Hiểu và nghĩ về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

1. Xuân Quỳnh (1942 - 1988) là cây bút nữ tiêu biểu nhất của nền thơ Việt Nam giai đoạn sau năm 1945. Tác phẩm của Xuân Quỳnh rất phong phú, đa dạng về đề tài, cảm hứng. Thơ Xuân Quỳnh cuốn hút người đọc bằng vẻ đẹp nữ tính với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, trái tim giàu yêu thương, giàu khát vọng bao bọc, chở che và bản tính nhẫn nại, vị tha,...

- Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Thơ tình Xuân Quỳnh toát lên vẻ đẹp tự nhiên, dung dị, vừa táo bạo, mạnh mẽ vừa đằm thắm, dịu dàng. Hình tượng người phụ nữ trong thơ chị luôn được khắc hoạ với sự chân thành và mãnh liệt trong khát vọng tình yêu; với tấm lòng trân trọng, nâng niu hạnh phúc của đời thường; với bao nỗi khắc khoải, âu lo và cả mềm hi vọng, tin tưởng... Nhiều bài thơ tình Xuân Quỳnh in đậm dấu ấn tâm hồn của một người phụ nữ từng nếm trải không ít gian nan, thử thách; từng vượt qua nhiều lận đận, gian truân nhưng chưa bao giờ nản bước trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc: Núi cao, bể rộng, sông dài - Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu; Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở - đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu...; chưa bao giờ nguội tắt niềm tin vào sức mạnh kì diệu của tình yêu: Đó tình yêu em muốn nói cùng anh - Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng - Lòng tốt để duy trì sự sống - Cho con người thực sự người hơn,...

Sóng

2. Sóng được coi là bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh. Tác giả đã dựa trên một hình tượng quen thuộc để sáng tạo kiểu cấu tứ độc đáo - hình tượng cặp đôi sóng và em. Chủ thể trữ tình đã hoá thân vào cặp hình tượng này để khám phá, thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của người phụ nữ trong tình yêu. Hai hình tượng sóng và em khi thì tách đôi, khi thì hoà nhập tạo nên sự soi chiếu, đồng điệu khiến cảm xúc như được nhân lên gấp nhiều lần. Nhịp điệu của những con sóng biển luôn vô cùng những con sóng tình yêu dào dạt...

- Có thể chia bài thơ thành ba phần:

+ Hai khổ thơ đầu: Thổ lộ khát vọng tình yêu.

+ Năm khổ thơ tiếp: Khám phá những cung bậc cảm xúc phong phú, phức tạp của tình yêu.

+ Hai khổ thơ cuối: Bày tỏ mong ước về một tình yêu bất tử.

3. Hình tượng sóng được miêu tả với nhiều đối cực: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ... Đó cũng là ẩn dụ cho trái tim tình yêu chứa đựng bao nhiêu cung bậc, trạng thái cảm xúc... Tình yêu phong phú, phức tạp, bí ẩn nên hiến dâng và đón nhận đều không phải là điều dễ dàng, đơn giản. Có lẽ vì thế mà những con sóng quả quyết từ bỏ dòng sông chật hẹp, tìm về biển lớn:

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Khát vọng "dân thân" bất chấp con đường xa thẳm tìm ra tận bể thể hiện quan niệm hiện đại, độc đáo của Xuân Quỳnh về tình yêu. Người phụ nữ trong thơ chị không cam chịu, nhẫn nhục mà mạnh mẽ, táo bạo trên hành trình đi tìm tình yêu, hạnh phúc. Câu thơ in đậm dấu ấn riêng của tâm hồn nhà thơ nhưng cũng là tiếng lòng của con người muôn thuở.

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

- Trên dòng thời gian vô tận, những con sóng vẫn luôn từ sông tìm về với biển. Và tự ngàn xưa đến mãi ngàn sau, trái tim con người không nguôi khao khát tình yêu. Khát vọng ấy được nhà thơ nâng lên thành cội nguồn của sự sống.

Em nhớ anh

4. Đối diện với không gian đại dương bao la, sâu thẳm, nhà thơ cảm nhận từ nhịp điệu của những con sóng nhiều cung bậc cảm xúc của trái tim đang yêu. Sóng khơi lên niềm mong ước tìm về với ngọn nguồn của tình yêu - tìm lời đáp cho câu hỏi - tình yêu, điều kì diệu ấy được khởi đầu từ đâu? Nhưng đó cũng là câu hỏi chưa bao giờ có được câu trả lời rõ ràng, rành mạch:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu tù đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

- Câu chuyện về ngọn nguồn của sóng hoà nhập cùng câu chuyện tình yêu một cách tự nhiên. Không thể lí giải được tận cùng nguồn gốc của những con sóng tình yêu nhưng chủ thể trữ tình vẫn cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của tình yêu. Câu thơ vang lên với chất giọng đầy nữ tính, trẻ trung, nũng nịu: Em cùng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau... Lời "thú nhận" thành thực ấy chứa đựng niềm hạnh phúc yêu và được yêu.

- Trong nhịp điệu của sóng ẩn chứa cả nỗi nhớ nhung da diết. Qua cách nói của Xuân Quỳnh, trạng thái cảm xúc quen thuộc này vẫn mang ý vị riêng. Nỗi nhớ ôm trùm cả không gian vô cùng của đại dương dưới lòng sâu... trên mặt nước, trải suốt cả thời gian vô tận: Ôi con sóng nhớ bờ - Ngày đêm không ngủ được và chiếm lĩnh trọn vẹn thế giới vô biên của tâm hồn:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

- Nỗi nhớ đã biến thành niềm khắc khoải khiến trái tim tình yêu bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc ngủ! Tâm trạng này cũng là một nét riêng của tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh. Đấy cũng là nỗi niềm muôn thuở trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu.

- Mượn hình tượng sóng, nhà thơ còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu chung thuỷ:

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

Thấp thoáng sau hình ảnh nhũng con sóng xuôi về phương bắc... ngược về phương nam là dáng dấp người phụ nữ vất vả, lận đận, gian truân mà can đảm trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc: "Núi cao bể rộng sông dài - Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu". Dẫu nếm trải bấy nhiêu "xuôi, ngược" giữa dòng đời, trái tim yêu vẫn chan chứa niềm tin vào sức mạnh của tình yêu. Xuân Quỳnh đã mượn quy luật bất biến của tự nhiên để khẳng định niềm tin mãnh liệt ấy. Bất chấp không gian mênh mông của biển cả, những con sóng cuối cùng sẽ tìm về vỗ vào bờ cát. Vượt lên tất cả những gian nan, cay đắng, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh sẽ tới được bến bờ hạnh phúc!

Tình yêu và biển cả

5. Nhạy cảm trước những đổi thay, biến động của cuộc đời, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh cũng ý thức sâu sắc về sự hữu hạn của đời người và giới hạn của tình yêu: Cuộc đời tuy dài thế - Năm tháng vẫn đi qua. Nhưng càng thấm thìa quy luật khắc nghiệt ấy bao nhiêu, nhà thơ càng khao khát hướng tới một tình yêu bất tử.

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Vẫn là những con sóng đã giúp Xuân Quỳnh tìm thấy "phép màu" để tình yêu hoá thành vĩnh cửu. Sóng vỗ bờ rồi tan vào biển lớn và trong lòng biển, sóng sẽ lại hồi sinh. Con người có thể vượt lên mọi giới hạn bằng sự dâng hiến hết mình cho tình yêu, sự hoà nhập trọn vẹn với cuộc đời rộng lớn.

6. Không phải là nhà thơ đầu tiên tìm thấy sự tương đồng giữa tình yêu và biển cả nhưng hình tượng sóng là sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. Những con sóng biển hoà quyện với những con sóng lòng dào dạt vỗ trong suốt cả bài thơ. Sóng mang tính cách, tâm hồn của một người phụ nữ từng trải nhiều lận đận trong tình yêu mà vẫn táo bạo, dũng cảm, đằm thắm, thuỷ chung với khát vọng yêu thương; thiết tha gắn bó với cuộc đời... Dòng cảm xúc trữ tình khi thì được thể hiện gián tiếp qua lời "tự bạch" của sóng, khi thì được giãi bày, thổ lộ trực tiếp qua lời tâm tình của "em" - phong phú, đa dạng, thậm chí có lúc tản mạn mà vẫn thống nhất...

7. Thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt và lối kết cấu tương xứng, trùng điệp... đã diễn tả thành công nhịp điệu của sóng - từ lúc khởi nguồn với hành trình tìm ra tận bể đến khi kết thúc với niềm vui tới đích: Con nào chẳng tới bờ - Dù muôn vời cách trở... Xuân Quỳnh đã tìm được cách nói riêng vừa hồn nhiên, chân thật, giàu nữ tính vừa mạnh mẽ, sắc sảo để thể hiện những trạng thái tình cảm phức tạp và đầy bí ẩn trong trái tim tình yêu và hành trình kiếm tìm hạnh phúc của con người.

Leave a Reply