cả tạo thành một sức mạnh tổng hợp làm rung chuyển cả mặt đất. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh cường điệu “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”để nêu bật sức mạnh đại đoàn kết của quân dân ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập tự do. Tóm lại, qua không gian rộng lớn, thời gian đằng đẵng khí thế hào hùng ở Việt Bắc có thể thấy rõ cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kì, gian khổ nhưng dân tộc Việt Nam không nhụt chí, trái lại, vẫn vững vàng, kiên cường, chung sức chung lòng đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.

Khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu

Hai câu tiếp theo miêu tả cụ thể hình ảnh bộ đội ta hành quân ra trận:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Đó là một hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn. Từ láy điệp điệp trùng trùng khắc họa đoàn quân đông đảo bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dâng trào, đợt này nối tiếp đợt kia tưởng chừng kéo dài đến vô tận. Tuy trang bị vật chất còn thiếu thốn (chiến sĩ phải đội mũ nan đan bằng tre lợp vải) nhưng đoàn quân điệp điệp trùng trùng chính là hình ảnh tượng trưng cho sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến. Trong những đêm dài hành quân chiến đấu ấy, đầu mũi súng của người lính luôn ngời sáng ánh sao, đó là ánh sao sáng thực trong đêm tối hay là một hình ảnh ẩn dụ: ánh sao của lí tưởng chỉ đường dẫn lối cho người chiến sĩ đánh đuổi kẻ thù bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Hình ảnh ấy gợi liên tưởng đến hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Có điều nếu ánh trăng trong bài “Đồng chí” là hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hòa bình, cho vẻ đẹp yên ấm của quê hương, thì ánh sao ở bài thơ này lại là biểu tượng của lí tưởng, của niềm lạc quan chiến thắng trong tâm hồn người lính ra trận.

Không chỉ có bộ đội ra trận mà nhân dân ta ở bất cứ nơi đâu cũng hăng hái góp sức mình vào cuộc kháng chiến. Trên núi rừng Việt Bắc đêm khuya, cùng hành quân với bộ đội là những đoàn dân công phục vụ chiến đấu:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

Những bó đuốc đỏ rực soi đường đã làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn dân công tiếp lương tải đạn. Có thể hình dung ở đó đủ cả trẻ già trai gái, họ đến từ nhiều miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở gồng gánh quyết tâm, kiên cường vượt qua núi cao đèo dốc đảm bảo sức mạnh vật chất cho bộ đội chiến đấu, chiến thắng. Thành ngữ có câu “chân cứng đá mềm”, Tố Hữu chuyền thành “Bước chân nát đá” - hình ảnh cường điệu ấy khẳng định ý chí phi thường, sức mạnh to lớn của nhân dân kháng chiến. Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, là cuộc chiến tranh nhân dân, nó phát huy cao độ sức mạnh của cả dân tộc chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa, vì thế ta nhất định thắng.

Khí thế kháng chiến ở Việt Bắc

Hai câu thơ cuối càng khẳng định niềm lạc quan tin tưởng vững chắc “Trường kỉ kháng chiến nhẩt định thắng lợi”:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Ánh đèn pha của ô tô kéo pháp xuyên thủng màn đêm dày đặc, đấy cũng là một dấu hiệu nữa về sự trưởng thành của quân đội ta, sự trưởng thành ấy là một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi. Đáng chú ý là hai câu thơ tạo ra tương quan đối lập giữa bóng tối và ánh sáng: nếu câu trên khắc họa bóng đêm đen tối thăm thẳm gợi kiếp sống nô lệ của cả dân tộc dưới ách đô hộ của kẻ thù thì câu dưới lại bừng lên ánh sáng của niềm tin vào ngày mai chiến thắng huy hoàng, tương lai tươi đẹp. Thực ra trong cả đoạn thơ người ta đều nhận thấy sự đối lập này: Tố Hữu đã sử dụng cả một hệ thống từ chỉ ánh sáng (ánh sao, đỏ đuốc, lửa bay, bật sáng) tương phản với một hệ thống từ chỉ bóng tối (đêm đêm, nghìn đêm, thăm thẳm, sương dày) - với xu thế ánh sáng lấn át bóng tối. Dường như tác giả có dụng ý nêu bật xu thế chiến thắng tất yếu của dân tộc ta trước mọi kẻ thù hắc ám, đồng thời khẳng định những ngày tươi sáng, hạnh phúc nhất định sẽ tới với dân tộc ta.

Đoạn thơ vừa đậm chất sử thi hào hùng vừa giàu tính lãng mạn tượng trưng đã diễn tả thành công khí thế kháng chiến ở Việt Bắc. Qua đó Tố Hữu khắc họa sâu sắc hình ảnh dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, đầy gian khổ hi sinh nhưng nhất định thắng lợi.

Leave a Reply