Nghị luận văn học: Cảm nhận của em về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Ý chính trong bài:

Khổ 1. Bắt đầu bằng một lờì trách: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Trách nhè nhẹ, sơ sơ, nói theo kiểu Huế "nghe dễ ghét" (tức dễ thương, đáng yêu). Trách có nghĩa là phải thân đến chừng mực nào mới dám trách. Trách mà ngụ ý mời mọc, tiếc rẻ. Diễn ra văn xuôi: lẽ ra anh phải về thăm chứ sao anh lại không về? Uổng lắm, tiếc lắm! Bởi đâu chỉ về thăm thôn này, còn về thăm em nữa chứ? Nhưng điều đó, cô gái dấu - ai lại nói thẳng ra, dị lắm! Cô gái nhờ cái nắng hàng cau: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Không phải về để nhìn em mà để nhìn nắng hàng cau, cái nắng mới lên buổi sớm mai - phơn phớt hồng trên tán lá xanh cao vút, từ xa đã đập vào mắt. Chẳng lẽ từ nét chân thực của cảnh vật ấy lại nghĩ đến cây kia thay người kiễng chân lên thật cao để đón lấy cái nhìn của người đến thăm, thay em để được đầu tiên đón lấy cái nhìn của anh. Tại sao lại chỉ cây cau được anh nhìn trước mà không phải là em? Trách như thế thì đòi hỏi như thế là phải quá! Còn như cho đó là "vật từ xa đã nhìn thấy trước", hoặc khen rằng sao nó "lại gợi lên một nỗi niềm làng mạc, quê hương đến thế" thì cũng chẳng ai cãi.

Đến đó là lời cô gái (cố nhiên tác giả nói thay). Tiếp theo lại không phải. Như trên kia đã khơi lên, mạch lôgích bị dứt. Có sự biến chuyển đột ngột như thói thường trong dòng cảm xúc của Hàn Mặc Tử. Để lập lại lôgích trong trình tự, người được trách, được mời khéo, được chờ đợi bỗng nhiên xuất hiện: về thăm thật. Trước hết thăm cảnh rồi thăm người. Chàng trai đi qua thôn và trầm trồ trước các cảnh vườn, đặc biệt dừng lại say mê trước một cảnh: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc! Hôm trước có mưa không thì không biết, nhưng lá cây đều láng mướt như vừa lau chùi, mơn mởn, mát rượi, và ánh nắng xuyên qua kẽ lá bật sáng lên tất cả, xanh và trong suốt như ngọc. Đẹp quá, đẹp bằng tươi, bằng trẻ, mướt rượt nói như người Huế. Vườn ai vậy? Chữ ai này, trong tiếng Việt của cha ông ta, nó kì lắm. Tư duy biện chứng nằm trong nó: nó vừa là nó vừa không phải nó. Vườn ai là vườn ai chả biết thật, nhưng cũng có thể là vườn của người mình thương, vườn cô gái! Vườn cô thì nhất định là mướt là ngọc rồi. Không vậy thì yêu làm gì? Chưa hết. Vườn ai không chỉ đẹp là đẹp cây mà còn có cái đáng đẹp hơn: đẹp người. Có con người mặt chữ điền ở đó nữa và Lá trúc che ngang mặt chữ điền Mặt trái xoan tiêu chuẩn đẹp ngoài Bắc.Khổ thơ này là vậy. Có kẻ trách người không về thăm thì liền có người về thăm. Kẻ trách gợi một tí xinh xinh, là lạ, mà thôn dã, quen thân. Người về thăm khen, say mê cảnh đẹp và người đẹp, cảnh đẹp màu, người đẹp nết. Một cuộc hội ngộ không nói ra mà vui thấm vào cảnh vật, nghe như có tiếng thì thầm của gặp gỡ, tươi vui.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Khổ 2. Phút vui không dài. Mà không một tiếp chuyển nào. Cái buồn tiếp theo ngay:

Gió theo lối gió... bắp lay

Bước ra sau vườn là mấy cây vả, một chòm bắp và dòng sông, có đến năm ba bậc cấp xuống sông. Bắp trổ cờ, lay lay trong gió nhẹ. Dòng nước sông Hương như không muốn trôi, lặng lẽ, im lìm, buồn thiu. Gió mây trên tầng không cũng mỗi bên mỗi đường, gió ở cây lá còn mây ở tận trời. Cảnh thật chứ? Đúng. Trên kia thật mà đây cũng thật. Tươi, ủ đều Huế cả. Vườn tươi sáng mai, sông ủ buổi chiều. Cái buồn phơn phớt, nhè nhẹ, thấm tận vào đáy lòng, cái nét "trầm tư không nơi nào có được" ấy là đặc trưng của Huế. Nhớ Quê mẹ, Tố Hữu nhớ cái không khí vô hình mà rất thấm ấy: Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng. Đây có gió thổi, mây bay, có hoa bắp lay mà nghe vắng lặng đến não người.

Nỗi buồn ấy trong cảnh có liên quan gì tới người không? Kẻ mời, người về, hai đàng lặng lẽ mà nên cảnh tươi vui. Nhưng ngăn cách nằm sâu trong sự thật, chẳng làm sao chung đời được. Ngẫu nhiên chăng hay dụng ý? Chuyện chung đôi chỉ là chuyện gió mây chia đường. Gió thổi mây bay thường là một chiều, đây lại đứt gãy: Gió theo lối gió, mây theo đuờng mây. Lại ngăn cách quyết liệt, gió đóng khung trong gió (hai chữ gió đóng hai đầu), mây cuộn trong mây (hai chữ mây cũng khép kín vòng lại). Số kiếp của cô gái và chàng trai này là vậy. Cho nên dòng nước cũng như buồn theo và hoa bắp cũng như vật vờ lay động như tựa mình lảo đảo bên cạnh dòng nước không nói không rằng.

Buồn đến thế ư? Có chút hi vọng nào chăng? Đến lúc chàng trai hỏi:

Thuyền ai đậu bến...tối nay

Câu thơ sáng hẳn lên. Từ ngày đến đêm và đêm trăng là một thứ nhảy vọt không gì báo trước. Tối nay lại là một sự đột ngột khác. Thuyền đậu thuyền đi trên sông Hương đêm trăng là bình thường. Thuyền chở trăng, chở cả tình cũng hình dung được. Nếu có một cuộc hẹn hò tối nay cần trăng cần thuyền thì thuyền về kịp cuộc hẹn sẽ vui, có rượu có trăng, có những người yêu nhau thì đẹp biết bao! Bù lại cảnh tượng ở hai câu trên là cách ngăn, buồn não trong lặng lẽ, đây là hi vọng của cuộc gặp gỡ hoà hợp mát lành trong lặng lẽ. Hi vọng mỏng manh như tờ giấy vì nó được đặt thành một nghi vấn, dù đã được chốt lại một cách xác định rõ ràng: kịp tối nay.

Buồn não đã liên quan tới hai người thì hi vọng này có dính dấp gì tới không? Thuyền ai là thuần tuý phiếm chỉ hay cũng như vườn ai bên trên là một chiế thuyền xác định, thuyền em? Hai ta mỗi người mỗi nảg đã đành. Như vậy thì buồn quá. Thuyền em đang đậu ở bến sông đầy trăng như đời em đang đầy xuân tươi, em có chở trăng về, chở tươi vui về bến anh cho tình đôi ta sáng lên đôi tí và anh được chút vui mát lành một tối là tối nay - nỗi ước mong thầm lặng mà tha thiết đến mức từ xa xôi trong thời gian vội hiện ngay vào hiện tại: tối nay. Tha thiết mà mỏng manh. Càng mỏng manh càng tha thiết. trái tim nó vậy nên nó mới khổ.

Bốn câu trước khổ này là vậy. Gió mây chia đường. bạn tình rẽ đôi. Buồn đến cả dòng sông, ngọn bắp. Buồn quá. Thuyền ai đó hay thuyền em mà sáng đầy trăng? Chở trăng về kịp tối nay ta gặp nhau đi em. Cho anh một chút hi vọng. Nhưng đó chỉ là ước mong, sáng lòng mà mờ ảo, mông lung.

Khổ 3.

Thuyền không chở trăng về kịp để ta có bạn tối nay. Sự đơn lẻ sâu thêm rồi. Bởi em đang mơ khách đường xa và khách đường xa lại đang ngày càng xa: Khách đường xa, khách đường xa xa mãi không bao giờ trở lại. Còn em? Bây giờ mới xuất hiện em, thì áo em trắng quá nhìn không ra. Trắng quá loá mắt? Mà áo em trắng hay tâm hồn em, con người em trắng? Mặt chữ điền mà khoác áo trắng thì hai lần rắng, trong ngoài đều trắng, loá mắt là phải. Hay em là trăng? Là ma? Em không phải là em? Bởi em tinh sạch quá, mà ah thì không với tới được? Em là thiên thân ở cõi nào, còn anh trời đày thân xác tàn rữa ở trần gian? Câu thơ trên đương còn là mơ, câu này đã bay vào ảo giác, một bước nhảy vọt rất Hàn Mặc Tử, không có ở đâu và không ai có...

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Có người bảo đó là do ám ảnh của chứng bệnh hiểm nghèo Tử mắc phải. Những cảm giác kì lạ đối với ánh trăng tràn ngâp trong thơ Tử, ai cũng biết. Nhưng không cứ đối với ánh trăng. Với màu trắng Tử cũng vậy. Tác phẩm văn xuôi Chơi giữa mùa trăng có đoạn: "Động là một thứ hòn non bằng cát trắng, trắng hơn da thịt của người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết trinh - một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má len để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát..." (Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học Hà Nội 1987 tr .118). Như vậy, màu trắng cũng tác động đặc biệt tới nhà thơ. Nhà thơ những muốn lăn lộn hoà tan mình trong đó, thì ở đây, áo trắng quá nhìn không ra cũng là chuyện thường... với người làm thơ. Người đọc có thể thấy làm lạ, nhưng với nhà thơ, đó là sự nhảy vọt từ cái thực qua cái trên thực, cái siêu thực.

Dù sao, lời thơ ở hai câu này sao mà nghe như có gì đứt đoạn, tắc nghẹn, hụt hẫng, chới với, mất thăng bằng. Bẽ bàng, tội nghiệp biết bao nơi lòng chàng trai! Lời trách đầy ân tình, dịu dàng đến nũng nịu trên kia đã dồn cái đằm thắm vào chữ anh: Sao anh không về... Thì bây giờ đến lượt chàng trai gọi đến con người có lời trách ấy, gọi đến em thì em mất hút trong màu trắng, nhìn không ra nữa! Còn có thể tỏ bày gì với em nữa! Em đã mất rồi. Mơ (Mơ khách đường xa...) đã quyến em đi, đã nhuộm áo em và áo em thành mơ, trắng xoá màu mơ,anh còn nhìn đâu ra nữa hở em? Trách móc mà làm chi em? Mời mọc mà làm chi em? Anh và em, hai chữ ấy lẽ ra là một, nay thì đã đứt hai vĩnh viễn rồi, em ơi!

Đâu còn nắng hàng cau, vườn mướt quá, đâu còn xanh như ngọc, mặt chữ điền! Cũng chẳng còn gió mây lặng lẽ, dòng nước buồn, hoa bắp lay, sông trăng và thuyền chở trăng... Xoá hết, bay hết. Ở đây chỉ còn sương khói che khuất bóng người: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Em cũng mờ mà anh cũng mờ tan, trong khói sương lạnh lẽo mù mịt. Còn lại may có chữ tình, nhưng ai có biết cho ai: Ai biết tình ai có đậm đà? Ai trước là người nào? Ai sau là người nào? Sau những gió lối gió, mây đường mây, có chở trăng về, những mơ khách đường xa, nhìn không ra thì ai trước phải là cô gái, còn ai sau là chàng trai. Có thể coi là câu trả lời cho câu trách ở đầu bài thơ: Sao anh không về ư? Có đấy chứ. Về bằng tưởng tượng, bằng hồi ức, lặng lẽ mà nhìn, mà say, mà buồn, mà trông mong, hi vọng, rồi thất vọng, bẽ bàng. Chỉ còn chắc chắn một điều, đó là tấm tình đậm đà mãi mãi của anh. Liệu em có biết cho? Sự thực ở tấm lòng là như vậy, nhưng lúc này, khi chẳng ai muốn mà mối tình đành chịu cho đứt gãy, quả không nên để lồ lộ anh và em đương đầu với đau thương. Phải để cho nỗi đau được hưởng một chút vuốt ve và em, anh tan vào cái khung hơi mơ hồ một chút nhưng gần gũi và ngọt ngào của chữ ai. Còn có đậm đà là đậm đà thật, hay có đậm đà không với câu hỏi nghi vấn đằng sau? Câu thơ chấm dứt lơ lửng. Và như thế là phải xét lại hai chữ ai, và xét lại tình. Đảo ngược lại, chữ ai trước là anh chữ ai sau là em. Về phía anh, anh tự biết tình vẫn đậm đà, nhưng em có biết cho thế không hay em vẫn còn tí hoài nghi. Em biết tình anh có đậm đà? Còn phía em, em trách em mong, anh tin em đậm đà, nhưng trải qua thực tế gió có lối gió, mây có đường mây, liệu tình em có đậm đà? Nghĩ vậy, anh xúc phạm em rồi nhưng cuộc đời cay đắng thì phải nhận nó đắng cay chứ biết sao?

Dù hiểu cách nào đi nữa, câu thơ vẫn có gì buồn buồn: sương khói mờ nhân ảnh đã là mù mịt mông lung, khuất lấp mất dạng, chữ có đậm đà lại gieo thêm một nỗi lửng lơ, nghi hoặc nên càng buồn.

Khổ 3 này chỉ tiếp nối và đi sâu vào mối tình, từ cái cách ngăn mây gió chia đường dấn sâu vào thành sự đứt gãy, từ cảnh tí tách như reo vui ở khổ một đi dần tới sự xoá nhoà tất cả vào mơ, vào sương khói ở khổ 3 để chấm dứt một mối tình hết sức thiết tha mà đành để nó biến mất hút vào mông lung, mờ mịt, chỉ còn chút dư vị đậm đà mà chưa dám biết có hay không ở người ta và cả ở mình trong lòng người ta. Tất cả đều đẹp như một ước mơ. Nhưng hãy xem. Từ đầu chí cuối bài thơ đều hằn lên một chữ không, nếu không thì một sự trống không, một sự nghi ngờ. Mở bài là Sao anh không về, tiếp theo là gió theo lối gió, mây đường mây để lại một khoảng trống không ở giữa. Rồi Có chở trăng về kịp tối nay là mở ra một lỗ hổng mênh mang như một hoài nghi không sao giải nổi. Đến Áo em trắng quá nhìn không ra là sự hụt hẫng xót xa, bàng hoàng. Và cuối cùng Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà thì người cũng xoá mờ mà tình cũng rơi vào nghi hoặc. Vậy thì biết bám víu vào đâu ? Những gì đẹp nhất, ước mơ tuyệt vời nhất đều tụt khỏi tay hết. Căn bệnh quái ác đã cắt ngang tất cả. Phải vậy chăng ? Ai cấm nhà thơ mang tất cả theo mình vào cõi bên kia ? Bài thơ bắt đầu bằng điệu vui, nếu không cũng là điệu tươi, nhưng kết thúc lại phơn phớt buồn như vừa nhỡ một cuộn hẹn hò. Cái buồn mới đến thế. Nó đang trong miếng đất của lãng mạn . Bài này và một số bài khác vốn đứng riêng và mang một ánh sáng riêng trong tập THƠ ĐIÊN.

Leave a Reply