Cảm nhận hình tượng xà nu, nhân vật Tnú và một vài nhân vật khác trong truyện ngắn Rừng xà nu

- Tác giả

Tên khai sinh của nhà văn là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê gốc ở tỉnh Quảng Nam. Ông gắn bó, thấu hiểu sâu sắc mảnh đất, con người Tây Nguyên nên đã sáng tác nhiều tác phẩm thâm đẫm sắc màu hoang sơ, hùng vĩ của rừng núi Tây Nguyên và ngời sáng vẻ đẹp của con người Tây Nguyên hồn hậu, kiên cường, bất khuất.

- Tác phẩm

Rừng xà nu in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc được viết năm 1965. Tác phẩm là thành công nối tiếp của nhà văn về đề tài Tây Nguyên và trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

1. Hình tượng rừng xà nu

- Rừng xà nu mang vẻ đẹp tự nhiên: vừa hùng vĩ, rộng lớn, vừa có sức sống khoẻ mạnh, kiên cường và ham ánh sáng mặt trời, luôn vượt lên bom đạn tàn ác của bọn Mĩ và tay sai.

- Rừng xà nu mang vẻ đẹp tượng trưng, biểu tượng cho những phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man nói riêng, nhân dân Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam nói chung.

2. Nhân vật Tnú

a. Tnú là một con người giàu tình cảm, sống nhân ái, chan hòa

- Với cánh rừng xà nu: Tnú cùng dân làng sống gắn bó với cây xà nu. Từ đơn vị trở về thăm làng, Tnú đứng hồi lâu ngắm nhìn, phát hiện từng vẻ đẹp của rừng cây. Thăm làng được một đêm, sớm hôm sau lên đường, trước khi chia tay mọi người, Tnú lại đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn rừng xà nu, lòng bâng khuâng, bịn rịn như đốiì với người thân, bạn bè.

- Với bà con dân làng Xô Man, Tnú coi như những người ruột thịt. Từ phút đầu đặt chân tới làng, cho đến khi được cả làng vui vẻ đón tiếp, Tnú gọi tên, nhận mặt từng người, thăm hỏi từng người.

- Với vợ con, Tnú dành trọn sự yêu thương, săn sóc. Khi vợ con bị bọn ác ôn đánh đập, Tnú đã lao vào giữa bọn dã thú che chở cho vợ con.

Rừng xà nu

b. Tnú là con người của lí tưởng, cách mạng

- Ngay từ nhỏ, Tnú đã xung phong vào rừng nuôi cán bộ, làm liên lạc. Tnú nguyện ghi nhớ và làm theo lời người cán bộ cách mạng thà chết không van xin. Mười đầu ngón tay bị giặc đốt cháy như mười ngọn đuốc, Tnú vẫn không thèm kêu van kẻ thù. Đau đớn đến tột cùng, căm hờn đến ứa máu, đối mặt với cái chết, người thanh niên cách mạng ấy luôn giữ vững lòng trung thành, giữ vững tư thế hiên ngang, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.

- Lần thứ nhất bị giặc bắt, giam cầm, tra khảo suốt ba năm, Tnú vẫn không khai, vẫn giữ trọn phẩm chất cách mạng. Rồi anh vượt ngục trở về làng. Vừa về làng, Tnú đã tham gia lập đội du kích, tự nguyện đi bộ ba ngày lên núi Ngọc Linh gùi đá mài về mài gươm giáo, chiến đấu bảo vệ xóm làng.

- Lần thứ hai, khi xông ra cứu vợ con, Tnú lại bị bắt. Mười ngón tay anh bị đốt bốc lửa rừng rực. Nỗi đau thể xác đã biến thành lòng căm thù. Anh "thét lên một tiếng". Tiếng thét của anh gọi dậy nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Từ thế bị động, bị dồn vào bi kịch, người con kiên cường của Xô Man đã chuyển sang chủ động, khích lệ, động viên mọi người vùng lên tiêu diệt kẻ thù giành chiến thắng. Mười tên ác ôn đã bị giết, Tnú được cứu sống, Tnú đã chiến thắng, chiến thắng bằng lòng trung thành, bằng ý chí kiên cường, bằng gươm giáo, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, có tổ chức.

Tnú là hình tượng tập trung những vẻ đẹp trong nhân cách, lẽ sống của cả làng Xô Man, là biểu tượng rực sáng cho sức sống anh hùng của cộng đồng người dân Tây Nguyên. Cuộc chiến đấu và chiến thắng của Tnú là một minh chứng cụ thể cho chân lí của công cuộc kháng chiến chống Mĩ lúc bấy giờ, đúng như cụ Mết nói: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!".

Dân làng Xô Man

3. Một vài nhân vật khác

a. Cụ Mết già làng

Gợi liên tưởng đến một cây xà nu cổ thụ toả rợp bóng mát che chở, dẫn dắt dân làng, nuôi dưỡng, gìn giữ mạch nguồn, sức sông cho mảnh đất quê hương.

b. Cô Dít

Như một cây xà nu non tơ tràn trề sức sống, trong bão táp bom đạn kẻ thù vẫn lớn lên phơi phới, toả sáng nhiều nét tươi trẻ đáng yêu.

Về nghệ thuật, tác phẩm có cốt truyện và nhiều tình huống, sự việc dồn dập, căng thẳng, lôi cuốn; nhân vật được khắc hoạ vừa hiện thực, vừa lãng mạn; giọng kể và ngôi kể linh hoạt, biến đổi; phương thức miêu tả và tự sự, triết lí, đan xen; những biện pháp so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, cường điệu được sử dụng hài hoà vừa hấp dẫn, vừa truyền cảm.

Rừng xà nu là thiên sử thi, là bài ca hùng tráng ca ngợi chủ nghĩa anh hùng Việt Nam thời đại chống Mĩ cứu nước. Với thành công của mình, tác phẩm đã nâng tầm khẳng định vẻ đẹp của ánh sáng sử thi trong vãn học thời chống Mĩ.

Leave a Reply