Cảm nhận và suy nghĩ, cảm xúc của anh (chị) về vẻ đẹp miền đất Việt Bắc qua đoạn trích trong bài Việt Bắc của Tố Hữu: “Ta về, mình có nhớ ta... Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Cảm nhận và suy nghĩ, cảm xúc của anh (chị) về vẻ đẹp miền đất Việt Bắc qua đoạn trích trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ảnh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2013, tr.84-85)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Yêu cầu chung

- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về một đoạn thơ; bố cục rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Làm rõ vẻ đẹp của miền đất Việt Bắc được thể hiện trong đoạn thơ.

- Nắm vững kiến thức cơ bản về đoạn thơ gắn với yêu cầu nội dung của đề, huy động hợp lí kiến thức có liên quan (tác giả, tác phẩm, các sáng tác cùng đề tài...)

Vẻ đẹp miền đất Việt Bắc

2. Yêu cầu cụ thể

Có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng bài làm cần đảm bảo các ý chính sau:

a. Giới thiệu chung

- Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu giàu chất trữ tình chính trị và tính dân tộc.

- Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu, đồng thời cũng là thành tựu của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ là những hồi tưởng đầy xúc động của nhà thơ về chặng đường mười năm kháng chiến chống Pháp gắn liền với mảnh đất và con người nơi chiến khu Việt Bắc.

- Đoạn trích trong phần đầu của bài thơ đã tập trung làm rõ vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi núi rừng Việt Bắc trong nỗi nhớ, niềm thương của nhà thơ.

b. Phân tích cụ thể

- Hai câu thơ đầu nêu lên cảm xúc chủ đạo của cả đoạn thơ:

+ Cách xưng hô “ta” - “mình” quen thuộc của ca dao thể hiện diễn biến tâm trạng trong tình yêu lứa đôi.

+ Nỗi nhớ người đi xa về, miền đất Việt Bắc gắn với hai nét chủ đạo: hoa và người - nhớ những gì đẹp nhất, tiêu biểu nhất của Việt Bắc.

- Cảnh và người Việt Bắc hiện lên rất đẹp, rất trữ tình, thơ mộng trong nỗi nhớ của người đi xa (thể hiện rõ nhất qua bức tranh tứ bình ở bốn cặp câu lục bát tiếp theo):

+ Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp đa dạng, phong phú, thay đổi theo thời tiết, theo từng mùa khác nhau từ mùa đông tới mùa thu: tính từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ tươi, trắng, vàng... Những hình ảnh: hoa chuối, hoa mơ, rừng phách, trăng... - Những bức tranh tứ bình vừa lộng lẫy, vừa đơn sơ, sinh động, phong phú.

Con người Việt Bắc hiện lên với cảnh những người lao động bình dị

+ Con người Việt Bắc hiện lên trong sự hòa quyện thắm thiết với cảnh những người lao động bình dị: người đi làm nương rẫy, người hái măng, người đan nón,... với những việc làm tưởng như nhỏ bé nhưng góp phần tạo nên sức mạnh vì đại của cuộc kháng chiến. Chú ý các chi tiết: Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng, chuốt từng sợi giang, hái măng một mình... gợi tư thế làm chủ thiên nhiên, sự cần mẫn, chăm chỉ, sự vất vả của những người dân Việt Bắc.

Tất cả những người lao động thầm lặng đó đã đi vào nỗi nhớ của nhà thơ. Họ để lại trong lòng người đi xa “tiếng hát ân tình thủy chung”; nhắc nhở người đi xa khi sống trong hòa bình không được quên ân tình cách mạng của người dân Việt Bắc.

c. Đánh giá

- Đoạn thơ giàu màu sắc hội họa, từ ngữ giàu giá trị tạo hình đã tạo nên bức tranh tứ bình về cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc. Cảnh và người hòa quyện thắm thiết, tô điểm cho nhau, tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của mảnh đất Việt Bắc mà không vùng quê nào có được.

- Đoạn thơ thể hiện tình yêu, sự gắn bó sâu nặng, nỗi nhớ của người chiến sĩ cách mạng về xuôi, của nhà thơ đối với miền đất Việt Bắc ân nghĩa thủy chung. Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất trong bài thơ đồng thời tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu - giản dị, đậm đà tính dân tộc.

Leave a Reply