Nghị luận văn học: Anh/ chị phân tích bài thơ vội vàng của tác giả Xuân Diệu

Xuân Diệu yêu đời, tha thiết với cuộc sống, muốn tận hưởng những giây phút của tuổi trẻ, của mùa xuân (mùa xuân của đất trời và mùa xuân của lòng người) nên thi sĩ “vội vàng”. Thái độ vội vàng này chắc chắn là có chịu ảnh hưởng của các nhà thơ lãng mạn phương Tây.

“Ôi đau đớn! Ôi đau đớn! Thời gian ăn cuộc đời”

(Oh douleur! Oh douleur! Le temps mange la vie)

(Bô-đơ-le)

Có điều là Xuân Diệu không truyền đến cho người đọc niềm đau đớn “trước sự vận động của thời gian như Bauxdelaire mà chỉ bộc lộ nỗi cuống quít vội vàng” trước “thời gian không đứng đợi”:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.”

Cho màu đừng nhạt mất

Xuân Diệu mê hoặc người đọc bằng cử-chỉ-thi-sĩ chứ không phải bằng thái độ ngông cuồng. Nhà thơ cảm nhận thời gian trôi đi bằng ánh sáng, màu sắc và hương thơm, khiến cho người đọc cảm nhận được niềm say mê yêu đời, lạc quan của nhà thơ chứ không phải nỗi tuyệt vọng.

Cũng chính nội lực mạnh mẽ đó đã phá vỡ hết những khuôn sáo ước lệ của “thơ cũ”, không còn đâu là số chữ, số câu, niêm luật nghiêm ngặt của câu thơ Đường ngự trị hàng ngàn năm trên thi đàn Việt Nam. Những hình ảnh, thanh âm của đời sống tràn vào thơ tự nhiên, dòng tâm tư tuôn chảy dào dạt, hồn nhiên như nhịp điệu của thời gian. Trẻ trung quá! Tươi thắm quá! Ngọt lành quá!

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si…”

Và trong khoảnh khắc xúc cảm cao độ, trong ánh chớp của trí tuệ, nhà thơ đã sáng tạo được một hình tượng thơ kỳ tuyệt:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Sự thèm khát đến vô biên của thi sĩ Xuân Diệu không chỉ là sự hưởng lạc mà còn hướng đến sự giao cảm với tuổi trẻ nên từ “Tôi” đã chuyển thành “Ta”. Sự biến hóa của đại từ ấy có lẽ là diễn ra trong vô thức:

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…”

Tôi muốn tắt nắng đi

Nét riêng của thơ Xuân Diệu đã trở thành phong cách là xúc cảm bằng cảm giác, nhà thơ đã huy động các giác quan mà tạo hóa đã ban cho để tận hưởng những giây phút kỳ diệu của đời sống. Chính những cảm giác lạ lùng của thi sĩ đã tạo ra sức hấp dẫn mê li của thơ Xuân Diệu. Thị giác thì nhạy cảm với màu sắc “này đây hoa của đồng nội xanh rì”, khứu giác thì “ngửi” được hương… thời gian “mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”, thính giác thì nghe được lời cây cỏ gió mây “con gió xinh thì thào trong lá biếc”, xúc giác thì trần tục đó rồi thánh thiện đó “Ta muốn ôm… Ta muốn riết mây đưa và gió lượn”, vị giác thì, hỡi ôi, mùa xuân cũng ngon như môi, như má thiếu nữ “hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”.

“Tôi rất sợ sự lạnh nhạt, sở dĩ tôi tha thiết như vậy, là muốn xứng đáng với lòng bạn thiết tha. Tôi gửi tâm hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng; những “Thơ thơ” cũng là những cái bỏng lưỡi hay những cơn buốt môi, vì đã uống tham lam vào suối của mặt trời, đã ăn hàm hồ vào trái của mùa xuân. Và khi nào người ta đã xua tay không còn khát thèm, là lúc người ta đã không còn vui sống nữa…” (Xuân Diệu).

Có lần đến thăm Xuân Diệu, tôi có hỏi nhà thơ “Nếu sau này (vì hồi đó thơ tình của Xuân Diệu hãy còn là trái cấm) thơ lãng mạn của anh được đưa vào sách giáo khoa thì anh ưa chọn bài nào?”. Xuân Diệu trả lời ngay: Bài “Vội vàng”. Hôm nay, bài thơ “Vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu đã được đưua vào sách giáo khoa văn học bậc phổ thông trung học, chắc nhà thơ đang “si tình đến ngất ngư” ở thế giới bên kia cũng cảm thấy êm ái nơi trái tim.

Leave a Reply