Hiểu và nghĩ về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài, tác phẩm được giải nhất về truyện của Hội văn nghệ Việt Nam năm 1955. Đây là tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi về đề tài miền núi thời kì chống Pháp. Thông qua số phận của A Phủ và Mị, nhà văn Tô Hoài đã đem đến cho chúng ta một sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tội ác của bọn thực dân phong kiến cũng như về đời sống tăm tối khổ nhục của những người dân lao động Mèo trên núi cao vùng Tây Bắc. Từ thân phận nghèo khổ và sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người lao động ở đây tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực, sinh động quá trình thức tỉnh, con đường đến với cách mạng và trở thành lực lượng đáng tin cậy của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của người nông dân miền núi. Qua đó tác phẩm ca ngợi ý nghĩa nhân đạo đẹp đẽ của sự nghiệp giải phóng con người rà khỏi ách áp bức bóc lột.

Với Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã có những thành tựu trong quá trình sáng tạo, khắc họa nhân vật, đặc biệt là nhân vật Mị, một nhân vật trung tâm đã để lại trong tâm tưởng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.

Cuộc đời của Mị được miêu tả một cách chân thực, sinh động trong tác phẩm, đã trở thành số phận điển hình cho những người phụ nữ vùng cao. Những nỗi bất hạnh mà Mị đã phải nếm trải trong nửa đầu cuộc đời và niềm hạnh phúc có được sau khi gặp ánh sáng cách mạng có thể tìm thấy trong các tác phẩm viết về đề tài này của một số nhà văn khác như Nguyễn Tuân, Ma Văn Kháng... Tuy vậy, nhân vật Mị của Tô Hoài vẫn có dáng dấp riêng thể hiện tài năng sáng tạo của một cây bút văn xuôi từng trải, giàu cảm xúc, sắc sảo và rất mực tinh tế.

Nhân vật Mị để lại nhiều giá trị

Mị là một cô giáo Mèo có nhan sắc nhưng lại sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Nghịch lí ấy đã tạo ra sự tích Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thông lí Pá Tra.

Những tháng ngày sống làm dâu trong nhà thống lí là những tháng ngày đớn đau vô kể! "Đêm nào Mị cũng khóc". Có lúc Mị đã định ăn lá ngón để tự tử nhưng thương bố sẽ phải gánh chịu hậu quả về cái chết của mình, Mị không đành lòng, lại thôi. Mị không đành cam chịu kiếp sống ấy bởi Mị ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi. Nhiều lúc Mị tưởng mình "cũng như con trâu, con ngựa", nhưng con trâu con ngựa còn có lúc đêm nó còn được đứng nghỉ chân, nhai cỏ "còn đàn bà con gái trong nhà này thì vùi đầu vào việc cả đêm cả ngày...". Và cuộc đời của người phụ nữ đáng thương ấy tưởng như chìm ngập trong cái vòng quay vô tận của công việc đi nương, bẻ bắp, hái củi, bung ngô, xe đay, dệt vải, cõng nước, chẻ củi... không biết bao giờ mới thoát ra được. Bởi thế nên "lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi" và "Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". "Cuộc đời của Mị cũng đành để chín tuổi xuân trong cái buồng "kín mít", có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Và Mị nghĩ rằng mình đành ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi". Nhưng cuộc sống vốn theo quy luật riêng của nó. Tuổi trẻ, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi luôn là nguồn sinh lực dồi dào, là khát vọng muôn thuở của con người. Khám phá được lòng yêu đời, yêu cuộc sống ẩn sâu dưới nỗi khổ đau của Mị là sự thể hiện chiều sâu trong cách khai thác tâm lí và tình cảm nhân vật của nhà văn Tô Hoài.

Những đêm tình mùa xuân lại đến với Hồng Ngài. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại bồi hồi tha thiết...

Sau bữa cơm Tết cúng ma, sau bữa tiệc rượu bên bếp lửa, cả nhà thông lí Pá Tra, đi chơi Tết. Còn lại một mình, Mị không nguôi nhớ về thời thiếu nữ. "Ngày trước Mị thổi sáo giỏi...". Có biết bao nhiêu người mề, ngày đêm đã thổi sáo di theo Mị hết núi này sang núi khác... "Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra". Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường:

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi...

Tiếng sáo rập rờn bay như một niềm thôi thúc. Đã bao năm nay Mị không đi chơi Tết và A Sử chồng Mị cũng không bao giờ cho đi. Hôm nay, bỗng nhiên Mị muốn đi chơi và bắt đầu sửa soạn: "Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Nhưng A Sử đã về kia! Sau câu hỏi cộc lốc: "Mày muốn đi chơi à?" hắn không nói thêm một lời nào, hắn bước lại "nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Suốt đêm ấy Mị bị trói đứng như thế. Giữa cơn đau đớn về thể xác, trong bóng tối dày đặc, lúc tỉnh lúc mê Mị vẫn tràn trề tha thiết nhớ, vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. "Em không yêu quả pao rơi, rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...".

Với mối đồng cảm sâu sắc với những nỗi bất hạnh mà nhân vật phải nếm trải cũng như với niềm khát khao tình yêu mà nhân vật mơ ước, Tô Hoài đã có những trang viết giàu chất hiện thực nhưng cũng rất trữ tình, đằm thắm, thiết tha làm xúc động biết bao cõi lòng người đọc!

Trong tận cùng của nỗi đau đớn về thể xác, trong nỗi nhục nhằn của kiếp sống làm dâu gạt nợ, nhân vật Mị vần còn cả một niềm khát khao bay bổng của tâm hồn. Phải chăng chính cái phần lành mạnh, khỏe khoắn ấy của tâm hồn đã giúp Mị sống qua biết bao đêm dài tủi nhục, ê chề, cay đắng. Những đêm lạnh, buồn và không ngủ được... Cho đến cái đêm đáng nhớ, khi Mị ra ngồi hơ lửa, lúc ngọn lửa bập bùng sáng lên, cũng là lúc Mị nhìn thấu đôi mắt của A Phủ. "Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Dòng nước mắt của con người xa lạ bị trói đứng kia đã có sức truyền cảm mạnh mẽ, thức tỉnh Mị. Mị chợt nhớ lại cái đêm mình cũng bị trói đứng vào cột nhà như thế kia, cũng "nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được như thế. Và cũng như lần trước, mỗi khi ý thức sống trỗi dậy thì Mị lại nghĩ đến cái chết, nhưng lần này không phải là cái chết của Mị mà lại là cái chết oan ức, vô lí của một người khác. "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cùng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế A Phủ...". Mị không thể thản nhiên và câm lặng được nữa. Lòng trắc ẩn đã thôi thúc Mị hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ. Mị không sợ hình phạt của thông lí, không sợ phải chết thay cho A Phủ vì chết đối với Mị là một sự giải thoát. Mị vốn vặn nghĩ thế. Nhưng đến khi A Phủ chạy đi rồi thì Mị như bừng tỉnh. Mị không muốn chết nữa mà Mị muốn sống, phải sống và "Mị cũng vụt chạy ra" theo A Phủ. Giải thoát cho A Phủ, Mị cũng giải thoát luôn cho chính mình. Cả hai chạy băng băng trong đêm tối trong hơi gió thóc lạnh buốt để thoát ra khỏi nhà thông lí Pá Tra, để đi tìm sự sống bởi cả hai đều hiểu rằng "ở đây thì chết mất" (lời của Mị). Hành động giải thoát quyết liệt của Mị có nguyên nhân sâu xa mà muốn lí giải một cách thỏa đáng, chúng ta chỉ có thể lí giải là bởi phần bản chất tốt đẹp của một tâm hồn phụ nữ giàu tình cảm nhân ái, bởi sự đồng cảm sâu sắc của những người cùng chung một nỗi đau của những kiếp đời nô lệ. Hành động ấy tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Mị và A Phủ. Họ thành vợ chồng và thoát khỏi bàn tay tàn độc gớm ghiếc của gia đình thông lí. Giờ đây, sông với A Phủ ở Phiềng Sa, Mị mới thật thấy "có vợ có chồng". Tuy có lúc Mị cũng run sợ vì nghĩ tới ma nhà thống lí nhưng rồi cũng nhanh chóng quên đi. Vợ chồng cùng làm lụng, chăm chút cho cuộc sống hàng ngày và mơ tưởng tới tương lai. Giờ đây, ngồi trước cửa dệt vải, Mị không còn cúi mặt buồn rười rượi như xưa nữa mà "Mị ngẩng mặt nhìn lên theo chiếc thoi...", ánh sáng của cách mạng đã tràn đến Phiềng Sa, mảnh đất vợ chồng A Phủ đang sống đã trở thành khu du kích. Cuộc sống có tất bật hơn vì phải vừa lo làm lụng vừa phải lo chông lại sự cướp bóc của thằng Tây nhưng vẫn tràn ngập niềm vui mới. Cái Tết đầu tiên của hai vợ chồng năm ấy chứa chan hạnh phúc. Mùa xuân ấy vừa là mùa xuân của thiên nhiên vừa là mùa xuân của sự đổi đời, của tình yêu đôi lứa. Đã bao năm sống "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", đây là năm đầu tiên Mị bước ra để đón xuân, để được chơi và được hát:

Em muốn yêu anh

Anh không yêu

Em bỏ anh không được.

Và A Phủ đáp lại:

Trời hết rồi em ạ

Em không có lòng thì thôi

Em có lòng thì về.

Họ mượn lời ca, điệu hát để bày tỏ nỗi lòng sâu kín, hạnh phúc của mình. Mị quen dần với cuộc sống mới và quên đi nỗi sợ. Mị biết ơn A Châu đã mang đến cho vợ chồng Mị một niềm tin và sức mạnh mới...

Vợ chồng A Phủ

Từ một người phụ nữ nô lệ, bất hạnh Mị đã trở thành một con người có bản lĩnh và tự tin vào bản thân mình, có ý thức rõ rệt về giai cấp, về kẻ thù. Quá trình phát triển tính cách của nhân vật Mị từ một cô gái yếu đuối trước bạo lực trở thành một du kích, hăm hở bàn chuyện đánh Tây, cứu người già, trẻ con, cứu bản làng là cả một sự vận động và phát triển của những quy luật tâm lí và hành động riêng phù hợp với những biến chuyển của lịch sử trong thời điểm cụ thể ấy. Nếu như trước kia, trong văn học đã từng có một Tám Bính tàn tạ trong kiếp giang hồ, một chị Dậu tiềm tàng sức mạnh phản kháng nhưng vẫn không tránh khỏi được cái tiền đồ tối đen như mực thì giờ đây, nhân vật Mị của Tô Hoài từ trong tôi tâm khổ đau đã vươn tới hào quang hạnh phúc. Đó là một nhân vật tiềm tàng sức sống mãnh liệt được mô tả một cách chân thật, sinh động trong quá trình phát triển theo chiều hướng đi lên, chiều hướng vươn tới tương lai của hiện thực đời sống.

Nhân vật Mị đã thu hút người đọc bằng chính cái sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt ấy. Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng nhân vật này. Một cô Mị xinh đẹp, tài hoa, yêu đời, hiếu thảo, ham sống mà phải luôn luôn nghĩ đến cái chết vì đã không được sống cho ra sống. Một cô Mị câm lặng, khép kín mà luôn luôn bùng nổ những hành động chống đối mạnh mẽ. Mâu thuẫn nhưng lại thống nhất, tự nhiên, hợp lí. Người đọc có được cảm giác ấy là nhờ cách kể chuyện sinh động, kết cấu hình tượng chặt chẽ, phát triển tâm lí, tính cách hợp lí và nhất là nhờ những chi tiết nghệ thuật có sức gợi tả, biểu cảm cao: một lỗ cửa sổ vuông bằng bàn tay "mờ mờ, trăng trắng" soi rọi cuộc đời tối tăm của cô con dâu gạt nợ nhà thông lí; một tiếng sáo gọi bạn tình đêm xuân lửng lơ, bồi hồi, tha thiết như giục giã, như gọi mời; những vòng dây trói tàn nhẫn, những dòng nước mắt khổ đau, tuyệt vọng...

Đọc Vợ chồng A Phủ, ta nhớ, ta yêu một cô Mị ở Hồng Ngài càng bị đọa đày, đau khổ càng khao khát vươn lên một cuộc sông tốt lành, một cô Mị tiềm tàng sức sống mãnh liệt để có thể hiểu hơn, yêu hơn một cô Mị du kích ở Phiềng Sa có bản lĩnh, tự tin và yêu đời.

Tóm lại, với kết cấu nghệ thuật chặt chẽ, hợp logic đời sông trong việc xây dựng nhân vật, nhất là nhân vật Mị, Tô Hoài đã làm người đọc xúc động thật sự khi đi vào thế giới của người dân miền núi, đồng thời qua tác phẩm, Tô Hoài cũng làm tỏa lên ánh sáng nhân bản giúp ta thấy được nét đẹp trong tâm hồn cũng như hoàn cảnh sống đáng thương của nhân dân Tây Bắc.

Leave a Reply