Cảm nhận về đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

1. Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), quê gốc ở Đà Nẵng, sinh ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, trong một gia đình có nhiều người hoạt động văn nghệ. Cha là Lưu Quang Thuận - nhà thơ, tác giả sân khấu. Năm 1954 theo gia đình về Hà Nội.

Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ bùng nổ, Lưu Quang Vũ vào bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, Lưu Quang Vũ từng làm nhiều công việc, rồi từ đầu những năm 1980, tập trung vào lĩnh vực sân khấu. Lưu Quang Vũ mất năm 1988 cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ, trong một tai nạn giao thông trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, giữa lúc tài năng đang ở độ rực rỡ.

Lưu Quang Vũ khởi đầu con đường văn học bằng thơ ca rồi truyện ngắn, nhưng tài năng và tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi và tôn vinh là ở kịch. Chỉ trong khoảng gần 10 năm, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch, bao gồm nhiều đề tài, hầu hết đã được dàn dựng. Ngòi bút viết kịch của Lưu Quang Vũ nhạy bén, sắc sảo, đề cập đến hàng loạt vấn đề có tính thời sự nóng bỏng trong cuộc sống đương thời, đồng thời lại có sức khái quát nhiều vấn đề xã hội và nhân sinh mang ý nghĩa phổ quát, đáp ứng được đòi hỏi của công chúng trong thời kì chuyển động mạnh mẽ của xã hội bước vào công cuộc đổi mới.

Năm 2000, Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm gồm 3 vở Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Lưu Quang Vũ

2. Hồn Trương Ba, da hàng thịt có lẽ là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp viết kịch của Lưu Quang Vũ. Khi tác phẩm mới được công bố, đã có những ý kiến tranh luận, và khi được dàn dựng (1987) cũng chưa gây được tiếng vang rộng lớn như một số vở khác của Lưu Quang Vũ. Nhưng chỉ ít lâu sau khi tác giả qua đời, giới sân khấu mới thật sự nhận ra và đánh giá cao tác phẩm này. Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã được đưa đi dự liên hoan sân khấu các nước xã hội chủ nghĩa năm 1990 tại Liên Xô cũ và được đánh giá là tác phẩm xuất sắc, năm 1998 được nhà hát kịch Việt Nam đưa sang công diễn tại Mĩ. Hồn Trương Ba, da hàng thịt dựa vào một truyện cổ dân gian, nhưng Lưu Quang Vũ đã biến cải cốt truyện thành một bi kịch và đưa vào trong đó những tư tưởng triết lí về xã hội, về nhân sinh rất sâu sắc và mang tính cập nhật.

Ấn tượng chung bao trùm mà vở kịch đem lại cho người đọc (người xem) là ám ảnh về một thế giới (cả thiên đình, hạ giới) đang sa sút, suy thoái, đầy bất trắc không yên ổn. Nơi thiên đình tôn nghiêm đẹp đẽ thì nay hiện ra như một chốn buồn tẻ, nhạt nhẽo, tầm thường gò bó và giả dối. Đại diện tiêu biểu cho thiên đình là Nam Tào, Bắc Đẩu - những quan coi sóc việc sống chết của cả thiên hạ, thì làm công việc của mình một cách hết sức vô trách nhiệm, đại khái, tuỳ tiện gây ra những tai hoạ tày đình cho con người ở hạ giới mà vẫn cứ thản nhiên, vô cảm. Còn ở trần gian thì lối sống vụ lợi, thói lừa lọc dối trá ngày càng lộng hành ngang nhiên; đạo đức chân chính, lòng tốt và cái đẹp trở nên lạc lõng, không còn chỗ đứng, kẻ cai trị thì hống hách ăn tiền. Trong một thế giới như vậy, những đại diện cho cái thiện, cái đẹp như Trương Ba, Đế Thích rơi vào tình trạng cô đơn, lạc lõng và luôn đứng trước nguy cơ bị tha hoá. Chủ đề chính của vở kịch tập trung ở tình thế trớ trêu "hồn nọ, xác kia" của nhân vật Trương Ba. Nhưng ngoài chủ đề cơ bản, vở kịch còn chứa đựng nhiều tư tưởng triết lí phong phú về nhân sinh, cả những vấn đề có ý nghĩa triết học về bản thể, về sự sống và cái chết.

Đoạn trích trong SGK là phần chính của cảnh VII - Cảnh cuối cùng và đoạn kết vở kịch. Ở cảnh này, xung đột kịch được đẩy tới đỉnh điểm, nhân vật hồn Trương Ba được đặt vào tình thế căng thẳng cao độ và phải quyết định lựa chọn đau đớn nhưng dứt khoát: chối bỏ nghịch cảnh "hồn nọ, xác kia", chấp nhận cái chết hoàn toàn tan biến vào cõi hư vô, để giữ nguyên vẹn được sự trong sáng, thanh cao của mình. Phần chính của đoạn trích cảnh VII bao gồm ba cuộc đối thoại: giữa hồn và xác, giữa hồn Trương Ba với người thân (vợ, cháu gái, con dâu) và giữa hồn Trương Ba với Đế Thích. Đây là một lớp kịch thể hiện xung đột căng thẳng giữa hồn Trương Ba và thân xác người hàng thịt. Nhưng dưới hình thức đó thực chất là cuộc đối thoại giữa phần tốt đẹp, thanh cao với phần tầm thường, những dục vọng tự nhiên trong cùng một con người. Đó cũng là cuộc đối thoại giữa hai quan niệm: một bên chỉ coi trọng phần tĩnh thần mà xem thường thể xác, một bên thừa nhận vai trò và những nhu cầu tự nhiên của thể xác.

Ba cuộc đối thoại lần lượt với người vợ, đứa cháu gái và chị con dâu có thể coi là ba trường hợp mà Trương Ba được thấy mình trong con mắt của mọi người, để càng ý thức về tình trạng đang bị tha hoá dần của mình bởi sự lệch lạc giữa hồn và xác.

Cuộc đối thoại với Đế Thích là điểm đỉnh trong cao trào của vở kịch, dẫn đến sự lựa chọn dứt khoát dù đau đớn nhưng rất cao cả của hồn Trương Ba: Chấp nhận cái chết để tan biến vào hư vô vĩnh viễn, nhưng được thoát khỏi nghịch cảnh "hồn nọ, xác kia" đầy ngang trái để được sông thực là mình và tránh cho những người thân khỏi tình trạng nan giải đối với mình.

3. Sáng tạo tình huống và triển khai xung đột kịch: dựa vào một câu chuyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã khai thác sâu nhiều khía cạnh của tình huống trớ trêu "hồn nọ, xác kia" của Trương Ba với người hàng thịt, đặt trong các quan hệ nhiều mặt, với chính mình, với thân xác anh hàng thịt, với vợ anh ta, với những người thân (vợ, cháu gái, con dâu), ở cảnh VII, xung đột kịch được đẩy tới cao trào, hồn Trương Ba được đặt trong những cuộc đối thoại với nhiều nhân vật khác (xác hàng thịt, những người thân, Đế Thích), để thực sự thấm thía cái nghịch cảnh mà mình đang rơi vào, buộc nhân vật phải dứt khoát lựa chọn cách giải quyết cho tình trạng của mình. Cách triển khai mâu thuẫn, xung đột và dẫn dắt đến hành động của nhân vật ở cảnh VII, tạo sự căng thẳng, dồn dập, nhưng vẫn tự nhiên. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng góp phần quan trọng vào thành công của vở kịch. Các nhân vật (nhất là những vật chính: hồn Trương Ba, xác hàng thịt, Đế Thích) mang ý nghĩa biểu tượng khái quát rất rõ nhưng vẫn không bị biến thành những sơ đồ giản đơn, thiếu sức sống mà vẫn sinh động. Mỗi nhân vật ấy có tiếng nói riêng, quan điểm riêng của mình được công khai bày tỏ trong cuộc đối thoại mang tính tranh biện và không tiếng nói nào có thể lấn át, triệt tiêu những tiếng nói khác, mặc dù quan điểm và chính kiến của tác giả vẫn được thể hiện rõ. Đây cũng là dấu hiệu về tinh thần dân chủ, ý thức đối thoại đã thấm sâu vào tư tưởng và hình tượng của tác phẩm.

Đặc điểm nổi bật của kịch là đối thoại, nên ngôn ngữ nhân vật trong đoạn trích chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Qua đối thoại và bằng đối thoại, nhân vật bộc lộ cảm xúc, suy tư, bộc lộ quan niệm, nhân cách, cá tính. Ngôn ngữ nhân vật hồn Trương Ba, nhân vật xác hàng thịt, nhân vật Đế Thích nhân vật người vợ hay người con dâu Trương Ba đều có tính cá thể hoá rõ nét, phù hợp với tâm lí, lứa tuổi, địa vị. Đặc sắc nhất có lẽ là ngôn ngữ của hai nhân vật: Hồn Trương Ba và xác hàng thịt. Ngôn ngữ của xác hàng thịt trắng trợn, khinh bạc, riết róng; ngôn ngữ Hồn Trương Ba dè dặt, ấp úng khi đứng trước sự giằng xé quyết liệt giữa lòng ham sống với ý thức tự trọng; rồi trở nên rành rõ, dứt khoát, quyết liệt khi đã tự chiến thắng được những cám dỗ, ích kỉ.

Ngôn ngữ nhân vật trong đoạn trích cũng giàu chất hài hước, tính triết lí và đa nghĩa.

Leave a Reply