Hình tượng nhân vật Lor-ca lúc còn sống nổi bật lên qua phác thảo chân dung theo lối kí họa rất độc đáo và đặc sắc của nhà thơ Thanh Thảo như thế nào?

- Hình tượng nhân vật tự sự Lor-ca khi còn sông nổi bật lên bằng một phác thảo chân dung theo lối kí hoạ tài tình. Thần thái của đối tượng hiện lên khá rõ. Nếu tiếng đàn là đặc trưng cho lẽ sông nghệ thuật thì máu đỏ gắt của chiếc áo choàng là sự trước bạ vào một mảnh đất không ai không biết: mảnh đất Tây Ban Nha. Hai đặc điểm ngoại hình pha trộn vào nhau mà thật là xung khắc. Tiếng đàn thì dịu dàng, mong manh, dễ vỡ (tiếng đàn bọt nước) còn sắc màu của chiếc áo lại như một ngọn lửa dữ dằn. Ý thơ này có thể có hai cách hiểu. Một là: "Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt" thể hiện sự bức bối, ngột ngạt của một không khí chính trị đương thời. Lor-ca sống là phải gồng mình lên mà chịu đựng một áp lực nặng nề đến không còn có khả năng chịu đựng. Hai là: màu áo choàng đỏ gắt là tượng trưng cho một khát vọng nghệ thuật lớn lao. Nó cũng tượng trưng cho một ý chí như ý chí của người võ sĩ đấu bò tót. Nó như một sự thách thức giữa đấu trường với tinh thần thượng võ. Nhờ vào câu thơ được viết theo phong cách của chủ nghĩa tượng trưng nghĩa là một thứ kí hiệu với những lớp nghĩa đa tầng, nó gợi được rất nhiều liên tưởng.

Lor-ca lúc còn sống

- Hình tượng người nghệ sĩ ấy hiện lên ở thế động chứ không ở thế tĩnh như những chân đung theo lối kí hoạ thông thường. Một con người đang đi. Nhưng đi về nơi nào và đâu là cái đích cuối cùng của chuyên đi ấy? Ba câu thơ sau đây là một cách trả lời:

Đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn.

Trả lời mà như thế thì có cũng như không. Bởi "miền đơn độc" là miền nào? Cái mà người đọc đợi chờ là một địa danh, một xứ sở, nhưng hồi âm lại quá mông lung. Ấy là chưa nói: thay thế cho một vùng đất lại là một vùng tâm trạng của con người. Hành trình ấy vậy phải chăng là đi tìm cái tôi mà chính người đi tìm còn chưa được biết. Vì đi tìm cái mơ hồ nên thái độ của kẻ đi vừa sốt sắng vừa như là hờ hững. "Đi lang thang" là gặp chăng hay chớ, là vạ vật vệ đường, mỏi chân thì cứ tuỳ nghi ngơi nghỉ. "Đi" như thế như một cuộc rong chơi. Trong lúc hành trang của chuyến đi thì một người một ngựa, không một kẻ đồng hành. Cái đơn độc càng thêm đơn độc. Và ngày tháng cứ qua đi "trên yên ngựa mỏi mòn". May mà có tiếng đàn bầu bạn, may mà còn có vầng trăng, một vầng trăng của kẻ nửa say nửa tỉnh. Tỉnh mới nhận ra ánh sáng của một thực thể thiên nhiên. Nhưng vì say mới nhìn thấy nó đang "chếnh choáng". Đây là cái say - tỉnh của một tao nhân. Đồng hành với vầng trăng cũng là một ý thơ đa nghĩa. Có thể có một nghĩa nói về sự bất tận, vĩnh hằng. Vì vầng trăng thì không bao giờ mất (vĩnh hằng) nhưng nó lại quá xa xôi (bất tận). Nhưng vầng trăng còn là biểu tượng cho cái đẹp nữa. Người đi đường có được vầng trăng là có được một hạnh phúc viên mãn, vô biên. Người ấy phải là một thi sĩ. Đến đây thì ta hiểu ra: cái đích cuối cùng mà khách lữ hành tìm đến là chân lí nghệ thuật. Và cuộc hành trình ấy thật nhọc nhằn, phiêu diêu, cô độc biết bao. Và nếu thế thì đây chính là một phác họa chân dung về Lor-ca đúng nhất. Đúng nhất với hoài bão lớn, với một nghị lực phi thường. Con đường mà nhân vật đang đi là con đường của lẽ sống. Cái đẹp và sự cách tân là lẽ sống.

- Ở đoạn thơ đầu còn hai yếu tố nghệ thuật quan trọng nữa. Thứ nhất, đại từ nhân xưng ở đây không xác định. Nói đúng hơn là nó xác định một cách khá mơ hồ. "Tây Ban Nha" là cách nói ám chỉ. Nó thay thế cho nhân vật định nói, ấy là Lor-ca. Cách diễn đạt mập mờ này là có dụng ý. Rất có khả năng là mọi tinh hoa của dân tộc Tây Ban Nha kết tinh lại ở một con người. Con người âỳ là tiêu biểu cho đất nước Tây Ban Nha. Cũng có thể đất nước tươi đẹp Tây Ban Nha giống như tiếng đàn bọt nước đang tan ra chỉ còn lại một mảnh hình hài. Một lần nữa, chủ nghĩa tượng trưng đã dành cho câu thơ một kí hiệu. Kí hiệu ấy vừa thể hiện một con người (Lor-ca) vừa tượng trưng cho tất cả. Thứ hai, mạch thơ tự sự ở đoạn một được ngắt ra một cách bất ngờ. Câu thơ chỉ là một dải hợp âm hầu như vô nghĩa: li-la li-la li-la. Cái cách xen âm nhạc vào thơ như dàn đồng ca trong giáo đường cất lên giữa tiếng rì rầm cầu nguyện không có gì mới với phong cách biểu diễn của sân khấu thời cổ Hi - La. Nhưng trong vãn cảnh này, dòng nhạc trẻ trung và vô tư như một điềm báo. Phải chăng nó tiên đoán một định mệnh nghiệt ngã mà số phận con người không bao giờ tránh được. Đó là một con đập dựng lên ngắt đôi dòng chảy xuôi chiều, chia cuộc hành trình của nhân vật ra làm hai khúc.

Leave a Reply