Cảm nhận đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

HƯỚNG DẪN

TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả: Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), sinh ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở Đà Nẵng. Tuổi ấu thơ, Lưu Quang Vũ sống ở vùng trung du Phú Thọ, đến năm 1954 về học ở Hà Nội. Ông từng là bộ đội trong kháng chiến chống Mĩ.

- Lưu Quang Vũ bắt đầu sáng tác thơ khoảng giữa những năm 60 của thế kỉ XX, và từ đó về sau đã có nhiều bạn đọc yêu mến.

- Đầu những năm 80, từ thơ và truyện ngắn ông chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu. Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành nhà viết kịch xông xáo, sung sức nhất, đạt nhiều thành công nhất trong đời sống sân khấu Việt Nam trong những năm 80. Chỉ chưa đầy 10 năm, ông sáng tác khoảng 50 kịch bản, hầu hết đã được dàn dựng.

Ngòi bút kịch của ông nhạy bén, sắc sảo, đề cập đến hàng loạt vấn đề có tính thời sự nóng hổi trong cuộc sống đương thời, đáp ứng được những đòi hỏi của đông đảo người xem trong thời kì xã hội đang chuyển động mạnh mẽ theo hướng đổi mới.

Kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn chủ yếu không phải bằng xung đột xã hội gay gắt mà bằng xung đột trong cách sống và trong quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện cuộc sống, hoàn thiện con người.

Tài năng nghệ thuật của Lưu Quang Vũ phong phú, đa dạng: tài dựng tình huống kịch, kết hợp tính thời sự và tính muôn thuở, tính kịch và chất thơ. Ngôn ngữ trau chuốt, gợi cảm, có chiều sâu cũng là một đặc điểm và thế mạnh của nhà viết kịch - nhà thơ này.

Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Cảm nhận đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

2. Tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết từ năm 1981, đến 1984 mới ra mắt công chúng, được coi là vở kịch hay nhất của Lưu Quang Vũ, đã được biểu diễn trên sân khấu trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, tác giả đã xây dựng được một vở kịch dài, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa triết học và nhân văn sâu sắc.

- Truyện cổ dân gian ngắn gọn, mang một tư tưởng triết học có phần cơ bản đúng, nhưng hơi đơn giản, đề cao linh hồn, tuyệt đối hóa linh hồn, không chú ý đến mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn.

- Kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian, Lưu Quang Vũ cũng nhấn mạnh vai trò của linh hồn đối với thể xác. Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ không dừng lại ở đó. Vở kịch cho thấy sự tồn tại của thể xác độc lập với linh hồn, sự chi phối của thể xác đối với linh hồn cùng những phiền toái do sự không hòa hợp, không thống nhất giữa linh hồn và thể xác, hay nói một cách khác, sự bất ổn của việc mượn thân xác người khác khiến cho mình không còn là mình nữa. Một linh hồn dù tốt đẹp nhưng khi mượn sự sống của thân xác khác thì cũng không hạnh phúc bởi nó mang mặc cảm về sự giả dốì.

CẢM NHẬN

1. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một cuộc đối thoại sinh động, đầy ý nghĩa triết lí.

Hành động kịch đẩy mâu thuẫn lên đến cao trào: xác hàng thịt tỏ ra lấn lướt hồn Trương Ba, sỉ nhục hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba đau khổ đến tột độ và thấy không thể chịu đựng được nữa.

Xác hàng thịt - ẩn dụ về thể xác của con người.

Hồn Trương Ba - ẩn dụ về linh hồn con người.

Cuộc đối thoại giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba là cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn trong một con người. Thể xác và linh hồn có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thể xác có tính độc lập tương đối của nó, có tiếng nói của nó, có khả năng tác động vào linh hồn, linh hồn phải đấu tranh với những đòi hỏi không chính đáng của thể xác để hoàn thiện nhân cách.

2. - Mang xác hàng thịt, hồn Trương Ba trở nên thô vụng hơn (làm gãy cây, gãy diều...)

- Hồn Trương Ba cảm thấy xa lạ hơn với những người thân (vợ muốn bỏ đi để “ông được thảnh thơi... với cô vợ người hàng thịt”; cháu nội không nhận ông vì “ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy”; ngay cả con dâu, người thông cảm với hồn Trương Ba hơn cả, cũng thấy bố chồng “mỗi ngày một đổi khác dần, mất mát dần”.

Hồn Trương Ba cảm thấy xa lạ hơn với những người thân

Hồn Trương Ba cũng nhận ra những điều đó, ông thấy không thể sống như thế được nữa, không thể khuất phục trước thể xác và tự đánh mất mình. Đoạn đối thoại cuối lớp kịch này cho thấy rõ điều đó: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta... - Nhưng lẽ nào ta lại chịu thưa mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?” Chẳng còn cách nào khác!” Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

3. Màn đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích cho thấy Đế Thích có cái nhìn khá quan liêu và hời hợt về cuộc sống của con người nói chung và của Trương Ba nói riêng. Trong khi đó, sống có ý nghĩa thực sự đối với Trương Ba thì không thể cứ kéo dài tình trạng giả tạo “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” mà phải đúng là mình, hòa hợp và toàn vẹn giữa linh hồn và thể xác.

4. Trước khi kết thúc, tác giả còn đưa nhân vật vào cuộc thử thách cuối cùng, lúc đối mặt với cái chết, trước một sự lựa chọn: nhập vào xác cu Tị, một em bé hàng xóm vừa chết. Hồn Trương Ba rất thương cu Tị vì đó là một đứa bé ngoan, bạn thân của cái Gái - cháu nội yêu quý của ông. Nhưng ông không thể tái diễn bi kịch sống trong thân xác mượn của người khác: “Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Vì thế ông đã xin cho cu Tị được sống lại, còn mình thì xin được chết.

5. Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực.

Leave a Reply