Hiện nay, học sinh phổ thông có hiện tượng lạm dụng tiếng lóng và xem đó là biểu hiện của sự sành điệu. Em có suy nghĩ gì về hiện tượng này

Trong sự phát triển của lối sống hiện đại, cùng với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông đại chúng... một số cá nhân, một số nhóm trong giới trẻ đã sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với mục đích tạo ra tính độc đáo, cách tân hoặc để làm một ký tín hiệu riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng lóng trong giới trẻ hiện nay đã tạo ra sự sai lệch chuẩn mực xã hội.

tiếng lóng

1. Sai lệch chuẩn mực xã hội là các quá trình, hiện tượng xã hội và những nhận thức, thái độ hành vi của một cá nhân hoặc nhóm xã hội trái với những quy ước, chuẩn mực xã hội của một nhóm xã hội hoặc của một hệ thống xã hội cụ thể. Và sai lệch chuẩn mực trong sử dụng ngôn ngữ luôn mang tính tương đối về mặt văn hóa, có nghĩa là, việc phân định đâu là hành vi hợp chuẩn và lệch chuẩn luôn phụ thuộc vào sự phán xét, đánh giá của từng loại hình xã hội, từng nền văn hóa khác nhau. Thực tế cho thấy, cùng một hiện tượng xã hội, một ngôn ngữ ở nền văn hóa này, thời điểm này là hợp chuẩn; nhưng đối với nền văn hóa khác, hoặc thời điểm khác, có thể bị coi là lệch chuẩn. Hơn thế nữa, ngôn ngữ có khuynh hướng thay đổi theo thời gian và không gian.

Khi xem xét, đánh giá tiếng lóng trong ngôn ngữ của giới trẻ, theo tôi cần nghiên cứu hai vấn đề có tính phương pháp luận: Một là, không phải tất cả các hiện tượng tiêu cực trái với trạng thái phát triển bình thường của xã hội, đều có thể coi là sai lệch chuẩn mực. Hai là, không phải mọi hoạt động, hành vi của con người đều coi là lệch chuẩn khi nó vi phạm một loại chuẩn mực cụ thể. Và sai lệch trong sử dụng ngôn ngữ tiếng lóng của giới trẻ hiện nay thường biểu hiện hai trạng thái cơ bản: Sai lệch tích cực và sai lệch tiêu cực. Những ngôn ngữ tiếng lóng có sự ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của tiếng Việt và sự phát triển, tiến bộ chung của xã hội thì được xác định hành vi sử dụng ngôn ngữ sai lệch tiêu cực. Những ngôn ngữ, lời nói, những hành động của cá nhân, nhóm xã hội có thể vi phạm hệ thống chuẩn mực đương thời, nhưng xét toàn cục theo chiều hướng đi lên của xã hội thì đó là những hành vi sử dụng ngôn ngữ sai lệch tích cực. Ví như trong ngôn ngữ văn học thế kỉ 19, 20 xuất hiện ngôn ngữ tiếng lóng ít được sử dụng hoặc chỉ sử dụng trong một số tầng lớp nhất định. Và trong số tiếng lóng đã từng sử dụng, giờ đây có nhiều từ ngữ đã trở nên quen thuộc và đi vào ngôn ngữ phổ thông: Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có các từ: “Đi dạo”, “rước khách”, “chịu tốt”, “chơi”... hay các từ ngữ trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng: “Giang hồ”, “chạy làng” hoặc một số từ ngữ khác: “Ba hoa”, “xỉn”, “xịn”, “mánh mung”, “quay cóp”…

2. Thực tế hiện nay, giới trẻ đang sống trong một xã hội phát triển, sự thay đổi và xuất hiện của ngôn ngữ tiếng lóng là kết quả tất yếu của sự thay đổi và phát triển không ngừng của xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng lóng của giới trẻ hiện nay đang có sự sai lệch chuẩn mực và phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Giới trẻ đang lạm dụng quá mức việc sử dụng tiếng lóng trong ngôn ngữ thường ngày. Trào lưu sử dụng tiếng lóng của các em đang rơi vào tình trạng sử dụng tùy hứng, tự tiện không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp và tạo ra phản cảm. Phổ biến hiện nay giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng lai căng, pha giữa tiếng Anh và tiếng Việt.Các em không những thể hiện khả năng tiếng Anh không đúng lúc mà còn làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây cảm giác khó nghe trong giao tiếp. Các em không ngần ngại nói tiếng lóng với tất cả các đối tượng giao tiếp như: “Ok thầy”, “thank-kiu cô”, “sorry bạn”… hay trong ngôn ngữ giao tiếp qua điện thoại các em ám chỉ bố mẹ bằng các từ ngữ: “Bô lão”, “lão ông”, “lão bà bà”, “ma ma”… hoặc dùng cách viết tắt “loạn ngôn ngữ”: “Ilu”: I love you (anh yêu em), “Sul”: See you later (hẹn gặp lại sau), “G9”: Good night (chúc ngủ ngon)… Bên cạnh đó, các em thêm bớt, làm đảo lộn cả những câu ca dao, tục ngữ để làm danh ngôn sống cho riêng mình: “Học chi cho đau xót trái tim non/ Tú Xương còn rớt huống chi con”, “Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/ Học sinh thi lại là điều tất nhiên”, “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời chơi nét mà không vương tình”, “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con sẽ theo trai/ Em út ba gửi dì hai/ Để ba có dịp ba qua thăm dì”, “Chớ chê em xấu, em già/ Em đi spa lại, đẹp ra bây giờ”...

3. Việc sử dụng tiếng lóng của giới trẻ hiện nay là phổ biến, tùy tiện và khó kiểm soát; trong khi đó, gia đình, nhà trường và xã hội chưa làm tốt chức năng giáo dục giới trẻ sử dụng ngôn ngữ tiếng lóng đúng mực. Chúng ta nên giáo dục, định hướng các em giao tiếp theo chiều hướng tích cực, đúng cách, đúng lúc, đúng nơi và đúng chuẩn. Song song đó chính bản thân các em cũng cần coi trọng và có trách nhiệm trong việc sử dụng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Có như vậy, kho tàng ngôn ngữ của Việt Nam sẽ ngày càng phong phú và giàu đẹp hơn

Leave a Reply