Hãy quan sát và ghi chép một nhóm trẻ chơi thả diều trên đê trong một buổi chiều hè

Quê hương nào chẳng có cánh diều bay trong những ngày hè êm ả. Từ bao đời nay, thú chơi diều đã trở thành một trò chơi truyền thống của làng quê Việt Nam. Già, trẻ, lớn, bé ai mà chẳng có những kỷ niệm thiết tha. Tuổi thơ nào mà chẳng ôm ấp một cánh diều lộng gió trong cả những giấc mơ. Không hiểu sao, mỗi khi nhắc đến thời thơ ấu, người ta không thể không nhắc đến những cánh diều bay bay trong giai điệu ngân vang, réo rắt của sáo trúc. Phải chăng nó đã trở thành bóng hình dân tộc níu bước quay về những mảnh hồn đang sống xa quê.

Thú chơi diều rất đa dạng về hình thức, phong vị. Diều có chiếc nhỏ bằng cái quạt nan, có chiếc to bằng cánh phản. Có chiếc diều ta đua bạn đua bè khóc ngằn ngặt để bố phải đi tìm sợi dây, mảnh giấy làm cho chơi trong chốc lát buổi chiều hè nắng vàng rộm, gió vi vu. Cũng có những chiếc diều phải kỳ công gọt rũa, nắn khung, uốn dáng để trong buổi hội làng vinh dự đón mừng giải nhất cho rượu tràn, pháo nổ suốt đêm thâu. Khó tả làm sao cái cảm giác sung sướng đến bàng hoàng khi nắm chắc trong tay sợi dây dù căng níu một cánh diều trên bầu trời lộng gió. Cánh diều nâng giấc tuổi thơ, dìu những chú bé con vào trong giấc ngủ nhẹ nhàng, êm ái. Tiếng sáo trúc vi vu như điệu nhạc bổng trầm, thổi vào lòng ta tiếng nói tuổi thơ mà ta đã đi qua dẫu biết rằng không thể nào trở lại.

Thả diều triền đê

Ngày nay, chúng ta gần như không thể tìm được ở bất cứ nơi đâu trong thành phố của chúng ta một cánh diều mơ ước. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi trên thị trường đồ chơi xuất hiện những loại diều hiện đại bằng nilon, bằng vải đủ màu sắc, đủ kích cỡ thì những cánh diều của giấy phèn, của cật tre và sáo trúc đã không còn chỗ đứng. Muốn thoả mãn nỗi nhớ tuổi thơ, không còn cách nào khác là phải đạp xe gần hai mươi cây số sang Chèm hay Bắc Ninh vào những ngày hội thi diều.

Có lẽ vì vậy mà bây giờ ít có cậu bé nào ở thành thị còn lưu lại được trong ký ức tuổi thơ sâu nặng một cánh diều. Lấp vào những khoảng trống đó là tri thức của thời đại “ bão táp trí tuệ, công nghệ thông tin”. Giờ đây đọng lại trong trí óc của trẻ thơ không gì hơn là một lượng kiến thức đồ sộ của nhà trường và những trò chơi hiện đại như điện tử, vi tính hay những tập truyện tranh nhiều màu. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy một điều rằng dù trẻ có muốn chơi diều thì điều kiện thành phố chúng ta cũng không cho phép.

Chúng ta thường gặp những biển báo cấm thả diều vì có đường dây điện chạy qua. Chúng ta biết rằng một đứa trẻ phát triển toàn diện không chỉ là có trình độ tri thức mà song song với nó còn là một thể chất và một tâm hồn khoẻ khoắn. Liệu trẻ còn giữ được một giấc ngủ nhẹ nhàng êm ái. Nhiều khi ngẫm lại thấy cuộc sống của lớp trẻ bây giờ hơn tuổi thơ của chúng ta ngày xưa nhiều lắm. Trẻ có đầy đủ điều kiện về cả vật chất và khoa học kỹ thuật để phát triển tài năng, trí tuệ. Thế mà dường như tâm hồn trẻ thì đang dần mất đi những nét văn hoá truyền thống quê hương. Thật khó tìm trong cuộc sống của chúng ta hôm nay một nét tài hoa về một thú chơi dân dã.

Những bàn tay như múa trên bàn phím vi tính đã thay thế rồi những bàn tay chẻ tre, gọt gỗ, khoét sáo, dựng khung... Xã hội đang chuyển động với nhịp độ mãnh liệt theo bước tiến của khoa học kỹ thuật, lớp trẻ cần phải học tập và rèn luyện để xứng đáng với vị trí chủ nhân đất nước tương lai. Nhưng nên chăng song song với điều đó hãy giữ lại cho trẻ một tuổi thơ ngập tràn những kỷ niệm êm đềm - một tuổi thơ bay bổng với cánh diều lồng lộng giữa trời xanh.

Leave a Reply