Cảm nhận về bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Năm 1958 - 1960, Chế Lan Viên viết về đề tài Chính phủ kêu gọi thanh niên lên xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc, một đề tài “khó nuốt”. Vậy mà suy tư chân tình, qua tài chọn lựa hình ảnh và biểu đạt bằng ngôn ngữ, Chế Lan Viên đã cất lên được Tiếng hát con tàu (trong tập Ánh sáng và Phù sa) đầy khí thế tuổi xuân...

Bốn câu thơ mở đầu chữ nhỏ nhưng ý đã mênh mông xanh, đằng sau câu cuối có dấu chấm hỏi nhưng lòng đã hớn hở trả lời, mở đầu cho cuộc hành trình rộn rã... của một người đến với muôn người.

Cảm nhận về bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Kế tiếp là đoạn thơ tám câu có nhiều lời giục giã hối thúc biểu hiện sự nóng lòng và một chút trách hờn! Bốn câu đầu là những lời khẳng định một chuyến đi: “Tàu này lên Tây Bắc - Tàu đói những vầng trăng”. Nỗi khát khao được đi là bản chất của con tàu. Được đón những tâm hồn thơ mộng, đầy sức sống thanh bình như những vầng trăng cũng là khát khao... Bởi vậy mà trong đoạn thơ có lời hỏi và thúc giục. “Anh đi chăng?”, “Anh có nghe...?”, “Sao chửa ra đi?” từ nghi vấn đến trách nhẹ “Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội”, đi ngược lại trào lưu tiến hóa của xã hội, của tâm hồn mình. Nhà thơ đã giải thích và khẳng định một cách duyên dáng:

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia

Đi là mở rộng chân trời không chỉ trong trí mà còn cả trong tim. Tim có mở, có gặp gỡ, có xúc động, có thấm được hồn của sự vật mới có được thơ. Tàu mở đường cho anh đang chờ.

Đã một lần “người ra đi đầu người không ngoảnh lại” (Nguyễn Đình Thi) để đến với Tây Bắc theo tiếng gọi của kháng chiến trường kì. Nơi ấy như Phạm Văn Đồng đã viết: “Tây Bắc là nơi núi rừng trùng trùng điệp điệp, điệp diệp trùng trùng xa hơn tầm con mắt, nước non, non nước đẹp hơn tranh mắt nhìn không chán”. Theo tiếng gọi kháng chiến trường kì, biết bao người đã rời quê nghèo nước mặn, đất mẹ sỏi đá, tay xách mô cơm nếp mà vội vã lên đường. Từ nghi vấn về: “anh”, nhà thơ đã gọi tha thiết bằng những câu cảm.

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc

Rồi

Ôi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường

Hình ảnh và ý nghĩa thiêng liêng của nơi ấy sống lại trong tâm tư khiến tác giả nhớ quay quất, lòng nôn nóng muốn đi... Bởi vậy điệp khúc “nhớ” cứ lặp đi lặp lại.

Con nhớ anh con, người anh du kích

Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

- Con nhớ em con, thằng em liên lạc

... Mười năm tròn chưa mất một phong thư

- Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc

Năm con đau, mế thức một mùa dài

...

- Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

... Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Trong lí tưởng: nhớ người cùng chiến đấu. Đến Tây Bắc ấy chẳng phải như bây giờ. Người chiến sĩ “mỗi bước đường đi mỗi hi sinh”. Chế Lan Viên chọn hình ảnh trong bao nhiêu hình ảnh về một người, rồi đưa vào câu thơ của mình một cách tự nhiên nhưng mang nhiều ý nghĩa. Cái thuở “áo vải chân không - Đi lùng giặc đánh” (Hồng Nguyên) của người anh vẫn mồn một hiện về: “Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con” “Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn”: Hơi ấm của cha anh truyền lại. Và cái nghèo chưa biết bao giờ qua. Cảm động làm sao “chiếc áo nâu” trong những câu thơ ấy!

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc

“Con” còn nhớ “thằng em liên lạc” với những khổ cực mà em phải chịu, công việc tròn trịa mà em đã làm... Nhớ những người mẹ “không phải hòn máu cắt”, ngôn ngữ dân gian chỉ người ruột thịt, vẫn chịu khổ cực nuôi nhà - thơ - lính suốt mùa dài bị bệnh...

Những câu thơ trên diễn tả nỗi nhớ, tình yêu thật diễm tuyệt với những hình ảnh so sánh đẹp đến không ngờ: “như đông về nhớ rét. Như xuân đến chim rừng lông trở biếc”-“như cánh kiên hoa vàng”, và thêm vào đó “vắt xôi nuôi quân” là đủ năm cảm giác đề diễn tả một tình yêu thơ mộng của thời chiến...

Tất cả những hình ảnh cụ thể của một quá khứ trở thành nỗi nhớ của hiện tại về Tây Bắc một thời đã được nhà thơ đúc kết lại.

Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng

Nơi máu đỏ tâm hồn ta thấm đất

Rồi được nâng lên bằng hai câu thơ mang chất triết lí.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

Đấy cũng là hiện thực có trong tâm linh mỗi người nhưng hình như chưa ai diễn đạt bằng lời thơ có vần, có điệu.

Nhà thơ chuẩn bị đi, đang kêu gọi mọi người đi về Tây Bắc. Tây Bắc anh hùng nhưng nghèo khó bởi chưa có bàn tay, trí tuệ khai thác sự giàu có tiềm ẩn trong chốn đất rừng. Chuẩn bị đi rồi sẽ đến. Lúc ấy.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

Khả năng so sánh của nhà thơ thật phong phú. Nhà thơ đã cảm thông được với phần hồn của sự vật. Tất cả đều mang chất tươi mát, chất ngọt thừa sức quyến rũ con người. Niềm vui của ngày gặp lại kể từ “Mình về với Bác đường xuôi. Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?” càng thôi thúc cả trong nhịp điệu của những câu thơ, mong được gặp để thủ thỉ nỗi nhớ, niềm vui của mình.

Tây Bắc là ân nghĩa, nỗi nhớ trong hiện tại nên khi nghe tiếng lên đường xây dựng Tây Bắc, nhà thơ đã tự hỏi:

Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?

Tây Bắc lên tiếng, nhà thơ thúc giục là nghĩa tình

Có lẽ cả hai, và có lẽ cả ba. Nhà nước cất tiếng: đó là trách nhiệm. Tây Bắc lên tiếng, nhà thơ thúc giục là nghĩa tình. Nơi ấy có “tình em đang mong, tình mẹ đang chờ”. Và nhà thơ đã tha thiết mong được đi nhanh:

Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội

Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga

Đã có đổi thay nơi nơi rồi, những mái nhà mang dấu vết thời chiến đã được thay bằng “ngói đỏ”. Nhà thơ thèm nhìn những đổi thay ấy trên chuyến tàu đi, muốn nhìn nghe “lúc chín rì rào”. Muốn vượt lên phía trước, muốn tuổi trẻ phải.

Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến

Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao

Tây Bắc đã một thời “máu đỏ tâm hồn ta thấm đất” để giành lại độc lập thì nay cũng đang cần sức lao động xây dựng của con người. Trong những dòng thơ của tâm hồn khát khao xây dựng, nhà thơ nhắc lại mười năm máu đổ ở chốn này để rồi tự hào: “Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ”. Hồn thơ là gì đây? Là hạnh phúc bật lên tiếng nói vần điệu. Được thét lên tiếng thét căm hờn đòi lại tự do, được đổ mồ hôi cho màu xanh của sự sống; nụ cười ngây thơ của trẻ, nụ cười móm mém của mẹ già, nụ cười trong của em bên bời suối... Tây Bắc có tất cả những thứ ấy của hồn người...

Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa

Nay trở về, ta lấy lại vàng ta

Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng

Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân

Phải hiểu và cảm những câu thơ trên như thế nào? Trong chiến tranh, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”? “Vàng” mang ý so sánh, tượng trưng cho sự giàu tài nguyên ở núi rừng trùng điệp? Trước cảnh hùng vĩ, nên thơ ai lại không mơ. Mười năm chiến đấu có ai mơ được cơn mơ trọn vẹn?

Tiếng hát con tàu cũng là tiếng hát của nhà thơ. Trong lớp ngôn ngữ tưởng như chẳng thay đổi kia là cả một hồn thơ thay đổi lớn. Nhà thơ đã nắm được hồn của sự vật, sự việc... đưa chúng vào ngôn ngữ để có được những vần thơ mới lạ làm người đọc không quên những cơn đau của quá khứ nhưng biết lấy chúng để giải thích cho mọi người biết để tự hào, và cũng để biết phải đổ mồ hôi...

Leave a Reply