Khuê oán sức sống vĩnh cửu của nghệ thuật thơ ca đích thực

KHUÊ OÁN

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu

Dịch nghĩa:

Người đàn bà trẻ nơi phòng khuê (ngây thơ) không biết buồn

Ngày xuân trang điểm xong, bước lên lầu đẹp

Chợt thấy sắc (xuân) của cây dương liễu đầu đường

Hối hận đã để chồng đi (tòng quân) kiếm ấn phong hầu.

(Thơ Đường, tập II, NXB Văn học, 1987)

Bài Khuê oán (nỗi oán của người phòng khuê) của Vương Xương Linh, tôi đã được từ thời cấp III (cũ). Một người bạn trong lớp đã đọc cho cả lớp nghe lời dịch thơ như thế này, không biết của ai:

Thiếu phụ phòng khuê chửa biết sầu

Ngày xuân trang điểm, dạo lên lầu

Đầu đường chợt thấy xanh tơ liễu

Hối để chồng đi kiếm tước hầu

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Chúng tôi thuộc lời dịch ấy từ đó, về sau mới biết có bản dịch khác của Tản Đà như sau:

Trẻ trung nàng biết chi sầu

Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương

Nhác trông vẻ liễu bên đường

“Phong hầu” nghĩ dại, xui chàng kiếm chi

Vương Xương Linh tự Thiếu Bá, người Tràng An, Thíểm Tây, sinh năm 698, đỗ Tiến sĩ đời Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ 15, làm quan bị giáng chức nhiều lần, đến năm 757 bị giết hại, để lại hơn 180 bài thơ, nọi dung chính thể hiện nỗi sầu li biệt của kẻ ngoài biên ải và cuộc sống của người phụ nữ xưa đặc biệt là người chinh phụ, người cung nữ. Thơ ông giỏi khắc họa tư tưởng, tình cảm của nhân vật, đi sâu vào thế giới nội tâm của con người.

Khuê oán là bài thơ nổi tiếng nhất của ông, có thể sánh ngang với những bài nổi tiếng khác cùng đề tài hoặc gần gũi về tứ, về hình tượng của các bài thơ Đường khác như Xuân tứ của Lý Bạch, Xuân tứ của Giả Chí, Xuân oán của Kim Xương Tự...

Bài thơ diễn tả nỗi đau khổ bởi cô đơn, thương nhớ của người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến nơi xa. Nỗi đau khổ đó hàm ý oán trách chiến tranh của người phụ nữ nên gọi là Khuê oán. Song, cái độc đáo của bài thơ là nỗi oán đó được trình bày như một sự “đốn ngộ” của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp và sắc xuân của cảnh vật. Tác giả đối lập sự ngây thơ của người thiếu phụ ở đầu bài thơ với nỗi buồn thương ở cuối bài để diễn tả nỗi đau chợt nhói lên trong lòng nàng, rồi từ đó chắc chắn sẽ trở thành nỗi buồn khổ triền miên. Chiến tranh là một hiện tượng trái ngược với bình thường của sự sống cũng như xa cách là sự trái ngược với bình thường của tình yêu nhưng vì sao người vợ trẻ lúc đầu lại dễ dàng để chàng đi như vậy? Vì nàng còn quá trẻ, chưa trải qua nỗi đau của xa cách trong tình yêu và vì nàng cũng như nhiều phụ nữ khác trong tầng lớp trên cũng mong chồng tiến thân, cũng mong được công danh, phú quý. Sự hối hận của nàng đã nhấn thêm nỗi đau chia biệt, nỗi đau đã được ý thức.

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu

Trong kết cấu khai, thừa, chuyển, hợp của thơ tứ tuyệt Đường luật đã được tác giả khai thác và vận dụng tuyệt vời. Câu 1, ngoài tác dụng đối lập - đòn bẩy như đã nói trên, đã nhấn mạnh vào sự trẻ trung, ngây thơ của người thiếu phụ để càng làm ta xúc động hơn trước hoàn cảnh xa chồng của nàng. Câu 2 nối tiếp ý đó của câu thứ nhất, vừa thể hiện lòng yêu đời của thiếu phụ, vừa chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu 3, câu chuyển, câu quan trọng nhất của bài như một chiếc bản lề nghệ thuật làm đà cho sự xuất hiện của sắc xanh dương liễu, màu xanh của sự sống, của khát vọng sống, màu xanh của “cỏ Yên, dấu Tần” trong Xuân tứ của Lý Bạch, màu xanh của “cỏ non” trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, màu xanh của chính cành dương liễu từng là ẩn dụ về người vợ trẻ trong thư của Hàn Thủ (Liễu Chương đài, liễu Chương đài, ngày nọ xanh xanh nay còn không?). Hình ảnh “Xanh dương liễu” ở đây chính là chiếc chìa khóa của bài thơ vì từ đó dẫn đến sự liên tưởng, sự chạnh lòng, sự buồn tủi của nhân vật trữ tình, dẫn đến nỗi hối hận, nỗi sầu oán của nàng. Tác giả không nói gì thêm về màu xanh đó, về liên tưởng đó, mà câu thơ, hình tượng thơ tự nói, đó chính là nghệ thuật hàm súc, ý tại ngôn ngoại của thơ ca đích thực nói chung đặc biệt là thơ Đường nói riêng.

Cũng như vậy, sự hối hận của người thiếu phụ vừa khép lại cấu trúc ngôn ngữ có tính hô ứng của thơ, vừa mở ra tâm trạng sầu khổ của người thiếu phụ mà ta biết từ đây sẽ không có gì giải tỏa được, đồng thời cũng hé lộ thái độ oán ghét đối với chiến tranh phong kiến, đối với những kẻ gây ra chiến tranh, cũng là lời cảnh báo đối với những người tham gia cuộc chiến tranh ấy, tự giác hay không tự giác.

Bài thơ không những còn mãi trong trí nhớ người đọc mà còn gợi ý sáng tạo cho nhiều bài thơ, nhiều ý thơ, khi trực tiếp như: “Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu / Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”, khi gián tiếp như: “Liễu dương biết thiếp đoạn tràng này chăng?’ hoặc gián tiếp hơn nữa như: “Liễu sen là thức cỏ cây...”

Điều đó càng khẳng định sức sống vĩnh cửu của bài thơ. Sức sống ấy chính là giá trị nhân văn đã kết tinh trong cấu trúc nghệ thuật độc đáo và hoàn mĩ của thơ.

Leave a Reply