Giới thiệu về Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc

1. - Tố Hữu (1920 - 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh ra ở Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Cha Tố Hữu là một nhà nho rất yêu thơ; mẹ cũng thuộc nhiều dân ca xứ Huế. Gia đình và quê hương đã góp phần vào việc hình thành và nuôi dưỡng hồn thơ Tố Hữu.

- Tố Hữu tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và nhanh chóng trưởng thành trên con đường tranh đấu. Năm 1945, Tố Hữu tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở kinh đô Huế. Sau Cách mạng, nhà thơ liên tục giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Năm 1996, Tố Hữu được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. - Từ ấy (1937 - 1946) là tập thơ đầu tay của Tố Hữu, gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng. Trong Máu lửa, nhà thơ thể hiện niềm vui lớn khi gặp được lí tưởng cách mạng, bày tỏ mối đồng cảm sâu xa với những kiếp người cùng khổ và kêu gọi tinh thần tranh đấu. Xiềng xích gồm những bài thơ được sáng tác trong tù - bộc lộ tình yêu cuộc sống, yêu lí tưởng, khát vọng tự do mãnh liệt và tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Giải phóng là tiếng thơ ngợi ca cách mạng và nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Tố Hữu

- Việt Bắc (1946 - 1954) được sáng tác trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Tập thơ đã tái hiện vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong chiến đấu: những anh vệ quốc quân, anh bộ đội gần gũi, bình dị mà hào hùng; những người phụ nữ đảm đang, dũng cảm; những bà mẹ Việt Nam thương con, yêu nước... Tác giả cũng khắc hoạ thành công hình tượng Bác Hồ... Việt Bắc được đánh giá là bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp. Giàu khuynh hướng sử thi, đậm đà tính dân tộc, Việt Bắc không chỉ là đỉnh cao trên con đường thơ Tố Hữu mà còn là thành tựu lớn của nền thơ cách mạng.

- Gió lộng (1955 - 1961) hội tụ nhiều nguồn cảm hứng: niềm vui chiến thắng, niềm tự hào làm chủ cuộc sống mới, ý chí thống nhất đất nước... Tác phẩm này vẫn phát huy được những thế mạnh của Việt Bắc - tràn đầy cảm hứng lãng mạn và đậm chất sử thi. Tuy nhiên, tác giả không khỏi có lúc rơi vào cái nhìn giản đơn, một chiều khi tái hiện cuộc sống mới và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...

- Hai tập thơ Ra trận (1962 - 19711 và Máu và hoa (1972 - 1977). Ra trận là lời kêu gọi, cổ vũ cuộc chiến đấu ở cả hai miền Nam, Bắc; lời ngợi ca dân tộc và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Máu và hoa khẳng định niềm tin vào sức mạnh phi thường của đất nước và biểu hiện niềm tự hào, niềm vui chiến thắng. Thơ Tố Hữu thời kì này vẫn giàu khuynh hướng sử thi và đậm chất chính luận. Song có lẽ do chú trọng nội dung chính luận, thời sự nên có lúc cảm xúc chưa đạt độ chín, còn hô hào như mệnh lệnh, khẩu hiệu,...

- Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999) là những điểm mốc đánh dấu bước chuyển mới của thơ Tố Hữu: nhập vào dòng chảy của cuộc sống đời thường với cảm hứng thế sự - đời tư, đề tài được mở rộng hơn với các lĩnh vực khác nhau cửa đời sống, cảm xúc lắng đọng và giàu chất suy tư hơn.

3. a. Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Tố Hữu là chất trữ tình chính trị. Ngòi bút Tố Hữu luôn tìm thấy nguồn đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác từ đời sống chính trị của nhân dân, đất nước. Niềm say mê nhiệt thành với lí tưởng cộng sản đã giúp Tố Hữu có khả năng "đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình" (Xuân Diệu). Ông được mệnh danh là nhà thơ của những tình cảm lớn, lẽ sống lớn... Tố Hữu đã tiếp thu truyền thống của dòng thơ văn yêu nước đầu thế kỉ XX và những thành tựu của công cuộc hiện đại hoá thơ ca để mở ra một khuynh hướng trữ tình chính trị trong thơ ca cách mạng Việt Nam.

b. Thơ Tố Hữu bám sát đời sống chính trị, cách mạng của đất nước, phán ánh những vấn đề có liên quan đến số phận của dân tộc nên rất giàu khuynh hướng sử thi. Bao trùm các tác phẩm của ông là cảm hứng lịch sử - dân tộc. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu thường nhân danh Đảng, dân tộc và thời đại; nhân vật trữ tình hội tụ những phẩm chất của giai cấp, cộng đồng.

Cùng với khuynh hướng sử thi, ngòi bút Tố Hữu còn giàu cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng này được thể hiện qua tiếng nói ngợi ca, khẳng định lí tưởng; ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống mới; niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng, vào tương lai tươi sáng của đất nước.

c. Giọng điệu ngọt ngào, tha thiết cũng là một nét phong cách đặc sắc của thơ Tố Hữu. Đặc điểm này bắt nguồn từ "chất Huế" của hồn thơ Tố Hữu và quan niệm riêng của ông về thơ ca. ông cho rằng, thơ là chuyện đồng điệu của tâm hồn, là tiếng nói "có sự cảm thông chung dựa trên cơ sở đồng ý, đồng tình". Chất giọng ấy toát lên từ lối trữ tình trò chuyện, từ những câu thơ như lời thủ thỉ tâm sự, giãi bày, nhắn nhủ đằm thắm, thiết tha...

d. Đặc biệt, tính dân tộc đậm đà cả trong nội dung cảm xúc và hình thức nghệ thuật đã mang lại cho thơ Tố Hữu sức rung động lòng người và sức sống lâu bền. Nhiều tình cảm chính trị trong thơ Tố Hữu là sự tiếp nối, phát huy những truyền thông đạo đức lâu đời của dân tộc - lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nghĩa tình cách mạng thuỷ chung... Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ truyền thông, đặc biệt là thơ lục bát. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, giàu nhạc điệu; hình ảnh quen thuộc, gần gũi với nhân dân.

Việt Bắc

4. - Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ dời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Cuộc chia tay lịch sử đã khơi nguồn cảm hứng cho Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc.

- Bao trùm tác phẩm là cảm hứng ngợi ca nghĩa tình cách mạng thủy chung, son sắt giữa đồng bào chiến khu và cán bộ kháng chiến, quân với dân, miền ngược với miền xuôi... Qua đó, nhà thơ khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân, đất nước anh dũng, kiên cường mà ân nghĩa, thuỷ chung.

5. - Việt Bắc được kết câu theo lối đối - đáp giữa hai nhân vật trữ tình ta và mình - vốn rất quen thuộc trong ca dao, dân ca. Người ở lại là đồng bào chiến khu Việt Bắc, người ra đi là những cán bộ kháng chiến từng gắn bó với quê hương cách mạng suốt mười mấy năm trời. Hình thức này đã tạo nên sự hô ứng đồng vọng khiến cảm xúc như được nhân lên, da diết, khắc khoải hơn. Những ân tình cách mạng được thể hiện như tâm trạng nhớ thương, lưu luyến, gắn bó thuỷ chung trong tình yêu đôi lứa. Song "đối đáp là cấu tạo bên ngoài, mà đối thoại, tự biểu hiện là cấu tạo bên trong" (Nguyễn Văn Hạnh).

- Kiểu kết cấu độc đáo ấy và thể thơ lục bát khiến bản hùng ca của thời kháng chiến vang lên với âm điệu ngọt ngào, tha thiết của một khúc tình ca.

Leave a Reply