Giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo)

1. Giá trị tư tưởng

Toàn bộ bài thơ là nỗi đau đớn, tiếc thương vô hạn của Thanh Thảo đối với người nghệ sĩ - chiến sĩ Ph. G. Lor-ca. Mặc dù giữa nhà thơ (Thanh Thảo) và người được nói đến trong thơ (Ph. G. Lor-ca) có cả một khoảng cách không gian và thời gian, nhưng qua thi phẩm, khoảng cách đó dường như đã không còn. Chứng cớ là tiếng súng đâu đây ngoài bãi bắn vừa sát hại một con người, và cũng đâu đây tiếng bập bùng của cây đàn ghi ta còn ẩn hiện. Tất cả làm bừng thức một cái nhìn ngưỡng mộ của nhà thơ (Thanh Thảo). Và từ đó ta nhận ra chân dung một con người (Lor-ca). Con người ấy thuộc về sự tôn vinh của nhân loại trên hai bình diện: người đi tiên phong trong sự nghiệp chống áp bức và đi đầu trong công cuộc cách tân nghệ thuật của thời đại mình. Con người ấy như một ngọn cờ dù đơn độc, lẻ loi nhưng sự hi sinh của ông không hề uổng phí. Nó mở đường cho nhân loại tiến lên.

Lor-ca

2. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ là một sự thống nhất và kết tinh ở một mức độ cao giữa người chiến sĩ - nghệ sĩ trong hình tượng cây đàn. Cây đàn vừa là tượng trưng cho cái đẹp vừa là tượng trưng cho những khát vọng, ước mơ. Nó là tâm huyết của Lor-ca, nó cũng là vũ khí chiến đấu. Hình tượng nhất quán ấy vận động trong một không gian nghệ thuật đặc biệt: trước, trong và sau khi Lor-ca tử nạn. Ý nghĩa đa thanh của cái chết là ở chỗ: người nghệ sĩ - chiến sĩ có thể hi sinh, nhưng sự hi sinh ở đây không bao giờ là kết thúc. Tiếng nói có hiện tượng bi quan, song về bản chất lại có ý nghĩa lạc quan. Nó gieo mầm sự sống. Cái nhìn vừa hiện thực vừa ảo giác tạo được một không khí rất độc đáo cho bài thơ.

Leave a Reply