Hoàn cảnh ra đời, đối tượng và mục đích thuyết phục, ý nghĩa, giá trị bao trùm của tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít một trào lưu đấu tranh đòi độc lập dâng cao, sôi nổi trên thế giới, trước hết là hệ thông các nước bị thực dân, phát xít chiếm đóng ở châu Á, châu Phi...

- Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhân dân ta vùng lên chiến đấu chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và phong kiến tay sai: Chỉ trong tháng 8 năm 1945, từ Bắc vào Nam, chính quyền cách mạng được thành lập trong niềm phấn khởi vô bờ của nhân dân. Một trang sử mới đã mở ra, một cuộc đời mới đang bắt đầu.

- Cuối tháng 8-1945 từ chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đọc bản Tuyên ngôn này.

Tuyên ngôn độc lập

2. Đối tượng và mục đích thuyết phục của tác phẩm

- Đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập vừa tổng kết chặng đường hơn 80 năm đấu tranh gian khổ đẫm máu và nước mắt chống thực dân Pháp xâm lược và mấy năm chông phát xít Nhật, vừa khẳng định thắng lợi, khai sinh nước Việt Nam mới, biểu dương, khích lệ nhân dân toàn quốc tiếp tục đấu tranh giữ vững nền độc lập cho nước, nền dân chủ cho mọi người.

- Đối với những lực lượng thù địch quốc tế, Tuyên ngôn Độc lập công bố rõ ràng quan điểm, thái độ của Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam về quyền và lực của mình. Lúc này, nhà cầm quyền Pháp đưa ra một quan điểm rằng: Đông Dương - Việt Nam là thuộc địa của Pháp, nay Nhật đã đầu hàng, xin rút lui, vậy Đông Dương - Việt Nam đương nhiên phải trả lại cho Pháp, thuộc quyền "bảo hộ" của người Pháp. Bằng cơ sở pháp lí - lẽ phải ở đời - và bằng thực tế thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập dứt khoát bác bỏ luận điệu mang tính thực dân này của lực lượng phản động trong chính phủ Pháp và một số kẻ thù địch với Việt Nam.

- Đối với phe Đồng minh (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp) và những lực lượng yêu chuộng hoà bình, trọng công lí, Tuyên ngôn Độc lập tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của họ để họ công nhận quyền độc lập, tự do của nước ta, nhân dân Việt Nam ta.

Thực dân Pháp xâm lược

3. Ý nghĩa, giá trị bao trùm của tác phẩm

- Tuyên ngôn Độc lập có giá trị lịch sử to lớn vừa tuyên bố xoá bỏ chế độ thực dân gần 100 nãm, vừa khẳng định quyền độc lập, tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên thế giới.

- Tuyên ngôn Độc lập có giá trị văn chương đặc sắc thể hiện trí tuệ, tâm hồn và tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác giả áng văn. Tác phẩm thấm đẫm cảm hứng trữ tình và nghệ thuật chính luận tiêu biểu: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng tiêu biểu, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc.

- Vừa kế thừa vừa sáng tạo những áng văn chính luận nổi tiếng của cha ông xưa như Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh được nhiều người đánh giá là áng "thiên cổ hùng văn" của Việt Nam ở thế kỉ XX, là một dấu son lịch sử, mở ra kỉ nguyên mới trên đất nước ta thời hiện đại.

Leave a Reply