Nghị luận: Anh (chị) có suy nghĩ về nạn dịch HIV/AIDS ở nước ta hiện nay

Có thể nói, HIV-AIDS là một trong những mối hiểm họa lớn nhất trong lich sử
của nhân loại trong suốt 2 thế kỉ qua, là vấn đề nan giải, cấp bách và mang
tính toàn cầu. Việc ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh thế kỉ này luôn được xem là
mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới. Năm 2001, Trong
phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, qua “Bản thông điệp nhân ngày
phòng chống HIV/AIDS 1/12/2003”,Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Cô phi an nan
đã khẳng định phòng chống HIV/AIDS phải là mối quan tâm hàng đầu của
nhân loại và chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực của sự kì thị, phân biệt đối xử
đối với những nạn nhân của HIV. Ông cũng tha thiết kêu gọi các quốc gia và
toàn thể nhân dân thế giới “Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại
HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn.” Cho đến ngày nay, Thông điệp ấy vẫn có
sức tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân và toàn
xã hội trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỉ này.

Nạn dịch HIVAIDS ở nước ta

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu “HIV/AIDS là gì ?” AIDS là tên viết tắt của
Acquired Immune Deficiency Syndrome - hội chứng suy giãm miễn dịch mắc
phải. HIV là tên viết tắt của cụm từ Human Immunudeficiency Virus, chỉ loại
virus gây ra bệnh AIDS ở người. Nó có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch
và sức đề kháng của con người, vì vậy, người bệnh thường mắc phải những
triệu chứng như viêm da, tiêu chảy, đau mắt, lao phổi,... nhưng lại hoàn toàn
không có khả năng hồi phục, dẫn đến suy kiệt, rồi tử vong. Những con số
thống kê hàng năm về HIV-AIDS luôn khiến chúng ta phải giật mình, cho
chúng ta thấy được rằng : HIV/AIDS thực sự là mối hiểm họa của toàn nhân
loại. năm 2007, toàn thế giới đã có 36.1 triệu người nhiễm HIV/AIDS và 21.8
triệu người trong số đó đã tử vong. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương,
Con số này đã lên đến 5 triệu người. Riêng tại Việt Nam, hiện có hơn 133
nghìn người đang phải sống chung với căn bệnh này. Đáng buồn hơn, trên
78% số người bệnh đang trong độ tuổi từ 18 – 39. Trung bình mỗi ngày trôi
qua, trên thế giới lại có thêm 16 nghìn người nhiễm HIV/AIDS. Những con số
ấy cứ tăng dần theo thời gian một cách nhanh chóng đến kinh ngạc. Chúng đã
trở thành hồi chuông cảnh báo, là động lực thôi thúc tất cả chúng ta, từ cá
nhân đến cộng đồng, phải hành động để ngăn chặn và hạn chế những hậu
quả nghiêm trọng mà HIV-AIDS đã, đang và sẽ gây ra cho nhân loại. Để đạt
dược mục tiêu chung đó, chúng ta cần phải có sự cam kết , nguồn lực và
hành động. Nhân tố quyết định sự thành ,bại của công cuộc đẩy lùi đại dịch
này không ai khác ngoài chính chúng ta. Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều là đồng
loại, cùng chung sống dưới một bầu trời, hít thở chung một bầu không khí, sao
có thể vô tâm ngoảnh mặt,sống tách mình ra khỏi nỗi đau của hàng trăm triệu
con người đang đấu tranh từng ngày giành sự sống, trong cơn tuyệt vọng và
nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần?. Liệu chúng ta có quyền được dửng dưng,
thờ ơ, và chối bỏ trách nhiệm của bản thân trước những điều mắt thấy tai
nghe như thế? Không ! Lương tri không cho phép chúng ta làm điều đó. Bởi lẽ,
“Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ.” và “im
lặng đồng nghĩa với cái chết”.

Có khi nào bạn tự hỏi: “ Tại sao chúng ta chưa thể đẩy lùi đại dịch này ?”. Câu
trả lời là chính vì con người chúng ta quá ích kỉ và hèn nhát, không dám đối
diện với sự thật , luôn kì thị và hắt hủi những bệnh nhân HIV và vô tình đã đẩy
họ vào con đưởng tuyệt vọng không lối thoát. Người nhiễm HIV, cũng như
chúng ta, đều là những con người bằng xương bằng thịt, có những tình cảm,
cảm xúc rất “người”, khác chăng là họ chỉ kém may mắn hơn ta. Điều đó
không có nghĩa là họ không có quyền hòa nhập với cộng đồng. Hơn nữa,
những người không may nhiễm HIV lại là những người nhạy cảm hơn ai hết,
và việc bị xã hội kì thị, xa lánh sẽ dẫn đến những hệ lụy rất xấu đối với bản
thân người bệnh. Họ dễ mang tâm trạng chán chường, thù hận, oán trách
cuộc đời, sẽ có những hành động thiếu suy nghĩ và nguy hiểm cho mọi người
xung quanh. Mặt khác, một số người nhiễm bệnh lo sợ mình bị xa lánh, nên
giấu giếm bệnh, hoặc gia đình, làng, xã sợ bị mất danh dự, cũng che đậy sự
thật. Nếu im lặng, sẽ dẫn đến bệnh dễ lây lan hơn, ít có điều kiện chữa trị,
thành ra một bệnh dịch, đe dọa đến an toàn và sức khỏe của nhiều người
khác.

Nạn dịch HIVAIDS

Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định: HIV chỉ lây lan qua ba con
đường chính truyền máu không an toàn, quan hệ tình dục bừa bãi và lan
truyền từ mẹ sang con. Virus HIV hoàn toàn không lây truyền qua đường hô
hấp nhưng đại bộ phận người dân thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng
vẫn luôn có một khoảng cách nhất định với người nhiễm HIV. Ta không thể
mang trong mình suy nghĩ “họ mắc bệnh, ta không mắc bệnh, việc gì đến ta”
hay “họ mắc bệnh, phải tránh xa ”. Kẻ thù của chúng ta trong cuộc chiến
chống HIV ác liệt này không gì khác ngoài những suy nghĩ lệch lạc,ích kỷ và
thiếu trách nhiệm ấy. Sự im lặng,kì thị và phân biệt đối xử luôn là chướng ngại
lớn nhất. Sớm nhận thức được điều đó, Cô-phi-an-nan đã kêu gọi tất cả mọi
người “hãy cùng lên tiếng thật to và dõng dạc về HIV/AIDS”, “hãy cùng đánh
đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh
bệnh dịch này”. Đó chính là chìa khóa của vấn đề nan giải trên.

Thật vậy, HIV/AIDS đang tác động rất xấu đến đời sống của con người trên
thế giới. Một số lượng lớn về tiền bạc và vật chất đang được dành cho việc
chống lại HIV, trong khi lẽ ra số tiền đó phải được dùng để đầu tư vào giáo
dục và phát triển đất nước. Tất cả chúng ta, không riêng một ai, đều đang phải
cùng nhau gánh chịu những khó khăn ,thử thách ấy. Phòng chống HIV tử lâu
đã không còn là trách nhiệm riêng của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, mà nó
đã trở thành vấn đề sống còn của nhân loại.

Là học sinh, khi còn ngồi trên ghế nhà trường , bản thân em luôn tự nhận thức
rằng HIV/AIDS là một hiểm họa của loài người và kiên quyết nói không với ma
túy và chất kích thích . Đồng thời, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao
để nâng cao sức khỏe, tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao
nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Tất cả
chúng ta phải quyết tâm, đồng lòng và đoàn kết thật mạnh mẽ. Bệnh dịch dễ
lây lan chính là do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm, là do thái độ thiếu
kiên quyết trong phòng ngừa.Quan trong hơn cả, chúng ta phải lên tiếng
chống lại HIV. Bởi lẽ, như đã nói, trong cuộc chiến với AIDS, im lặng đồng
nghĩa với cái chết. Hãy mở rộng vòng tay đối với những bệnh nhân AIDS. Hãy
thắp lên trong họ một ngọn lửa tình người, một niềm tin vào tương lai tươi
sáng, mở ra trước mắt họ những cánh cửa cơ hội để sửa sai, làm lại từ đầu
và được cộng đồng chấp nhận. Hãy chung tay đánh đổ sự kì thị và vực dậy
những mảnh đời sai lầm, để mang lại cho những nạn nhân của HIV sự sẻ chia
và đồng cảm, để họ có thêm nghị lực vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời. Có
như vậy, những bệnh nhân HIV sẽ có điều kiện tiếp tục sống và đóng góp cho
xã hội. Đó là những hành động thiết thực và hữu ích nhất chúng ta có thể làm
được trong lúc này cho họ - những nạn nhân HIV.

Một lần nữa, xin mượn lời ông Cô-phi An-nan: “Tất cả - bạn, tôi và chúng ta -.
Hãy lên tiếng thật to và dõng dạc , đánh đổ thành lũy của sự im lặng , kì thị và
phân biệt đối xử đang vây quanh dịch bệnh này . Hãy mở ra những cánh cửa
mới , hãy cùng nắm tay nhau để đẩy lùi đại dịch này. Hãy giữ cho mình một
niềm tin mãnh liệt rằng: trong tương lai không xa, con người chúng ta sẽ tìm
ra thuốc chữa HIV/AIDS và vắc xin phòng ngừa căn bệnh thế kỉ này. Hãy luôn
vững tin vào một ngày mai tươi sáng cho những nạn nhân của HIV-AIDS.

Leave a Reply