Nghị luận văn học - Mùa xuân, cảm thức về thời gian trong thơ Thiền Lí Trần

Kể từ khi nhành mai tuệ giác của Mãn Giác Thiền sư nở trong tàn lụi của mùa xuân khách quan, người ta đã không ngừng suy ngẫm về nó, để rồi thấy rằng đó chính là sản phẩm của một trí huệ viên giác, của một bậc chân tu đắc đạo. Cả trong cuộc đời và trong nghệ thuật:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một nhánh mai)

(Cáo tật thị chúng)

Theo lẽ Thiền, vạn vật luôn biến đổi, chỉ có bản thể chân như là trường tồn, siêu việt trên những giá trị tương đối của không gian và thời gian. Mượn hình ảnh “hoa nở rồi tàn” của tự nhiên để nói lẽ “sinh sinh hóa hóa” của muôn loài, nhà sư vẫn đứng về phía con người để khẳng định sự bảo tồn chân tính. Bằng cớ là, ở đây, cái nảy nở, sinh thành đã lấn át cái tàn lụi, tuyệt diệt. Vượt khỏi vòng luân hồi pháp tướng, bông mai đã tự ở vào cõi vô sinh vô diệt, từ tiêu điều tàn tạ trở nên tươi tắn, lạc quan. Bông hoa mai ấy đã làm thành biểu tượng xuân đầy ám ảnh trong cảm thức về thời gian của Thiền sư về nhân thế.

Mùa xuân, cảm thức về thời gian trong thơ Thiền Lí Trần

Trên con đường dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi bể khổ, Thiền tông đặc biệt chú trọng việc đặt con người vào chính giữa sự tồn tại - vận động của thế giới. Mỗi người phải sửa sang (tu), chính đính bản thân mình, phải hànli động, làm việc hết mình (hành) để minh tâm - kiến tánh. Khi đã tự tại chân tâm thì mọi phiền não được gột sạch, chảy trôi vĩnh viễn trong dòng sinh thái vĩnh hằng khi ấy sẽ là “bông sen nở trong lò, tươi chẳng héo” (Liên phát lô trung thấp vị can - Viên Chiếu). Đó là cái nhìn mang tính triết học về một vấn đề mấu chốt nhất của loài người - vấn đề sinh tử. Theo Thiền tông thì sinh tử không phải là hai trạng thái đối lập. Sinh tử tiếp nối theo quy luật khách quan để làm thành cái gọi là sinh mạng. Các nhà sư luôn thấy, qua sự mất còn của hình tướng những gì không mất, những gì tồn tại mãi: đó là bản thể của sự vật. Cái nhìn mang hạt nhân biện chứng về thế giới và con người trên góp phần tạo nên một không khí lạc quan trong đời sống, để những lời kệ của Thiền sư luôn âm vọng một chất thơ rung động lòng người. Mắt Thiền nhìn xuân luôn ẩn náu ý nghĩa đa thanh ấy.

Xuân trong thơ Thiền là thời gian mùa xuân của sự vận động theo quy luật khách quan:

Xuân qua hoa thảy rụng

Xuân về đua sắc hương

Xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai - Cáo tật thị chúng - Mãn Giác Thiền sư). Cái đẹp của muôn hoa muôn loài được xác nhận, nhưng chỉ đẹp trong sự vận động đắp đổi để kiến tạo một cuộc sinh nở mới. Cũng cùng một quan niệm ấy, Thiền sư Viên Chiếu, khi một đệ tử hỏi “Phật và Thánh là thế nào?” đã gợi ý:

Trùng dương đến cúc vàng dưới dậu

Xuân ấm về oanh náu đầy cành

(Li hạ trùng dương cúc

Chi đầu thục khí oanh)

Phật, Thánh hay Đạo lại chính nằm trong nhận thức về quy luật tạo hóa, cái “bản ý” của đạo thuộc về biến đổi vô tình của thế giới:

Xuân dệt muôn hoa như gấm thều

Thu sang ngàn lá tựa vàng gieo

Xuân chức hoa như cẩm

Thu lai diệp tự hoàng)

(Tham đồ hiển quyết Viên Chiếu)

Từ đó, tâm hồn chay tịnh của Thiền sư đã thanh lọc vũ trụ, mang lại cho cuộc sống những cảm nhận mới lạ. Bằng cái nhìn chan hòa với tạo vật, ta khám phá thấy tâm pháp của tự nhiên.

Những câu thơ Thiền hết sức giản dị ấy đã thể hiện cái “đại giác” của nhà tu hành. Hiểu ngọn ngành lẽ đạo mầu nhiệm của tạo hóa là để nhìn vào nhân sinh, để có một thái độ sống tích cực nhất. Thiền sư Lý - Trần triết lí về cái hư vô nhưng không ghẻ lạnh với cuộc đời, mà luôn có ý thức nhập thế. Các vị chân tu đắc đạo thấy cái hữu hạn của kiếp người nhưng không vì thế mà phiền não, các ông chủ trương cùng con người chấp nhận quy luật để vượt lên nó. phải tiến đến vô ngã, vượt lên cái thường nhiên, để tự tại. Ai cũng biết đời người không vĩnh viễn, vậy buồn về điều đó để tự hủy hoại mình phỏng có ích chi? Vạn Hạnh Quốc sư nhìn thấy thế giới từ chính mình:

Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cuối xuân tươi, thu não nùng

(Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô)

và ông đã khuyên chúng sinh hãy chấp nhận và coi thường quy luật. Như thế sẽ không phải sợ hãi trước cái giả tướng của cuộc thịnh suy tạm thời:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Mặc cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi;

Thịnh hay suy cũng như sương trên đầu ngọn cỏ mà thôi).

Được như thế, chúng sinh sẽ tìm thấy phật tính ở nơi mình, cũng có nghĩa là tìm thấy mùa xuân vĩnh cửu trong nội tâm:

Khô mục phòng xuân hoa cạnh phát

Phong xuy thiên lí phức thần hương.

(Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân,

Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)

(Viên Chiếu - đã dẫn)

Xuân qua Xuân lại ngỡ xuân tàn

Ta lại thấy các Thiền sư đời Lí - Trần luôn có tư tưởng “hòa quan đồng trần”, đó là tinh thần phá chấp hay khai phóng mãnh liệt. Sự nghiệp gắn liền với đất nước, với dân tộc của những Vạn Hạnh, Khuông Việt, Trúc Lâm Trần Nhân Tông... là những bằng chứng thuyết phục. Các ông đã làm nên nhân cách của mình để ỏ' lại mãi với thời gian. Không sợ cuộc đời bể dâu nhưng phải biết sợ thời gian trôi đi vô ích thì mới bắt gặp bản chất nhân văn của đời sống. Phải làm được gì để làm nên những giá trị vĩnh cửu nơi mình. Hòa thượng Thích Phước An đã viết những dòng xúc động về Trần Thái Tông, người đưa đường để Trần Nhân Tông trở thành vị Trúc Lâm Đệ nhất tổ: “Õng muốn chuyển hóa ngay lập tức, phải đạt cho kì được cái thiên thu vĩnh cửu giữa lòng thời gian đau khổ này. Nếu không, con người vẫn luôn luôn là một người lang thang, đi mãi mà không tìm thấy được đường trở về...”. Trở về ấy là trở về với lẽ đạo trường tồn, trở về chân tính vĩnh cửu. Muôn thế, phải có tuệ giác để hành động:

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch

Nhất thanh để điểu hựu xuân tàn

Dịch:

Phải trái rụng theo hoa buổi sáng

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm

Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng

Xuân cỗi còn dư một tiếng chim

(Sơn phòng mạn hứng Đỗ Văn Hỉ dịch)

Khi đã vứt bỏ được lòng thị phi và ham muốn danh lợi hư ảo, cái tâm Thiền trở nên tuyệt đối. Tiếng chim dư âm lại giữa xuân tàn là một thắng thế, vượt khỏi băng hoại của thời gian. Đó là cái “nhân” tiếp tục tạo nên cuộc sinh nở vĩnh hằng.

Đâu đó có ý kiến cho rằng, xuân trong thơ Thiền đầy hương sắc. Tôi không nghĩ vậy, mặc dù xuân - chữ xuân - bao hàm ý nghĩa tổng hợp của không - thời gian. Bởi một lẽ đơn giản, Thiền sư không bao giờ chạy đuổi theo sự vật, theo thế giới của thực thể. Đâu đó có sắc vàng của hoa, sắc biếc của trúc, sắc trong - trắng của nguyệt - vân... có âm thanh của oanh hay tiếng nảy mầm của cành dương liễu... nhưng thế giới ấy không nằm trong lôgic tuyến tính của một trật tự miêu tả nào cả. Mọi âm thanh và hình sắc được lắng nghe bởi tâm thức Thiền cuối cùng đều dẫn tới chỗ ngưng lắng - vô ngôn - của đạo. Nơi đó, vầng trăng Lăng - già, cánh sen Bát - nhã, nước suối Ma-ha.. đều sáng cái sáng - trong cái trong của một sinh lực được tiềm ẩn từ bên trong. Đạo lúc này là vô ngôn, chỉ còn ẩn hiện một dòng sinh thái chảy trôi vĩnh viễn, cũng như:

Xuân qua Xuân lại ngỡ xuân tàn

Hoa dù rụng nở vẫn hoàn tiết xuân

(Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận

Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân)

(Vương Hải Thiềm - Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn)

Chữ xuân trong cụm từ chỉ thị xuân trên đã thoát xác khỏi khái niệm chỉ thời gian, nó là tính từ chỉ sức xuân, sắc xuân. Khi ấy, xuân đồng nghĩa với đạo, với mạch sống sinh linh.

Gắn với mạch sống hồn nhiên của văn hóa Việt, gắn bó với hào khí thời đại, thơ Thiền đã tạo thành một dòng mạch riêng trong văn học dân tộc. Làm nên điều đó bởi những vần thơ, lời kệ này có âm sắc riêng. Xuân - trong quan niệm về thế giới và nhân sinh của Thiền sư vừa mang ý nghĩa một triết lí uyên bác, vừa gợi ý những suy ngẫm đầy chất người, để hướng đến sự sống là một nốt luyến tạo nên âm sắc riêng ấy.

Leave a Reply