Hiểu và nghĩ về tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Trên văn đàn Việt Nam, giữa hàng trăm tác phẩm viết về nông thôn, Vợ nhặt của Kim Lân nổi lên như một hiện tượng độc đáo. Là một cây bút truyện ngắn "một lòng đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn" (Nguyên Hồng - Bước đường viết văn - NXB Văn học 1971), "Ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng" (Trần Hữu Tá - Văn học 12, tập I). Vợ nhặt viết về cuộc sống ngột ngạt, bức bối của nhân dân ta năm 1945, với nạn đói khủng khiếp đã làm chết hơn hai triệu người - hậu quả đường lối đô hộ của thực dân Pháp mấy mươi năm và chính sách tàn bạo "thu thóc, nhổ lúa trồng đay" của phát xít Nhật khi nhảy vào Đông Dương trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. "Vợ nhặt" được viết lại từ "Xóm ngụ cư", cuốn tiểu thuyết viết dở dang sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1946) và bị mất bản thảo trong kháng chiến. Đến khi hòa bình lập lại, nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, Kim Lân dựa vào những gì còn nhớ được ở Xóm ngụ cư viết lại thành truyện ngắn "có màu sắc Cách mạng tháng Tám". Ngòi bút Kim Lân chứa chan thương cảm trước những số phận cùng khổ. Ông dành nhiều trang viết để thể hiện vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu trong cái bề ngoài xác xơ vì đói khát của những người cùng khổ. Trong cuộc sốngng túng đói quay quắt đó vẫn nhen nhóm niềm tin ở cuộc sống, vẫn ánh lên những tia hi vọng vào một sự đổi đời, một tương lai tốt đẹp.

Cốt truyện Vợ nhặt thật đơn giản. Tràng, một phu xe bò độc thân, nghèo khổ, thuộc dân ngụ cư, chỉ với mấy câu đùa mà "nhặt" được vợ - một cô gái đang dở sống dở chết vì đói. Đêm "tân hôn" của họ âm thầm trong bóng tối lạnh lẽo, điểm những tiếng hờ khóc tỉ tê của những nhà có người chế đói theo gió vẳng lại. Bữa "cơm cưới" chỉ "có độc một lùm rau chuối thái rối và một dĩa muối ăn với cháo". Bà mẹ đãi nàng dâu mới và con trai món chè nấu bằng cám. Bữa ăn diễn ra trong những hồi trống thúc thuế dồn dập. Câu chuyện của ba me con xoay quanh chuyện Việt Minh kêu gọi, tổ chức dân chúng không chịu đóng thuế, phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Câu chuyện làm trong óc Tràng "vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm". Và khi mẹ và vợ hắn buông đũa đứng dậy, thì "trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...".

Cốt truyện tuy đơn giản như thế nhưng lại chứa một nội dung tư tưởng rất sâu sắc, rất hiện thực và rất nhân bản. Trước hết, qua "Vợ nhặt", nhà văn đã phản ánh sinh động tình cảnh khốn khổ của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 và tình cảm hướng về Cách mạng của họ.

Tác phẩm Vợ nhặt

Ngay từ những trang đầu tiên của truyện đã hiện lên một bức tranh ảm đạm với màu sắc xám xịt, với những hình ảnh thê lương. Trước đây không lâu, mỗi chiều Tràng đi làm về, đám trẻ con bu lại "đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi... Cái xóm ngụ cư tồi tàn ấy mỗi chiều lại xôn xao lèn được một lúc". Nhưng bây giờ thì niềm vui nho nhỏ ấy không còn nữa. "Trẻ con không đứa nào buồn ra đón Tràng nữa, chúng nó ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích". Còn Tràng thì "đi từng bước mệt mỏi... Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn". Cái đói đã tràn về xóm này tự lúc nào làm cho người ta "xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ". Và "người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối và mùi gây của xác người". Bức tranh ảm đạm, ngập tràn tử khí. "Xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút... Hai bên dãy phố úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa". Sự sống chỉ còn thoi thóp. Người sống mà như "bóng ma". Lại thêm "tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết". Rồi "mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt". Rồi lại "tiếng ai khóc hờ ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ"... Tất cả đang lụi tàn, đi vào cõi chết. Giọng văn tỉnh táo nhưng đầy dồn nén gây nên xúc cảm mạnh. Và "giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, Tràng "nhặt" được vợ. Mà nhặt được vợ bằng mây câu nói đùa cho đỡ nhọc và bằng việc đãi người phụ nữ ấy ăn "bốn bát bánh đúc" (bốn bát bánh đúc thay cho lễ cheo, cưới). Quả là "chuyện tầm phơ tầm phào dâu có hai ba bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng". Rồi đến việc người mẹ chồng đãi nàng dâu ngày cưới bằng một nồi chè cám ăn vào "đắng chát và nghẹn bứ trong cổ". Ôi lấy vợ lấy chồng, cưới xin, tiệc tùng chúc tụng... Đêm tân hôn, động phòng hoa chúc. Việc lớn một đời, hạnh phúc trăm năm ấy thế mà ở đây, chút hạnh phúc nhỏ nhoi của hai người lại bị bủa vây bởi cái đói và cái chết: ban chiều là "bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma", là tiếng quạ gào lên từng hồi; ban đêm là tiếng hờ khóc người chết tỉ tê. Quả nhà văn đã tạo được một tình huống truyện thật éo le mà cũng rất thú vị vì nó mang tính chất vừa bi vừa hài. Và rồi hiện thực cuộc sông ấy vẫn tiếp tục bày ra trước mắt dữ dội, đầy đe dọa, đầy chết chóc: "Ngoài đỉnh hồng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, hợp thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen...". Trong suốt truyện, tác giả không một lần trực tiếp nhắc đến thực dân Pháp, phát xít Nhật cũng như bè lũ phong kiến tay sai nhưng tội ác của chúng văn cứ hiển hiện, phơi bày trên từng trang viết và được gói gọn chỉ trong một câu nói của bà cụ Tứ: "Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đông thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này chắc gì dã sống qua được đâu các con ạ...". Bế tắc, bi thảm vô cùng. Tưởng như truyện sẽ phát triển theo chiều hướng bế tắc, bi thảm ấy. Nhưng không, Kim Lân đã không kết thúc truyện như những nhà vàn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945. Ông kết thúc bằng chi tiết "Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi" khi nghe vợ nói về chuyện phá kho thóc trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang. Và "tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu...". Và "trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...". Rõ ràng bước đầu anh đã hiểu ra, bước đầu anh thấy phải làm như thế và làm như thế là đúng. Hình ảnh "lá cờ đỏ bay phấp phới" đem đến cho Tràng bao hi vọng về sự đổi đời! Với cách kết thúc truyện như thế, Kim Lân đã vụt thoát ra khỏi dòng văn học hiện thực phê phán để đứng vào hàng ngũ dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Ở Vợ nhặt, ngoài giá trị hiện thực sắc sảo, còn thể hiện một giá trị nhân văn sâu sắc và cảm động thông qua việc phát hiện, miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động nghèo: Dù "trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui, mà hi vọng". (Kim Lân - Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (1945 - 1954), Hồi ức - kỉ niệm - NXB Tác phẩm mới, 1985).

Việc Tràng có được vợ khiến bà cụ Tứ, mẹ Tràng lo âu. Bà tự hỏi liệu "chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không". Bà "xót thương cho số kiếp đứa con mình". Và "trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rĩ xuống hai dòng nước mắt". Bà tủi thân, tủi phận mình. Thương con đẻ, bà thương cả con dâu. Bà hiểu rõ nguyên cớ vì sao "người ta" theo về với con mình. "Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu" mới: "ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...". Rồi bà động viên: "Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ ai khó ba đời?...". Rồi bà dịu dàng mời nàng dâu: "Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân". Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót... Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật: "Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng". Cảm động biết bao trước tấm lòng dầy nhân hậu của người mẹ! Nhà văn như hóa thân vào nhân vật để viết lên những dòng tâm trạng, nghĩ suy đầy xúc động. Một cây bút khắc họa tâm lí nhân vật bậc thầy! Bằng cái nhìn nhân đạo, nhà vãn đã phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo. Rõ ràng dù trong hoàn cảnh nào họ cũng hướng tới cuộc sống gia đình, vẫn cưu mang, đùm bọc nhau; vẫn hướng tới tương lai. Và không chỉ với bà cụ Tứ. Đối với người Vợ nhặt cũng thế. Nhà vãn cũng khắc họa chị với cái nhìn nhân đạo và với ngòi bút tài tình như thế. Kim Lân cho chị xuất hiện với tất cả sự đường đột: không tên, không tuổi, không gốc tích, quê quán, không nghề nghiệp và ngay cả diện mạo cũng khó hình dung: "Trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Nhân vật xuất hiện trong các vẻ rách nát thậm tệ: "quần áo tả tơi như tổ đĩa"; trong cái đói đang truy sát sự sống. Nói chung nhân vật là hiện thân của những "cái không". Chị là một thứ rơm rác vất bên lề buổi đói, phải chịu phận theo không người ta, chịu để người ta "nhặt" mình về. Kim Lân đi từ những "cái không" đó để đẩy chị đến "cái không" sau cùng đầy tủi hổ, đầy đau xót: "Không sĩ diện, không tự trọng, không nhân cách". Một người đàn ông mới quen có một lần, lần sau gặp lại là đã gợi ý để người ta cho ăn và "ăn liền một chập bốn bát bánh đúc", cắm đầu cắm cổ mà ăn. Quên cả giữ kẽ, quên cả thẹn thùng. Kim Lân đã để cho nhân vật bị cái đói hạ gục, cho đo ván. Trong cuộc chiến đấu với cái đói, do bản năng sinh tồn, con người bị tước đoạt tất cả đến độ mất cả ý thức nữ tính của mình, mất cả phẩm giá con người của mình. Và rồi theo không người ta, không cần đắn đo suy nghĩ. Mặc kệ. Theo anh để được ăn, được sống cái đã! Khỏi đói, khỏi chết lúc này là quan trọng nhất, mọi cái khác là thứ yếu. Chao ôi, cái đói ghê gớm biết chừng nào! Nhưng tận cùng của những cái không ấy, với cái nhìn đầy nhân đạo của mình, Kim Lân vẫn còn thấy những điểm sáng của lòng tự trọng, của phẩm giá ở con người này. Nhà văn bùi ngùi theo bước chân của nhân vật trên "con đường sâu thăm thẳm, luồn giữa hai bờ tre cao vút" về nhà Tràng. Mặc cho Tràng "tủm tỉm cười nụ" đi trước, chị ta "đi sau hắn chừng ba bốn bước... đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt,... rón rén, e thẹn". Tội nghiệp biết bao nhưng cũng đáng trân trọng biết bao cái dáng đi lầm lũi, e thẹn ấy! Biết thẹn, biết che giấu mặt đi, phải chăng đó là biểu hiện của sĩ diện, lòng tự trọng? Sĩ diện, lòng tự trọng, chút nhân cách còn sót lại trong người phụ nữ ấy còn được thể hiện ở cái dáng ngồi mớm xuống mép giường chênh vênh, tạm bợ như thân phận người "vợ nhặt"; ở cái cách "cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Chút sĩ diện, chút nhân cách mà người đàn bà này cố công gìn giữ được trong tình cảnh bị cái đói trấn lột tất cả mới đáng quý, đáng trân trọng làm sao!

Vợ nhặt

Với trái tim nhân đạo, Kim Lân đã có được cái nhìn trân trọng, thương mến đến xúc động lòng người. Và cũng từ cái nhìn ấy mà ông đã cho người phụ nữ này quét tước, dọn dẹp lại ngôi nhà, chăm chút lại mảnh vườn đã từ lâu như bỏ phế. Rõ ràng người phụ nữ "chao chát chỏng lỏn" của ngày hôm trước lúc Tràng gặp ở ngoài tỉnh giờ đây đã trở thành một "người đàn bà hiền hậu đúng mực", một người vợ đảm đang, một người con dâu hiền thảo, ngăn nắp, quán xuyến việc gia đình. Và người phụ nữ này đã đem lại sinh khí cho ngôi nhà, đã làm cho "bà mẹ Tràng củng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Mà không chỉ có bà lão, Tràng còn xúc động nhiều hơn. "Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy từng búi cỏ mọc nham nhởn. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thìa cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Cái nhà như cải tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này...". Hôm qua, trên đường Tràng đưa vợ về nhà, nhà văn cũng đã cho người đọc thấy rõ tâm trạng đầy xúc động của anh: "Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghề gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tỉnh nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ, lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng". Thật là tuyệt! Ngòi bút của tác giả cứ nhẹ nhàng như không mà luồn lách đến tận nơi sâu thẳm của tâm hồn con người, bắt chúng ta phải cười, phải khóc, phải sống cùng với những nhân vật.

Thành công quan trọng này có thể được giải thích bằng sự hiếu biết sâu sắc của nhà văn đôi với nông dân. Nhưng điều cơ bản đáng nói hơn có lẽ là tấm lòng tác giả, một cây bút "một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn" (Nguyên Hồng). Tuy nhiên, những tư tưởng đúng đắn và tốt đẹp trên nếu không được thể hiện bằng một hình thức biểu đạt sắc sảo, độc đáo thì "Vợ nhặt" sẽ không tồn tại bền lâu trong tâm tưởng nhiều thế hệ bạn đọc. Đó là nghệ thuật tạo tình huống hấp dẫn, thú vị, nghệ thuật xây dựng, khắc họa tâm lí nhân vật: là giọng văn khi lạnh lùng, hóm hỉnh, khi đầy xót xa, thương cảm; đó là lời văn mộc mạc, giản dị, nhiều khi rất gần với khẩu ngữ, giàu sức biểu cảm và giàu giá trị tạo hình...

Tóm lại, "Vợ nhặt" quả là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của nhà văn Kim Lân. Ông có cách dựng truyện tự nhiên, đơn giản nhưng rất chặt chẽ. Trong truyện, người và cảnh đan cài vào nhau, tương phản nhau: cái sông tương phản với cái chết, cái xấu xí thô kệch bên ngoài tương phản với cái cao đẹp, nhân hậu bên trong... Nhưng tất cả đều nhằm làm nổi bật chủ đề của truyện.

Qua "Vợ nhặt", Kim Lân thể hiện sâu sắc lòng thương cảm, trân trọng đối với những người nghèo khổ mà giàu lòng nhân ái. Đồng thời ông muốn khẳng định rằng cái đói khát, cái cơ cực không làm lu mờ bản tính tốt đẹp của con người, hiện thực tăm tối không giết chết nổi niềm tin vào cuộc sống của những lao động nghèo khổ. Truyện gây được ấn tượng mạnh đối với người đọc bởi chất nhân văn cao đẹp, bởi ngôn ngữ mộc mạc, sinh động, bởi cách tạo dựng tình huống độc đáo, bởi nghệ thuật xây dựng nhận vật khắc họa tâm lí sắc sảo, thấu tình đạt lí.

Nhìn chung lại, với một nội dung tư tưởng sâu sắc, giàu chất nhân văn, với một nghệ thuật đặc sắc, truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân xứng đáng được xếp vào hàng những truyện ngắn hay nhất viết về đề tài nông thôn. Và cùng với một số truyện ngắn khác trước Cách mạng tháng Tám và trong thời kì kháng chiến chống Pháp, "Vợ nhặt" đã góp phần khẳng định vị trí xứng đáng của nhà văn Kim Lân trên vãn đàn Việt Nam hiện đại.

Leave a Reply