Cảm nhận về nhân vật người “vợ nhặt” trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

CÁC Ý CHÍNH

Nhân vật người vợ nhặt:

“Thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. “... cái ngực gãy lép nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài...”, sức sống héo hon, tàn tạ... có lẽ vì đói!

Cảm nhận về nhân vật người “vợ nhặt” trong truyện ngắn Vợ nhặt

Thế nhưng trong thân thể héo gầy kia vẫn tràn sức sống. Thị cũng vui nhộn, thật thà... với bạn bè, với Tràng..., lễ phép với mẹ chồng, tươm tất trong công việc, lượm mót thóc gạo rơi vãi nhưng biết lắng nghe chuyện thời sự gắn bó đến đời sống của dân nghèo...

Cùng với hai người trẻ ấy là người mẹ đau buồn. Mẹ đã già, lại ăn uống bữa đói, bữa no, nên: “Người húng hắng ho,... lọng khọng đi vào ngõ”... “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đã nhoèn”... “ngoài vườn, người mẹ đang lúi lúi giẫy những bụi cỏ mọc nham nhở”. Già nhưng vẫn làm việc ... Cụ rất thương con trai, hiểu hoàn cảnh của mình, và lại thương con dâu: “Bà lão nhìn thị và bà nghĩ. Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến mình. Mà con mình mới có được vợ... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được”...

Những con người có ngoại hình và tâm lí như thế đã tìm gặp nhau, nhất là anh Tràng và cô gái. “Mối tình” của họ diễn ra một cách vừa chủ động vừa tình cờ nhưng lại hợp với bối cảnh sống qua ngòi bút của nhà văn. Tình huống khởi đầu của cuộc tình diễn ra khá tự nhiên.

Anh Tràng chủ động cất câu hò cho đỡ mệt, nhưng chính đó là sự tình cờ để anh được gặp cô gái.

Còn cô gái thì chủ động nghịch ngợm: “Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?” - “Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!”. Hai câu đối đáp trên chỉ là hai câu đùa nhưng lại gây ấn tượng thật ở trong lòng mỗi người. “Nhà tôi ơi...”, chỉ có vợ với chồng thương yêu thật lòng mới gọi nhau bằng danh xưng ấy. Chưa bao giờ được nghe lời gọi dễ thương ấy, nghe được từ miệng của cô gái kia, anh “Tràng thích lắm”. Cái thuở ban đầu...

Có lần anh hứa, nhưng không tìm gặp cô. Gặp lại, cô gái chủ động mắng anh: “Điêu! Người thế mà diêu!” - “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt!”. Cô gái trách, mắng một cách tự nhiên như thân thiết nhau đã lâu lắm rồi. Còn anh chàng thì ngớ ra, cố nhớ và đã nhớ ra, và thế là anh ta đùa tiếp “Chả hôm ấy thì hôm nay vậy...”. Anh mời cô ấy ăn. Cô gái “ăn một chập bốn bát bánh đúc” rồi lại đùa:

Bánh đúc

“Hà, ngon! về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Đùa một cách thật trắng trợn. Tràng hiểu vậy, cười rồi đùa tiếp: “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.

Tình huống dẫn đến một “mối tình” diễn ra như thế. Đùa hóa ra thật, thật cứ như là đùa. Cô gái đã về nhà, bằng xương bằng thịt ngồi đó vậy mà Tràng vẫn tự vấn mình “có vợ rồi đấy ư?”. Dù vậy nhưng vẫn hợp lí trong cảnh đói đang ùa về. Họ nương nhau mà sống, nương miếng cháo cám, miếng cơm; nương tình nghĩa vợ chồng tưởng không bao giờ có, vì nghèo!

Bản chất của đời là sự sống. Khi con người khao khát sống và mong muốn mầm sống nẩy chồi đâm nhụy thì người ta biết yêu thương.

Cảnh “đám cưới”, “rước dâu” trong Vợ nhặt của Kim Lân là cảnh hiếm có trong đời. Có những cặp vợ chồng sống không cưới hỏi nhưng giấu diếm, còn đây là cảnh thanh thiên bạch nhật. Đám rước này chỉ có độc một chàng rể với cô dâu! Cảnh Tràng đưa cô gái về nhà có những đoạn thật đến dễ thương! Mỗi người mang một tâm trạng trên bước đường đi vào cuộc sống mới:

- “Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Niềm vui vừa mới nhóm lên, “vênh vênh tự đắc” trước mọi người. “Thị thì có vẻ rón rén, e thẹn”. Khi biết có người khác nhìn thì “càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Người con gái nào khi bước về nhà người con trai sắp trở thành chồng của mình cũng đều thế cả. Đây chẳng có gì để biết là một cuộc rước dâu, chẳng có áo cưới, không có mẹ cha và người thân đôi bên, cũng chẳng có bạn bè quen thuộc nhưng lại có “lễ cưới ở trong lòng”, ở sự đồng ý với nhau bằng lời nói dù chỉ nói trong lúc bông đùa.

Có những đoạn diễn đạt tâm lí thật gần gũi với trai gái làng quê. Họ muốn kiếm chuyện nói với nhau nhưng chẳng ai thành lời, khác hẳn với sự mạnh dạn, thông minh lúc mới gặp. Thị thì chỉ biết thỉnh thoảng hỏi: “Sắp đến chưa?”, còn hắn thì trả lời cộc lốc “sắp”. Họ tiếc lời với nhau chăng! Không, họ đang ngượng ngùng, đang chờ dịp. Chúng ta hãy đọc một đoạn văn ngắn:

“Hắn đi sát gần bên thị hơn, ngẫm nghĩ một lúc, chợt hắn giơ cái chai con vẫn cầm một bên tay lên khoe:

- Dầu tối thắp đây này.

- Sang nhỉ!

- Khá thôi. Hai hào đấy, đắt quá, cơ mà thôi chả cần.

- Hoang nó vừa vừa chứ.

Hắn chặt lưỡi:

- Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chả nhẽ chưa tối đã rúc vào ngay, hì hì.

- Khí gió.

Thị phát đánh đét vào lưng hắn, khoặm mặt lại.

Hắn thích chí ngửa cổ cười khanh khách..."

Đèn dầu

Gã kéo xe bò nhưng biết trọng người, biết làm cho người thân vui lòng. Còn thị thì tiết kiệm bởi hơn ai hết thị đang bị nạn đói đe doạ, và nhất là chắc thị cũng đã cảm thấy thương hắn ta...

Trong lúc chờ ra mắt cô vợ mới với mẹ già, thấy thị buồn hắn cũng băn khoăn: “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?’’. Tràng ngây thơ như vậy đấy nhưng là sự ngây ngơ đáng quý. Hắn đâu có biết người con gái kia đang lo như thế nào? Bụng nàng đang rối bời lên đấy chứ. Phải chăng người “vợ nhặt” đang suy nghĩ:

- Không biết mẹ chồng sẽ đối xử ra sao trong hoàn cảnh này. Mình theo không anh ấy về nhà bà có khinh khi, rẻ rúng không?

- nhà mình như thế nào đây? Nàng đang “trông vời quê mẹ...”

- Nhà cửa như thế này, nghèo như thế này phải sống ra sao khi anh ấy lại đèo bòng thêm mình...

Tuy vậy, việc thị bất ngờ về làm dâu bà cụ Tứ đã mang đến cho bà mẹ chịu nhiều gian khổ, nghèo đói suốt đời này nguồn vui, hạnh phúc. Sau phút giây bất ngờ gây cho bà nhiều suy nghĩ, làm tăng nỗi băn khoăn trong lòng cô dâu mới, Tràng, và bà đã giải tỏa không khí đó bằng tình thương của người mẹ:

“Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông trời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau...”

Bà bảo con dâu ngồi xuống cho đỡ mỏi chân, bà vừa giải tỏa lo lắng của con dâu vừa tỏ lòng thương của mình vừa để an ủi người con gái bất hạnh ấy bằng những lời chân tình, hơn thiệt ở đời:

“Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...”

Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, và nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng... Lòng mẹ là như thế!

Rồi ngọn đèn dầu được thắp sáng lên, có lẽ là ngọn đèn dầu duy nhất trong xóm ngụ cư, là món quà cưới đáng giá nhất mà chàng đã mua để tặng nàng sau bữa cơm ở chợ. Nó thắp sáng tình người, mở đầu cho cuộc sống mới không chỉ cho riêng gia đình Tràng mà cả đối với chòm xóm khi thấy hắn cùng thị bước đi trên đường xóm, “Những khuôn mặt hốc hác, u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”.

Chè khoán ngon đáo để

Vậy đấy họ đã mở đầu cuộc sống đầm ấm trong cảnh đói nghèo. Họ nương và thương nhau...

Buổi sáng hôm sau của một gia đình mới làm Tràng cảm thấy “trong người êm ái lửng lơ như vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Tràng chớp mắt mấy cái, “và bỗng vừa chợt nhận ra chung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ khác lạ”. Anh đã nhận ra sự mới mẻ, khác lạ ấy do ai mang lại rồi. Nhà cửa, sân vườn sạch sẽ gọn gàng, áo quần rách đã được phơi, hai áng nước khô, dơ đã sạch và đầy nước... Vợ hắn, mẹ hắn đang quét dọn... “Cảnh tượng thật đơn giản, binh thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà cửa hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”.

Đúng là buổi sáng hôm ấy là buổi sáng nhất trong đời hắn. Cả không gian, thời gian và lòng người cũng đổi thay bởi người “vợ nhặt” được tình cờ kia. Đó là thứ ánh sáng gia đình vốn được người phương Đông coi trọng. Hắn thấy thị “rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực”.

Thấy hắn đã ra sân, người mẹ già giục vợ hắn đi dọn cơm... “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo...”. Dù vậy nhưng vẫn hạnh phúc vì bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này với con dâu. Tới khi bà bưng nồi “chè khoán ngon đáo để” ra cho mọi người cùng ăn thì Tràng mới biết “miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ” như thế nào. Đời sống đang như trong mơ bỗng trở lại với hiện thực. “Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”... Họ nhìn nhau, nhìn chén chè. Đang trong tâm trạng ngao ngán ấy họ nghe tiếng trống thúc sưu thuế lại nổi lên. Biết bao người như gia đình anh chị Dậu Sợ hãi tiếng trống oan khiên đến tán gia bại sản ấy. Rồi hình ảnh đàn quạ xuất hiện. Với nông dân, quạ xuất hiện là điềm gở báo sự chết chóc. Mà đã có chết chóc thật nên quạ đói mới kéo về làng đông. Chúng là biểu tượng của đen tối, bế tắc, độc ác...

Nhưng cũng nhờ tiếng trống ấy mà Tràng được cô “vợ nhặt” cho biết chuyện người mạn trên không chịu đóng thuế và còn phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

- Việt Minh phải không?

- Ừ, sao nhà biết?

Hóa ra là đã có lần hắn gặp, nhưng rồi chỉ nghe láng máng nên chạy trốn. Bây giờ có cô “vợ nhặt”, hắn biết nhiều hơn, rõ hơn. Từ đó “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...”. Vào bế tắc thì sẽ có biến. Đã có biến rồi thì hẳn sẽ thông, sẽ có một cuộc đời mới hiện ra cho đối vợ chồng cùng đinh ấy...

Leave a Reply