Cảm nhận truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

1. Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc, dùng trong thời kì hoạt động ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, ông gia nhập quân đội, hoạt động chủ yếu ở Tây Nguyên. Những năm tháng ấy đã giúp ông tích luỹ những hiểu biết về đất nước và con người ở vùng đất này để viết thành công tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên, được tặng giải Nhất của giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 - 1955. Sau năm 1954 tập kết ra Bắc, ông công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1962, Nguyên Ngọc trở lại chiến trường miền Nam, hoạt động ở miền Trung Trung Bộ. Với bút danh Nguyễn Trung Thành, ông viết nhiều truyện ngắn, kí, tiểu thuyết về cuộc kháng chiến chống Mĩ anh hùng của nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975, trở ra Hà Nội, Nguyên Ngọc về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, là Phó Tổng thư kí, rồi Tổng biên tập báo Văn nghệ, ông đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học.

Sáng tác của Nguyên Ngọc mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, tập trung viết về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, đề cập đến những vấn đề trọng đại của vận mệnh dân tộc và nhân dân, xây dựng những tính cách anh hùng.

2. Năm 1965, khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào chiến trường miền Nam nước ta, cuộc kháng chiến chống Mĩ bước sang một giai đoạn mới chống lại chiến tranh cục bộ của Mĩ ngụy. Nguyên Ngọc công tác tại cơ quan tuyên huấn của quân khu, ông đã viết truyện ngắn Rừng xà nu, để khơi dậy mạnh mẽ ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng của nhân dân ta. Truyện được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ (số 2, năm 1965). Sau đó được đưa vào tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

Nguyễn Trung Thành

3. Rừng xà nu là truyện về cuộc "đồng khởi" của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên, cũng là câu chuyện bi tráng về cuộc đời của Tnú. Hai câu chuyện ấy lồng vào nhau mà chuyện về Tnú diễn ra trên nền cảnh lịch sử là cuộc "đồng khởi" của làng. Tư tưởng chủ đề của truyện đã được phát ngôn qua lời của cụ Mết - một già làng, ở đoạn cao trào của xung đột giữa người dân làng Xô Man và kẻ thù; tư tưởng ấy được ghi khắc như một chân lí lịch sử: Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!... Tư tưởng ấy cũng là điểm quy tụ mọi cảm hứng nghệ thuật của tác giả và soi chiếu lên mọi chi tiết nghệ thuật của tác phẩm. Câu truyện về lịch sử cuộc nổi dậy của một làng và cuộc đời của Tnú được kể lại trong một đêm, cái đêm anh về thăm làng, qua lời của cụ Mết. Chuyện được kể qua lời của một già làng, bên bếp lửa bập bùng suốt đêm, cho cà dân làng nghe: giọng kể trang trọng như truyền cho các thế hệ con cháu những tráng lịch sử bi thương và anh hùng của cộng đồng. Truyện đã xây dựng một tập thể nhân vật với nhiều thế hệ tiếp nối nhau của làng Xô Man cùng đứng lên trong cuộc chiến đấu giải phóng. Cụ Mết là gạch nối giữa lịch sử và hiện tại, là thế hệ chiến đấu từ thời chông thực dân Pháp; anh Quyết là cán bộ cách mạng, người đã "gieo mầm" cách mạng trong đồng bào Tây Nguyên; rồi Tnú, Mai và tiếp đó là Dít, cả thằng bé Heng - các thế hệ nhân dân Tây Nguyên tiếp nối cuộc chiến đấu, càng về sau càng trưởng thành mau lẹ. Nhân vật trung tâm Tnú - được tác giả tập trung khắc hoạ cả tính cách và số phận. Cuộc đời và số phận của Tnú mang ý nghĩa tiêu biểu cho số phận và con đường giải phóng của nhân dân Tây Nguyên, ở Tnú, nhiều chi tiết được miêu tả nhằm làm nổi bật những nét tính cách đẹp đẽ và được bộc lộ ngay từ lúc còn là một cậu bé: gan góc và táo bạo, dũng cảm và trung thực, gắn bó và trung thành với cách mạng, tình thương yêu vợ con và dân làng, quê hương,... Câu chuyện tình của Tnú và Mai lúc còn nhỏ thì hồn nhiên và thơ mộng, ở tuổi trưởng thành thật đẹp và thắm thiết nghĩa tình, nhưng rồi thành vô cùng bi thương bởi sự tàn bạo tột cùng của kẻ thù, ngay giữa lúc hai người đang ngập tràn hạnh phúc. Nhưng có lẽ ở nhân vật Tnú, hình ảnh đôi bàn tay gây được ấn tượng sâu sắc và đậm nét hơn cả. Một hình tượng nổi bật và xuyên suốt trong truyện ngắn này là hình tượng cây xà nu. Hình ảnh này không chỉ là khung cảnh thiên nhiên làm nền cho câu chuyên mà còn mang một ý nghĩa biểu tượng rộng lớn. Mở đầu và kết thúc truyện đều là hình ảnh cánh rừng xà nu: đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời (câu này được nhắc lại gần nguyên vẹn ở đoạn kết, như một vĩ thanh láy lại, gây ấn tượng nổi bật tạo một dư ảnh và dư âm đọng lại trong tâm trí độc giả sau khi câu chuyện đã khép lại).

Nhưng xà nu không chỉ có mặt trong đoạn mở đầu và đoạn kết, nó còn hiện diện trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xô Man của anh. Xà nu gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày như đã từ ngàn đời nay thần thuộc với dân làng: ngọn lửa xà nu cháy bập bùng trong đông lửa ở nhà ưng tập hợp cả dân làng; khói xà nu đen nhẻm trên thân mình lũ trẻ; khói xà nu còn làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Mai và Tnú học chữ,... Xà nu còn tham dự vào những sự kiện quan trọng của cuộc sống làng Xô Man: ngọn đuốc xà nu cháy sáng trong tay cụ Mết và cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác vụ rựa đã giấu kĩ về chuẩn bị cho cuộc nổi dậy; đêm đêm cả làng thức mài vũ khí dưới ánh đuốc xà nu; giặc đốt hai bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu; rồi ngọn lửa từ các đuốc xà nu soi sáng rực cả làng cái đêm nổi dậy, soi rõ xác mười tên lính bị giết nằm ngổn ngang quanh đông lửa xà nu lớn giữa sân nhà ưng của làng.

Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên. Chúng ta hiểu vì sao truyện ngắn này có tên là Rừng xà nu. Tác giả cũng đã nói rõ vai trò của hình tượng xà nu trong sự tổ chức các chi tiết nghệ thuật và quy tụ cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Có thể nói hình tượng xà nu là một mô tip chủ đạo trong tác phẩm, không tìm được hình tượng này, tác giả cũng không thể viết được truyện ngắn Rừng xà nu. Truyện Rừng xà nu mang đậm chất sử thi. Chất sử thi toát lên từ chủ đề, cốt truyện đến nhân vật và cả hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật và giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm.

Rừng xà nu

4. Nghệ thuật trần thuật linh hoạt. Có sự chuyển đổi người trần thuật: ở đoạn đầu truyện là lời kể của người trần thuật ngôi thứ 3, nhưng nương theo ý nghĩ của nhân vật Tnú trên đường về lại làng Xô Man của anh; phần chính của truyện được kể theo lời cụ Mết, tái hiện về cuộc nổi dậy của làng Xô Man và câu chuyện đau thương và bi tráng của Tnú và Mai; ở phần cuối truyện lại được trần thuật từ ngôi thứ 3, kể về buổi sáng hôm sau Tnú lên đường, cụ Mết và Dít tiễn anh. Câu chuyện về lịch sử cuộc nổi dậy của một làng và cuộc đời của Tnú được kể lại trong một đêm, cái đêm anh về thăm làng, qua lời của cụ Mết. Chuyện được kể qua lời của một già làng, bên bếp lửa bập bùng suốt đêm, cho cả dân làng nghe: giọng kể trang trọng như truyền cho các thế hệ con cháu những trang lịch sử bi thương và anh hùng của cộng đồng: Người già chưa quên, người chết quên rồi thì để cái nhớ lại cho người sống... Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe!...

Cách trần thuật như vậy gợi nhớ tới cách kể "khan" (trường ca) của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Bên bếp lửa chung của làng, các bài "khan" được kể như hát suốt nhiều đêm, những trường ca đầy chất sử thi kể về lịch sử mang màu sắc huyền thoại của bộ tộc, về những người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh và khát vọng của cộng đồng (như các trường ca Đam Săn, Xinh Nhã, Đam Bơ-ri,...). Trong Rừng xà nu, cầu chuyện cụ Mết kể cho dân làng nghe là câu chuyện của thời hiện tại, nhưng đã được kể như là một câu chuyện lịch sử với giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng sử thi, với thái độ "chiêm ngưỡng" qua một "khoảng cách sử thi".

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả cũng rất thành công. Tập thể nhân vật trong truyện có nhiều nét chung ở số phận, con đường đi, ở sự kiên định con đường chiến đấu và khát vọng giải phóng, ở niềm tin và sự gắn bó với cách mạng. Nhưng mỗi nhân vật lại có những nét riêng trong tính cách, cá tính, mỗi nhân vật là một điển hình cho nhân dân Tây Nguyên, cho thế hệ mình, đồng thời lại là một chân dung riêng biệt, mà cụ Mết và Tnú là hai nhân vật gây được ấn tượng sâu đậm nhất. Tác giả vận dụng nhiều thủ pháp xây dựng nhân vật: từ khắc hoạ ngoại hình, đến miêu tả ngôn ngữ và hành động, ý nghĩ nội tâm của nhân vật; đặc biệt là đặt nhân vật vào những tình huống thử thách gay gắt, xung đột quyết liệt để bộc lộ đầy đủ phẩm chất, tính cách của họ. Những nhân vật đại diện cho nhân dân trong tác phẩm đều là những nhân vật mang đậm chất sử thi, mang phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng, cách mạng.

- Truyện còn tạo được sức hấp dẫn bằng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc giàu ý nghĩa biểu tượng, tiêu biểu là hình ảnh Rừng xà nu và hình ảnh bàn tay Tnú.

- Ngôn ngữ và giọng điệu của truyện phù hợp với chủ đề, cốt truyện và nhân vật. Lời cụ Mết thì trang trọng, thiết tha như tiếng nói của lịch sử, phát ngôn những chân lí của thời đại; ngôn ngữ của Tnú thì dứt khoát, quyết liệt khi đối đáp với kẻ thù, sôi nổi tha thiết với Mai, với dân làng. Giọng điệu chung của truyện là giọng trang nghiêm, hào hùng, có khi trầm lắng, tha thiết, phù hợp với tính chất sử thi và cảm hứng lãng mạn của truyện.

Leave a Reply