Giải thích câu tục ngữ: "Tấc đất tấc vàng"

“Tấc đất tấc vàng” - câu ngạn ngữ từ ngàn xưa càng ngẫm càng thấy đúng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu giá trị đích thực của từng loại đất. Mà khi đã không hiểu ngọn ngành về điều này, dễ đi đến những quyết sách sai lạc về quản lý và sử dụng dạng tài nguyên đặc biệt thuộc sở hữu của Nhà nước này.

Sự hình thành một mảnh đất thích hợp với sản xuất nông nghiệp

Xét về ý nghĩa chính trị, về chủ quyền lãnh thổ, thì mọi mảnh đất của Tổ quốc đều có ý nghĩa như nhau, phải tốn bao xương máu nhân dân ta mới khai khẩn và bảo vệ được. Nhưng xét về giá trị thực dụng thì mỗi loại đất lại có ý nghĩa khác nhau.

Câu ngạn ngữ “Tấc đất tấc vàng” càng đúng đối với những nơi đất đai khan hiếm như vùng cao nguyên đá Đồng Văn chẳng hạn. Nhưng chính cao nguyên đó lại hàm chứa những giá trị to lớn, đáng khao khát của bao quốc gia trên thế giới. Đó là nơi có địa hình đá vôi (karst) trùng điệp, muôn hình vạn trạng, có thung lũng sông Nho Quế đẹp như mộng với những hẻm vực hoành tráng nhất Đông Dương, có những tượng đài địa cảnh đáng giá cho du khách vượt muôn dặm đường xa đến ngắm nhìn, thưởng lãm… Xét về tiềm năng du lịch, nếu ở đó xây dựng được một Công viên Địa cảnh (Geopark) đẳng cấp quốc tế thì giá trị của nó sẽ được nâng lên nhiều lần. Vấn đề là ở chỗ phải biết đánh thức tiềm lực đất đai... Vậy mà cho tới nay đất nước Việt Nam tươi đẹp chưa hề có một di sản địa chất nào được công nhận - một sự chậm chân đáng tiếc so với khu vực và quốc tế.

Sự hình thành một mảnh đất thích hợp với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước, là cả một quá trình dài lâu, gian khổ của thiên nhiên và con người. Quá trình phong hóa và tạo đất trồng trọt từ các loại đá thường gặp ở vùng đồi núi còn khó hơn nhiều. Ai đã từng nhìn thấy cảnh một người dân tộc H’Mông gùi đất lên bỏ vào từng hốc đá vôi trên cao nguyên Đồng Văn, rồi tra vào đó mấy hạt ngô, mới thấy hết giá trị của đất trồng đối với con người.

Tấc đất tấc vàng

Nguy cơ khủng hoảng lương thực thế giới trong dịp tháng tư vừa qua đã cảnh tỉnh loài người, cũng là điều buộc chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm. Từ chỗ thiếu, rồi tự túc đủ lương thực vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, Việt Nam từng vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Nhiều dự báo cho thấy vào những thập niên tiếp theo, sự khan hiếm lương thực sẽ trở thành nỗi lo âu của loài người. Chính vì thế, đất đai nông nghiệp, đặc biệt là những diện tích trồng lúa nước đã và sẽ luôn là tài sản vô giá, cần được bảo vệ và phát huy tốt nhất hiệu quả sử dụng.

Trên thế giới, nhiều nước đã quy hoạch phát triển đô thị lên những vùng đồi thoải, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp cho các dự án phi nông nghiệp. Nên nhớ rằng, miền đồi núi của Việt Nam chiếm đến ¾ diên tích đất nước. Diện tích đồng bằng thực tế không được bao nhiêu. Do vậy, khi quy hoạch tổng thể cần quan tâm bảo vệ những diện tích vốn là vựa lúa. Điều đó dường như chưa được chú trọng khi xem xét trong thực tiễn quy hoạch lãnh thổ thời gian qua ở nhiều địa phương. Chính cách quản lý, điều hành lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đã tạo nhiều kẽ hở cho những kẻ đầu cơ trục lợi. Tình trạng sử dụng đất không trúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chủ động về an ninh lương thực quốc gia.

Sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều cần thiết, không phải bàn cãi. Song từ trong sâu thẳm tâm hồn, người Việt ta vẫn tự hào là cư dân trong cái nôi lúa nước của nhân loại. Việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, việc giữ vững là một trong những cường quốc của lúa gạo thế giới hẳn là điều chúng ta cần nghĩ tới. Đó cũng là tâm nguyện chung của hầu hết chúng ta, hôm nay và mai sau.

Leave a Reply