Đặc điểm của tư tưởng nhân đạo trong Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 nhìn từ hai truyện ngắn tiêu biểu: Vợ nhặt của Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Với dạng đề mở này, học sinh có thể chủ động lựa chọn phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận... và dung lượng kiến thức đưa vào bài, miễn sao bài viết làm nổi bật vấn đề được đề cập trong đề bài và có sức thuyết phục.

Hướng tới yêu cầu đó, ở đề bài này, bài viết nên làm rõ những nội dung sau:

- Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ là hai truyện ngắn hay được viết bằng cảm hứng hiện thực và tư tưởng nhân đạo sâu sắc, rộng lớn của hai nhà văn có tên tuổi Kim Lân và Tô Hoài. Đây là hai tác phẩm mang đặc trưng nổi bật của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 nên từ những cảm nhận về hai tác phẩm nói chung, về tư tưởng nhân đạo trong hai tác phẩm nói riêng, có thể rút ra nhận xét chung nhất, khái quát nhất về tư tưởng nhân đạo trong văn học Việt Nam 1945 - 1975.

Vợ nhặt của Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

- Tư tưởng nhân đạo của Kim Lân và Tô Hoài trong hai truyện ngắn trên đều được thể hiện ở sự đồng cảm sâu sắc với số phận éo le đau khổ của người lao động. Khám phá những giá trị phẩm chất cao đẹp của họ như lòng ham sống, sức sống mãnh liệt, khát khao về cuộc sống tốt đẹp; tình thương người; tình cảm và khả năng cách mạng. Chỉ ra con đường đến với cách mạng, đi theo cách mạng để giải thoát người lao động khỏi cảnh ngộ khổ đau và những bế tắc trong cuộc sống... của hai nhà văn (Phân tích số phận éo le, những phẩm chất đẹp đẽ của các nhân vật Mị, A Phủ, Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ, những người dân xóm ngụ cư trong Vợ nhặt và phần kết của hai truyện ngắn trên để minh họa).

- Nêu vài nét về tư tưởng nhân đạo của văn học trung đại, văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945 để so sánh.

- Rút ra những đặc điểm của tư tưởng nhân đạo trong văn học 1945 - 1975:

+ Gắn liền với cảm hứng hiện thực, vừa có độ rộng, vừa có chiều sâu.

+ Không chỉ hướng tới những con người bị vùi dập, bị dọa đầy bởi các thế lực xã hội mà còn hướng tới những con người hẩm hiu, thiệt thòi trong số phận riêng, đặc biệt là những người lao động lương thiện. Khám phá ở họ những vẻ đẹp tiềm ẩn, tình hữu ái giai cấp, khả năng, tình cảm cách mạng...

+ Kế thừa và phát huy tư tưởng nhân đạo truyền thống, có những nét mới mẻ in đậm dấu ấn thời đại; hướng tới tư tưởng nhân văn cao đẹp.

Leave a Reply