Hãy chứng minh Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là một áng văn chính luận mẫu mực

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật, kẻ đang chiếm đóng nước ta lúc bấy giờ đã đầu hàng đồng minh. Trên toàn quốc, nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền. Ngày 26 - 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Hãy chứng minh Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là một áng văn chính luận mẫu mực

- Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có giá trị lịch sử to lớn, là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới, là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập tự do trên đất nước ta, mà còn là một áng văn chính luận đặc sắc, mẫu mực. Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện ở cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn đầy cảm xúc...

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Vì sao nói “Tuyên ngôn Độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực?

- Muốn khẳng định được Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực, trước hết ta phải hiểu văn chính luận là gì? Văn chính luận là thể văn phân tích, bình luận các vấn đề chính trị, xã hội đương thời.

+ Tính chính luận của Tuyên ngôn Độc lập trước hết thể hiện ở tính thời sự nóng hổi. Bác đã phản ánh một cách kịp thời, chính xác những sự kiện xảy ra lúc bấy giờ. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, bình luận các vấn đề về xã hội, chính trị của nước ta, của thế giới lúc bấy giờ một cách xuất sắc.

+ Tính chính luận thể hiện ở việc sử dụng những thuật ngữ mang tính bền vững như các từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, “luật pháp”, “dân chủ”... Đây là những từ ngữ được sử dụng trong lĩnh vực chính trị.

+ Tính chính luận thể hiện ở tính trí tuệ, tính chiến đấu. Tuyên ngôn Độc lập có lập luận chặt chẽ: Cơ sở pháp lí, cơ sở thực tiễn đưa ra thật chặt chẽ không ai có thể thay đổi được. Tuyên ngôn Độc lập có lí lẽ xác đáng, đanh thép, hùng hồn. Lí lẽ cho cơ sở pháp lí, lí lẽ cho cơ sở thực tế thật không ai có thể bác bỏ được. Bởi vì lí lẽ đó xuất phát từ hiện thực, từ sự thật không thể chối cãi, từ những dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu nhất. Không những thế, lời văn của bản Tuyên ngôn độc lập giản dị, trong sáng, đầy tính chiến đấu, đầy tính thuyết phục. Nó làm rung động bao con tim của người đọc, người nghe.

→ “Tuyên ngôn Độc lập” là áng văn chính luận mẫu mực.

2. Chứng minh “Tuyên ngôn Độc lập” là áng văn chính luận mẫu mực.

a) Tuyên ngôn Độc lập có lập luận chặt chẽ, có lí lẽ hùng hồn.

Tuyên ngôn Độc lập có lập luận chặt chẽ, có lí lẽ hùng hồn

Bằng lập luận chặt chẽ, Bác đã nêu rõ cơ sở pháp lí và cơ sở thực tế của bản tuyên ngôn để đập tan lí lẽ của kẻ thù. Thực dân Pháp huênh hoang Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải thuộc quyền người Pháp. Để đập lại luận điệu của thực dân Pháp, Bác đã đưa ra cơ sở pháp lí và cơ sở thực tiễn có tính khẳng định và thuyết phục rất cao.

- Cơ sở pháp lí:

Bác dựa vào nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 và dựa vào những nguyên tắc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn để “đập” lại kẻ thù. Nghĩa là Bác đã xác lập được tiền đề cho bản Tuyên ngôn Độc lập mà không ai có thể bác bỏ được vì:

+ Hai bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp là những danh ngôn bất hủ đã có từ lâu, đã được phổ biến rộng rãi và được thế giới thừa nhận.

+ Tác giả đã dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông” để bác bỏ lí lẽ của đối phương. Nếu đối phương không công nhận bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam thì chính là đối phương đã bác bỏ những khẳng định của tổ tiên họ. Lí lẽ sâu sắc và chặt chẽ, hùng hồn như vậy làm sao kẻ thù có thể phản bác lại được.

+ Thế giới đã công nhận các nguyên tắc dân tộc bình đẳng và độc lập tự do trong hai bản tuyên ngôn độc lập của Pháp và Mĩ thì phải công nhận quyền bình đẳng, tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

- Cơ sở thực tiễn:

+ Thực dân Pháp muốn quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa, bằng lí lẽ sắc bén, bằng thực tiễn sinh động, Bác đã bác bỏ một cách không nương tay. Pháp kể công “khai hóa” nước ta, bản Tuyên ngôn Độc lập kể tội của thực dân Pháp trong 80 năm xâm chiếm nước ta. Chúng gây ra bao tội ác tày trời trên nhiều phương diện chính trị, văn hóa, kinh tế. Pháp kể công “bảo hộ” nước ta, bản Tuyên ngôn Độc lập vạch trần bản chất hèn nhát của Pháp. Chúng đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Pháp cho rằng mình nhân danh Đồng minh đã chiến thắng phát xít, giành lại Đông Dương, bản Tuyên ngôn Dộc lập kể tội chúng đã phản bội Đồng minh, đầu hàng Nhật và khủng bố cách mạng Việt Nam.

+ Tuyên ngôn Độc lập còn đưa ra một thực tiễn mà không ai có thể chối cãi được. Đó là dân tộc Việt Nam đã đứng trong phe Đồng minh, dũng cảm đánh Nhật. Dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam không trả thù thực dân Pháp mà còn cứu những người Pháp bại trận chạy qua biên giới, cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam của Nhật bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ...

→ Tất cả những điều trên đây không chỉ là lí lẽ mà sự thật, là hiện thực không thể chối cãi. Đó chính là cơ sở thực tiễn vững chắc không gì lay chuyển được.

b. Tuyên ngôn Độc lập có dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, toàn diện.

Tuyên ngôn Độc lập có dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, toàn diện

Để tăng sức thuyết phục và khẳng định cho lí lẽ, Bác đã đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể, tiêu biểu và toàn diện tội ác của thực dân Pháp về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong 80 năm thống trị nước ta.

- Về chính trị, văn hóa, xã hội: “Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào...”. “Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết...”. “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”. “Chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.

- Về kinh tế: “Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Với những câu văn ngắn gọn, đồng dạng về cấu trúc tiếp nối nhau liên tục, với đại từ “chúng” lặp đi lặp lại tới mười bốn lần, giọng kể tội bọn thực dân Pháp càng thêm đanh thép, hùng hồn.

c. Lời văn giản dị, trong sáng, có sức chinh phục con tim, khối óc của người đọc, người nghe.

- Trong đoạn văn kể tội thực dân Pháp, Bác đã dùng những từ ngữ, hình ảnh giản dị mà sâu sắc, giàu sức gợi cảm, có tác dụng làm cho câu văn càng thêm xúc động thấm sâu vào lòng người.

+ Về mặt lí trí: Tuyên ngôn Dộc lập giúp người đọc, người nghe thấy rõ việc độc lập của dân tộc Việt Nam là phù hợp với lẽ phải, với chính nghĩa, thấy rõ âm mưu thâm độc, bộ mặt tàn bạo, sự hèn nhát của kẻ thù. Tuyên ngôn độc lập cũng giúp người đọc, người nghe thấy được lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

+ Về mặt tình cảm: Tuyên ngôn Độc lập giúp người đọc, người nghe thấy căm ghét bọn thực dân Pháp vì chúng đã gây ra bao nhiêu tội ác dã man trên đất nước ta. Ta càng thêm tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một dân tộc yêu tự do, yêu độc lập thì sẽ đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền độc lập, tự do đã giành được.

III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

- Tuyên ngôn Độc lập quả là một áng văn chính luận mẫu mực: lập luận chặt chẽ; lí lẽ xác đáng, đanh thép, hùng hồn; dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu toàn diện; lời văn giản dị, trong sáng, đầy tính chiến đấu.

- Văn chính luận của Bác vừa hùng biện vừa trữ tình, có tác động sâu xa không những về mặt lí trí mà còn làm rung động trái tim bao người đọc, người nghe.

- Tuyên ngôn Độc lập đã khơi dậy trong mỗi chúng ta lòng yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Ta phải có những suy nghĩ, những việc làm cụ thể để góp phần vào việc bảo vệ nền độc lập tự do mà ông cha ta đã đổ bao xương máu mới giành được.

Leave a Reply