Cảm nhận về con sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

CÁC Ý CHÍNH

Sông Đà, con sông mà bất cứ học sinh nào đã học qua bậc Tiểu học đều đã hơn một lần nghe tên nhưng có thể chưa thấy bao giờ. Nhưng khi lớn lên, được đọc tùy bút này thôi là đã thấy được đặc tính của nó.

Tổng quan thì sông Đà hùng vĩ mang lại cho biết bao thế hệ học sinh niềm tự hào về quê hương có một dòng sông như thế. Hình ảnh "... Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”. Nét hoang sơ vẫn còn. Và còn “Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Phải chăng Nguyễn Tuân muốn gợi lại cho người đọc thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, cái hùng vĩ của non, của nước:

Núi cao sông hãy còn dài

Năm năm báo oán đời đời đánh ghen?

Cảm nhận về con sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

Tác giả quả là đã nghiên cứu thật kĩ về con sông này. Cái hùng vĩ của sông đã được miêu tả lấp loáng trên đường sông đi: “Sông Đà khai sinh ở huyện Cảnh Đông tỉnh Vân Nam lấy tên là Li Tiên... mà đi qua một vùng núi ác, rồi đến gần nửa đường thì xin nhập quốc tịch Việt Nam... biên giới Trung Việt tới ngã ba Trung Hà là 500 cây số lượn rồng rắn”... Cái hùng vĩ của sông Đà chan hoà trong suốt cả bài văn, nhất là ở những đoạn miêu tả thác sông.

Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá, mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới thấy mặt trời...

"... Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông... Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc ... không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy”. Phép nhân hóa trong những câu văn trích không chỉ để miêu tả đường đi cùa sông mà còn tạo nên sự hùng vĩ thường mang theo nỗi chết chóc, sợ hãi cho con người.

Hễ nơi nào người lái đò sông Đà thích, không buồn ngủ, không cảm thấy tay chân thừa thãi thì ở đoạn ấy sông Đà hung ác. Người lái đò sông Đà cho biết “thác Sông Đà ác hơn nhiều đèo dốc đường số 6!” học sinh có thể chưa đến đây những cũng đã có dịp đi qua đường đèo như đèo sông Pha, Cù Mông, Pren, Hải Vân... thì có thể hiểu được ý nghĩa của sự so sánh ấy rồi. Cái ác, cái hung dữ cứ ào đến. "... Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ..”. “... Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngâm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khủynh sông dưới. Tôi sợ hãi...”. Thần chết cứ chập chờn lúc ẩn lúc hiện. Một cái thác hình như có một ông thần chết án ngữ, cũng như cái giếng hút chết người kia.

Dữ dằn của sông không chỉ là nước xoáy, thác cao mà còn là ... đá! “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục trong lòng sông... mỗi lần có chiếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược...”. Nghệ thuật nhân hóa lại được so sánh ở đây. Cả một đoạn văn dài miêu tả sự hung dữ của đá. Đá như những kẻ thù dàn trận để đánh nát bất cứ thuyền nào... Đọc hết đoạn văn ấy, người đọc mới thấy cái duyên miêu tả của nhà văn.

Nhưng sông Đà cũng gợi cảm, trữ tình. Nếu có những đoạn sông hùng vĩ, có những khúc ngoặt hung dữ thì sông Đà cũng có nét gợi cảm, trữ tình qua cái nhìn của Nguyễn Tuân: “Con Sông Đà gợi cảm... Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn, bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng ròn tan sao lì mưa dầm...”. Cảnh đầy sức sống, đẹp và quyến rũ biết chừng nào. Lời văn của đoạn này cũng nhẹ nhàng thanh thoát, cũng dạt dào tình cảm như sóng sông dào dạt nhẹ nhàng...

Thác Sông Đà ác hơn nhiều đèo dốc đường số 6!

Và ... “Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn sải. Áng tóc trên mảng đầu Tây Bắc trong thời điểm dóng dã nhiều lần vấn vương...”. Nước sông Đà qua ngòi vút của Nguyễn Tuân trữ tình đến như vậy. Bởi thế mà sông Đà, dù có hung ác, dữ dằn thì vẫn là người bạn tình bất chợt của người đã từng đến với Tây Bắc...

Sông và người, nơi nào cũng vậy. Nơi nào có sông nước là nơi ấy có bóng dáng của con người. Trước hết là sông tấn công người, người chiến đấu vượt qua sự hung hãn, dữ dằn của sông. Ở sự chiến đấu đầy căng thẳng và chết người như chơi đó, ta thấy người và sông như càng gần gũi hơn, hiền hoà với nhau hơn... để rồi chờ dịp thách nhau một trận thư hùng khác trong suốt cuộc hành trình.

Mà ở cuộc thư hùng nào cũng vậy, con người chủ động tiến vào, và sông thác dồn dập tấn công. Cả hai như phủ lấy nhau, quyện vào nhau, con người chỉ... chống đỡ. Trong tư thế đó, muốn thắng được sông thì con người phải tri bỉ, tri kỉ, phải biết người biết ta. Chính nhận biết được điều ấy nên lão lái đò sông Đà đã “nhớ ti mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở. Sông Đà... như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả các những chấm than chấm câu và những đoạn xuống dòng”. Chúng ta hãy tưởng tượng người lái đò sông Đà ứng dụng bài học ấy suốt mười lăm năm lượn lờ sông nước.

Lúc vượt thác: "... Chỗ khó, càng vượt nhanh những quãng nó xuôi nước xuống nó níu đuôi thuyền lại. Cứ dềnh dàng vừa kéo vừa nghĩ hơi nước nó xô xuống, nó thúc xuống là vỡ toi, là băng cái thuyền. Ngực vú, bả vai người lái đò chống sào vượt thác hay bầm lên một khanh củ nâu nó là vết nghề nghiệp của đầu con sào gởi lại đời đời cho người lái đò Sông Đà”. Hình ảnh đó chẳng bao giờ mất trong tâm trí của những ai vượt thác. Nhà văn cho rằng đó là “thứ huân chương siêu hạng”. Một sự so sánh hóm hỉnh nhưng thật ý nghĩa.

Và đây là hình ảnh đò vào dòng đổ thác: “ngấn mạn thuyền thấp hơn ngấn nước tứ vi bên ngoài”. Lúc này, nước đang chuẩn bị tấn công, nếu mất bình tĩnh và không có tay nghề là ... thua, thuyền chìm! Ta hãy nghe một đoạn văn người chiến đấu cùng thác nước xuôi dòng thật sinh động bằng những câu ngắn với dấu chấm than: "... Phải coi chừng! Nước nó rống lên rồi đấy! Vững tay lái vào! Nhanh tay lái hơn nữa. Lần này tay lái chớ nhụt, phải vào cho nhanh. Cho thật chắc và lúc ra thác cũng như thế!” Người và nước thác cứ quyện vào nhau. Thác chờ người đổ, còn người thì vẫn bướng bỉnh sừng sững chống, lái... và thác chỉ là thác. Luồng nước của thác không tuân lệnh thác bao giờ. Đoàn quân nước luồng này hung hãn nhưng đoàn quân nước ở luồng khác lại hiền khô. Con người hơn thác ở chỗ có thể ra lệnh được cho thuyền. Bằng trí tuệ và kinh nghiệm, người lái đò biết “Trong tất cả bấy nhiêu cái luồng giận dữ của một con thác, bao giờ cũng có một luồng êm, cứ đi đúng vào những cái luồng tương đối dấu dịu ấy, thì thuyền ta cứ muôn đời mà êm...”. Nguyễn Tuân viết cứ như là người lái đò sông Đà kể về những chuyến đi sông nước của mình chứng tỏ nhà văn đã dày công nghiên cứu trước khi viết về vượt thác hay đổ thác.

Sông Đà và con người còn có nhiều đòn thù khác. Không lật úp được thuyền của những “thằng người bướng bỉnh” thì cho cát tấn công nó. Cát cứ chui vào nửa thân mình dưới của nó mà đục lỗ, làm cho hắn đau đớn mà chừa sông ra. Nhưng con người trên sông Đà lại có cách giải quyết khiến “Những chị trên Mường Phù Yên gần bờ Sông Đà thường phàn nàn về người lái đò Lai Châu hay cởi truồng”. Chúng ta không thể không mỉm nụ cười vui về sự phàn nàn ấy.

Leave a Reply