Nghị luận văn học: Cảnh sắc thiên nhiên và tâm tình Hàn Mặc Tử trong bài: "Đây thôn Vĩ dạ" của Hàn Mặc Tử

Một văn hào nổi tiếng trên thế giới đã có một lời đầy triết lý, “muốn viết, phải biết mùi đau khổ”. Điều kiện ấy, mọi chúng ta đều biết, Hàn Mặc Tử có thừa. Nhà thơ của chúng ta đã trải qua quá nhiều đau khổ – trước hết cũng phải nói đến nỗi khổ chung của dân tộc thuở ấy đang còn là “vong quốc chi nô” mà Hàn là một con người có tâm hồn yêu nước ngay từ thuở còn là thiếu niên, mang trong mình cái “gien” chung của mọi con người Việt Nam, lại được sự bồi dưỡng ngay từ lúc mới bắt đầu biết suy nghĩ, nhờ nhà chí sĩ Phan Bội Châu mà Hàn có may mắn làm quen và có quan hệ thơ văn thuở Cụ là “Ông già Bến Ngự”. Nhưng điều đáng chú ý lại còn là nỗi đau khổ của riêng người: Hàn đã mắc phải một trong “tứ chứng nan y”, mà lại là thứ “nan y” nhất. Ác nghiệt hơn nữa là căn bệnh làm cho người bệnh không sống được trong cuộc sống bình thường. Là một thanh niên đang độ đắm say trong cuộc “sống xã hội” mà bị cách ly với xã hội, yêu quý gia đình vô vàn, nhất là mẹ, mà phải cách ly với gia đình, với mẹ, tha thiết yêu đương mà phải cách ly với con người, cả người yêu chung thủy suốt cả đời, dù Hàn bệnh tật… Đau xót nhất là đang tuổi xuân xanh tràn đầy sức sống, mà phải sống trong cái cảnh không biết sống chết ngày nào, thậm chí giờ phút nào, trong thân hình “tàn rữa” vì bệnh tật. Chung cuộc, một con người tài hoa, son trẻ, đang “độ xuân thì” mà phải lìa cõi đời khi mới hai mươi tám tuổi! Nói như Hoài Thanh “Tôi thường nghĩ đến cảnh người phải lấy bì thư và giấy nhật trình che mái nhà cho đỡ dột. Những bữa cơm đưa đến người thường không ăn nổi vì kham khổ quá. Chính cảnh cơ hàn và chứng bệnh kinh khủng ấy đã bắt người phải chịu bao nhiêu phũ phàng của số phận, bị đẩy riêng đến một nơi xa cuộc đời, xa hết thảy mọi người thân thiết. Bao nhiêu năm người bó tay nhìn thể phách và linh hồn của mình tan rã.”

Biết bao tiếng nấc thành ngâm muôn đời

Nhưng trong cái đau khổ riêng ấy, vượt qua tất cả các mức đau khổ của con người, Hàn vẫn ra sức phấn đấu để sống, sống mãnh liệt – Càng cảm thấy mình chết đến nơi, lại càng ra sức sống, càng sống một cái sống nồng cháy, nóng bỏng hơn, với hồn thơ của mình, với thơ của mình! Có thể nói là sống gấp bội lên trong tâm hồn trên cái thể xác đang chết dần mòn “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt cả Sự Sống” (Hàn Mặc Tử)

Và nói như A.Musset:

Tuyệt vời là khúc thương tâm

Biết bao tiếng nấc thành ngâm muôn đời

Trong đời, có những điều không giải tỏa được con người tìm đến thơ. Thơ đối với Hàn trong những khoảng khắc ấy đã trở thành một nhu cầu sống, một liều thuốc cứu tử, cho riêng Hàn, và có thể nói là cho cả loài người! Để loài người hiểu thấu nỗi khổ đau dằn vặt của người. Trong tình cảnh ấy những bài thơ, ý thơ của Hàn Mặc Tử những bài thơ mà tự Hàn, Hàn thích gọi là “thơ điên, thơ loạn”, thực ra không điên loạn chút nào- trái lại đó là những bài thơ, văn, thể hiện một sức sống phi thường, thể hiện một lòng ham sống vô biên, thể hiện một ước mơ rất chi là “con người”: ước mơ được sống khi ý thức được rằng mình sắp chết, đang chết. Hơn nữa vì ý thức được mình sắp chết cho nên phải “sống gấp”, sống bằng thơ…

“Thơ ra chưa khỏi bút

Giọt mực đã rụng rồi

Lòng tôi chưa kịp nói

Giấy đà toát mô hôi!”

Hoặc:

“Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man, chết điếng cả làn da”.

Tịnh Ngọc cho rằng “Bệnh hoạn và nghịch cảnh chỉ là những tác nhân duyên khởi đã bức bách thiên tài này sáng tác ra nhiều bài thơ kỳ lạ như những hạt cát khiến những con trai dưới biển sanh ra những hạt châu” . Thật vậy, Chế Lan Viên từng quả quyết rằng : “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kì này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử. Bên cạnh thơ điên, Hàn Mặc Tử còn có những vần thơ trữ tình rất dịu dàng và duyên dáng. Trong số đó có Đây thôn Vĩ Dạ”. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một điểm sáng “chói lòa, rực rỡ” của thơ Hàn.

Muốn giải mã bài thơ, ta cần nhớ về một câu chuyện:

Tiểu truyện kể lại rằng, trước đó, 1932, chàng 20 tuổi, nhà nghèo, làm ở sở đạc điền Quy Nhơn. Nàng mười tám, mười chín, gia đình khuê các, thân phụ là cấp trên của Hàn. Hai người có lúc cùng ở chung đường Khải Định. Tình thơ mộng, đơn phương của tuổi hoa niên. Chàng đã từng làm nhiều thơ ca ngợi:

Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá

Muốn ôm hồn cúc ở trong sương

Sau đó, 1934, chàng bỏ việc vào Sài Gòn viết văn làm báo, mang theo một mối tình đơn phương chưa lần bày tỏ. Khi sức khỏe suy yếu, có thể biết mình bị chứng nan y, 1936, Hàn về lại Quy Nhơn. Nàng rời Quy Nhơn theo gia đình về Huế. Tuy không gặp lại nhưng: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, – Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.” (Thế Lữ)

Rồi Hàn được gia đình đưa đi lánh bệnh ở nhiều nơi thuộc tỉnh Bình Định: Xóm Động, Xóm Tấn, Gò Bồi, Ghềnh Ráng, có nơi chỉ là túp lều chơi vơi, trống trải ngoài đồng hoang bãi vắng. Bệnh càng nặng, đau khổ càng chồng chất. “Những năm 1938-1939, nhất là năm 1939, anh đau dữ dội hơn hết. Tâm trạng anh biến đổi nhiều qua thơ anh. Giai đoạn này anh sống nửa mơ nửa thực, thường hay xuất thần không biết gì. (Theo hồi ký của Nguyễn Bá Tín). “Trong túp lều tranh xơ xác, dưới cây phượng vĩ tàn tạ, bên bờ biển hoang vắng mà hai trạng thái tâm hồn hoàn toàn khác biệt nhau tùy theo cảm hứng. Tâm trí anh từ ngày đau nặng, vẫn mơ ước thoát khỏi thân tàn ma dại, khỏi không gian và thời gian”, chàng nhận được bức bưu ảnh của người xưa: “thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và một bài khác nữa do Ngâm gửi về…”. (Kim Cúc)

Thơ ra chưa khỏi bút

Câu chuyện giúp ta hiểu thêm hoàn cảnh sáng tác, nhưng bài thơ không phải là minh họa cho tấm bưu ảnh. Điều đặc biệt là không khí trong sáng, dịu dàng của tác phẩm hoàn toàn tương phản với căn bệnh ngặt nghèo đang vào thời kỳ cuối của tác giả, lúc đó. Vậy thì, Vĩ Dạ kia vừa là một địa chỉ cụ thể, đồng thời cũng là một biến ảnh của cuộc đời “ngoài kia” mà Hàn luôn hướng tới. Theo nhiều tài liệu, Vĩ Dạ là một xóm làng trù mật, dòng họ nhà vua có nhiều gia đình ở đây. Người Huế hay gọi là phủ Tùng Thiện, phủ Tuy Lí của hai ông hoàng tước vương là Miên Thẩm, Miên Trinh có tiếng ở làng này. Vĩ Dạ khá tiêu biểu cho đất đế đô. Nó nằm sát bờ sông Hương, nhìn qua Cồn Tiên, cù lao giữa sông, cách có mấy con sào, từ đầu cầu Trường Tiền đi theo con đường xuống cửa Thuận chỉ mấy trăm thước. Vườn tược đúng là xanh mướt những thanh trà (một thứ bưởi rất ngon và rất thanh), những đào tiên (tức roi ở Bắc và mận ở Nam), những cam, chanh, quýt, và cau vút cao, tạo thế cân bằng hội hoạ cho bức tranh um tùm nơi mặt đất. Đặc biệt không vườn nào, dù nghèo nhất lại thiếu một mảnh cây kiểng (cây cảnh) trước sân, khách đến là thay chủ đón cười với khách trước khi khách được tiếp bằng hớp trà uống trong cái chung (cái chén) nhỏ xíu mà chủ nhân vừa chùi tro, lòng chung trắng muốt. Nhỏ nhẹ thanh trong, kín đáo, lịch sự từ giọng nói trở đi, từ cô hàng thanh trà đến các bậc cao sang… Đó là Huế, đó cũng là Vĩ Dạ….

“Đây thôn Vĩ Dạ” như một lời mời mọc, như một tiếng reo vui, cũng như một chút ngậm ngùi tiếc nuối, lẫn xót xa cho nghịch cảnh đời mình. Bài thơ gồm ba khổ, nhịp thơ chậm rãi, dìu dặt, hiu hắt, tô đậm thêm tâm trạng u hoài, nhớ tiếc, ngẩn ngơ với những kỉ niệm đẹp, buồn khó có đến hai lần trong cuộc đời tác giả và nỗi hoài nghi xa vời mà da diết. Và mỗi khổ được ví như một bài thơ tứ tuyệt vi diệu mà mỗi bài thơ đều mang sẵn trong nó những nét đẹp của một bức tranh toàn thiện toàn mỹ.

Bước vào khổ đầu tiên, có thể cảm nhận được bức tranh thôn Vĩ đẹp, thơ mộng cùng với những hi vọng và hạnh phúc của thi nhân. Mở đầu là một câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” rất có dụng ý và mang nhiều cách hiểu khác nhau, có thể là lời của cô gái thôn Vĩ mà tác giả tưởng tượng ra hay cũng có thể là lời chính tác giả tự hỏi mình, trách mình, là ước ao thầm kín được về thăm thôn Vĩ,…Nhưng dù là ai hay cách hiểu nào đi nữa thì câu hỏi mở đầu cũng vừa là lời trách móc nhẹ nhàng lại vừa là lời mời gọi thiết tha về với thôn Vĩ.

Vì sao lại vậy? Có lẽ vì thôn Vĩ và con người nơi đây đã để lại trong tâm trí nhà thơ rất nhiều kỉ niệm chăng? Thôn Vĩ nằm ngay bên bờ sông Hương nổi tiếng bởi những cây trái xanh tươi bốn mùa, những ngôi nhà duyên dáng, vườn tược, sông nước, mây trời và những cô thiếu nữ thơ mộng làm say đắm lòng người “Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn/ Biếc che cần trúc không buồn mà say” (Huế đa tình, Bich Khê). Vì vậy nên qua nét bút gợi tả, qua cái nhìn trong hồi tưởng và tưởng tượng từ những quan sát tinh tế, vẻ đẹp thôn Vĩ vào buổi sáng và con người nơi đây mới hiện lên tươi sáng, trong trẻo đến vậy. Đó là hình ảnh những hàng cau thẳng tắp vươn lên trong nắng mới. Điệp từ “nắng” đi liền với “hàng cau” và “mới lên” cho thấy vẻ riêng của nắng miền Trung, nắng Huế. Đó là ánh nắng đầu tiên của một ngày, mới mẻ, ấm áp. Nó không phải là nắng ban mai hay nắng mai như cách nói thông thường mà đó là nắng mới lên trong trẻo, tinh khiết. Hình ảnh thơ khiến ta bồi hồi nhớ đến “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng”. Rồi hình ảnh nắng hàng cau, nghe qua có vẻ rất lạ nhưng đi vào cắt nghĩa mới thấy hết được vẻ hay của ý thơ. Chúng ta đều biết, trong vườn, cau thường là cây cao nhất nên tất sẽ đón được ánh nắng sớm nhất. Vì thế, nắng hàng cau là thứ nắng thanh tân, tinh khôi, là nắng thiếu nữ. Khi ánh nắng chiếu vào thân cau, đổ xuống từng đốt cau rồi bỗng nhiên lan tỏa khắp khu vườn. Bởi vậy cho nên, cau được người ta ví như cây thước của thiên nhiên, được dựng sẵn trong vườn dùng để đo mực nắng. Tác giả Hồng Nguyên cũng đóng góp một hình ảnh góp phần làm giàu thêm vẻ đẹp của nắng hàng cau: “Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau”. Vì đó mà hình ảnh khu vườn trở nên xanh mướt, mướt và xanh không thể sánh với bất cứ hình ảnh nào ngoài màu xanh của sắc ngọc. So sánh xanh như ngọc làm hiện rõ vẻ quý phái, sang trọng của lá hoa trong vườn (“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”, Xuân Diệu). Mướt chứ không phải mượt. Đó là vẻ mượt mà, óng ả, đầy xuân sắc, màu xanh mỡ màng, tràn trề nhựa sống. Có thể nói sau một đêm được tắm gội bởi những giọt sương mát lành, sáng ra lại được đánh thức bởi những ánh nắng hồng ban mai cứ rót dần và lan tỏa khắp khu vườn thành một đảo ngọc. Câu thơ hay không chỉ hay ở những gì nó mang sẵn mà còn vì những gì nó có thể gợi ra để người đọc đồng sáng tạo. Nhà thơ Xuân Diệu đã không quá lời khi nhận xét về vườn Vĩ Dạ xinh xinh như “ bài thơ tứ tuyệt”.

Ẩn đằng sau bức tranh thôn Vĩ đẹp và trong trẻo ấy chính là hình ảnh con người . Cụ thể là hình ảnh khuôn mặt chữ điền. Đây là hình ảnh đã gậy nên nhiều tranh cãi cho người đọc. Có người cho rằng đó là khuôn mặt của cô gái thôn Vĩ, khuôn mặt của người ngay thẳng, phúc hậu theo quan niệm truyền thống. Người khác lại cho rằng đó là khuôn mặt của chàng trai thôn Vĩ. Rồi thì khuôn mặt của chính chủ thể trữ tình . Kẻ lại cho đó là khuôn của sổ hình vuông… Song, dù hiểu theo cách nào thì đó cũng là hình ảnh của con người và cuộc sống nơi thôn Vĩ. Cách miêu tả theo lối cách điệu hóa tức chỉ gợi lên vẻ đẹp của con người, không chỉ rõ cụ thể là ai càng làm cho bức tranh thôn Vĩ đẹp, tươi sáng, trong trẻo, gợi cảm và đầy sức sống hơn. Qua đó chúng ta thấy được thiên nhiên, con người hài hòa với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.

Như vậy, ở khổ thơ thứ nhất, mỗi câu là một chi tiết vườn. tất cả được hòa nhập và ánh lên một vẻ đẹp thanh tú. Cảnh sắc thôn Vĩ, vườn thôn Vĩ là của thế giới ngoài kia, vườn trần gian. Cảnh sắc ấy được nhìn qua lăng kính của mặc cảm chia lìa nên những vật tưởng như đơn sơ nhất cũng trở nên vô cùng lộng lẫy. Về với thôn Vĩ là việc bình thường với bao người, song đối với Hàn lại là một ước ao, ước ao quá tầm tay với. Hay có thể lấy lời của một nhà nghiên cứu phê bình nọ để kết lại cho khổ thơ đầu này, rằng: Khổ một chính là một ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như một lời mời mọc từ bên ngoài, nỗi hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng của khát khao rực rỡ.

Nếu ở khổ một là cảnh thôn Vĩ hiện lên đẹp, thơ mộng cùng với những hi vọng và hạnh phúc của thi nhân thì bước sang khổ hai, không gian được mở rộng ra ngoài khung cảnh của thôn Vĩ. Đó là trời, mây, sông nước xứ Huế. Và thời gian buổi sáng ban mai ở Vĩ Dạ đã chuyển vào ngày rồi sang đêm tối. Có lẽ, nét độc đáo trong nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử chính là ở sự đứt đoạn bên ngoài bố cục, cấu tứ nhưng vẫn chìm mạch cảm xúc thống nhất. Tâm trạng của thi nhân đang từ bồi hồi vui, mong đợi, ao ước bỗng chuyển sang buồn thiu như cách nói của tác giả “dòng nước buồn thiu”. Nguyễn Du rất đúng khi cho rằng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Cách ngắt nhịp 4/3 trong câu thơ “Gió theo lối gió, mây đường mây” với hai vế tiểu đối gợi tả một không gian gió, mây chia lìa, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Người ta nói “Thơ là sai ngữ pháp” quả không sai vì nó đã chấp nhận những cách nói vô lí của ngôn ngữ thơ và nhận ra cái hợp lí của người thơ ẩn trong “cái bề sau, bề sâu, bè xa” ( Chế Lan Viên). Theo lẽ thường thì gió thổi, mây bay, phải chăng mặc cảm chia lìa đã chia xa những thứ vốn không thể chia tách ấy?

Hình ảnh dòng nước đã được nhà thơ nhân hóa trở thành một sinh thể có tâm trạng nhằm giãi bày tâm tư của chính mình. Bởi dòng sông xứ Huế không thể tự buồn mà chính thi nhân đã bỏ buồn vào dòng sông ấy. Thêm vào đó là động thái “lay” của hoa bắp, nó càng gợi lên sự hiu hắt, thưa vắng vì bản thân nó làm sao có thể tự biết vui, biết buồn. Có chăng, nó chỉ là nét phụ họa với nỗi buồn của gió, mây, sông nước hay ngược lại? Ca dao có câu: “Ai về Giồng Dứa qua truông/ Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em?” hay câu thơ của Trúc Thông “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông thấy gió người không thấy về”. Chúng ta hãy làm một cuộc so sánh nhỏ về hai chữ trong thơ Nguyễn Du và thi sĩ Hàn. Nếu như chữ “hiu hiu” trong câu thơ “Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” là tín hiệu nhằm báo sự hiện hữu thì chữ “lay” trong câu thơ Hàn Mặc Tử là để tác giả kịp nhận ra sự phiêu tán, chia xa. Tất cả tạo nên nhịp thơ chậm rãi. Phải chăng, đấy chính là hồn Huế, nhịp điệu quen thuộc của xứ Huế ngàn đời nay? Thực là một bức tranh thiên nhiên toát lên vẻ ảm đạm, nhốm màu chia lìa, sự sống mệt mỏi và yếu ớt. Gắn với cảnh là một nỗi buồn hiu hắt mang dự cảm về hạnh phúc chia lìa. Đúng là “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”.

Khác với ban ngày, thiên nhiên xứ Huế về đêm ngập tràn ánh trăng “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”. Có phải chính cuộc sống trần giới với bao vẻ đẹp trong sáng ấy càng ngày càng tuột khỏi tầm tay nên thi sĩ mới quay về với trăng, nguồn an ủi, động viên, sự bám víu cuối cùng cho cuộc đời mình.

Tuyệt vời là khúc thương tâm

Hình ảnh sông trăng khiến người đọc có cảm tưởng như mình đang đứng trước dòng sông được dát bạc bởi sự lộng lẫy, lung linh của nó. Có thể nói, đây là một trong những câu thơ hay nhất của tác giả trong bài thơ này. Hình ảnh thuyền ai gợi lên bao ngỡ ngàng, bang khuâng, vừa quen, vừa lạ, man mác như điệu hò xứ Huế được đặt cùng với hình tượng sông trăng nên thơ càng nổi bật thần thái, vẻ đẹp thân thương của thiên nhiên Vĩ Dạ. Không phải đến Hàn Mặc Tử, hình ảnh sông trăng mới được ra đời, mà trước đó, thi ca cũng đã ghi nhận những ý thơ tuyệt mĩ về hình ảnh này. Đó là hình ảnh “Thuyền ai đậu bến Cô Tô” (Trương Kế đời Đường), “Sông xuân sao chẳng sáng ngời trăng” (Xuân giang hoa nguyệt dạ, Trương Nhược Hư), rồi thơ ca Việt Nam cũng có hình ảnh “gió trăng chứa một thuyền đầy” (Nguyễn Công Trứ) hay “Trăng sông Trà – như tấm gương soi dòng nước bạc” ( Cao Bá Quát). Cho nên, đây là một sự kế thừa, sáng tạo nhưng cũng là đóng góp mới mẻ vào kho tàng thơ ca viết về đề tài ‘trăng”.

Trong thơ từ xưa đến nay, các hình ảnh thuyền, bến, trăng thường được dùng để trỏ vể người con trai, con gái và hạnh phúc lứa đôi. Có thể dẫn ra rất nhiều những ví dụ để minh chứng cho điều này. Từ ca dao: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ tre non đủ lá đan sàng nên chăng?/ Chàng hỏi thì thiếp xin vâng/ Tre non đủ lá nên chăng hỡi chàng?”. Đến Truyện Kiều, thiên tài Nguyễn Du đã dành cho cặp tình nhân Kim – Kiều khu vườn ngập đầy ánh trăng để đêm giao ước, thề nguyền càng trở nên lung lình, tình tứ và lãng mạn hơn. Quay lại với ý thơ trên, hình ảnh con thuyền chở trăng là gì nếu không chính là chở tình yêu và bến sông trăng chính là đến với bến bờ hạnh phúc. Nhưng tại sao tác giải lại nói “Có chở trăng về kịp tối nay?” Có lí do nào khiến cho con thuyền không thể về kịp bến sông trăng ấy? Nếu khổ thơ thứ nhất là cảnh đẹp buổi sáng trong hoài niệm, trong khao khát trở về thì khổ hai là cảnh đẹp ban đêm của thôn Vĩ , nhưng ở đây đay đã chuyển sang thì hiện tại, nhuốm màu đau đớn bởi sự tuyệt vọng, chia lìa. Cho nên mới có cái ý nguyện níu kéo, khắc khoải chơi vơi. Phải chăng chỉ là sự tưởng tượng của nhà thơ bởi vì khát vọng, khát vọng yêu, khát vọng được hòa nhập và chiếm lĩnh tình yêu, cuộc sống của một cái tôi đau thương quá lớn? Kịp để sống chạy đua với thời gian. Kịp để được hưởng tối đa hạnh phúc nơi trần giới bởi đời quá ngắn và cái chết sẽ chờ đợi tất cả ở cuối con đường. Với Hàn Mặc Tử nó càng quan trọng hơn nữa bởi lưỡi hái tử thần đã kề cạnh sau lưng chàng. Người ta nói “Thơ là sự lên tiếng của thân phận’ hẳn không sai với Hàn chút nào. Như vậy, có thể nói sang khổ thơ thứ hai này một ước ao vô cùng khẩn thiết lại biến thành một hoài vọng chới với đến nghẹn ngào.

Bước sang khổ cuối, giọng thơ đã từ gấp gáp, khẩn khoản chuyển sang khắc khoải thông qua nhịp điệu câu thơ. Nếu khổ một là vười đẹp. Khổ hai là trăng đẹp thì đến khổ ba là hình bóng đẹp. Tất cả đều là những hình ảnh đẹp của thế giới ngoài tầm tay với riêng Hàn Mặc Tử. “Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra”. Ở đây, hình ảnh khách đường xa có thể là người đang sống ở Vĩ Dạ cũng có thể chính là nhà thơ. Sự cách trở xa xôi được thể hiện rõ thông qua điệp từ “khách đường xa ấy”. Rồi hình ảnh “áo em”? Ta dễ thường thấy trong thơ Hàn mặc Tử, hình bóng giai nhân bao giờ cũng là hiện thân sống động của vẻ đẹp trinh khiết xuân tình và gắn vào làm một với hình bóng họ là sắc áo trắng tinh khôi. Nhiều người chưa phân tích thấu đáo hay hiểu nôm na mà cho rằng “Áo em trắng quá nhìn không ra” là bởi lẫn vào sương khói. Nhưng thực ra, câu thơ là một tiếng kêu , một cách cực tả sắc trắng ở mức tuyệt đối, tuyệt cùng. Đến đây, mơ tưởng da diết, khắc khoải hơn hết vẫn là dành cho con người, vẫn hướng tới con người vì với tác giả, mất mát lớn nhất, niềm đau thương lớn nhất là phải chia lìa với người mình yêu, với thế giới ngoài kia vậy.

Đến đây, tác giả quay trở về với thực tại. Hình ảnh “sương khói mờ nhân ảnh” nhằm chỉ cho cảnh vật và con người hư ảo, xa xôi. Hiện thực hư ảo, mờ nhòe càng lúc càng chìm vào cõi mộng. giường như, tác giả càng cảm nhận rõ hơn cái xa xôi, hư ảo của hạnh phúc và tình yêu. Cuộc đời ngoài kia vẫn cứ diệu kì nhưng vẫn cách xa nghìn thế giới vời Hàn. Chỉ còn lại chút tình là sợi dây duy nhất níu giữ cuộc đời ông với Ngoài kia nhưng sao cũng mong manh, xa vời quá. “Ai biết tình ai có đậm đà?” …..Câu hỏi cuối cùng khép lại bài thơ như một tiếng thở dài hay là lời cầu mong? Hẳn là cả hai.

Như vậy, ba khổ thơ là ba bức tranh khác nhau. Cảnh từ tươi sáng, giàu sức sống đến ảm đạm, uể oải rồi sang hư ảo, mờ nhòe. Tâm trạng thi nhân đang từ hi vọng sang dự cảm chia lìa, thất vọng rồi tuyệt vọng. Các đại từ phiếm chỉ “ai” lặp lại đều đặn ở ba khổ: vườn ai, thuyền ai, ai biết tình ai kết hợp với sự lặp lại của các câu hỏi tu từ trong các khổ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”, “Có chở trăng về kịp tối nay?”, “Ai biết tình ai có đậm đà?” góp phần thể hiện sự mơ hồ, khắc khoải, khát khao tình yêu, hạnh phúc của chủ thể trữ tình. Có người cho rằng bài thơ là sự chắp nối vụng về, rời rạc giữa ba đoạn. Nhưng những bước nhảy về ý, ý nọ cách ý kia một khoảng lớn ấy chỉ là hình thức để bên trong để chuyển tải một sợi dây tư tưởng xuyên suốt toàn bài. Cho nên, khi tiếp cận thơ Hàn Mặc Tử, không nên đọc theo đề tài, sự việc mà phải tìm ra diễn biến tâm trạng của thi nhân, cái “mạng vi mạch” của ‘cơ thể” tác phẩm. Chu Văn Sơn đã từng bình thật hay: “Khép lại bài thơ, người đọc có thể thấy rõ mạch liên tưởng “cóc nhảy” đứt đoạn, bất định trong ba khổ thơ. Khổ đầu: một ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như một lời mời mọc từ bên ngoài, nỗi hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng sủa của khát khao rực rỡ. Khổ hai: một ước mong khẩn thiết dâng lên thoắt trở thành một hoài vọng chới với nghẹn ngào. Khổ ba: một niềm mong ngóng vừa ló dạng hướng ra thế giới bên ngoài đã vội biến thành mối hoài nghi hướng vào nơi đang tồn tại. Mối u hoài nối ba khổ thơ tách biệt ấy còn được thể hiện bằng một “sợi dây” liên kết khác nữa: Ba khổ thơ đều ngầm chứa ba câu hỏi với bốn chữ ai dãi đều trong lòng bài thơ (Vườn ai? Thuyền ai? Ai biết tình ai?) khiến chúng vang lên thành giọng điệu da diết khắc khoải. Vậy là, nếu lối liên tưởng “cóc nhảy” tạo ra một văn bản hình tượng đầu Ngô mình Sở, thì dòng lưu chuyển cảm xúc đau thương dưới dạng u hoài khắc khoải kia lại tạo ra một âm điệu nhất quán, liền mạch. Phi logic ở bề mặt, nguyên phiến, nguyên điệu ở bề sâu, đó chính là siêu logic, đây là nét thi pháp điển hình của “ Đây thôn Vĩ Dạ”.

“Đây thôn Vĩ Dạ” được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được viết theo thể cách, thành những khổ chỉnh tề, vuông vức. Mỗi khổ tựa một bài thơ tứ tuyệt nhỏ nhắn, xinh xinh. Toàn bài thơ là tình yêu thiết tha man mác đượm vẻ u buồn ẩn hiện giữa khung cảnh thiên nhiên hòa với lòng người, cái thực là cái mộng, huyền ảo và cụ thể hòa vào nhau. Phải bằng tri giác và trí tưởng tượng mới có thể cảm nhận hết được cái hay, đặc sắc của thi phẩm này.

Trần Tái Phùng đã không ngần ngại phô bày vẻ đẹp tuyệt mỹ của thơ ca Hàn Mặc Tử : “Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ chúng ta và hai bờ sông dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người”. Với “Đây thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử vẫn là một khúc sông thiêng lãng mạn đứng giữa dòng sông dài của thi ca Việt Nam. Vượt qua mọi định luật của sự băng hoại, bài thơ “vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế.” (Hoài Thanh)

Leave a Reply