Cảm nhận về nhân vật Mị - thân phận "con dâu gạt nợ"; sự vượt thoáng không gian, sự hồi sinh của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc của Mị

- Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn đặc sắc trong nền văn xuôi cách mạng Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Khai thác đề tài mới (cuộc sống và con người vùng Tây Bắc), Tô Hoài đã thể hiện rõ hứng thú và sở trường của một "nhà văn phong tục" khi tái hiện sống động bức tranh thiên nhiên và đời sống con người vùng núi cao. Với quan niệm "nhân vật là trụ cột của một truyện ngắn", nhà văn đã tập trung khắc hoạ số phận và vẻ đẹp của những con người lao khổ miền núi Tây Bắc dưới chế độ thống trị tàn bạo của phong kiến và thực dân thông qua nhiều thủ pháp: miêu tả ngoại hình, khắc hoạ cử chỉ, hành động nhân vật, đặc biệt là đi vào chiều sâu nội tâm nhân vật. Bên cạnh đó, truyện ngắn này còn hấp dẫn bởi lối trần thuật khéo léo, có duyên, bởi giọng văn trữ tình, giàu chất thơ, giàu nhạc điệu.

- Về nhà văn Tô Hoài, hoàn cảnh sáng tác và chủ đề tác phẩm Nói đến Tô Hoài là nói đến một đời văn "lực lưỡng", một cây bút dẻo dai và cần mẫn chuyên viết về những chuyện "của người thường, của đời thường" (Nguyễn Đăng Mạnh). Trước Cách mạng tháng Tám, sáng tác của ông tập trung vào hai đề tài chính: truyện đồng thoại về loài vật và truyện về con người, phong thổ ngoại ô Hà Nội. Sau Cách mạng, Tô Hoài được ghi nhận là một trong những cây bút khai phá một mảnh đất mới cho văn học cách mạng, đó là mảng văn học viết về miền núi Tây Bắc - một vùng đất xa xôi, hoang vu nơi địa đầu Tổ quốc. Tập truyện Tây Bắc là vụ mùa thu hoạch từ chuyên đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm 1952. Trong số ba truyện ngắn của tập truyện từng được tặng giải Nhất Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 này, Vợ chồng A Phủ có lẽ là truyện ngắn đọng lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc và ấn tượng hơn cả. Tác phẩm đẹp không chỉ bởi một lối kể chuyện rất duyên, giàu chất thơ mà còn bởi một cái nhìn mới mẻ, đầy tính phát hiện về cuộc sống và con người miền núi. Hơn thế, đó còn là tấm lòng thiết tha, trân trọng hồn người, tình người của nhà văn.

Mị

1. Mị - thân phận "con dâu gạt nợ"

"Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù
quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi".

Bằng giọng kể chuyện thủ thỉ như lời ru, Tô Hoài đưa ta vào một thế giới Tây Bắc xa xôi, huyền bí mà đầy hấp dẫn như thế giới trong truyện cổ tích. Và người đọc cũng được nhập luôn vào dòng chảy của cốt truyện, bởi sự xuất hiện của nhân vật chính: Mị - con dâu của nhà thông lí Pá Tra.

Phác hoạ chân dung nhân vật, tác giả không dùng nhiều chi tiết mà chỉ bằng một vài đường nét, khắc đậm dáng vẻ lầm lũi, lam lũ, ở một vị trí dường như cố định, với một khuôn mặt lúc nào cũng cúi, "buồn rười rượi" của người con gái. Khuôn mặt ấy hé mở cho chúng ta thấy số phận éo le, khổ đau của nhân vật. Đặt bên cạnh cảnh giàu sang, tấp nập, "nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng" của nhà thông lí Pá Tra thì cái mảng tối tăm, im lìm, cực nhọc của cuộc đời người phụ nữ kia càng thêm nổi bật và trớ trêu.

Khác với một số nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao,... với nhân vật Mị, Tô Hoài dường như không có ý định xây dựng kiểu nhân vật cá tính, điển hình, một "con người này" (chữ dùng của Hê-ghen) mà ngòi bút nhà văn tập trung khắc hoạ số phận của nhân vật, từ đó khái quát lên số phận chung của người dân miền núi dưới ách thống trị của phong kiến miền núi và thực dân Pháp.

Số phận của Mị được hé mở dần qua dòng trần thuật đều đều, buồn buồn, hồi tưởng về quá khứ. Hoá ra, Mị về làm dâu nhà thông lí để trả món nợ truyền kiếp từ cha mẹ. Người con dâu gạt nợ khôn khổ ấy đã từng có một thời tuổi trẻ tươi đẹp, rạo rực yêu đương. Là một bông hoa mang vẻ đẹp của núi rừng, Mị còn có một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng, trẻ trung. Tâm hồn ấy đã từng ngân lên qua những điệu kèn lá mà cô "thổi hay như thổi sáo", làm say đắm trái tim của bao chàng trai Mèo (chi tiết "trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị" vào những đêm tình mùa xuân). Tâm hồn ấy cũng đã từng rung động với những khát vọng yêu đương của tuổi trẻ. Hơn nữa, Mị còn là một cô gái yêu lao động, có khả năng và niềm tin vào khả năng lao động của chính mình. Cô đã từng xin cha đừng bán mình cho nhà giàu, để cô làm nương ngô giả nợ cho cha. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, người phụ nữ Mèo nơi miền sơn cước xa xôi kia không hiện lên với vẻ lạ lẫm, hoang dã, nhằm điểm xuyết cho vẻ rùng rợn của núi rừng như trong một sô' "truyện đường rừng" của Thế Lữ và Lan Khai, mà là một con người lao động, khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần, một bông hoa rừng mang vẻ đẹp tươi tắn, gần gũi, thân quen.

Vậy mà, "hồng nhan đa truân"! Bi kịch đã đến với Mị khi cô bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, bị cúng trình ma, và tiếp đó là một chuỗi những khổ đau, nó kéo lê cuộc đời Mị trong tăm tối ở cái "địa ngục trần gian" đó. Tiếng là con dâu nhưng thân phận của Mị không khác gì thân phận của một nô lệ. Ngòi bút Tô Hoài đã diễn tả thật ám ảnh và tài tình quá trình con người bị những thế lực thông trị đầy quyền năng của cường quyền và thần quyền đè nén, làm cho "tha hoá".

Trước hết là nỗi khổ về thể xác. Cũng như những đàn bà, con gái khác ở nhà thông lí, Mị bị bóc lột sức lao động đến tận cùng. Mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng, họ chìm trong những công việc quay vòng đều đều, buồn tẻ không lúc nào ngơi: "Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi". Cuộc sống và thân phận của họ không bằng con trâu, con ngựa, bởi lẽ "con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày". Biết bao xót xa, tê tái đằng sau lối so sánh có vẻ lạnh lùng, "tàn nhẫn" ấy. Sự "vật hoá" con người được xem như "là một hình thức của sự hạ thấp con người" (Hê-ghen). Có điều ở đây, phải bằng lối so sánh như vậy mới có thể lột tả đến tận cùng nỗi khổ của Mị cũng như thân phận của bao người con gái miền núi khác, và cũng phải bằng lối dùng từ "mạnh bạo" như thế mới có thể bật lên tiếng nói tố cáo sâu sắc nhất chế độ phong kiến miền núi tàn bạo bấy giờ.

Từ nỗi khổ bị đoạ đày về mặt thể xác kéo theo nỗi khổ vì bị hành hạ về mặt tinh thần. Không chỉ mệt mỏi vì chuỗi công việc phải làm quần quật suốt ngày đêm, Mị còn mòn mỏi vì bị giam trong một căn buồng "kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng". Ngòi bút Tô Hoài diễn tả tuyệt hay một thứ ngục thất tinh thần, một không gian tù túng, tăm tối đến ngạt thở. Trong cái không gian ngột ngạt "bất thường" ấy, con người bị hút hết khí lực, bị bóp nghẹt mọi cảm xúc, ước mơ, hi vọng. Mị dường như mất cảm thức về không gian, thời gian và màu sắc. Hiện tại hay tương lai, với Mị, chỉ còn là một màu "nhờ nhờ trăng trắng", màu của thứ hoàng hôn buồn tẻ, tái tê, tuyệt vọng. Nó lí giải tại sao "mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Cô tồn tại như một cái bóng, lặng lẽ, héo mòn đến khô cạn sự sống, lúc nào cũng "cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đĩ nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt"... Nó cũng lí giải vì sao từ một cô gái tiềm tàng sức sống, sức phản kháng của tuổi trẻ (lúc mới về nhà thông lí, Mị đã có ý định tự tử, nghĩa là cô còn có ý thức về cuộc sống đích thực của con người, nhưng cô không thể chết vì cha già còn đó), Mị trở thành buông xuôi tất cả chấp nhận sự tồn tại vật vờ, sống mà như đã chết (khi cha mất, Mị không còn thiết chết nữa, bởi "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi", và có lẽ lúc này, ý thức về sự sống cũng đã bị tiêu diệt). Nếu như chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố khổ vì bị "bần cùng hoá", phải bán con, bán sữa, một mình chông lại cả một hệ thông quan lại, cường hào nơi làng quê Việt Nam trước Cách mạng thì ở đây Mị lại chịu nỗi khổ vì bị "nô lệ hoá", bị những sức mạnh vô hình và hữu hình của chế độ phong kiến miền núi huỷ diệt sức xuân và sức sống.

Bằng giọng văn trần thuật đều đều, những câu văn dài, kết cấu giống nhau, chở theo một nhịp điệu trầm buồn, nặng nề, ngòi bút Tô Hoài thấm đẫm một nỗi xót xa cho số phận con người. Hơn thế nữa, từ những dòng văn trĩu nặng ấy còn cất lên tiếng nói tố cáo mãnh liệt chế độ phong kiến miền núi đã làm tàn lụi sức sống, chôn vùi tuổi thanh xuân của những con người giàu sức sống, đáng sống.

2. Sự vượt thoát không gian. Sự hồi sinh của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì truyện ngắn này đã phần nào thể hiện được giá trị nhân đạo thấm thìa của nhà văn. Nhưng dường như trọng tâm của tác phẩm không nằm ở mảng tôì tăm, im lìm đó của cuộc đời Mị. Đó thực ra chỉ như một đòn bẩy dồn nén trong đó nhiều xung lực để từ đó bật lên mảng sáng ấm áp của tâm hồn nhân vật. Những trang văn đẹp nhất chính là những trang viết về sự hồi sinh của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc trong một tâm hồn tưởng như đã tê liệt vì đau khổ. Ngòi bút miêu tả, phân tích diễn biến tâm lí nhân vật cũng như chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn cũng đạt đến đỉnh cao trong những trang văn xuôi giàu chất thơ này.

Tô Hoài đã đặt ngòi bút của mình trước một thử thách nghiêm ngặt đòi hỏi một cây bút điêu luyện và già dặn khi lí giải cho "thấu tình đạt lí" những nguyên cớ đánh thức sức sống từ một tâm hồn tưởng như đã chai cứng.

Cái lí do đầu tiên, đó là bức tranh thiên nhiên mùa xuân ở Tây Bắc với sức xuân tràn trề và sắc xuân tươi tắn. Nhà văn thật khéo léo khi đặt nhân vật của mình vào một không gian, thời gian đặc biệt "nhạy cảm" đối với lòng người: mùa xuân trên vùng núi cao. và chắc hẳn cũng giống như mùa xuân ở những miền đất khác của Tổ quốc, xuân về là khi đất trời khoác một tấm áo tươi mới, nõn nà, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, khi lòng người cũng rạo rực với muôn vàn sợi tơ giăng mắc khắp không gian, "ái tình ghé môi gọi lời trong gió, (Lệnh - Xuân Diệu). Ngòi bút nhà văn thể hiện rõ biệt tài khi phác vẽ nên một bức tranh thiên nhiên rực rỡ, tươi tắn: "gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng", "trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ".

Cùng với bức tranh thiên nhiên đa sắc, biến màu kì ảo ấy là những phong tục, lễ hội, những cảnh sinh hoạt đậm màu sắc miền núi cao: nào là cảnh "trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa", là cảnh người Mèo Đỏ "thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong", rồi đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà", "trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy"... Người đọc được đưa vào một không gian văn hoá vùng cao với những vẻ đẹp, những phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài được mệnh danh là "nhà văn phong tục". Và bức tranh thiên nhiên, cuộc sống của người dân vùng Tây Bắc ấy chắc chắn được dệt nên từ một đôi mắt quan sát tinh tế, nhạy bén của nhà văn. Thiên nhiên rạo rực, căng tràn sức sống, những sinh hoạt văn hoá náo nức của cộng đồng là một nhân tố góp phần khơi lên ngọn lửa sống trong lòng Mị.

Nhưng để làm nên sự "nổi loạn" của một trái tim đã "hoá đá" còn cần đến những tác nhân khác. Đó là men rượu và tiếng sáo gọi bạn yêu, gọi bạn tình vào những đêm hội mùa xuân.

"Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng". Người con dâu gạt nợ tê dại vì đau khổ kia, vào cái đêm tình mùa xuân tha thiết ấy, đã tìm đến men rượu để giải toả nỗi sầu muộn. Cái cách Mị "uống ực từng bát" cũng rất lạ uống mà như dốc cả men say, cả những cay đắng, khổ đau vào lòng. Men rượu say, hơi rượu nồng nàn giúp Mị quên đi những đắng cay hiện tại, quên cảnh người thì nhảy đồng, người thì hát ngay trước mặt, đồng thời cũng đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ: Mị nhớ đến những ngày tươi đẹp xa xưa, mùa xuân, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo, "Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Men rượu cũng sẽ dẫn Mị đến những hành động "nổi loạn" và liều lĩnh, liều lĩnh với những người trong nhà thống lí và với chính Mị. Ngọn lửa sống tưởng như đã lụi tắt, giờ đây nhờ men cay của rượu, lại âm ỉ cháy.

Đi tìm người yêu

Nhưng tác nhân đặc biệt quan trọng khơi dậy lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc của Mị, đó là tiếng sáo gọi bạn yêu, gọi bạn tình. Tiếng sáo là biểu tượng đẹp đẽ nhất của mùa xuân và tuổi trẻ, của tình yêu và hạnh phúc. Tiếng sáo trong cái đêm tình mùa xuân ấy cứ như lôi cuốn, như giục giã, gọi mời:

Mày có con trai, con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu

Có lúc, tiếng sáo "lửng lơ bay ngoài đường" lại như lời hờn trách thiết tha:

Anh ném trao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi...

Đưa vào tác phẩm những câu ca dao ngọt ngào, tình tứ của vùng Tây Bắc, Tô Hoài đã tạo nên những trang văn xuôi giàu chất thơ, đậm đà chất trữ tình. Không gian miền núi cao bỗng như được giăng mắc một bầu "khí quyển" của hơi xuân, của tình yêu nhờ tiếng sáo tràn ngập khắp nơi. Tiếng sáo cũng làm rung động đến từng nhịp cảm xúc, từng điệu tâm hồn Mị. Lúc đầu, tiếng sáo "lấp ló [...] rủ bạn đi chơi" ngoài đầu núi, Mị "thiết tha bổi hổi [...] nhẩm thầm bài hát của người dang thổi". Tiếng sáo đến gần hơn, đó là "tiếng sáo gọi bạn đầu làng", Mị nhớ lại những đêm mùa xuân trước, Mị "uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo". Từ chỗ "tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường", tiếng sáo đã nhập hẳn vào tâm hồn Mị, "rập rờn" trong đầu Mị. Có thể nói, tiếng sáo là tác nhân quan trọng làm thức dậy trong Mị khát vọng tình yêu và hạnh phúc mà dấu hiệu đầu tiên của sự hồi tỉnh là Mị sống lại với những kỉ niệm ngày trước. Nếu như trước đây, Mị tồn tại trong trạng thái vô hồn, vô cảm, với cảm thức phi thời gian thì đến đây, Mị đã có ý thức về thời gian, trái tim đã đập những nhịp bồi hồi, xao xuyến.

Nhưng ngòi bút đầy bản lĩnh của Tô Hoài không dễ dàng và giản đơn đẩy tâm lí nhân vật theo một đường thẳng. Nhà văn đã để nhân vật của mình "ứng xử" theo logic vận động nội tại của chính nhân vật. Vậy nên, khi rượu đã tan, "người đi chơi đã vãn cả", "Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà". Và tuy trong lòng đã phơi phới trở lại nhưng "Mị không bước chân ra đường chơi mà Mị từ từ đi vào buồng". Bước chân ấy là bước chân của một thói quen, một định hướng vô thức bởi Mị biết "chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết". Dường như trong nhân vật có sự giằng co giữa lòng ham sống và cảm thức thân phận. Sức sống đã được đánh thức, đã trỗi dậy, nhưng thân nhân vẫn còn đó, như một bức tường chắn ngang. Diễn biến tâm lí nhân vật Mị được thể hiện thật tự nhiên, hợp lí, và chính những khuất khúc, những khoảng lặng, những mâu thuẫn đã làm nên chiều sâu nội tâm nhân vật, thúc đẩy quá trình vận động tự thân của nhân vật.

Đi vào buồng, Mị ngồi nhìn lên "cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng tráng". Trong lòng người phụ nữ Mèo dội lên nỗi đau thân phận và cảm giác xót xa, tê tái. "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa", bởi lúc này, ý thức về sự sống, lòng khát khao hạnh phúc đã thức dậy, Mị thấy "Mị vẫn còn trẻ. Mị muôn đi chơi". Chỉ khi nào con người có ý thức cao về sự sống, về bản thân thì lúc đó, con người mới cảm thấy đau đớn về tình trạng sống mà như đã chết. Bi kịch của Mị trong đêm tình mùa xuân ấy nảy sinh chính từ trạng thái bất hoà, mâu thuẫn giữa khát vọng đẹp đẽ và thực tại đen tối, còn bản thân con người thì nhận thức sâu sắc được sự bất lực của mình trước hoàn cảnh.

Vậy mà tiếng sáo gọi mời tha thiết kia vẫn ám ảnh tâm trí Mị. Từ ngoại cảnh, tiếng sáo đã nhập vào, chiếm trọn tâm hồn Mị. Sức sống mãnh liệt của tuổi xuân đã trỗi dậy. Đến lúc này, dường như Mị không biết đến cả bước chân của A Sử, không nghe thây A Sử hỏi. Mị hành động như người trong mơ, theo sự "sai khiến" của âm thanh quyến rũ kia: "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng", rồi "Mị quấn lại tóc, MỊ với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Mị đang hành động với con người thật của mình, với sự thôi thúc mãnh liệt: "Mị muốn đi chơi, Mị sắp đi chơi". Ánh sáng của ngọn nến MỊ thắp lên xua đi cái tăm tôi, lạnh lẽo của căn buồng, hay cũng chính là ánh sáng của khát vọng yêu, khát vọng sống vừa khơi lên trong tâm hồn Mị? Người đọc bất ngờ trước những hành động nhanh, liên tiếp, như trong vô thức của Mị, rồi nhận ra cái lí do tự nhiên, tất yếu của nó: lòng ham sống được thức tỉnh đã choán hết tâm hồn Mị. Không còn cô Mị lầm lũi, cam chịu trong thân phận con dâu gạt nợ nữa mà là một cô Mị trong lòng ham sống và khát khao hạnh phúc.

Ngòi bút Tô Hoài dường như "xuất thần", nhập hẳn vào thế giới tâm hồn tinh vi, sâu kín của nhân vật, làm sống dậy những trạng thái tâm lí phức tạp, huyền diệu nhất. Bị A Sử - con trai thông lí Pá Tra - trói đứng ở cột nhà, Mị dường như vẫn không biết. Trong "hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Chỉ đến khi "Mị vùng bước đi", chân tay đau thít lại, nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách, thì thực tại mới hiện hữu, Mị
"thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Nhưng hơi rượu vẫn lan toả nồng nàn, tiếng sáo vẫn tha thiết, Mị sống trong trạng thái "lúc mê, lúc tỉnh", trong sự giằng co giữa khát vọng sống và thân phận trâu ngựa. Lòng ham sống trong con người đã bị dập tắt phũ phàng, nhưng vẫn để lại những dư âm trong tâm hồn. Người đọc nhận ra ẩn sâu bên trong lớp tro tàn lạnh vẫn là những đốm lửa than âm ỉ, chi chút. Mặc dù sau cái đêm xuân "nổi loạn" ấy, bị trói, bị đánh, phải trở lại cảnh sống lùi lũi, nhẫn nhục, nhưng ta vẫn tin ở sức sống mãnh liệt tiềm tàng bên trong người đàn bà bất hạnh kia. Nó dự báo cho những hành động bất ngờ về sau.

Có thể nói, ở đoạn tuyệt bút này, cảm hứng nhân đạo của Tô Hoài thể hiện đẹp hơn bao giờ hết, và ở đây, ngòi bút "biện chứng tâm hồn" của nhà văn cũng bộc lộ được sức mạnh của nó. Đúng là "cái tài nhờ cái tâm mà cháy lên, cái tâm nhờ cái tài mà toả sáng" (Ra-xun Gam-da-tốp).

Leave a Reply