Giá trị bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo)

HƯỚNG DẪN

I. TÁC GIẢ

1. Tiểu sử cuộc đời

- Thanh thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tham gia kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường miền Nam.

- Năm 2001, ông nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

2. Sự nghiệp văn học

Thanh Thảo xuất hiện với tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ in trên tạp chí Tác phẩm mới do nhà thơ Chế Lan Viên giới thiệu. Sau đó ông được người đọc chú ý với hàng loạt tác phẩm như: Những người đi tới biển (1977), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông ru - bích (1985), Từ mội đến một trăm (1988)...

3. Phong cách nghệ thuật

- Thơ Thanh Thảo là sự lên tiếng của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại.

- Thơ ông thể hiện sự cách tân thơ Việt: đào sâu cái tôi nội cảm; cách biểu đạt mới với câu thơ tự do, xóa bỏ ràng buộc khuôn sáo bằng nhịp điệu, cách gieo vần...

II. TÁC PHẨM ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA

Giá trị bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo)

1. Hoàn cảnh ra đời

Nằm trong tập Khôi vuông ru - bích (1985). Bài thơ tiêu biểu cho phong cách và kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, nhuốm màu sắc tượng trung, siêu thực.

2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Nội dung

* Đoạn 1 (6 câu đầu): Lor-ca - con người tự do

- Bằng những nét chấm phá của bút pháp ấn tượng - thiên về màu sắc tác giả tái hiện hình ảnh Lor-ca: những tiếng đàn, áo choàng đỏ gắt, đi lang thang về miền đơn độc, vầng trăng chênh choáng, yên ngựa mỏi mòn.

- Những hình ảnh tương phản gợi liên tưởng về Lor-ca, đồng thời gợi liên tưởng đến một đấu trường, đây là nét văn hóa đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha. Ở đó, đấu sĩ thế hiện tài năng của mình trên lãnh địa tử thần. Hình ảnh áo choàng đỏ gợi vẻ kiêu dũng của một dũng sĩ. Nhưng đây là đấu trường giữa đại diện một bên là khát vọng tự do, dân chủ, bình đẳng của Lor-ca với một bên là nền chính trị độc tài phát xít (Phran-cô). Đây cũng là đấu trường giữa khát vọng cách tân nghệ thuật với sự bảo thủ nghệ thuật.

- Lor-ca trong cuộc đấu này hiện lên với vẻ đơn độc “trên yên ngựa mỏi mòn’’, hình ảnh gợi cái chết. Nhưng đây cũng là hình ảnh của một con người tự do và đấu tranh vì tự do.

* Đoạn 2 (12 câu tiếp): Lor-ca - con người bị sát hại, tiếng ghi ta chảy máu

- Lor-ca đang  “hát nghêu ngao... bỗng kinh hoàng / áo choàng bê bết đỏ”. Cái chết đột ngột của Lor-ca gợi một nỗi đau đớn. Cái chết của Lor-ca đồng nghĩa với một giá trị nhân văn cao cả của Tây Ban Nha cũng chết đi.

- Đâu đây quanh cái chết như có sự căm phẫn trước thế lực tàn độc đã kết liễu một con người mà một đời sống vì tình thương yêu và vì nghệ thuật, vì nước nhà của mình. Hình ảnh thực “áo choàng bê bết đỏ” đã nói lên tất cả.

- Tác giá như có sự đồng cảm, xót thương và ngưỡng mộ, ngợi ca người chiến sĩ không chịu khuất phục Lor-ca trong cách miêu tả dáng đi của Lor-ca “như người mộng du”.

- Lối diễn đạt biểu trưng với những chi tiết chọn lọc đã gợi một sự ám ảnh và nỗi đau không nguôi: “tiếng ghi ta nâu.../ tiếng ghi ta lá xanh.../ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan / tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”.

- Tiếng ghi ta chảy máu, tiếng ghi ta không còn nguyên vẹn. Như có sự tương giao giữa tinh thần và vật chất: nỗi đau thân xác là của Lor-ca, nỗi đau tinh thần là của những con người tiến bộ. Hình tượng tiếng đàn mang một giá trị khái quát, là cơ sở của những suy tưởng cho bài thơ.

* Đoạn 3 (4 câu tiếp): Lor-ca - con người của sự tiếc nuối, tiếng đàn không ai chôn

Tiếng đàn không ai chôn

- Liên tục những thủ pháp tu từ: không ai chôn cất tiếng đàn (hoán dụ), tiếng đàn như cỏ mọc hoang (so sánh),... gợi những niềm xót thương về cái chết thê thảm của một nhà thơ, đồng thời gợi sự tiếc nuối cho hành trình cách tân dang dở của bản thân Lor-ca nói riêng của nền văn nghệ Tây Ban Nha nói chung.

- Nghệ thuật không còn người dẫn đường (cỏ mọc hoang), vì nhà cách tân nghệ thuật đã chết. Hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng là một hình tượng thơ siêu thực, đa nghĩa. Đó có thể là giọt nước mắt mang hình mặt trăng hay mặt trăng mang hình giọt nước mắt, giọt nước mắt sáng như vầng trăng hay vầng trăng rọi sáng giọt nước mắt, giọt nước mắt trong như mặt trăng... Đây chính là giá trị, là đặc điểm của thơ siêu thực.

* Đoạn 4 (9 câu cuối): Lor-ca - con người của sự vĩnh hằng

- Đích cuối cùng mà Thanh Thảo muốn nói đến là Lor-ca - một con người của sự vĩnh hằng. Cũng với hình ảnh ghi ta nhưng không còn là tiếng ghi ta mà là chiếc ghi ta, chiếc ghi ta mà Lor-ca dùng làm phương tiện qua sông.

- Đoạn thơ sử dụng hình ảnh tương phản:

đã đứt - rộng vô cùng:

đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

- Hình ảnh tương phản theo kiểu bút pháp trường phái ấn tượng này gợi ý tưởng: cuộc đời hữu hạn, tạo hóa vô cùng. Lor-ca chết nghĩa là đã từ biệt thế giới hữu hạn để bước sang thế giới vô cùng, vĩnh hằng:

Lor-ca bơi sang ngang

Trên chiếc ghi ta màu bạc

- Hình ảnh Lor-ca bơi sang sông gợi triết lí thoát vòng trần tục của Phật giáo, Lor-ca đã vào cõi vĩnh hằng. Hình ảnh “ném lá bùa vào xoáy nước’’, “ném trái tim vào cõi lặng yên” đều mang nghĩa tượng trưng cho sự giải thoát của Lor-ca khỏi vòng trần tục khổ lụy.

- Cuối cùng chỉ còn lại âm thanh của nhịp tiếng đàn, nhịp bước chân người, nhịp lời hát... “li-la li-la li-la...”. Âm thanh kết lại bài thơ nhưng mở ra một âm vang, một tiếng vọng mãi mãi như sự vĩnh hằng của nghệ thuật.

- Từ đây, bài thơ toát lên một nghịch lí nhưng cũng là một chân lí: Nghệ sĩ chân chính dù không chết vì kẻ thù, hay kẻ độc tài thì cũng chết vì chính quan niệm sáng tạo nghệ thuật của mình: Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta. Điều quan trọng là nghệ sĩ phải ý thức được giá trị thực của cái chết - sự hi sinh của bản thân cho thế hệ hậu bối, cho nghệ thuật mai sau.

b. Nghệ thuật

- Nghệ thuật tượng trưng được sử dụng với tần số cao: Áo choàng đỏ gắt, đàn ghi ta là những hình ảnh tượng trưng của đất nước Tây Ban Nha để làm bối cảnh cho hình tượng Lor-ca. Những hình ảnh đó là biểu tượng cho khát vọng tự do, cách tân nghệ thuật của Lor-ca: bầu trời, tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta xanh, tròn bọt nước vỡ tan, ròng ròng máu chảy...

- Toàn bài thơ duy chỉ một dấu chấm cuối bài, không một từ ngữ nói đến cái chết. Âm thanh tiếng đàn “li-la li-la li-la” ngân nga như sự bất tử của con người và nghệ thuật chân chính. Đó là điểm mới trong thơ tự do, tiêu biểu cho những cách tân nghệ thuật của Thanh Thảo.

- Bài thơ có cấu trúc tựa như một tác phẩm âm nhạc, đó là nhờ sự kết hợp giữa thơ và nhạc, nhất là dòng thơ “li-la li-la li-la” nằm ở cuối bài thơ như một sự ngân vang.

- Bài thơ tiêu biểu cho những cách tân nghệ thuật mới mẻ của Thanh Thảo.

3. Chủ đề

Bằng hình tượng tiếng đàn ghi ta và Lor-ca, tác giả thể hiện nổi bật cái chết bi tráng của người nghệ sĩ suốt đời đấu tranh vì tự do và cách tân nghệ thuật. Qua đó tác giả bộc lộ nỗi thương cảm và niềm tin mãnh liệt vào sự vĩnh hằng của tên tuổi và sự nghiệp của thiên tài Lor-ca.

Leave a Reply