Em hãy giải thích: Cẩu thả là một thói quen xấu

Nếu chỉ được chọn ra một thói xấu của người Việt chúng ta để dẹp bỏ thì tôi chọn tính cẩu thả, còn được gọi là tính qua loa đại khái.

Cẩu thả là cái tính đã ăn sâu tận xương tuỷ của người Việt từ bao đời. Nó có thể đã là một tính vô thưởng vô phạt trong quá khứ, nhưng vào thời buổi đất nước cần dồn mọi nổ lực để phát triển thì cái tính này càng trở thành kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, có quá nhiều người Việt: từ người nghèo tới người giàu, từ trẻ đến già, từ bình dân giáo dục cho đến giới trí thức, từ nhân viên cho tới cấp lãnh đạo vẫn còn quá nhiều người dính cái tính này.

Cẩu thả là một thói quen xấu

Làm cẩu thả một việc gì là cố ý không làm tốt: làm lấy có, làm dối, làm đại, làm ẩu, làm qua loa hay làm không đến nơi đến chốn. Biết không hay, không đúng, không nên nhưng vẫn cứ làm. Người có tính qua loa đại khái chỉ muốn làm xong việc cho nhanh chứ không tuân thủ theo quy trình và cũng không thật sự cố gắng.

Thói quen này chỉ thoả mãn sự lười biếng lao động và lười biếng suy nghĩ, tìm hiểu. Người lao động tay chân làm việc ẩu tả sẽ gây thiệt hại cho chủ và không thể đạt năng suất lao động cao. Còn người lao động trí óc làm dối việc thì không những không thể đạt được hiệu quả cao mà còn có thể gây ra hậu quả vô cùng tai hại, vì vai trò đầu tàu của họ trong xã hội.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta (người trí thức) làm việc cẩu thả? Ta không cẩn thận, ta cứ vấp những lỗi thông thường nên bạn đồng nghiệp có thể rất bực bội ta. Ta cứ lè phè, lề mề, an phận, không cầu tiến nên ta chẳng học hỏi được nhiều điều hay. Dĩ nhiên ta cũng không thể học hỏi và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ chính công việc của mình. Ta không phấn đấu, không thích phát huy hết năng lực nên khả năng làm việc ngày càng lụn bại. Ta không có cơ hội thăng tiến vì công việc hằng ngày ta còn chưa có thể hoàn tất một cách đàng hoàng. Trước sau gì ta sẽ đánh mất sự tin tưởng và lòng kiên nhẫn của người khác, rồi sẽ không ai dám đưa cho ta hay nhờ ta làm một việc gì quan trọng.

Khi ta làm việc cẩu thả thường thường ta chỉ gặt hái được những kết quả: đáng vứt đi, chỉ uổng tiền, phí thì giờ, phí công sức, và nó còn có thể phát sinh nhiều phiền toái. Do đó, ai có tính xấu này thì chỉ nên làm các nghề lao động chân tay đơn giản và không quan trọng. Nhưng xã hội lạc hậu luôn có vô số nghịch lý, chẳng hạn như người có chức vụ cao vẫn hay vô tư làm việc cẩu thả. Bởi vậy, xã hội cứ mãi ì ạch với những rắc rối, sai sót, phi lý và bất cập.

Môi trường sống và làm việc mỗi ngày càng phức tạp. Ta phải học hỏi không ngừng để có thể thích nghi tốt với những đổi thay trong xã hội, trong đó có phong cách làm việc. Và điều tối kỵ nhất của phong cách chuyên nghiệp chính là sự cẩu thả.

Thời buổi này, ta có nhiều phương tiện để thu thập đủ loại kiến thức, nhưng chắc chắn không nhất thiết phải biết hết mọi sự việc xảy ra trong xã hội VN và trên thế giới, mà quan trọng nhất là sự hiểu biết của ta phải có chiều sâu và có căn bản.

Nói chung, tính cẩu thả có nguồn gốc từ sự lười biếng. Nếu bạn là người thèm muốn sự thành công thì trước tiên phải dẹp bỏ cái tính này. Muốn bỏ cũng không khó lắm. Chỉ cần tập chú ý lắng nghe khi ai giải thích, căn dặn, hay yêu cầu việc gì. Có quyết tâm: “Ta phải cố gắng, ta làm tốt được”. Khi nào có thắc mắc hay chưa hiểu rõ việc gì thì phải làm cho được bằng cách đọc sách, xem tài liệu,đặt câu hỏi, nêu thắc mắc với bố mẹ,ông bà, thầy cô, với bạn bè...

Leave a Reply