Cảm nhận về hình tượng sóng, hình tượng em trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại xã La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Xuân Quỳnh xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội. Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Viên (áo). Từ năm 1962 đến 1964, bà học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Bà là hội viên từ năm 1967, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà vãn Việt Nam khoá III. Năm 1973, bà kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Từ năm 1978 đến lúc mất bà là biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông cùng với Lưu Quang Vũ và con trai út Lưu Quỳnh Thơ. Bà được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Có thể xem Xuân Quỳnh là nữ sĩ viết nhiều và hay nhất về đề tài tình yêu trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Đời có nhiều trắc ẩn nhưng Xuân Quỳnh hồn hậu ngẫm suy để biến thành những triết lí chân thành mà sâu sắc.

Biển, bờ và sóng... là đề tài lớn của thơ ca. Đứng trước biển, con người nhận diện ra mình đủ đầy nhất: nhỏ bé, yếu ớt, mong manh; nhưng tình cảm con người trước biển bao giờ cũng chân thật và đắm say. Biển, bờ, sóng là biểu tượng muôn thuở của tình yêu vì trong tình yêu có bao nhiêu bí hiểm. Xuân Quỳnh thường chọn hình ảnh này để tự thú tình yêu của mình.

Xuân Quỳnh viết bài Sóng vào một ngày cuối tháng, cuối năm (29-12-1967). Đó là thời khắc mà con người trên nhân gian đang đĩ đo đếm lại những nấc thang về tiền tài, địa vị, danh lợi... Riêng Xuân Quỳnh một mình thả bước chân trên bãi biển Diêm Điền mùa đông để đi đo lại độ chín của trái cấm tình yêu. Tuổi 25, chị từng có những trải nghiệm của tình yêu nhưng chị chưa thoả lòng. Chị muốn kiếm tìm một cái gì nữa của tình yêu đích thực để hiến dâng cho tình yêu, cho đời.

Xuân Quỳnh

1. Cảm nhận chung về bài thơ

- Bài thơ viết về một hình ảnh kì vĩ muôn đời nhất của biển: sóng. Từ đó nhà thơ kí thác nỗi niềm của mình về tình yêu, về lòng khao khát và sự hiến dâng cho tình yêu.

- Bài thơ song hành hai hình ảnh: Sóng và Em. Em là nhân vật trữ tình, Sóng là đối tượng trữ tình. Sóng là tình yêu của biển đời, em là nhân vật của tình yêu ấy. Em khám phá về sóng, về tình yêu. Em yêu và em khao khát dâng hiến mình thành con sóng nhỏ cho tình yêu của biển đời.

- Cả bài thơ xôn xao một âm vang của sóng. Tiếng sóng vỗ đều xuyên suốt làm nên nhịp chung của bài thơ. Lối thơ 5 chữ đều đều như tiếng sóng vỗ vào nhau làm nên sự vô hồi vô tận của sóng, của biển.

2. Hình tượng Sóng

- Sóng có hai mặt rất đối nghịch nhau: "Dữ dội" và "ồn ào" nhưng lại "dịu êm" và "lặng lẽ".

- Bởi thế, "Sông không hiểu nổi mình", sóng đã "tìm ra tận bể". Chỉ có con "sóng bể" mới là sóng, chỉ có "bể", con sóng mới là chính mình.

- Con sóng "bắt đầu từ gió", con sóng có sóng của "lòng sâu", có "con sóng trển mặt nước", con sóng cũng "nhớ bờ" và nó cũng "ngày đêm không ngủ được". Con sóng cũng "xuôi về phương Bắc", cũng "ngược về phương Nam" - ở ngoài đại dương xa xôi, trăm ngàn con sóng đều "nhớ bờ" dù có "muôn vàn cách trở".

Nhận xét: Thơ viết về sóng, về bờ, về biển khá nhiều, khá hay nhưng lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam, ta có một hình tượng về sóng khá hoàn chỉnh. Con sóng được nhân cách hoá trở thành một nhân vật có tính cách, có nguồn sống, có phương hướng, có khao khát và đam mê. Hình tượng sóng biểu hiện cho tình yêu: vừa dữ dội lại dịu êm; vừa ồn ào nhưng lặng lẽ; sóng có nhớ thương, bươn bả kiếm tìm, có khát khao và tràn đầy sự dâng hiến.

3. Hình tượng Em

- Nhà thơ không cần đến sóng để làm một ẩn dụ cho mình. Hình ảnh Em dù tương đồng nhưng hiện hữu trong bài thơ, song hành, hoà nhập cùng hình tượng Sóng.

- Em trong bài thơ là tuổi trẻ đang mang đầy "khát vọng tình yêu". Tình yêu của "em" huyền diệu vô cùng: "em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau"-, Em nhớ đến anh mà "Cả trong mơ còn thức" và đi đến trăm nẻo, em chỉ có "Hướng về anh một phương". Cuối cùng, hình tượng Em của bài thơ là niềm khao khát hiến dâng bằng sự hoá thân kì diệu: "Làm sao được tan ra - Thành trăm con sóng nhỏ" cho "biển lớn của tình yêu".

Em là nhân vật trữ tình của bài thơ. Em khám phá sóng, hoà nhập, song hành và cuối cùng là sự hoá thân thành sóng trong khát vọng vô bờ.

- Hình tượng Em chính là hình ảnh người phụ nữ mới với tình yêu mãnh liệt, chân thật và thẳng thắn. Tình yêu của họ dù có những trắc ẩn nhưng da diết và hồn hậu, đầy khát khao và dâng hiến.

Sóng

4. Kết luận

- Trong khí thế thơ chống Mĩ với ngút trời chất sử thi hùng tráng thì tiếng thơ của Xuân Quỳnh như tiếng lòng trắc ẩn với tình yêu đắm say và chân thật, mãnh liệt và hồn hậu.

- Cả bài thơ là âm vang của tiếng sóng; đó cũng là âm vang của hồn người phụ nữ Việt Nam giữa ngút ngàn bom đạn vẫn không quên thổn thức trái tim riêng của mình.

Leave a Reply