Cảm nhận về sự gặp gỡ giữa hai con người cùng cảnh ngộ - Mị và A Phủ

Tô Hoài đã khéo chọn những hoàn cảnh làm "điểm rơi" của tâm trạng, đồng thời làm khắc nổi tính cách nhân vật. Nếu như không khí rạo rực của mùa xuân dễ làm khơi lên ngọn lửa sống ấm áp thì khí lạnh của những đêm đông dài và buồn lại khiến con người cảm thấy cô đơn, muôn được xích lại, sẻ chia.

Mị và A Phủ

Tuy nhiên, ngòi bút già dặn, điêu luyện của Tô Hoài cũng không dễ dàng, vội vàng đẩy hai con người đau khổ kia đến với nhau. Những ngày A Phủ bị trói, Mị vẫn sống như một cái bóng lặng lẽ, vô tri giác. Những đau khổ cả về vật chất và tinh thần khiến con người trở nên tê liệt, chai lì: hằng đêm, nhìn thấy A Phủ bị trói, không nhúc nhích được, nhưng "Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi", bởi Mị "chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa". Hình ảnh một người đàn bà héo hắt ngồi hơ tay bên bếp lửa như khắc, như tạc vào những đêm đông dài dằng dặc thật ám ảnh. Phải chăng, Mị vẫn âm thầm mong muốn ngọn lửa kia sẽ làm ấm lại một tâm hồn đã chai cứng, giá lạnh?

Chỉ vào đêm mùa đông ấy, khi ngọn lửa bập bùng sáng, Mị bất chợt nhìn sang, "thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Một chi tiết nhỏ nhưng đầy sức nặng. Đó là một phím bấm làm mở ra cánh cửa bí mật của tâm hồn và dẫn đến những bước ngoặt trong cuộc đời hai số phận. Dòng nước mắt đau đớn, tuyệt vọng trào ra từ một chàng trai cường tráng, giàu sức sống đã đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, từ trạng thái vô ý thức trở về có ý thức. Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói đứng Mị như thế kia, rồi những đau đớn cả thể xác lẫn tâm thần. Giữa Mị và A Phủ xuất hiện sự đồng cảm thầm lặng. Mị nhận thức được sự bất công, phi lí: "Chúng nó thật độc ác [...] Người kia việc gì mà phải chết thế". Lòng thương người như một mạch suối ngầm lại âm thầm len lỏi trong Mị. Khi hình dung A Phủ trốn đi được, mình bị trói thay vào đấy, Mị cũng không thấy sợ, cũng là lúc tình thương người vượt lên cả nỗi thương mình, lấn át sự sợ hãi. Chính ở thời điểm đó, Mị đã quyết định cắt dây trói cho A Phủ. Hành động của Mị thật nhanh, gấp gáp, táo bạo và quyết liệt, nó bất ngờ ngay cả với Mị. Nó diễn ra trong khoảnh khắc mà lại là sự tích tụ những đau đớn, phản kháng của cả một đời người.

Và khi A Phủ vùng lên chạy thì "Mị đứng lặng trong bóng tối". Đó cũng là một khoảng lặng chứa đầy những dông bão tâm tư. Khi tình thương người đã được giải tỏa thì lòng thương mình lại trỗi dậy. Mị vụt chạy đuổi theo A Phủ. Con đường bột phát ấy là con đường mà Mị không hề tính trước, nhưng lại là con đường hợp với ý muôn thoát khỏi cuộc đời nô lệ. cắt dây trói cho A Phủ cũng chính là Mị tự cắt sợi dây vô hình trói buộc cuộc đời mình.

Như vậy, Tô Hoài đã phát hiện ra một quy luật tâm lí: những con người đau khổ khi bị dồn đến tận cùng khổ đau sẽ tự giải thoát cho mình. Cái quy luật ấy đã được chứng minh qua những nhân vật như chị Dậu, như Chí Phèo, anh Pha... trong văn học hiện thực Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, có điều ở thiên truyện này, nó được thể hiện nhuần nhuyễn, tự nhiên bởi nghệ thuật miêu tả tâm lí độc đáo, đặc sắc rất riêng của Tô Hoài.

Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ

Nửa sau của Vợ chồng A Phủ vẽ lên mảng màu tươi tắn của cuộc sống mới ở Phiềng Sa, ở đó, Mị và A Phủ trở thành vợ chồng, gặp gỡ và đi theo cách mạng. Con đường đến Phiềng Sa là con đường đến với tự do, hạnh phúc và sự đổi đời. Truyện ngắn của Tô Hoài cũng nằm trong khuynh hướng vận động, phát triển chung của văn xuôi Việt Nam thời kháng chiến: vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ tăm tối; nô lệ đến tươi sáng, tự do. Nhưng có lẽ, nửa đầu của truyện ngắn này vẫn được ghi nhận ở chất lượng nghệ thuật cao của nó.

- Với Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã góp phần "khai sơn phá thạch" một mảnh đất hoang vu, xa xôi, đặc biệt là mang đến một cái nhìn nhân đạo, có chiều sâu về cuộc sống và con người. Tác phẩm đi vào lòng người đọc bởi một lối kể chuyện tự nhiên, linh hoạt; ngôn ngữ trau chuốt, giàu chất thơ tái hiện được thiên nhiên, sinh hoạt, phong tục của người dân miền Tây Bắc độc đáo, sắc sảo; bút pháp "biện chứng tâm hồn" tinh tế, điêu luyện; đặc biệt là chân dung những con người lao động nơi đây, những con người từ trong tăm tối, đau khổ vẫn bật lên sức sống, sức phản kháng tiềm tàng, mãnh liệt. Cái cuối cùng đọng lại, làm nên sức sống của truyện ngắn này chính là cái nhìn ấm áp, đầy tin yêu, trân trọng con người của nhà văn.

Leave a Reply