Nêu những suy nghĩ, cảm xúc về thầy cô, bè bạn, mái trường, tình thầy trò,...

Kỷ niệm tựa như 1 cơn mùa hạ, tự dưng ào đến vào những lúc ta không ngờ nhất và làm ta ướt đẫm bằng những hoài niệm…

Sáng nay, đạp xe trên đường Lò Đúc chợt nghe tiếng trống trường, bánh xe tự dưng chậm lại…tiếng hát quốc ca nghe sao quen mà…lạ thế? Thu đã sang, tháng 9 đã chung chiêng nghiêng nắng khắp đất trời tự lúc nào mà ta ko hay. Chiếc lá vàng chênh chao…hồn ta như đang trôi về mùa thu của năm nào. Cả trường rợp cờ hoa, từng chùm bóng bay cứ hớn hở chỉ chực bay lên cùng gió, có cô bé áo trắng tinh khôi đang nín thở lắng nghe từng hồi trống chậm…vang…của thầy hiệu trưởng để rồi sau đó òa ra trong niềm hân hoan: 1 năm học mới đã bắt đầu rồi, ta sẽ lại học văn, ta sẽ lại cùng bạn giải toán…bao nhiêu hân hoan chờ đón ta phía trước…Tiếng còi xe vang lên inh ỏi, giật mình, ra chỉ là hoài niệm, phải rồi, ta không còn là cô học trò của mùa thu ấy nữa. Mùa tựu trường đến, nhưng ta chỉ là người khách qua đường với nỗi nhớ nghẹn lòng…mà thôi…

Nêu những suy nghĩ, cảm xúc về thầy cô, bè bạn, mái trường

Người ta vẫn nói thu Hà Nội đẹp lắm, không cần ai ngợi khen tự nó đã là thơ, hôm nay ta đã được sống trong không gian ấy, không gian mà một thưở đọc thơ Nguyễn Đình Thi ta mơ mãi, nhưng thật lạ là giờ đây ta lại thấy sắc nấng hanh vàng trên tán xà cừ, cái tĩnh lặng trong veo của sân trường buổi sang sớm- mùa thu của tuổi học trò mới là điều ngọt ngào, khó quên nhất. Cuối tuần, tôi về thăm lại trường, một thói quen mỗi dịp về quê. Mặc lại chiếc áo đồng phục để thấy mình như bé lại. Bước đi trong sân trường, mọi thứ không đổi thay nhiều. Văn phòng giám hiệu vẫn đứng đó, uy nghi. Vẫn dãy nhà 2 tầng, nghe đâu đây tiếng cười trong trẻo, rộn ràng của bè bạn. Tôi đi dọc hành lang, nghe tiếng bước chân hối hả những ngày cặm cụi lấy sổ đầu bài mỗi sáng sớm. Theo thói quen, vừa đi tôi vừa thả hồn mình vào khoảng sân rợp bóng, trời thu, hình như sương giăng giăng, mọi thứ huyền ảo quả, hay ta đang mơ….? Phải rồi, một giấc mơ trở thành sinh viên mà thôi chứ thực ra ta vẫn là cô học trò lớp 12 đang vô tư với những tháng ngày nô đùa cùng bạn bè, say lòng cùng những bài giảng văn của cô, trăn trở suy tư trước bài toán của thầy…và cả những chông chênh, e ấp tuổi mười tám với “…bài thơ còn hoài trong vở/ giờ ra chơi mang đến lại mang về..”

Bước ra hành lang vắng vẻ, buột miệng gọi tên một người, không có ai đáp lại, chỉ có tiếng gió lao xao. Có ai đó đã nói tuổi học trò chình là gió, người ta không thể giữ mãi được gió..Biết là thế nhưng không hiểu sao lòng ta vẫn quặn đau: giá được học lại lần nữa tiết học cuối cùng, giá ta đừng buông tay bạn nhanh thế trong ngày chia tay, giá ta được rụt rè cất 3 tiếng “em thưa cô…” lần nữa, giá mà….Đã ba mùa phượng nở trôi qua kể từ ngày tôi rời xa mái trường THPT Nguyễn Huệ, nhưng ăn năn và hối hận là thứ không dễ quên đi. Những ngày tháng tập trung đội tuyển, học hành không chuyên tâm ra trường, tôi mới thật sự thấm thía những tổn thương mình để lại trong cô, cô chủ nhiêm của tôi. Nỗi buồn trong đáy mắt cô ngày ấy sao ta chẳng nhận ra? Sao chỉ nhận ra khi màu phượng đỏ đã bàng bạc sắc của kỷ niệm xa xôi? Vậy mới biết trong các nghề có lẽ nghề giáo là nghề dễ bị đau nhất. Người chấp nhận làm nghề giáo không chỉ trao trọn kiến thức của mình cho học trò mà nhiều lúc còn phải chấp nhận sự phũ phàng và lãng quên nghiệt ngã, người bị vết thương ấy lại không thể trách ai, có chăng là tự trở về với giọt nước mắt của mình mà thôi…

Khi tôi viết những dòng này chỉ còn ít ngày nữa trường THPT Nguyễn Huệ sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập, 30 năm với bao thăng trầm, với bao lứa học trò đến rồi đi. Ngày 13/11 tới sẽ là tết đoàn viên cho những đứa con xa quê về với gia đình mến thương của mình. Hồi hộp, bâng khuâng như cảm giác bút vở xênh xang, thơm mùi mực mới ngày khai giảng thủa nào. Lòng tự nhủ thầm: Ta sẽ về, về để gặp lại thầy cô, bạn bè, về để được chạm tay vào ký ức…lần nữa…

Leave a Reply