Nghị luận văn học - Nhân bàn về một nhân vật cổ tích

Có lẽ nhiều người giống tôi, thuở bé thường được người lớn kể cho nghe truyện cổ tích Tấm Cám. Đối với riêng tôi, câu chuyện này có ấn tượng sâu sắc không chỉ vì những phép màu biến hóa li kì hấp dẫn bảo vệ người lương thiện, mà còn vì vẻ đẹp thảo hiền, sáng trong, gần gũi, thôn dã của cô Tấm. Tôi đã gặp ở cuộc sông xung quanh mình biết bao nhiêu hình ảnh rực rỡ, lung linh, huyền ảo, bao nhiêu cô gái nghiêng nước nghiêng thành, nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh cô Tấm như những ngày còn thơ bé.

Nghị luận văn học - Nhân bàn về một nhân vật cổ tích

Sẽ chẳng có gì cần nói hơn nữa nếu như gần đây không có một số ý kiến khác nhau bàn luận về câu chuyện này, mà chủ yếu là đánh giá, lí giải về hành động của cô Tấm đối với mụ dì ghẻ và Cám ở đoạn kết. Là một độc giả rất chăm chú theo dõi tôi cảm thấy rằng những bài viết về Tấm Cám đăng ở tập 20 Văn học và tuổi trẻ hình như là những cái giật mình của các tác giả về giá trị của Tấm Cám nói chung và nhân vật cô Tấm nói riêng (!) Trong bài Cách ứng xử nghệ thuật của truyện cổ tích “Tấm Cám”, tác giả Bùi Văn Tiếng sau khi phân tích một loạt những hành động của Tấm, đã đi đến nhận định: “Thì ra, một người hiền dịu đến như Tấm vẫn có thể trở thành cực kì độc ác, vì thế, muôn tự hoàn thiện nhân cách, con người phải hết sức cảnh giác với nguy cơ tha hóa do những tác động của hoàn cảnh khách quan”, và “Có thể nói rằng, dường như tác giả Tấm Cám không đứng về mẹ con Cám đã đành, mà cũng không hẳn đứng về phía Tấm. Dường như người nghệ sĩ dân gian này chỉ muốn đứng về phía con người, và ông đã sáng tác thiên cổ tích Tấm Cám trứ danh kia theo những đòi hỏi bức thiết của một tinh thần nhân văn sâu sắc”, (tr. 27 - 28). Với ý đồ lí giải có tính chất thanh minh cho hành động cuối truyện của Tấm, tác giả Phan Thị Thanh Nhàn cho rằng việc Tấm giết Cám rồi sau đó giết mụ dì ghẻ (một cách gián tiếp) là hợp lí, và có như vậy mới trừ được cái ác đến tận gốc, người lương thiện như Tấm mới có cơ được hưởng hạnh phúc lâu bền (Về đoạn kết truyện Tấm Cám, tr. 31 - 32, VHVTT tập 20).

Tôi sẽ hoàn toàn đồng ý với hai cách nhận định nói trên nếu như cô Tấm không phải là nhân vật trong truyện cổ tích. Nhưng khi mỗi chúng ta đều biết rằng Tấm là nhân vật cổ tích thì cũng nên bàn lại vấn đề này.

Muốn hiểu được cái hùng vĩ của núi rừng, cái bao la của biển cả thì trước tiên phải tìm về cội nguồn sản sinh, hình thành của nó, rằng hành tinh này từ xa xưa đã vận động như thế nào. Cũng như vậy, muốn hiểu đúng về tác phẩm văn học, người cảm thụ phải biết được các quy luật phát sinh, tồn tại của nó. Cụ thể, các tác phẩm văn học trường tồn qua thời gian thì tự bản thân nó như là một sinh thể. Sự tồn tại hay quên lãng của nó trong lòng các thế hệ độc giả hoàn toàn không phụ thuộc vào một sự tác động của một cá nhân nào. Nói cách khác, mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể, một thế giới nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật này tồn tại một cách độc lập. ơ đó cũng có những chuẩn mực đạo đức, những thể chế chính trị, pháp luật những mối quan hệ người - người... Nghiên cứu phê bình các tác phẩm văn học thực sự là sự thâm nhập của người nghiên cứu, phê bình để khám phá ra các bí ẩn có giá trị nhân văn trong thế giới ấy.

thumb-truyen-co-tich

Đối với các tác phẩm là truyện cổ tích, mà cụ thể là truyện Tấm Cám cũng vậy. Muốn hiểu đúng nhân vật Tấm như vấn đề đã đặt ra, điều quan trọng phải thấy rằng Tấm là một nhân vật cổ tích, tồn tại trong thế giới nghệ thuật cổ tích. Cũng như muốn lí giải được mối quan hệ của Asin và Hécto trong anh hùng ca Iliát thì phải biết nhân vật trong thần thoại Hi Lạp là gì. Đó là, các nhân vật này trong cảm hứng ca ngợi của những người kể (hay hát) dân gian, đều có một vẻ đẹp riêng. Dường như không có sự thiên vị đối với nhân vật nào. Asin cũng đẹp và Hécto cũng oai hùng. Họ đều tiêu biểu cho sức mạnh của một cộng đồng. Bởi thế sẽ là hài hước đối với ai đi tìm nhân vật chính diện và phản diện ở các tác phẩm anh hùng ca này. Từ đó để thấy rằng mỗi một thể loại văn học, một giai đoạn, một xu hướng, trào lưu văn học đều có những đặc trưng của nó. Để thâm nhập bắt trúng được ý đồ nghệ thuật của một tác phẩm không có cách nào khác là phải nắm được các đặc trưng ấy. Trở lại vấn đề nhận định hành động thực hiện công lí xã hội ở cuôĩ truyện của nhân vật cô Tấm, phải thấy rằng giống như nhiều nhân vật trong các truyện cổ tích khác, nhân vật này cũng được sinh ra theo các nguyên tắc sáng tạo nhân vật cổ tích của trí tuệ dân gian. Nguyên tắc sáng tạo đó bắt nguồn từ đâu? Từ tâm tư, nguyện vọng, ước muốn về công bằng xã hội của nhân dân lao động qua số phận của các nhân vật. Nguyên tắc đó được thực hiện bằng phương thức sáng tạo nào? Bằng phương thức tạo ra các “nhân vật mặt nạ”. Các nhân vật mặt nạ hoàn toàn chưa có tính cách hay sự phát triển tính cách. Hành động của các nhân vật này hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của tác giả dân gian. Tác giả dân gian đã gửi gắm những ước muốn của mình về công bằng xã hội qua các nhân vật, và không bao giờ họ quan tâm (hay chưa có ý thức quan tâm) xem hành động của nhân vật đó có nhất quán hay không. Hành động của các nhân vật có thể như thế nào đi chăng nữa (bí ẩn, li kì, hoang đường,...) nhưng cuối cùng đều thể hiện được nguyện vọng của nhân dân lao động (kẻ ác phải bị trừng trị, người ăn ở lương thiện sẽ được hưởng hạnh phúc). Diễn ra như vậy, các “nhân vật mặt nạ” (như nhân vật Tấm) đã thỏa mãn các điều kiện các yếu tố để là một nhân vật cổ tích. Nếu tất cả chúng ta đều nghĩ rằng như thế là hợp lí thì xin đừng đặt ra vấn đề phân tích, nhận định về tínli cách của nhân vật cổ tích, xin đừng băn khoăn rằng hành động cuối truyện của Tấm có hợp với tính cách của Tấm không.

Từ đây tôi muốn nhắc lại một phương pháp tìm hiểu văn chương: hãy đặt nó vào đúng không gian, thời gian... và quan trọng nhất là các nguyên tắc nghệ thuật đã tạo nên nó.

Leave a Reply