Nghị luận văn học - Tiếng hát than thân của người con gái qua chùm ca dao “Thân em...”

Ca dao - nguồn sữa mẹ nuôi sống tâm hồn người dân Việt Nam - không chỉ chứa đựng những tình cảm yêu thương mà còn thể hiện sâu sắc nỗi đau thân phận của người dân trước xã hội phong kiến. Chủ thể trữ tình của ca dao khi cảm nghĩ về thân phận mình trong xã hội là thấy buồn, thấy tủi và tiếng hát cất lên thành tiếng hát thở than về mọi nỗi khổ đau... Cụm bài ca dao bắt đầu bằng “Thân em như...” hoặc “Mình em như.” là một ví dụ. Chúng cùng nói lên số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa đồng thời là tiếng hát than thân trách phận của những cô gái đang đứng trước ngưỡng cửa của hôn nhân gia đình. Có thể nói đây là “lời chung” của chính người con gái về “phận đàn bà” ở quãng đời đẹp đẽ và thường là ngắn ngủi của họ.

Trước hết, “thân em” được ví như một sinh vật sống tự do ở vùng sông nước:

Minh em như cá giữa rào (sông)

Kể chài người lái (lưới) biết vào tay ai?

Nghị luận văn học - Tiếng hát than thân của người con gái qua chùm ca dao Thân em

Hình ảnh con cá giữa sông thật thoải mái! Nó có thể tự do vùng vẫy, tự do hoạt động trong “giang san” của mình. Nó có quyền sống một cuộc sống vui tươi hạnh phúc lắm chứ? Có lẽ sự thật sẽ như vậy nếu không có câu thứ hai:

Kể chài người lái biết vào tay ai?

Thì ra con cá ấy không hoàn toàn thanh thản. Lúc nào nó cũng nơm nớp lo âu không biết sẽ bị mất tự do khi nào. Cũng cùng nội dung đó, câu ca dao:

Thân em như cá rô thìa

Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu.

Thể hiện cụ thể hon về nỗi lo của mình. Rõ ràng ở đây mạng lưới rình rập con cá cứ thít chặt dần. Dù ở sông hay đìa thì con cá cũng không được tự do, ở sông thì sợ mắc lưới, trong đìa lại sợ mắc câu. Số phận người con gái trong xã hội phong kiến cũng mong manh không khác gì con cá ấy. Họ được quyền sống đấy nhưng họ không được quyết định tương lai của mình. Vòng lễ giáo rườm rà cổ hủ với “tam tòng tứ đức”, với “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã ràng buộc họ. Lúc nào họ cũng lo sợ không biết rồi đây cuộc đời của họ sẽ tùy thuộc vào ai? “Kẻ thanh”, hay “người thô”? điều này cũng là ý tình của bài ca dao:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Hình ảnh “tấm lụa đào” gợi lên một ý niệm đẹp, đẹp từ chất liệu, dáng vẻ đến màu sắc. Lụa là thứ vải được dệt nên từ loại tơ tằm đẹp nhất, tốt nhất, bóng, sáng, mềm dịu nhất. Đã đẹp thế mà lụa còn có màu hoa đào nữa thì quý quá. Thế nhưng, tấm lụa quý ấy không được nâng niu cất vào rương mà lại bị đem ra giữa chợ rao bán. Nó phải “phất phơ” giữa chợ để thiên hạ nhìn ngắm, khen chê. Thân phận của người con gái cũng vậy. Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, người con gái không lo mình sẽ bị “ế”, sẽ bị trả giá “rẻ” mà chỉ sợ vì không biết ai sẽ là người quyết định quãng đời còn lại của mình. Cô gái ở đây là người có ý thức về hạnh phúc mai sau, biết lo xa một điều mà ở hoàn cảnh ấy chưa chắc đã có ai nghĩ tới. Nhưng dù biết lo xa, người con gái cũng không thoát được cái đáp số đã có từ bao đời, bởi:

Thân em như miếng cau khô

Kẻ thanh tham mỏng người thô tham dày.

Số phận của họ trong xã hội ấy chẳng khác gì một miếng cau khô đang bày ra trước mắt mọi người. Và trong cái cảnh “trăm người bán vạn người mua” với “chín người mười ý” ấy, phẩm chất của người con gái bị vắt nặn một cách tàn nhẫn. Kẻ chuộng “mỏng” người thích “dày”. Người con gái không thể giữ được cái “tôi” của chính mình. Hay nói đúng hơn càng lúc họ càng bị tha hóa dần đi và song song với sự tha hóa ấy là nỗi khổ đau ngày càng gần. Bởi lẽ đủ loại người trong xã hội thi nhau hành hạ, thi nhau đẩy cô vào bể khổ, không lối thoát, thật là xót xa nghẹn ngào cho “phận má hồng”.

Thế nhưng, nỗi đau của người phụ nữ vẫn còn đong đầy và nó tiếp tục cất lên với tiếng hát trầm buồn, cay đắng:

Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Lần này, hình ảnh so sánh là “giếng nước”, một hình ảnh vốn quen thuộc với làng xóm ngày xưa. Nhưng cái giếng ấy lại ở “giữa đàng”, ở cái nơi mà người qua kẻ lại như thoi. Và ai mà biết được trong số ấy ai là “kẻ thanh”, ai là “người thô”, nếu họ dùng nước giếng thì thái độ của họ cũng khác nhau, nếu không muốn nói là đối lập nhau. Người có lòng thanh nhã thì dùng nước rửa mặt, kẻ tầm thường lại ngang nhiên khoát nước rửa chân. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái “ý” của tác giả nói đến cái “tình” của mình. Đó là nỗi lo lắng cho tương lai khi cất bước theo chồng của người con gái. Bước vào hôn nhân, người con gái chỉ có hai con đường: Một là sung sướng hạnh phúc, hai là bị đôi xử vô cùng tàn nhẫn. Cách cư xử cùng nỗi khổ đau hay hạnh phúc của người phụ nữ trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng, giống như giá trị của “giếng giữa đàng” không phải do chất lượng nước mà là do thái độ của người dùng nước. Có lẽ cũng xuất phát từ thực tế đó mà người phụ nữ đã đau đớn thốt lên:

Em như cây quế giữa rừng

Thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay.

Người con gái ví mình như một cây quế mọc giữa rừng. Mặc dù quế quý, quế có vị thom cay đặc biệt, có mùi ngát lừng lôi cuốn nhưng thực tế lại chẳng ai đoái hoài đến nó. Người đời không nâng niu quế vì nó có hương vị đậm đà nhưng lại núp trong một vỏ bọc xấu xí như một loài thảo mộc tầm thường. Người ta không ngưỡng mộ quế bởi nó không có cái kiêu sa của hoa hồng, không có cái nên thơ của hoa cúc, cũng chẳng có cái e lệ rụt rè của hoa trinh nữ. Người con gái ở đây cũng vậy. Nàng - có lẽ là một cô thôn nữ - buồn vì không ai quan tâm đến mình. Mà nào phải nàng đã trái tính trái nết chi đâu! Nàng vẫn có tấm lòng thủy chung nhất mực, vẫn ý thức được tình yêu là duy nhất:

Thân em như tấm lụa đào

Dám đem xé lẻ vuông nào cho ai

Tấm lòng của nàng chưa chắc đã kém thua ai nhưng vì nàng quê mùa, nghèo khó nên chẳng ai thèm để ý đến nàng. Bài ca dao như ngân dài ra với nỗi buồn khôn tả bởi chẳng ai hay biết phẩm chất cao đẹp tiềm tàng trong người con gái nông thôn ấy.

Và phẩm chất của người con gái được làm sáng tỏ thêm:

Thân em như lá đài bi

Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương.

“Đài bi” là loại cây nhỏ, có lá lớn rất thơm, người ta dùng để tắm. Người con gái thật tinh tế khi so sánh phận mình với lá đài bi. Cô gái tuy mảnh dẻ nhưng lúc nào cũng muốn làm tròn bổn phận của mình. Cuộc đời của cô gái, đúng hơn là của người phụ nữ, thật vất vả. Họ quần quật với công việc từ sớm tới chiều, hết ngày tới đêm để mang lại niềm vui cho gia đình, cho chồng con. Bài này còn có một dị bản khác:

Thương em như lả đài bi

Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương.

Như vậy là chủ thể trữ tình đã thay đổi. Đây là lời bài hát của chàng trai ca ngợi người con gái. Tuy chủ thể lời bài hát của hai bài có khác nhau nhưng cái chung của nó vẫn là ca ngợi phẩm chất cần cù, “một nắng hai sương”, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, lời hát của người con gái còn ngân lên như một phép so sánh giữa hai số phận:

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Hình ảnh “hạt mưa sa” gợi lên một sắc thái riêng. Nào ai có thể đếm được có bao nhiêu hạt mưa từ trên trời rơi xuống trong một cơn mưa! Nhưng có một điều ai cũng chắc chắn là mọi hạt mưa đều nhỏ bé như nhau, chẳng có hạt nào hơn hạt nào cả. Vậy mà giữa cơn mưa đầy trời ấy lại có sự không giống nhau: hạt thì vào “đài cát” còn hạt lại ra “ruộng cày”. Giữa triệu triệu hạt mưa rơi xuống đất ấy, một số rất ít hạt được may mắn không rơi vào chỗ bùn lầy, không mất hút vào các luống cày vừa mới xói xong mà rơi vào chốn lầu son gác tía. Bức tranh sinh động này gợi cho ta về hai số phận mà người con gái có thể rơi vào: hạnh phúc sung sướng và cay đắng cực nhục. Tuy nhiên trong xã hội phong kiến ngày xưa thì những “hạt mưa” được vào nơi đài các chỉ là thiểu số. Bức tranh cuộc đời thật đáng để ta suy gẫm.

người con gái qua chùm ca dao Thân em

Có lời hát lại cất lên như trách móc:

Em như quả bí trên cây

Đang tay mẹ ngắt những ngày còn non

Dường như đây là lời ca cô gái trách mẹ mình sao nỡ vội gán ép mình vào cuộc sống gia đình vướng bận với chồng con khi mình còn quá nhỏ. Mẹ gả cô là đã đành lòng “ngắt” cô khỏi cuộc sống vui tươi hồn nhiên và gián tiếp làm cho sức thanh xuân trong cô ngày một héo hon đi. Cô nuối tiếc khoảng đời ngây thơ của mình, tiếc nuối cái vô tư mà có lẽ suốt đời không bao giờ cô còn gặp lại nữa. Cũng có thể sự gán ép ấy làm cô tủi buồn vì cô phải:

Cùng đường dù tính chữ tòng

Biết người biết mặt biết lòng làm sao?

(Nguyễn Du)

Cô lấy chồng vì chữ “hiếu” chứ không phải chữ “tình”. Bởi vậy, cô không hiểu về người chồng tương lai của mình và cô càng không được nếm hương vị ngọt ngào của tình yêu, của:

Cải phút ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên

(Thế Lữ)

Rồi đây cái tất bật với gia đình mới, cái bận rộn với con cái sẽ dần dần cướp đi những gì tươi đẹp nhất mà cô đang có. Bao nhiêu hồn nhiên vô tư của thời con gái ngọc ngà sẽ lùi vào quá khứ và thay vào đó là những nếp nhăn ngày càng nhiều trên gương mặt như chứng cứ của những cay đắng thâm trầm. Tuy nhiên, nguyên nhân làm cho cô đau khổ chưa hẳn là chỉ có mẹ cô. Có lẽ sẽ dễ hiểu hơn nếu ta liên hệ đến bài ca dao:

Đôi ta làm bạn thong dong

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng

Bởi chưng bác mẹ nói ngang

Để cho đũa ngọc mâm vàng xa nhau

Đôi trái gái này thật “xứng lừa vừa đôi” nhưng họ cũng phải xa nhau bởi "Bác mẹ”. Thật ra ở hai bài ca dao này “bác mẹ” hay “mẹ” cũng chỉ là sự định hình của xã hội khắt khe, của những phong tục cổ hủ nặng nề. Nó đã tước đoạt mất quyền tự do lựa chọn, tự do quyết định hạnh phúc của con người - mà nhất là người con gái. Có lẽ đây là nguồn gốc xuất phát mọi nỗi khổ đau mà người phụ nữ Việt Nam xưa phải chịu đựng.

Từ những lời hát thở than ấy, ca dao đã kết luận về người con gái:

Em như con hạc đầu đỉnh

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Hình ảnh so sánh ở đây thật sắc sảo. “Con hạc đầu đình” vốn không phải là một sinh vật mà chỉ là một bức tượng được đắp bằng vôi vữa đặt trước đình chùa. Con hạc ấy không thể bay được. Thế nhưng người phụ nữ nhìn vào thân phận mình, nhìn vào cái vòng tù túng do xã hội phong kiến vạch ra cho mình, họ bỗng gán cho con hạc cái ý “muốn bay” để rồi tự mình kết luận “không cất nổi mình mà bay”. Sự tương phản giữa ý muốn chủ quan với thực tế khách quan thật rõ rệt làm bật lên niềm khát khao và một nỗi bất bình, bức bối không lối thoát.

Tóm lại, các bài ca dao trên đều là những tiếng than dài, làm nên một chuỗi tiếng than đau đớn, buồn bã. Mở đầu bằng cách so sánh chính bản thân mình nhưng mỗi bài đều khác nhau ở hình ảnh so sánh. Vì thế, mặc dù các bài ca dao trên đều nói về nỗi khổ riêng và chung của người con gái trong xã hội phong kiến nhưng mỗi bài đều có sắc thái riêng, tạo cho người đọc hứng thú riêng. Đồng thời những bài ca dao đó cho ta biết một thực trạng của chế độ phong kiến: quyền sống của người phụ nữ - mà trước hết là quyền quyết định của đời mình - hoàn toàn bị phủ nhận. Đó chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, mọi cảnh trái ngang mà người phụ nữ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời dằng dặc của mình.

Qua những bài ca dao tiêu biểu trên, ta thấy ca dao thật là thú vị, đúng là sản phẩm tài năng và tâm hồn phong phú của quần chúng nhân dân. Nó giúp ta nhìn về quá khứ để so sánh với hiện tại, để thấy được giá trị của quyền bình đẳng nam - nữ và xã hội công bằng mà ta đã đạt được hôm nay.

Leave a Reply